Thách thức lớn của người bệnh vào dịp Tết
Khi Xuân về, Tết đến nếu người bệnh biết chú ý một chút đến chế độ ăn uống thì vẫn có thể mở toang cửa lòng đón nàng xuân kiều diễm.
Tim mạch và tiểu đường là những bệnh mang tính phổ biến. Khi Xuân về, Tết đến nếu người bệnh biết cách quan tâm đến bản thân mình và chú ý một chút đến chế độ ăn uống thì vẫn có thể mở toang cửa lòng đón nàng xuân kiều diễm.
Kiêng ăn mặn, mỡ…
Những người mắc bệnh tim mạch thường được các nhân viên y tế tư vấn cho một chế độ ăn uống riêng biệt. Đây được xem như là một biện pháp góp phần điều trị bệnh, chứ không phải chỉ là ăn để sống. Do vậy, bệnh nhân và người nhà cần phải tuân thủ theo chế độ ăn đã được hướng dẫn. Sự phối hợp này luôn là điều có lợi cho người bệnh.
Kiêng ăn mặn: Đây là lời khuyên mang tầm quan trọng hàng đầu cho các bệnh nhân tim mạch, nhất là những người đang có biểu hiện suy tim. Khi ăn các thức ăn quá mặn, lượng muối đưa vào cơ thể dư thừa. Chúng lưu thông trong lòng mạch và “kéo” thêm nước vào khiến cho áp lực máu gia tăng, tim làm việc vất vả, người bị phù càng phù lớn hơn, những người vốn đã thở khó càng thêm khó thở vì nước cũng “tràn ngập” cả phổi.
Muối hiện diện trong các món ăn với vai trò là một gia vị. Do vậy, khi chế biến các món ăn dành cho người bệnh cần hạn chế tối đa loại gia vị mà nhiều người cho là không thể thiếu này.
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng lượng muối tối đa cho người bệnh tim mạch thực hiện chế độ kiêng ăn mặn không được quá tổng lượng tối đa trong ngày là 2 muỗng cà phê (tương đương với 5g muối ăn NaCl).
Tất nhiên, lượng muối này tính luôn cả lượng muối hiện diện trong các món ăn “fast food” (các món ăn nhanh) đã được chế biến sẵn. Các loại nước chấm luôn luôn cung cấp nhiều muối nên cần hạn chế chấm hoặc pha loãng tối đa đến mức tạm chấp nhận được. Nếu dũng cảm không dùng nước chấm khi ăn thì càng tốt.
Việc kiêng ăn mặn sẽ giúp cho người bệnh khỏe hơn lên, nhờ thế mà thêm phần lạc quan, yêu đời. Và tất nhiên cũng nhẹ bớt gánh nặng của việc phải thường xuyên ra tiệm mua thuốc, đi bệnh viện hoặc viếng thăm phòng mạch của các bác sĩ.
Kiêng ăn mỡ: Với những người có các vấn đề về tim mạch mà lượng mỡ trong máu cao hoặc thể trạng béo phì cần hạn chế ăn các loại thức ăn có nhiều mỡ. Ngoài ra kem, bơ, phô mai cũng tránh vì các thức ăn này cũng cung cấp một lượng chất béo phong phú không kém gì thịt mỡ.
Người có xét nghiệm cholesterol máu cao cũng cần tránh ăn các loại lục phủ ngũ tạng, óc động vật, da heo, gà vịt và các loại thức ăn nướng cháy. Tất cả các thức ăn đó sẽ làm gia tăng cholesterol máu xấu, chúng sẽ lắng đọng trên các thành mạch máu gây xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim hay cơn đột quỵ não.
