“Con vẫn còn nhỏ, lớn lên rồi tự khắc sẽ tốt thôi” – Đây là câu nói của rất nhiều bậc cha mẹ khi thấy con mình làm điều chưa đúng.
Nếu chúng ta thực sự tin tưởng lời này thì thuận theo việc con cái dần dần lớn lên, ta sẽ phát hiện rằng các vấn đề xuất hiện cũng ngày một lớn hơn.
Đặc biệt là 3 điều dưới đây, nếu như bạn không dạy cho con cái, tương lai cũng ít ai có đủ nhẫn nại để nhắc nhở chúng.
Sẽ không ai nói cho con bạn rằng chúng không được chào đón
Tại sao con nhà mình học hành ưu tú như vậy, lại luôn không được bạn bè yêu quý?
Đây là thắc mắc của một bà mẹ để lại dưới chủ đề bình luận trên mạng.
Sau khi hỏi thăm, mọi người phát hiện con của cô ấy quả thực khá ưu tú, thành tích học tập luôn đứng đầu lớp và là học trò giỏi trong mắt thầy cô.
Tuy nhiên, khi ở cùng với bạn học, đứa bé này lại không ngừng gây ra mâu thuẫn. Nếu không phải là trêu chọc các bạn học nữ đến phát khóc, thì cũng là đâm chọc vào chỗ đau của những đứa trẻ khác; hơn nữa, cậu bé còn có tính hiếu thắng rất mạnh nên không một ai trong lớp muốn chơi cùng cậu.
Ở tình huống tương tự, một sinh viên đại học cũng từng than phiền về cô bạn cùng phòng khó chung sống của mình – người thường gây ra những xích mích hết sức căng thẳng trong ký túc xá.
Cô ấy kể, người bạn này của cô thích thức khuya và rất thích xem những đoạn video ngắn trước khi đi ngủ. Thế nhưng, thay vì đeo tai nghe để không làm ảnh hưởng đến người khác, cô ấy lại bật loa ngoài âm lượng to và thậm chí còn vừa xem vừa cười lớn. Mỗi buổi sáng, cô ấy đều đặt tới 7, 8 lần chuông báo thức; từ 6 giờ chuông đã bắt đầu kêu và đánh thức tất cả mọi người trong phòng trừ cô ấy.
Sau nhiều lần nhắc nhở không có kết quả, mọi người cuối cùng đều rất ăn ý lựa chọn giảm bớt thời gian ở cùng với cô ấy.
Chung sống trong tập thể, ngoại trừ thành tích học tập, trẻ em còn cần biết cách ứng xử với bạn bè; dù là tiểu học hay đại học, các mối quan hệ cá nhân cũng đều ảnh hưởng sâu sắc đến trải nghiệm cuộc sống của một người.
Sau khi bước vào xã hội, những thói quen và thái độ mà con cái chúng ta mang theo sẽ đóng vai trò quyết định tới khả năng hòa nhập cộng đồng của chúng.
Thông thường, đa số những đứa trẻ không nhận được sự hoan nghênh đều mang tâm lý quá mức coi bản thân là trung tâm. Chúng không muốn đặt mình vào vị trí của người khác để suy nghĩ, không để ý đến cảm nhận của người khác; thích thú việc đâm chọc và vạch trần khuyết điểm của người khác. Chúng luôn muốn cùng người khác phân cao thấp về lời nói, lại không hiểu cách lựa lời thích hợp và quan sát sắc mặt người khác.
Họ kích động, dễ tức giận và rất khó khống chế cảm xúc của bản thân; dùng một câu lưu hành hiện nay để tổng kết chính là chỉ số thông minh cảm xúc khá thấp.
Những đứa trẻ như vậy sẽ trở nên càng ngày càng cô độc trên phương diện kết giao bạn bè, bởi chúng rất khó nhận thức được vấn đề của bản thân nằm ở chỗ nào.
