Phong cách ăn uống của mèo thì nhẹ nhàng từ tốn, ăn từng miếng nhỏ chứ không phải táp nhanh như các chú chó. Bởi thế mà có câu: “ăn như mèo ăn”
Mèo rất cẩn thận một khi xả phân, chúng luôn đào đất và chôn kỹ sau khi xả phân xong. Dân gian thường nói: “dấu như mèo dấu cứt”.
Mắt mèo có cấu trúc khác với con người. Mèo có khả năng thấy rõ vào ban đêm hơn là chúng ta. Nhưng ngược lại mắt người có khả năng phân biệt màu sắc tốt hơn nhiều so với mèo.
Tiếng mèo kêu cũng khác biệt giữa ngày và đêm. Ban ngày chỉ nghe tiếng kêu ngao ngao hay tiếng gừ gừ nhỏ nhẹ. Ngược lại, tiếng mèo kêu vào giữa đêm dễ gây cho chúng ta cảm giác sợ hãi, hoang mang, nhất là tiếng kêu liên hồi giống như một em bé đang khóc thét trên nóc nhà, mỗi lúc một lớn dần, nhất là tiếng mèo kêu trong thời kỳ động dục.
Nhớ thời sinh viên, những đêm khuya trực tại bệnh viện mà nghe tiếng mèo kêu nhất là ở gần nhà xác thì cảm giác buốt lạnh chạy dọc theo sống lưng. Nhiều người tin rằng mèo mun (mèo đen) mà nhảy ngang qua xác chết thì xác chết sẽ đứng dậy ngay, nghe thế cho nên hễ thấy mèo đen lảng vảng trong khuôn viên bệnh viện thì cảm giác rợn người bổng dưng trổi dậy.
Những năm sau 1975, nhờ các nhân viên bệnh viện từ miền Bắc vào Nam công tác thường săn bắt mèo để ăn thịt bởi thế cho nên nỗi sợ “mèo mun nhảy qua xác chết”cũng dần tan biến.
Taurin được tìm thấy có nhiều ở chuột, cá và một số động vật khác. Có lẽ vì thế mà mèo rất khoái ăn thịt chuột. Cũng có thể, chuột là loài động vật sinh hoạt về đêm, có kích cỡ vừa miệng và sức mạnh kém xa mèo cho nên chuột trở thành con mồi chính của các chú mèo. Chuột nhỏ bé, thông minh và cũng lắm mưu trí nhưng không phải vì thế mà dễ thoát khỏi móng vuốt của mèo. Biết vậy cho nên chuột rất sợ mèo.
Mãi cho tới bây giờ tôi vẫn còn nhớ mấy câu ca dao sau đây:
Con mèo trèo lên cậy cau
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà
Chú chuột đi chợ đường xa
Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo
Có nhiều lý giải bài ca dao nầy theo nhiều cách khác nhau nhưng một điều đáng để ý ở đây, mèo là loài động vật không thích ăn mặn (ăn nhạt như mèo) thế mà chuột lại giỗ cha chú mèo bằng mắm và muối, đểu thật!
Mèo là vật nuôi được dân gian hình tượng hóa rất nhiều vào ca dao tục ngữ:
- Mèo mả gà đồng
- Chẳng biết mèo nào cắn mỉu nào
- Buộc cổ mèo treo cổ chó
- Chuột gặm chân mèo
- Chửi chó mắng mèo
- Im ỉm như mèo ăn vụng
- Không chó bắt mèo ăn cứt
- Mèo khen mèo dài đuôi
- Mèo mù vớ cá rán
- Mỡ để miệng mèo
Và còn nhiều hơn nữa mà người viết chưa kịp nhớ hay là không biết hết.
Khuôn mặt của mèo có phần kém biểu cảm hoặc đôi khi có vẻ xa lạ khiến cho người gần nó cảm thấy không được thân thiện. Khác với mèo, chó dễ gây cảm tình với người nếu người đó cho nó cảm giác an toàn. Chó rất gần gũi với chủ nhân, có gương mặt, đôi mắt thân thiện khiến cho chủ nhân coi nó như một người bạn tốt. Ngược lại, mèo tiếp cận rồi ngồi xuống bên cạnh và nhìn chủ nhân một cách thản nhiên, dường như không có một chút quan tâm nào đến cảm xúc của gia chủ. Chính vì vậy mà mèo được coi nhẹ hơn chó khi đề cập đến tính thân thiện và trung thành của chúng. Tuy thế, không ít người thích nuôi mèo bởi vì tính trầm lặng của mèo, khác với tính cách ồn ào và quá năng động của chó.
Trong cuộc đời nầy, có lẽ điều gì cũng có nguyên nhân của nó. Tổ tiên của chó là loài sói, có khả năng xây dựng các mối quan hệ cho nên chó thừa hưởng được khả năng giao tiếp tốt.
