Chúng ta có thể dành ra một ngày để suy ngẫm về sự ngắn ngủi của một kiếp người. Hầu hết chúng ta thường lảng tránh, lo lắng hoặc buồn bã khi nghĩ về điều này. Nhưng đó là một suy ngẫm có ảnh hưởng mạnh mẽ.
Hôm nay, tôi muốn chia sẻ một loạt những chiêm nghiệm quý giá về sự ngắn ngủi của cuộc đời.
1. Chúng ta có thể bỏ qua bản chất ngắn ngủi của cuộc đời và xem đó là điều hiển nhiên, nhưng khi bước đến những thời khắc cuối cùng của sự sống, chúng ta tràn đầy hối tiếc vì đã không sống khôn ngoan hơn.
Hoặc chúng ta có thể thức tỉnh và quyết định tận dụng khoảng thời gian ngắn ngủi đó ngay tức thì.
Nếu tôi biết những chuyến thăm sau cùng của bố tôi là lần cuối, tôi sẽ trân quý những ngày đó hơn nữa. Nhớ đến điều này, tôi có thể tận dụng tối đa những ngày tháng còn lại với những người mà tôi quan tâm – bao gồm cả bản thân mình.
2. Chúng ta âu lo về sự ngắn ngủi của cuộc đời và cảm thấy buồn bã, suy sụp vì chúng ta tin rằng cuộc đời không nên như vậy. Đó là cách mà chúng ta cho rằng những gì chúng ta được ban cho là điều hiển nhiên.
Thay vào đó, chúng ta hoàn toàn có thể trân trọng món quà có thời gian hạn chế này. Khi một người trao cho bạn một món quà vô cùng giá trị, bạn có hỏi rằng vì sao lại có quá ít quà không? Hay bạn sẽ vui mừng với những gì đã nhận được?
Vì thế, chúng ta hãy xem thời gian của mỗi ngày là một món quà giá trị, ngập tràn năng lượng và hứng khởi.
3. Chúng ta thường dùng ngày hôm nay để lo lắng hoặc mơ mộng về những ngày sắp tới, vì vậy mà chúng ta lại bỏ lỡ khoảnh khắc hiện tại.
Điều đó giống như việc nghĩ về những bữa ăn tương lai, trong khi đang dùng bữa. Bạn sẽ không thể thưởng thức bữa ăn ngay lúc bấy giờ.
Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta có thể tận hưởng trọn vẹn một ngày chúng ta đang sống?
4. Không phải cuộc đời “ngắn ngủi.” Đây là một kiểu [tư duy] phán xét vì chúng ta cứ luôn truy cầu nhiều hơn. Thế nhưng đời sống cũng không phải là thứ vô hạn. Là một nguồn tài nguyên hạn chế, nhưng chúng ta không cần phàn nàn về sự ngắn ngủi của nó.
Cũng như một diễn viên cuối cùng cũng có cơ hội lên sân khấu và dành thời gian than vãn rằng anh ta chỉ được đóng một phân cảnh. Này, anh bạn! Hãy nên tận dụng tối đa phân cảnh này đi chứ! Hãy tạo ra ảnh hưởng với những gì mà anh bạn đang sở hữu.
5. Chúng ta có muốn dành khoảng thời gian hạn chế đó để chúi mũi vào công việc suốt ngày đêm và cố gắng thực hiện những gì chúng ta nghĩ rằng mình nên làm không? Liệu rằng chúng ta sẽ cảm thấy buồn chán khi thực hiện những việc này không?
Sẽ thế nào nếu chúng ta có thể sống một cuộc đời tràn ngập những điều ngạc nhiên, vui vẻ, yêu thương và trọn vẹn?
Chúng ta có muốn dành hàng giờ ở sân chơi chỉ để cố gắng thực hiện các vòng đu quay một cách chính xác thay vì tận hưởng một khoảng thời gian vui vẻ náo nhiệt không?