Chúng ta cùng thử đổi một góc nhìn khác để xem xét:
Giả sử, bên cạnh ta có một người bạn hoặc một đồng nghiệp với chỉ số thông minh cảm xúc thuộc loại thấp như vậy, đa phần chúng ta sẽ không chủ động đi nhắc nhở người đó mà chỉ cho rằng mình và người đó không hợp nhau, cuối cùng lựa chọn dần dần cách xa người đó.
Để tránh cho tình huống này xảy ra, các bậc cha mẹ nên kịp thời dạy bảo con cái cách chung sống hòa thuận với người khác. Mặc dù không đến mức phải biến con của mình trở thành đứa trẻ người gặp người thích, nhưng ít nhất chúng ta cũng không nên để nó trở thành đứa trẻ bị người người xa lánh.
Từ việc giao lưu kết bạn của trẻ nhỏ chúng ta sẽ phát hiện ra rằng:
Những đứa trẻ được nhiều người yêu thích không nhất định phải có một thành tích ưu tú, đó chỉ là một phương diện rất nhỏ. Nếu trẻ em có sự đồng cảm, có thể hiểu được cảm nhận của người khác, có năng lực hợp tác tốt mỗi khi giải quyết tranh luận; chúng sẽ càng có khả năng phát triển các mối quan hệ cá nhân lành mạnh,bền vững.
Do đó, để dạy cho trẻ cách cùng người khác chung sống, chúng ta cần giữ gìn những phẩm chất đáng quý thuần chân, lương thiện vốn có của đứa trẻ; đồng thời nghĩ biện pháp bồi dưỡng cho trẻ lòng cảm thông, hướng dẫn con cái đặt mình vào vị trí của người khác để suy nghĩ vấn đề, dạy con cách khống chế cảm xúc và tôn trọng người khác.
Các mối quan hệ cá nhân giữa người với người đều cần chân thành và thiện lương.
Sẽ không có ai nói cho con bạn: năng lực thích ứng xã hội của chúng không tốt
Một người làm việc trong lĩnh vực nhân sự từng kể lại một lần phỏng vấn thú vị như sau:
Khi đó, anh ấy gặp một cậu nam sinh mới tốt nghiệp đại học được nửa năm. Ngày cậu ấy tham gia phỏng vấn, cha mẹ của cậu cũng đến theo, mẹ cậu thậm chí còn muốn cùng cậu đi vào phòng họp nhưng bị từ chối.
Điều đáng nói là, đây cũng không phải lần đầu tiên anh ấy gặp sự việc như vậy.
Người bạn làm nhân sự của tôi chia sẻ, trong những nơi làm việc hiện nay có không ít người trẻ tuổi thiếu tính tự lập. Họ làm việc luôn kén cá chọn canh, không chịu nổi dù chỉ một chút phê bình và có xu hướng trốn tránh trách nhiệm.
Dùng một câu để tổng kết chính là: Tâm lý yếu đuối, năng lực có hạn.
Trong cuộc sống, sự quan tâm cha mẹ dành cho việc học tập của con cái lớn hơn rất nhiều so với sự quan tâm họ dành cho những phương diện khác của con: chỉ cần học tốt, những thứ khác đều có thể chậm một chút, sau này sẽ ổn thôi.
Đợi đến khi con của mình bước vào xã hội, họ mới phát hiện: tiêu chuẩn để đánh giá một người không chỉ nằm ở phương diện học vấn, mà càng nhiều hơn là khả năng quan sát và xử lý tình huống.
Có những đứa trẻ không đủ tự lập, có những đứa trẻ chưa được rèn luyện một tâm lý vững chắc, có những đứa trẻ không biết chịu trách nhiệm… Điều này tạo thành hiện tượng một số người trẻ tuổi mặc dù học lực cao nhưng ở phương diện đối nhân xử thế lại vô cùng yếu kém.
Trẻ nhỏ nếu như không biết cách hòa nhập với xã hội thì sẽ rất khó tiến xa.
Cách đây rất lâu, Nhật Bản có một bộ phim phóng sự với tiêu đề ‘Câu chuyện của cáo’ (Story of the fox). Trong phim, những chú cáo con chỉ vừa mới trưởng thành đã bị cáo lớn đuổi ra khỏi nhà không chút do dự, chúng mang trong mắt nỗi buồn cùng sự bất lực rời đi.