Trái lại, mèo có nguồn gốc từ một giống động vật sống đơn độc không có tính bầy đàn. Phải chăng vì thế mà mèo ít có khả năng biểu cảm với đối tượng chung quanh!
Theo một nghiên cứu cho biết mèo không tìm đến bên chủ để cảm thấy an tâm một khi chúng đang đối mặt với thử thách nào đó trong một căn phòng xa lạ.
Khi mèo phát hiện đang ở một nơi mà chưa bao giờ đặt chân đến thì rất nhanh chúng sẽ quyết định quay trở lại nơi từng quen thuộc. Mặc dù chủ nhân của chúng đang ở bên cạnh nhưng điều đó không làm mất đi cảm giác bất an của chúng. Ngược lại với mèo, chó thường có cảm giác an toàn một khi chúng được đứng bên cạnh chủ nhân cho dù nơi đó là một nơi xa lạ.
Khi mèo ở nơi mà cảm thấy an toàn thì chúng sẽ thể hiện tình cảm đối với chủ nhân, thể hiện qua một số cách khác nhau:
- Giơ đuôi thẳng đứng khi nhìn thấy gia chủ
- Dụi đầu vào chân hay vào lòng của gia chủ
- Phát ra tiếng “gừ gừ” khi được vuốt ve.
Người xưa thường nói “mèo tới nhà thì khó, chó tới nhà thì hên”,. Nghe nói riết rồi thì không ít người tin điều đó là đúng , là thật. Có lẽ vì thế mà nhiều người thích được chó tới nhà hơn là mèo. Trải qua những năm tháng của đời mình, lắm lúc bản thân người viết cũng bị rơi vào thiên kiến như vậy, riêng vợ thì trước đây tin tưởng gần như tuyệt đối quan điểm nầy.
Nhớ lại những ngày vợ bắt đầu mang thai đứa con thứ hai, tuổi con mèo. Tôi thường trêu vợ, “mèo tới nhà thì khó” có sợ không? Chẳng nghe vợ trả lời gì hết.
Không lâu sau khi mang thai cháu, chúng tôi được sở nhà đất cấp cho một căn chung cư mới xây, kế tiếp thi đậu vào trường Y học lại. Mừng quá, vợ nói có nhiều may mắn từ khi mang đứa con trong bụng, rõ ràng là vợ nói sao cũng được hết. Riêng tôi thì rất lo lắng vì nhiều lý do: tài chánh eo hẹp, thời gian hạn chế do đứa con sắp chào đời, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc học của mình! Thật ra là vừa mừng vừa lo thì đúng hơn.
Báo cho vợ biết, vợ mừng lắm và nói như hét lên “chắc mình hên rồi”. Không biết có hên được hay không chứ bản thân tôi cảm thấy chẳng hên chút nào khi mà nghe vợ phán: “dẫn nó vào phòng tắm, tắm rửa cho nó sạch sẽ ngay đi. Mệt mỏi sau một ngày ở trường đầy căng thẳng, về tới nhà chưa kịp cơm nước gì cả thì lại có công tác ngoại lệ, nhưng cũng phải chìu lòng vợ vì vợ đang bận chăm con.
Chú chó nầy quả thật thông minh, ngày đi chơi tối trở về để thỉnh thoảng được tắm rửa rồi cho ăn cho ngủ. Nó tỏ ra rất thân thiện khiến vợ rất hài lòng về sự hiện diện của nó.
Rồi một hôm, nó dẫn về một chú chó khác, có bộ lông xù và lớn hơn nó gâp 2 lần. Vợ thì mừng ra mặt trong khi mặt tôi thì méo vì cái công việc phụ trội tắm rửa chăm sóc chúng , mệt nhất là với con chó lông xù. Cứ như thế, mỗi buổi sáng mở cửa đi học thì chúng theo chân chạy ra ngoài, rong chơi cả ngày rồi đoán giờ tôi về mà nằm chờ trước cửa để được vợ đón vào một cách vui vẻ.
Niềm vui lớn khác lại đến khi mà cậu con trai của chúng tôi thi đậu vào “lớp học cơ hội” (opportunity class), một lớp học chừng 25 học sinh được tuyển chọn từ nhiều trường tiểu học trong một khu vực khá rộng lớn, sau khi được sự đề cử của Hiệu trưởng và trải qua một kỳ thi do bộ giáo dục tổ chức. Được nhận vào lớp nầy thì khả năng thi đậu vào trường tuyển cấp trung học là khá cao. Chính vì vậy mà vợ tôi luôn tin rằng chó tới nhà là hên.
