Thứ Sáu, 26 tháng 12, 2014

Ông khó ưa. Bà khó chịu

Bước vào tuổi thất thập cổ lai hy…
Người đời thường hay trách móc là mấy ông già bà cả sao khó tánh, khó chịu quá.


* * *
Về già thì tánh tình hay thay đổi bất thường làm cho con cháu và những người xung quanh (cũng như vợ chồng đối với nhau) bực mình, khó chịu, khó ưa, khó hiểu, và khó quản lý được.
Đó là chưa nói đến vấn đề khoảng cách thế hệ (generation gap) giữa ông bà cha mẹ và tầng lớp con cháu ngày nay.
Thật vậy, đôi khi chúng ta bực mình, khó chịu khi thấy sự lẩm cẩm của các cụ khác mà quên đi mình cũng chẳng có khác gì họ đâu.




Claudine Badey – Rodriguez, một nhà tâm lý học đồng thời bà cũng là một nhà lão học (gérontologue) làm việc tại Tp Nice (Pháp) đã giải thích vấn nạn nầy qua tác phẩm của bà.

Tóm lược của tác giả Claudine Badey-Rodriguez: 


 Thời gian nghỉ hưu, tuổi già đôi lúc kéo theo sự buông xuôi, khép kín mình, quạu quọ và hung dữ nơi các bậc cha mẹ.
Làm thế nào để hỗ trợ các cụ một cách êm ái trong giai đoạn khó khăn nầy. Đây là thời điểm mà vai trò của mỗi thành viên trong gia đình cần phải được duyệt xét lại.
Làm sao có thể xác định được chỗ đứng thích hợp của mình để cho sự hy sinh không trở nên vô ích và đồng thời mình cũng không bị mặc cảm tội lỗi thái quá?
Tác phẩm vạch ra những phương thức giúp chúng ta hiểu được phần nào các phản ứng ở các bậc cha mẹ nhờ đó chúng ta có thể đáp ứng được một cách thích hợp vào mọi hoàn cảnh để các cụ không buồn lòng.


 Sau đây là nỗi khổ tâm của con cháu trong nhà
– Ổng chỉ có nói chuyện về ổng mà thôi, chán ghê.
– Bả hay bắt chẹt mình thường xuyên, làm chantage mình về đủ thứ chuyện, coi có tức không
– Ổng hổng chịu vô ở trong nhà già cho rồi để mình đỡ khổ (Vô trong đó buồn thấy mồ)
– Bả chỉ trích, phê phán, và làm “com măn te” mình tối ngày, bực mình bà già ghê.
– Mình bị ông già “ăn tươi nuốt sống” hoàn toàn. Chuyện gì ổng cũng áp đặt mình một cách độc đoán và độc tài. (Tao là cha mầy, tao đẻ mầy ra chớ hổng phải mầy đẻ tao đâu)
– Bả gọi phone hành hạ (harceler) mình liên tục. (Cha mẹ già, tinh thần bất ổn, không an tâm, hay mau quên nên, mất tự tin, lẩm cẩm nên có tật hay gọi phone cho con cái về những chuyện gì đâu không!)
– Ổng đổ tội bị mình bỏ rơi. (oan quá!)
– Bả không còn màng đi ra khỏi nhà nữa. (Có vui gì đâu mà đi ra đường)
– Ổng nói ổng muốn được chết phức đi cho rồi. (Dạ tía đừng nôn nóng, chắc cũng không còn bao lâu đâu. Bảo hiểm nhân thọ, di chúc để đâu vậy tía?)


Tác giả Claudine Badey–Rodriguez trả lời
Hỏi: Tánh tình thường hay thay đổi theo tuổi tác cao?
Trả lời: Thật sự ra chính mối giao tiếp (communications) với người già trở nên khó khăn hơn là tánh tình của họ có vấn đề. Đúng vậy, có một lúc nào đó, hoàn cảnh họ có thể bị thay đổi vì sự ra đi của người phối ngẫu, vì bệnh tật, vì khuyết tật handicap, và vì phải nhờ cậy, lệ thuộc vào người khác (dépendance). Khung cảnh gia đình thường hay bị xáo lộn lúc về già, lúc tuổi cao thêm cho dù có hay không có sự lệ thuộc vào người khác.


