Thứ Tư, 25 tháng 1, 2023

Mối quan hệ bạn bè dù tốt đến đâu cũng nên tránh 5 điểm này

Bất kể mối quan hệ nào cũng đều cần phải duy trì bằng cả trái tim chân thành. Giữa bạn bè cũng vậy, cũng không thể quá thẳng thắn và không có chừng mực. Mọi thứ đều có một giới hạn nhất định, đặc biệt là 5 quy tắc bất thành văn này, nếu không muốn mối quan hệ trở nên tồi tệ thì bạn chớ nên phạm vào.

                                                               (Ảnh: africa_pink/ Shutterstock)


1. Ăn nói nông cạn chính là quả mìn phá hủy lớn nhất
Có nhiều người cho dù đã bước ra ngoài xã hội và gặp gỡ nhiều người nhưng cũng không thể kết thân với một người bạn thân nào. Thậm chí cho dù ban đầu họ cũng có người bạn rất thân nhưng một thời gian sau lại dần xa lánh.

Thật ra nguyên nhân chính là những người này đã động chạm vào “quả mìn” lớn nhất trong giao tiếp xã hội, đó là ăn nói nông cạn, thích nói chuyện riêng tư của bản thân, hay tiết lộ bí mật nhỏ của người khác cũng như thích hỏi cặn kẽ chuyện riêng tư của họ.

Bạn nghĩ rằng bạn có thể rút ngắn khoảng cách và củng cố lòng tin cho đối phương khi cố gắng tiết lộ những chuyện riêng tư của bạn cho bạn bè. Tuy nhiên thực ra điều này chỉ khiến người khác cảm thấy phiền phức và cho rằng bạn không có ý tốt.

Bạn nghĩ rằng khi đem những bí mật nhỏ của người khác nói với bạn bè thì có thể tăng cường tình bạn. Nhưng bạn không biết rằng điều này chỉ làm người khác trở nên đề phòng bạn hơn, điều họ lo sợ là không biết đến một lúc nào đó bạn có lại đem bí mật của họ với cho người khác hay không.

Bạn sợ mình im lặng sẽ khiến cuộc trò chuyện trở nên lúng túng và ngượng ngùng hơn, do đó bạn liên tục đặt câu hỏi để làm sôi nổi bầu không khí. Thực tế bạn không biết rằng mình đang có hành vi can dự quá sâu vào đời sống riêng tư của người khác.

Một tình bạn tốt sẽ tồn tại mãi mãi và luôn cần có thời gian để vun đắp và ổn định. Nóng lòng để cải thiện mối quan hệ bằng những hành động nông cạn sẽ chỉ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.

2. Thích can thiệp vào chuyện nhà của người khác
Người xưa nói rằng chuyện gia đình là chuyện vô cùng phức tạp, đến cả quan thanh liêm cũng khó lòng phân định.

Do đó những chuyện tình cảm gia đình tế nhị như vậy, người trong cuộc chưa hẳn đã thấu hiểu rõ ràng, thì liệu người ngoài cuộc làm sao có thể hiểu rõ. Không những vậy, giữa người trong nhà, họ không chỉ nói lý mà còn nói tình. Nên đừng cố gắng can thiệp vào chuyện nhà người khác, bởi thực tế là bạn không đủ năng lực.

Không những vậy, “giọt máu đào hơn ao nước lã”, chuyện của gia đình họ nên để họ tự giải quyết với nhau. Ý định tốt của bạn có thể vô tình khiến cho người bạn đó không hài lòng. Với cương vị là bạn bè, hãy hiểu và biết đặt mình vào đúng chỗ, luôn hành xử thận trọng và lý trí hơn, bớt tự cao tự đại khi nhận xét về chuyện gia đình người khác.

Luôn nhớ rằng, khi ai đó nói với bạn về công việc gia đình, bạn hãy an ủi nhưng đừng tham dự, khi ai đó đang oán giận người nhà của họ, hãy lắng nghe nhưng không hùa theo phán xét.

