Thiếu sắt
Sắt rất cần thiết trong việc vận chuyển oxy vào các tế bào để tạo năng lượng, vì thế, hàm lượng sắt trong cơ thể thấp có thể giải thích tại sao bạn luôn cảm thấy lạnh. Bạn nên tiến hành xét nghiệm ferritin trong máu. Nồng độ ferritin của bạn cần đạt trên 60nanogram/ml để đảm bảo bạn có đủ lượng sắt cần thiết.
Thiếu ngủ
Không nghỉ ngơi đầy đủ có thể gây ức chế hệ thần kinh, từ đó ảnh hưởng tới khả năng điều chỉnh thân nhiệt của não bộ.
Quá gầy
Thân hình quá gầy và thiếu mỡ sẽ khiến cơ thể bạn nhạy cảm hơn với cái lạnh. Để cơ thể luôn được ấm áp, bạn cần đảm bảo chỉ số khối cơ thể của mình không thấp hơn 18,5 bằng cách lấy số cân nặng (kg) chia cho bình phương chiều cao (m). Ví dụ: Bạn nặng 40kg, cao 1m60, chỉ số BMI sẽ là: 40/(1,60)²=15,625. Như vậy, chỉ số BMI dưới 18,5 hơi nhiều, chứng tỏ bạn quá gầy, sức chịu lạnh sẽ kém.
Giới tính
Phụ nữ thường cảm thấy lạnh hơn nam giới vì mức độ hormone estrogen của phụ nữ cao hơn so với nam giới. Hơn nữa, phụ nữ thường có lượng mô cơ bắp trong cơ thể thấp hơn so với nam giới nên khả năng chịu lạnh kém hơn.
Chế độ ăn uống
Trong quá trình tiêu hóa thức ăn, lượng máu sẽ tập trung và tăng cường xuống dạ dày. Điều này khiến các bộ phận khác của cơ thể nhận được lượng ít hơn, từ đó làm cho cơ thể lạnh hơn. Nếu bạn đang có một chế độ ăn uống không lành mạnh, ăn vặt suốt ngày thay vì những thực phẩm giàu chất dinh dưỡng và vitamin cần thiết sẽ khiến cơ thể yếu đi, thường xuyên mệt mỏi và giảm khả năng chịu lạnh.
Các loại đồ ăn vặt hay đồ ăn chế biến sẵn thường có ít giá trị về dinh dưỡng nên nó không những ảnh hưởng đến cân nặng của bạn mà còn ảnh hưởng đến nhiệt độ bình thường của cơ thể. Khi nhiệt độ cơ thể bạn không ổn định, bạn càng khó thích ứng với thời tiết. Vậy nên, vào mùa đông, có thể bạn sẽ cảm thấy lạnh hơn bình thường.
Mất cân bằng về nội tiết
Khi phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh hoặc đang mang thai, sự mất cân bằng nội tiết tố có thể xảy ra bên trong cơ thể của họ. Lúc này, nồng độ estrogen tăng lên, kéo theo nhiều triệu chứng bất thường như toát mồ hôi, đau người, khó ngủ, thường xuyên cảm thấy lạnh... Vì vậy, sự thay đổi trong mức độ hormone estrogen chính là thủ phạm chính gây ra cảm giác lạnh này.
Huyết áp
Những người bị bệnh liên quan đến huyết áp (huyết áp cao và huyết áp thấp) đều thường cảm thấy bàn tay và bàn chân mình luôn bị lạnh. Nếu một người có huyết áp thấp, máu trong cơ thể chảy rất chậm, do đó, bàn tay và chân của họ chỉ tiếp cận được một lượng nhỏ máu. Với người huyết áp cao, lưu thông máu lại gặp nhiều khó khăn nên lượng máu tới các chi cũng không nhiều. Vì vậy, trong cả 2 trường hợp này, người bệnh đều cảm thấy lạnh hơn những người khác.
Tuyến giáp
Nếu bạn thường xuyên có cảm giác lạnh, lại đi kèm với tăng cân nhanh chóng, mất kiểm soát cho dù bạn rất chăm tập thể dục và có chế độ ăn uống hợp lý thì rất có thể bạn đang gặp vấn đề về tuyến giáp. Các vấn đề về tuyến giáp làm chậm quá trình trao đổi chất và do đó, giảm nhiệt độ trong cơ thể và khiến bạn kém chịu lạnh hơn so với người khác.
Suy giảm hệ miễn dịch
Nếu bạn bị lạnh tay và chân thì có thể do hệ thống miễn dịch của bạn bị suy yếu. Hệ thống miễn dịch yếu có thể là do sự xuất hiện của ký sinh trùng trong cơ thể, dẫn đến nhiễm trùng và ảnh hưởng đến nhiệt độ cơ thể.
Hương Dung- DânTrí