Hỏi: Không phải chỉ riêng có hoàn cảnh bị thay đổi mà thôi, nhưng người ta còn nhận thấy tánh tình của người già cũng có phần trở nên khó khăn hơn, vậy mình phải làm sao đây?
Trả lời: Người ta lầm tưởng rằng tánh tình thay đổi theo tuổi tác, nhưng thật ra có một sự vững bền trong đường nét chính của tánh tình trong suốt cuộc đời. Khi đề cập đến vấn đề tánh tình trở nên khó khăn, đó là ám chỉ trường hợp hung tính (agressivité). Chúng ta nên cố tìm hiểu xem coi chuyện gì đã xảy ra cho cụ. Có thể có nhiều giả thuyết:




- Thứ nhứt: đó là cụ nầy từ trước giờ có tánh hay đòi hỏi, độc đoán, yêu sách, và các tánh nết nầy càng trở nên đâm nét, vững chắc thêm hơn theo thời gian, nhưng đó vẫn là tánh tình cố hữu của cụ từ trước tới giờ.
- Thứ nhì: Có thể cụ đang có vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nào đó, chẳng hạn như bệnh lú lẫn Alzheimer hay một căn bệnh đồng loại nào đó.
– Chúng ta cũng có thề đối mặt với một người đang phải chịu đựng một sự đớn đau vô ngần nào đó cho nên tánh hiền như cục bột của cụ ngày xưa đã bị thay đổi. Sự đớn đau có thể liên quan đến bệnh tật, đến sự lệ thuộc, do sự mất khả năng tự lập (baisse d autonome) hay do tuổi tác quá cao.
Trong hoàn cảnh nầy chúng ta cũng cần nên nghĩ tới vấn đề trầm cảm nếu tánh khó của cụ có kèm theo các dấu hiệu như việc khép mình (repli sur soi), buồn bã, không màng đến bất cứ một việc gì cả (désintérêt), giảm hoạt động không phải vì khó khăn thể xác hay vì mất năng lực. Trường hợp nầy cụ cần nên đi khám bác sĩ chuyên môn.


Hỏi: Nhưng tại sao người ta trở nên khó tánh hơn khi về già? Nói tóm lại, người ta có thể bị trầm cãm hồi còn trẻ, trải qua nhiều giai đoạn khổ đau, bệnh nặng…
Trả lời: Vâng, nhưng điểm quan trọng của tuổi tác cao là việc tất cả mọi người đều biết là không còn bao nhiêu thời gian nữa… Tâm trạng nầy làm khơi dậy những ân oán cũ, những chuyện xưa đồng thời cũng làm sống lại chuyện gia đình.
* Về phía cha mẹ, tuổi già làm sống lại nỗi lo sợ mình bị con cháu cũng như thân nhân bỏ rơi. Phản ứng của các cụ là hay thường xuyên bắt chẹt tình cảm (chantage affectif) nhằm mục đích làm cho bọn trẻ phải mang mặc cảm tội lỗi qua những lời nhận xét chua chát và mỉa mai chẳng hạn như: “mình lúc nào cũng chỉ có một mình” “Ah, cái điện thoại là không phải món sở trường của tụi bây (ý trách móc bọn nhỏ không còn màng đến việc gọi phone thăm hỏi ông bà cha mẹ già).
* Về phía con cái, khi còn thời gian, người ta cố gắng để đòi cho được những gì họ chưa từng bao giờ nhận được từ cha mẹ. Thí dụ, tôi (bà Claudine Rodriguez) nghĩ đến một bà mẹ chưa từng bao giờ nói ra lời yêu thương đối với người con gái của bà ta. Bởi lẽ nấy, cô con gái cảm thấy cô ta cần săn sóc bà mẹ nhiều hơn để mong được nghe lời nói yêu thuơng trước khi đã quá trễ.
Ngoài ra cũng cần phải nói đến những xung đột, tranh chấp ngầm trong nội bộ anh chị em với nhau. Nếu tôi (Anh chị em) có cảm tưởng đã bị hất hũi, thiệt thòi lúc xưa về mặt tình cảm yêu thương từ cha mẹ thì lúc này mình cần phải cố gắng để có được nhiều tình yêu hơn các anh chị. Yêu sách về tiền bạc thường được xem như một sự tìm kiếm tình thương và sự biết ơn.
Lúc nầy là lúc căng thẳng thường hay xảy ra, vì tất cả con cháu trong gia đình có thể nghĩ rằng họ là nạn nhân đã bị thương tổn và thiệt thòi nhiều về về mặt tình thần, cho dù dưới những hình thức khác nhau.