3. Hay đùa giỡn bất lịch sự làm tổn thương người khác
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường bắt gặp những “người bạn”  thích làm tổn thương người khác bằng sự đùa cợt, nhưng lại tự cho mình là có khiếu hài hước.

Khi bạn khiến cho người liên quan cảm thấy nó buồn cười thì đó mới được coi là đùa giỡn. Còn nếu người đó cảm thấy bị tổn thương, thì đó lại là một sự chế nhạo. Chọc vào nỗi đau của ai đó bằng cách bông đùa không chỉ là bất lịch sự, mà còn là một hành vi khiếm nhã.

“Thiện ý một câu ấm ba đông, lời ác lạnh người sáu tháng ròng”. Dù mối quan hệ giữa bạn bè có tốt đẹp đến đâu cũng đừng quên dùng những lời nói nhẹ nhàng ấm áp để duy trì tình cảm của nhau.

4. Các vấn đề không rõ ràng


                                                    (Ảnh: wk1003mike/ Shutterstock)

Khi bạn bè đi ăn uống với nhau, một số người thường thanh toán hóa đơn nhiều lần, một số thanh toán số tiền lớn, một số hiếm khi thanh toán và một số chỉ tiêu số tiền nhỏ.

Khi một người phải “chịu trận” quá nhiều lần như vậy, dù là ai thì cũng sẽ cảm thấy áp lực và hụt hẫng, dần dần họ sẽ sử dụng lý do “quá bận” và những lý do khác để tránh việc gặp gỡ ăn uống. Cuối cùng nhóm bạn cũng dần chia xa. Nếu như ngay từ đầu, tất cả mọi người đều sòng phẳng minh bạch với nhau, thì có lẽ sẽ không làm cho mối quan hệ trở nên xa cách như vậy.

Anh em ruột thịt còn phải rõ ràng mọi thứ, huống chi là bạn bè. Thật ra cho dù người đó có tính cách thoải mái đến đâu thì lâu dần trong lòng đều có tính toán.

Người ta hay nói “khi nói chuyện tiền bạc sẽ dễ làm tổn thương tình cảm”, cho nên rất ít người muốn đề cập đến. Tuy nhiên trên thực tế, có một lần nói chuyện cởi mở và rõ ràng còn hơn là im lặng, khi đó trong lòng sẽ ngay lập tức cảm thấy thoải mái. Một mối quan hệ càng thoải mái thì càng bền lâu.

5. Khoe khoang quá mức khiến bạn bè khó chịu
Có một câu chuyện như thế này: Một người mẹ có cô con gái rất thông minh, năng động và luôn đứng đầu trong học tập. Có lần khi họp phụ huynh, gặp ai cô cũng cũng khen con gái, tất nhiên những người khác cũng phải hùa theo vì phép lịch sự.

Vào ngày con gái cô trúng tuyển vào một trường đại học có tiếng, cô lập tức chụp ảnh thông báo đăng lên nhóm bạn bè của mình và tự hào nói: “Thật hoành tráng và tự hào!” Cô nghĩ rằng bạn bè sẽ ghen tị và chúc phúc cho mình, nhưng lại bất ngờ nhận được thông báo “bạn đã bị xóa khỏi cuộc trò chuyện nhóm”.

Những người thường thích thể hiện và khoe khoang sẽ khiến người khác cảm thấy khó chịu. Một người thực sự khôn ngoan sẽ biết rằng cho dù mình hơn người khác, cũng không bao giờ nói ra. Họ cẩn thận che giấu cảm giác của mình một cách vô cùng tinh tế, bởi vì họ biết cách đồng cảm và biết đặt người khác lên hàng đầu.

Nếu một người biết tạo cảm giác thoải mái và dễ chịu cho người khác thì không những khiến người khác hài lòng mà còn khiến mối quan hệ của họ trở nên gần gũi hơn.


Phương Sát, Vision Times/trithuc