Một bữa nọ, mệt quá mà hai con chó mãi đùa dỡn với nhau trong lúc đang tắm khiến cho tôi phải thốt lời than: “sao mà tụi mầy làm khổ tao quá vậy!”. Không biết là trùng hợp hay là chúng nghe và hiểu được lời than phiền ấy mà hôm sau chúng nó không trở về. Thấy vợ buồn với lời trách: “than thở làm chi cho chúng nó bỏ đi mất rồi”, khiến tôi phải tốn khá nhiều thời giờ thả bộ lòng vòng qua mấy khu nhà lân cận với hy vọng may ra tìm gặp được chúng để dẫn về nhà. Nhưng có lẽ đã hết duyên, bọn chúng ra đi mà không bao giờ quay lại.
Thời gian trôi nhanh và cái tin cậu con trai được thi đậu vào trường tuyển trung học công lập, một trong những trường có tiếng tại Sydney (Sydney Boy High School) giúp cho nỗi buồn của vợ cũng dần nguôi ngoai.
Hoàn cảnh đổi thay, chúng tôi dọn về một nơi ở mới. Khi đi coi nhà thì không thấy đâu nhưng khi dọn vào thì phát giác là có vài con mèo lãng vãng ngoài vườn. Vợ không vui khiến tôi cũng không được vui. Vợ quyết định nuôi thêm một chú chó để nó làm nhiệm vụ đuổi mèo, nhưng kế hoạch đó bị thất bại ngay từ đầu. Lý do thất bại là vì tiếng sủa của chó vào ban đêm đã bị láng giềng cất lời than trách!
Thế là, ban đêm phải cho chú chó “thường trú” trong nhà. Nhưng đâu có dễ được yên, một khi nó nhìn ra sân vườn mà phát hiện bóng dáng của mèo thì lại cất tiếng sủa, đánh thức cả nhà dậy! Để khuất phục hoàn cảnh nầy đành phải gọi người đến gắn mấy khung màn che kín các cửa sổ và cửa hậu, ngăn tầm nhìn của chú chó và chấp nhận sự lui tới của mèo vào ban đêm. Vợ lại không vui!
Cái năm mà đứa cháu gái tham dự kỳ thi tranh suất học bổng vào một trường trung học tư thục danh giá gần nhà. Lúc điền đơn thì tôi ghi số điện thoại liên lạc tại nơi làm việc của mình, lúc đó chưa có điện thoại cầm tay như bây giờ.
Đồng thời, cháu cũng nạp đơn tham dự kỳ thi xét nhận vào một trong những trưởng tuyển trung học công lập. Chúng tôi quyết định nghỉ làm trong tuần lễ chuẩn bị và ngày thi nhằm hổ trợ tinh thần cũng như lo thức ăn nước uống cho cháu trong thời điểm tinh thần đang căng thẳng.
Một ngày trước ngày thi, cháu nghe tin từ đứa bạn cho biết đã được thông báo về suất học bổng từ nhà trường. Chờ suốt một ngày trời mà không thấy nhà trường gọi, chúng tôi nghĩ rằng cháu không được may mắn để lấy được suất học bổng nầy rồi. Và dĩ nhiên chúng tôi hiểu rõ tâm trạng không vui của cháu, chỉ biết dùng vài lời an ủi và động viên để cháu an tâm tập trung vào kỳ thi tuyển hôm sau. Vợ thì mặt buồn vô tả, chẳng biết vợ có đổ thừa là do mèo đến nhà cho nên không được may mắn như vậy hay chăng?
Ngày thi tuyển, lái xe đưa cháu đến trường thi, khi vừa tấp vào lề cho cháu bước xuống thì bổng dưng có một con mèo phóng nhanh ngang qua đầu xe. Chợt hỏi chính mình: “Điềm gì nữa đây?” vì lại liên tưởng đến chuyện xui xẻo do mèo mang đến. Buồn một mình chứ không dám nói với vợ vì biết rằng nói ra vợ sẽ buồn lo hơn nhiều!
Xong kỳ thi của cháu thì chúng tôi trở về công việc của mình. Việc đâu tiên là mở nghe những tin nhắn trên máy điện thoại bàn, qua vài mẫu tin nhắn không mấy quan trọng thì có tin nhắn của nhà trường báo cho biết là cháu đã được offer suất học bỗng 6 năm bậc trung học. Lúc đó mới vỡ lẽ và nhớ ra là minh đã ghi số điện thoại liên lạc ở nơi làm việc khiến phải buồn phiền suốt trong mấy ngày qua.
Một thời gian không lâu sau đó thì cũng nhận thư báo cho biết là cháu đã được nhận vào trường tuyển Sydney Girl High School. Niềm vui vỡ òa, và kể từ đó chúng tôi không còn thiên kiến sai lầm về mèo như trước kia nữa.
Sydney, đầu năm Quý Mão
đinh tấn khương/quinhon11