Mười tánh xấu của cha mẹ già
Phỏng theo tác phẩm Mario Sollito – How to handle an elderly parent’s bad behavior


“Mẹ tôi làm tôi điên lên” là nỗi lòng thường được nghe con cái than phiền lúc săn sóc cha mẹ già.

1- Điên tiết, tức giận, la hét (rage, anger, yelling)
– Khó chịu, điên tiết lên và không còn nhẫn nại, đòi hỏi những việc không thể thỏa mãn được.
Bệnh lú lẫn (Alzheimer’s) và chứng mất trí (dementia) có thể biểu lộ ra các triệu chứng như trên.

2- Lạm dụng (abuse)
Lạm dụng, hạch sách, dầy xéo tinh thần và tình cảm của con cháu hay của người có nhiệm vụ chăm sóc cụ.

3- Không siêng năng tắm rửa (not showering)
Có thể đang trong tình trạng bị trầm cảm, không thể tự mình kiểm soát cuộc sống được như thay quần áo, tắm rửa, săn sóc thân thể

4- Chửi thề, nói lời thô lỗ hoặc phê phán không đúng chỗ. (swearing, offensive language and inappropiate comments)
5- Hoang tưởng và ảo giác (paranoia, hallucinations)
Nghi người nhà ăn cấp tiền bạc, thấy những người không có mặt, và có cảm tưởng có người muốn giết cụ.

6- Ám ảnh lạ kỳ (strange obsessions).
Lúc nào cũng nghĩ tưởng đến việc thuốc men, bệnh tưởng (hypochondria)

7- Cất giữ đồ vật không cần thiết (hoarding)
Chẳng hạn như báo cũ.

8- Không muốn được săn sóc bởi người lạ (Refusing to let outsider caregivers into their house)
Cụ có cảm tưởng là con cháu trong nhà không còn muốn hay không thể nào chăm sóc cụ được nữa vì tình trạng của cụ quá bi đát và quá chuyên môn nên cần phải mướn người ngoài.

9- Phung phí quá lố (over spending) hoặc tiết kiệm, hà tiện quá cở (extreme frugalness)
Cụ cảm thấy sụớng, thấy mình ở thế mạnh (powerful)?

10- Lúc nào cụ cũng muốn phải có người hầu hạ, săn sóc túc trực bên cạnh để lo cho cụ (wants all the caregiver’s time & attention).

Còn vợ chồng già đối xử với với nhau ra sao?

Vợ chồng ở với nhau lâu ngày thì “thỉnh thoảng” cũng phải cãi lộn nhau chút chút. Đó là chuyện rất ư là bình thường. Cãi nhau cho vui cửa vui nhà vậy mà.
Người nầy muốn người kia phải giống mình trong mọi việc, bằng cách cố giành lấy phần chỉ huy, phần ưu thế, phần phải v.v… đối với người kia và đây cũng là một bản năng rất thường tình trong thế giới của loài vật.
Bà phải nói lớn ra ngoài những gì chất chứa âm ỉ trong lòng và để được giải tỏa cơn bực bội đó. Bà không cần tìm nghe giải pháp của Ông đưa ra đâu. Các Ông đừng có dại mà phân trần và đề nghị giải pháp cho vấn đề nào đó nếu có.
Ngược lại với các bà, lúc các ông im lặng là lúc các ông đang suy nghĩ dữ dội lắm những điều mình muốn nói ra.


