Trầm cảm là một căn bệnh có triệu chứng kín đáo nhưng khá phổ biến, ảnh hưởng đến khả năng làm việc hiệu quả và những mối quan hệ tốt đẹp của mọi người, vốn là một phần tích cực của xã hội.
Vào năm 2020, cứ 10 người Mỹ thì có gần 1 người bị trầm cảm, với 1/5 trường hợp là thanh thiếu niên. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, chỉ trong năm đầu tiên xảy ra đại dịch COVID-19, tỷ lệ trầm cảm trên toàn thế giới đã tăng 25%.
Đôi khi chúng ta có thể bị trầm cảm và thậm chí vô tình nằm trong số nhiều người gặp chứng rối loạn này.
Cả trạng thái sức khỏe tinh thần và thể chất của chúng ta đều có thể chịu ảnh hưởng của chứng trầm cảm, vậy các triệu chứng của trầm cảm là gì?
6 triệu chứng của bệnh trầm cảm
1. Cảm thấy xuống tinh thần
Cảm thấy xuống tinh thần hoặc tâm trạng xấu là biểu hiện chính của những người bị trầm cảm. Ví dụ, nhiều người không quan tâm đến những điều mà họ thấy thú vị trong quá khứ. Một số người có thể nói: “Tôi không thể vui lên hay có cảm giác vui sướng nữa.”
2. Chán ăn hoặc ăn quá nhiều
Những người bị trầm cảm có thể cảm thấy chán ăn, thức ăn vô vị và thậm chí không muốn ăn, hậu quả là họ bị sụt cân trong một thời gian ngắn. Một số khác có hành vi ngược lại họ thấy cần phải ăn nhiều hơn và bị tăng cân nhanh chóng.
3. Khó ngủ, sáng dậy sớm
Tình trạng giấc ngủ là một chỉ số thiết yếu của bệnh trầm cảm. Người trầm cảm thường khó ngủ và có thể bị mất ngủ. Họ cũng có thể thức dậy rất sớm vào buổi sáng, cảm thấy buồn bã và không thể ngủ lại được.
4. Mất tập trung
Không có khả năng tập trung là một triệu chứng phổ biến khác ở bệnh nhân trầm cảm. Do đó, hiệu quả công việc, học tập và những hoạt động hàng ngày giảm đi đáng kể.
5. Thường xuyên có cảm giác tội lỗi
Một triệu chứng điển hình khác của bệnh trầm cảm là trạng thái thường xuyên tự trách bản thân và cảm thấy tội lỗi. Những cảm giác dai dẳng như “tôi không thể chịu trách nhiệm và tôi không thể làm tốt bất cứ điều gì” chiếm ưu thế. Bệnh nhân có thể cảm thấy nhiều vấn đề về cảm xúc và tinh thần khác nhau do chứng trầm cảm gây ra, chẳng hạn như không thể vui vẻ khi thấy người khác hạnh phúc, hoặc cảm thấy tội lỗi khi làm người khác thất vọng.
Một số người có những suy nghĩ tiêu cực dai dẳng về hành động trong quá khứ. Họ tự trách bản thân đã không giải quyết tốt mọi việc. Khi vòng xoắn suy nghĩ càng tiếp diễn, áp lực tâm lý càng lớn thì tình hình càng trở nên nghiêm trọng.
6. Ý định tự tử
Trầm cảm nặng có thể dẫn đến hành vi tự sát. Người bệnh có thể cảm thấy cuộc sống trở nên buồn tẻ và vô nghĩa, rằng họ đã trở thành gánh nặng cho người khác, và cuộc sống không tốt hơn cái chết. Trong trường hợp xấu nhất, ý nghĩ tự tử không chỉ trở thành ý tưởng mà còn là mong muốn hoặc kế hoạch kết thúc cuộc đời của một người.
Cách điều trị các triệu chứng trầm cảm
Không có gì lạ khi một người khỏe mạnh bình thường trải qua những cảm xúc thăng trầm trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, nếu tình trạng suy sụp này kéo dài hơn hai tuần mà không có nguyên nhân rõ ràng, chúng ta nên chú tâm và cảnh giác với bệnh trầm cảm.
Nếu quý vị nhận thấy bạn bè, thành viên gia đình hoặc thậm chí chính quý vị đang gặp những vấn đề này, hãy tìm kiếm sự trợ giúp từ chuyên gia. Hãy tìm đến bác sĩ chuyên khoa, nhà tâm lý học hoặc bác sĩ tâm lý hay tham vấn ý kiến từ bác sĩ gia đình của quý vị.
Đối với trầm cảm nhẹ và trung bình, các bác sĩ thường khuyên bệnh nhân tham dự những phiên tư vấn và điều trị tâm lý.
Trong trường hợp trầm cảm nặng, bệnh nhân có thể có những bất thường về sinh hóa và các triệu chứng nghiêm trọng, bác sĩ có thể kê toa các thuốc chống trầm cảm.
Trầm cảm là một căn bệnh. Căn bệnh này không liên quan gì đến suy nghĩ hay giá trị đạo đức của bệnh nhân. Các triệu chứng cảm xúc không phải là lỗi của bệnh nhân.
Theo thời gian và với cách điều trị thích hợp, bệnh nhân sẽ dần dần có cải thiện.
Dr. Jingduan Yang _ Nam Khanh/baomai