Cáo lớn nhìn có vẻ như lạnh lẽo vô tình nhưng đây lại là cách nó dạy cho con mình khả năng tư lập: nếu một đứa con cứ mãi dựa vào cha mẹ của chúng, chúng sẽ vĩnh viễn không thể trưởng thành.
Câu chuyện này nhắc nhở chúng ta: trước khi con cái rời khỏi nhà, cha mẹ cần hoàn thành việc giáo dục con cái, cung cấp cho con khả năng kiểm soát cuộc sống và thích nghi với xã hội.
Tôi từng biết một người mẹ, cô ấy đã để con của mình làm những việc bé nên làm từ khi còn rất nhỏ:
Khi đứa bé 3 tuổi, cô ấy để bé tự dọn dẹp những thứ lộn xộn trong phòng; khi bé 4 tuổi, cô ấy dạy con gấp quần áo; khi bé 5 tuổi, cô ấy để bé tự chuẩn bị những gì bé cần mang theo mỗi ngày đến trường…
Ông bà của bé nhìn thấy cháu mình còn nhỏ đã phải tự làm những việc này liền cảm thấy đau lòng, người mẹ bèn an ủi: “Con để cháu tập dần cho quen, về sau lớn rồi, nhà ta cũng không cần phải lo lắng nó không biết tự chăm sóc cho bản thân nữa.”
Rèn luyện từ những chuyện nhỏ sẽ xây dựng cho trẻ sự tự tin khi làm việc, từng chút từng chút tích lũy cho trẻ năng lực độc lập đối mặt với thế giới.
Có một liên tưởng rất hay như sau:
‘Chúng ta tưới nước cho hoa, bón phân cho nó và cảm thấy hạnh phúc khi nhìn nó chậm rãi lớn lên. Đây chính là tình yêu. Chúng ta ngắt một bông hoa bỏ vào túi để cất đi, đó gọi là sở hữu. Loại sở hữu này không phải là bảo vệ, mà là làm hại.’
Nếu bạn thực sự yêu con mình, đừng bẻ gãy đôi cánh của nó và khiến nó không thể bay được nữa.
Thay vào đó, trước khi con cái rời khỏi bạn, bạn nên dạy hết cho con cách thích ứng với xã hội, trang bị cho con khả năng hòa nhập với thế giới. Đây là trách nhiệm quan trọng nhất của các bậc cha mẹ.
Sẽ không ai nói cho con bạn rằng: nó là người thiếu giáo dưỡng
Một người bạn trẻ tuổi gần đây đang tham gia các buổi xem mắt nói với tôi:
Mặc dù ăn uống là một việc nhỏ hết sức tầm thường, nhưng nó lại có thể giúp ta nhìn ra được mức độ tu dưỡng của người đối diện.
Những nhận xét đầu tiên của bạn về đối phương thông thường đều đến trong lúc dùng bữa, ví dụ như: lễ tiết trước khi dùng bữa, những thói quen trong lúc dùng bữa, thái độ với nhân viên phục vụ; tất cả đều có thể khiến ta cảm nhận được phần nào sự tu dưỡng của người đó.
Còn nhớ một lần tôi cùng gia đình một người bạn đi ăn tối, đứa con trai 7 tuổi của họ có lẽ đã đói bụng nên liên tục cầm đũa gõ vào thành bát, vô cùng háo hức chờ đợi thức ăn được dọn lên.
Thấy thế, người bạn của tôi lập tức cầm lấy đũa của đứa trẻ và bảo:
‘Con gõ bát đĩa trên bàn ăn là rất bất lịch sự’.
‘Khi người lớn còn chưa động đũa thì chúng ta không được ăn trước’.
Khi nhân viên phục vụ đổi đĩa cho bé, người bạn của tôi đã hướng dẫn bé nói ‘cảm ơn’ với họ.