6. Chúng ta có muốn dành khoảng thời gian hữu hạn trên trái đất để không ngừng lo lắng về bản thân, về việc làm những điều đúng đắn, về suy nghĩ của mọi người đối với chúng ta, thay vì nhận được yêu thương hay tôn trọng không? Điều này giống như việc ta đang ngắm nhìn một buổi hoàng hôn rực rỡ, nhưng trong lòng lại ngập tràn phiền não rằng liệu có đủ ánh sáng để chụp ảnh bản thân hay không.
Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta có thể quên đi một chút về diện mạo của mình trông ra sao, cách chúng ta bắt gặp nhau như thế nào, bề ngoài chúng ta trông có ổn không mà thay vào đó, chúng ta hoàn toàn đắm chìm trong cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp ở ngay trước mắt?
Thậm chí, sẽ như thế nào nếu chúng ta có thể dành tình yêu thương cho tất cả mọi thứ, tất cả mọi người – bao gồm cả bản thân chúng ta?
7. Khi phải chật vật trong những khó khăn của cuộc sống, chúng ta nghĩ rằng có điều gì đó không ổn, rằng chúng ta không nên gặp trắc trở như thế. Tuy nhiên, những khó khăn này dường như là điều chúng ta cần phải vượt qua trước khi có thể bắt đầu cuộc sống mà ta hằng mong ước.
Điều gì sẽ xảy ra nếu ta nhìn nhận những trắc trở này chính là một phần trong kiếp người ngắn ngủi mà ta được ban tặng? Gian nan sẽ tôi luyện và thành tựu từng cá nhân, giúp bản thân phát triển và học hỏi để trưởng thành một cách trọn vẹn. Lúc này, những trắc trở không còn là nhiệm vụ mà ta cần phải vượt qua, mà chính là một phần quan trọng của cuộc đời.
Vì sao chúng ta không xem cuộc đời này như một lò luyện kim để chúng ta có thể khám phá con người thật của chính mình. Và chúng ta sẽ xem những gian nan khó nhọc đó là cơ hội tuyệt vời để học hỏi và khám phá?
8. Khi suy ngẫm về sự ngắn ngủi của cuộc sống, chúng ta sẽ thực sự trân quý những điều kỳ diệu được ban tặng. Chúng ta có thể cảm nhận được giá trị sâu sắc của cuộc đời này.Thật tuyệt vời làm sao.
Người Nhật có một thuật ngữ, “mono no aware,” biểu đạt niềm bi cảm trước vẻ đẹp thoáng qua, trước những sự vật không tồn tại lâu dài, trước bản chất vô thường, phù du của vạn vật. Câu nói cho chúng ta thấy một cuộc đời đầy ngọt bùi nhưng cũng nhuốm chút sầu bi; bởi vì mọi thứ chúng ta quan tâm đều luôn đẹp đẽ nhưng lại thoáng chốc trôi qua. Vô thường chỉ làm cho mọi thứ trở nên quý giá hơn.
Nếu bạn có có một bữa tiệc bất tận, bạn có thể xem đó là điều hiển nhiên. Nhưng nếu bạn biết rằng bạn chỉ có thể được thưởng thức bữa ăn đó trong một thời gian ngắn ngủi nào đó, và rằng bữa tiệc đó cũng sớm kết thúc, chắc chắn bạn có thể cảm nhận được hương vị ngọt ngào của mỗi món ăn một cách sống động hơn. Nhiều hứng khởi hơn. Nhiều điều tuyệt vời hơn.
Leo Babauta -The Epoch Times - Kim Khuê biên dịch /quinhon11
----------------------------------
Lucius Annaeus Seneca (4 TCN – 65), chính khách, triết gia, luật gia, học giả và tác giả thời La Mã. ‘Về sự ngắn ngủi của đời người’ có thể được xem là tác phẩm giới thiệu tư tưởng điển hình nhất của Seneca. Có thể tóm tắt tác phẩm như sau, đời sống đem cho chúng ta thì không ngắn ngủi, nhưng chúng ta làm nó thành ngắn ngủi, và không phải chúng ta đã nhận nó với thiếu thốn, nhưng chúng ta đã lãng phí nó.