Hạn chế bia rượu: Bia rượu với những người mắc bệnh tim mạch thật ra không tuyệt đối cấm sử dụng, mà vấn đề là hạn chế tối đa để có những lợi ích về sức khỏe. Các nghiên cứu mang tính thực nghiệm thấy rằng một lượng nhỏ bia rượu trong ngày sẽ giúp người bệnh tiêu hóa tốt, tuần hoàn tốt và thậm chí là giúp cải thiện tình trạng cholesterol qua việc gia tăng lượng cholesterol máu tốt có lợi cho sức khỏe người bệnh.
Hãy giữ một “tửu lượng” chừng mực trong ngày. Mức giới hạn không vượt quá 60ml rượu nguyên chất, chia làm nhiều lần uống trong ngày. Lượng rượu này tương đương với khoảng 680ml bia, 95ml rượu whisky và 285ml rượu vang đỏ.
Nói “không” với thuốc lá: Những người có các vấn đề về tim mạch luôn được các thầy thuốc khuyên nói “không” với thuốc lá. Vì các chất có trong thuốc lá gây ra hiện tượng co mạch làm gia tăng tần suất suy tim, nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não. Đây là những căn bệnh nếu không làm chết người cũng để lại những di chứng nặng nề.
Chế độ ăn nghèo đường
Ngày Xuân là dịp mà lượng đường ngập tràn trong các món mứt thơm tho, quyến rũ và đầy cám dỗ. Người mắc bệnh tiểu đường cần tỉnh táo, đừng vì cả nể lời mời, vì vui, vì quên hay vì nghĩ rằng mình chỉ nhâm nhi tí chút có sao đâu.
Thật ra thì cái gọi là tí chút đó sẽ “gặp nhau” trong cơ thể tạo ra một lượng dư thừa tới mức mà người bệnh không ngờ tới. Vậy tốt nhất, người mắc bệnh tiểu đường du xuân trong lời cảnh báo hãy giữ vững “tinh thần chiến đấu” với chế độ ăn “nghèo” đường như thường ngày.
Người mắc bệnh tiểu đường nên chọn chế độ ăn có nhiều chất xơ. Điều đó sẽ giới hạn lượng đường dư thừa đưa vào cơ thể mà vẫn tạo được cảm giác no khi ăn và đặc biệt là chống lại bệnh táo bón, kẻ thù của những người mắc bệnh đái đường có kèm bệnh tăng huyết áp.
Sau đây là những điều cần ghi nhớ dành cho những bệnh nhân tiểu đường mà các nhà nghiên cứu khuyên thực hiện trong cuộc sống thường ngày:
Lựa chọn, chế biến và ăn các loại thực phẩm có ít chất béo , nhưng phong phú chất xơ. Hạn chế tối đa việc sử dụng bia rượu và thuốc lá. Nếu người tiểu đường có kèm các chứng bệnh về tim mạch thì tuyệt đối nói “không” với thuốc lá.
Thông thường nên ăn ngày ba bữa vào những giờ cố định, để cơ thể quen và thích nghi. Không được bỏ bữa ăn, nhất là những người đang dùng thuốc theo chỉ định để tránh hạ đường huyết đột ngột ở người bệnh.
Các loại nước ép từ rau hoặc trái cây như nước rau má, nước cam, nước táo, nước nho, nước bưởi… dùng tốt cho người mắc bệnh tiểu đường. Vị ngọt trong nước rau và trái cây không gây ảnh hưởng xấu cho người bệnh, trái lại các vitamine, chất khoáng có trong trái cây sẽ giúp cho tình trạng người bệnh được cải thiện tốt hơn.
Nếu thích, chỉ uống các loại thức uống “ngọt” được chế tạo dành riêng cho người mắc bệnh tiểu đường. Những người uống cà phê, nước chanh… cần thủ sẵn cho mình một lọ đường riêng được bán ở các quầy thuốc.
Cần tránh hoặc hạn chế đến mức tối đa các loại chè ngọt, bánh ngọt kẹo ngọt. Tốt nhất là chỉ nên sử dụng các loại sản phẩm ngọt riêng dành cho người mắc bệnh tiểu đường.