Đợi đến lần thứ hai cùng con trai của bạn tôi dùng bữa, tôi phát hiện những quy tắc ứng xử bạn tôi dạy cho bé đã trở thành thói quen của nó.
Thường hay có các bậc cha mẹ hỏi tôi: làm sao mới có thể nuôi dạy con cái trở thành người có giáo dưỡng; kỳ thực giáo dưỡng ấy tiềm ẩn trong những hành động đối nhân xử thế dù là nhỏ nhặt nhất của mỗi con người.
Khi con bạn lần đầu tiên hỗn láo trước mặt người lớn, bạn có kịp thời nhắc nhở?
Khi đứa trẻ lần đầu tiên bắt nạt bạn cùng lớp ở trường mẫu giáo, bạn có yêu cầu đứa trẻ nói lời xin lỗi?
Khi con bạn nháo loạn ở nơi công cộng, bạn có nghiêm túc nhắc nó dừng lại?
Khi con của bạn làm ra hành động thiếu văn hóa, hầu như ít ai thẳng thắn thành thật nói với bạn rằng: con của bạn thật bất lịch sự.
Vậy nên, chỉ khi được cha mẹ phát hiện và giáo dục kịp thời, trẻ mới có thể học được các phép tắc ứng xử trong cuộc sống.
Mấy năm gần đây, những hành vi nổi loạn của trẻ em đã không còn là hiện tượng hiếm thấy trong xã hội.
Có la hét ồn ào trên đường cao tốc; có gây mất trật tự trong rạp chiếu phim và đá vào lưng tựa ghế trước; có phá hỏng đồ chơi xếp hình và đồ thủ công làm bằng tay của người nhà; còn có em quẹt xước ô tô của người khác, v.v…
Trên thực tế, việc trẻ nghịch ngợm, quấy khóc tại nơi công cộng là điều bình thường, xét cho cùng, trẻ em cũng không phải là cỗ máy chỉ cần bạn nhấn nút tạm dừng liền ngoan ngoãn ngồi yên.
Vậy nên, điều khiến người ta chú ý nhiều hơn, ấy là thái độ của cha mẹ các em.
Tại sao nhiều trẻ em luôn coi thường phép tắc, lời nói và hành động tùy hứng không có chừng mực, dù đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần cũng không chịu thay đổi; đây phần lớn là do cha mẹ các em đã bỏ qua việc dạy các em những quy tắc đó và viện mọi lý do để bao biện cho lỗi sai của các em.
Những lời góp ý thiện chí của người khác lại bị coi là lời buộc tội, chỉ trích đối với cha mẹ; so với con cái, chính cha mẹ mới là người cần sớm nhận thức và sửa đổi.
Nhiều lần tới rạp chiếu phim, tôi cũng từng ngồi cạnh vài đứa trẻ nghịch ngợm; tuy nhiên, cha mẹ của chúng đều sẽ kịp thời khuyên nhủ và trấn an đứa trẻ mỗi khi nó gây ra tiếng động, nhờ đó mà khán giả bên cạnh có thể yên ổn xem hết bộ phim dài 1-2 tiếng đồng hồ.
Giáo dục trước năm 12 tuổi cho trẻ là vô cùng quan trọng, các bậc cha mẹ thông thái sẽ không bao giờ lấy lý do tuổi lớn tuổi nhỏ để bào chữa cho con cái. Họ không để con cái cảm thấy thiếu thốn tình yêu thương, nhưng đồng thời cũng giáo dục con rất nghiêm khắc, dạy cho chúng biết điều gì nên làm, điều gì không nên làm.
Trẻ nhỏ phạm lỗi là chuyện rất bình thường, điều quan trọng là người lớn trong nhà nhất định cần để tâm nhắc nhở, sửa chữa cho các em; không thể thấy sai mà vẫn nhắm mắt mặc kệ.
Chỉ những bậc cha mẹ có nguyên tắc mới có thể nuôi dạy con cái ngoan ngoãn, lễ phép.
Theo Aboluowang-Trường Lạc biên dịch -dkn.tv