Cảnh quen thuộc của vợ chồng già

Vợ chồng càng khắc khẩu càng sống dai:
Cãi lộn sống lâu! (Sách Mỹ nói)
Cãi lộn thường xuyên, để xả bớt xú bắp rất tốt cho sức khỏe tâm thần. Các anh các chị sẽ sống rất lâu để cãi cho tới ngày xuống lỗ!
Vậy khắc khẩu đâu phải hoàn toàn là xấu đâu.
(theo Spouses who fight live longer! Journal of family communication).


Đàn bà sống dai hơn đàn ông!

Lỡ vợ chết trước thì một thời gian ngắn sau ông chồng già cũng thăng theo.
Phỏng theo: Hannah Furness- Men more likely to die after losing their wife, but women carry on as normal
Khảo cứu của Gs Javier Espinosa (Rochester Institute of Technology in America) cho biết là ông chồng quá lệ thuộc vào bà vợ về tình cảm, tinh thần và về thể xác. Vợ (VN) được xem như là người chăm sóc chồng (caregiver). Trăm việc nhỏ lớn đều do một tay vợ già quán xuyến, lo hết và nắm hết. Từ việc con cái, nhà cửa ngăn nắp, sạch sẽ, tiền bạc dành dụm, bảo vệ hạnh phúc gia đình, canh giữ, kiểm soát ông chồng khỏi bị bà khác sớt đi mất…
Chồng quá ỷ lại vào vợ cho nên khi bả chết bất thình lình thì ông bị chới với, stress tột độ, mất người săn sóc nên ảnh hưởng đến sức khỏe. Thường một thời gian ngắn sau thì ổng cũng lót tót theo bả về bên kia thế giới.
Ngược lại, trường hợp chồng già chết trước thì người vợ ít khi bị stress như trên. Bả có thể sống phây phây, vẫn hạnh phúc trong công việc nội trợ, giữ cháu… và có vẻ “đẹp ra hơn xưa” trong một thời gian lâu dài… để đi shopping và xí sọn. Vậy có chết thì nên chết sớm dùm một chút để người ta còn dễ tính …./


Nguyễn Thượng Chánh, DVM (theo NguoiDan Boston)
Đọc them

– Claudine Badey Rodriguez-Quand le caractère devient difficile avec l’âge
http://www.e-sante.fr/quand-caractere-devient-difficile-avec-age/actualite/711
– Mario Sollito-How to handle elderly parent’s bad behaviorhttp://www.caregivingmatters.ca/how-to-handle-an-elderly-parents-bad-behavior/
– Hannah Furness-Men more likely to die after losing their wife, but women carry on as normalhttp://www.telegraph.co.uk/health/elderhealth/9625818/Men-more-likely-to-die-after-losing-their-wife-but-women-carry-on-as-normal.html
– Spouses who fight live longer!http://www.livescience.com/4814-spouses-fight-live-longer.html
Nguyễn Thượng Chánh –
– Nước mắt sầu tuôn chảy-Cảnh khổ của người già
http://nguoivietboston.com/?p=10299
– Chồng Giận Thì Vợ Bớt Lời, Cơm Sôi Bớt Lửa Chẳng Đời Nào Khêhttp://vietbao.com/D_1-2_2-282_4-213926/
– Video Nước mắt người già bên Viêt Namhttp://www.youtube.com/watch?v=YY7zUUqnv8U
– Trịnh Thanh Thủy: Cơn Ác Mộng Của Người Già Trong Viện DưỡngLãohttp://nguoivietboston.com/?p=5789