Điều nguy hiểm của suy thận đó là bệnh không có biểu hiện rõ ràng nên thường phát hiện khi đã vào giai đoạn muộn.
Thận có chức năng lọc máu và loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể. Các chất thải này sẽ được bài tiết ra ngoài theo đường tiểu. Khi thận bị mất chức năng, chất độc sẽ xâm nhập vào cơ thể và dẫn tới suy thận. Đây là tình trạng nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng nếu không được phát hiện và điều trị sớm.
Dấu hiệu của suy thận
Suy thận được chia làm 2 loại: suy thận cấp tính (xảy ra một cách đột ngột) và suy thận mạn tính (tình trạng suy thận kéo dài).
Điều đặc biệt nguy hiểm của suy thận đó là bệnh có thể không có các biểu hiện rõ ràng ở giai đoạn sớm mà chỉ xuất hiện rầm rộ ở giai đoạn muộn.
Ở giai đoạn sớm, các dấu hiệu của suy thận khó phát hiện và phổ biến nhất là 3 triệu chứng:
- Giảm lượng nước tiểu
- Sưng, phù các chi
- Thở hụt hơi
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), có khoảng 90% bệnh nhân bị suy thận mạn tính không biết mình mắc bệnh. Chỉ tới khi bệnh tiến triển tới giai đoạn muộn hơn, bệnh nhân mới bắt đầu có các triệu chứng như:
- Mệt mỏi, kiệt sức
- Hay bị buồn nôn
- Lú lẫn, đau đầu
-Đau tức ngực
- Ngứa da
- Co giật
- Hôn mê
Đặc biệt, 3 triệu chứng nếu xuất hiện thường xuyên vào ban đêm có thể là dấu hiệu cảnh báo đỏ của suy thận, đó là: đi tiểu nhiều lần mặc dù uống ít nước, chuột rút cơ bắp, mất ngủ. Nhiều bệnh nhân suy thận cho biết tiểu đêm nhiều lần là dấu hiệu đầu tiên mà họ có.
Màu sắc của nước tiểu cũng là dấu hiệu cảnh báo chức năng thận có vấn đề. Bệnh nhân suy thận thường có nước tiểu sẫm màu, có bọt như xà phòng.
Nguyên nhân nào dẫn tới suy thận?
Theo Quỹ Thận Quốc gia Hoa Kỳ, suy thận có nhiều nguyên nhân nhưng 2 nguyên nhân thường gặp nhất là huyết áp cao và tiểu đường. Những người mắc bệnh tim mạch hoặc tiền sử gia đình có người bị suy thận cũng có nguy cơ cao hơn mắc suy thận.
Ngoài ra, mất nước, suy gan, dị ứng hoặc ngộ độc thực phẩm/thuốc, nhiễm trùng nặng, suy giảm lượng máu tới thận (do cục máu đông hoặc khối u), nhiễm độc kim loại nặng, nghiện rượu, viêm mạch máu, lupus, viêm cầu thận, hội chứng urê huyết tán huyết cũng có thể dẫn tới suy thận.
Chẩn đoán và điều trị suy thận
Suy thận được chẩn đoán bằng các phân tích nước tiểu, đo thể tích nước tiểu, xét nghiệm máu, chẩn đoán hình ảnh (như siêu âm, chụp cộng hưởng từ, chụp cắt lớp vi tính CT) và xạ hình thận, sinh thiết.
Để điều trị suy thận, tùy vào giai đoạn bệnh mà bác sĩ sẽ quyết định hình thức điều trị. Theo đó, bệnh nhân có thể được điều trị bằng cách chạy thận nhân tạo, ghép thận hoặc điều chỉnh thói quen sinh hoạt hằng ngày và dùng thuốc. Nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, bệnh nhân có thể chỉ cần dùng thuốc và xét nghiệm thường xuyên để ngăn bệnh tiến triển nặng hơn. Còn nếu ở giai đoạn muộn, bệnh nhân sẽ phải chạy thận nhân tạo và ghép thận.
Dù ở bất kỳ giai đoạn nào, bệnh nhân cũng sẽ cần thay đổi các thói quen sinh hoạt theo tư vấn của bác sĩ điều trị. Cụ thể, bệnh nhân sẽ cần hạn chế tối đa tiêu thụ đồ uống có cồn, nếu sử dụng cần phải hỏi ý kiến của bác sĩ về lượng uống phù hợp với tình trạng bệnh hiện tại; thay đổi chế độ ăn uống như hạn chế thực phẩm nhiều muối, kali, phốt pho và đặc biệt cần tiêu thụ protein theo hướng dẫn của bác sĩ.
Nguồn: Healthline, NHS --Lam Chi-/soha