Thứ Ba, 8 tháng 3, 2022

Lợi ích sức khỏe của quả mít

Mít là một loại trái cây nhiệt đới, nằm trong họ Moraceae. Mít có múi vàng, dày, có thể ăn được cả hột mít. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về các lợi ích không ngờ tới của trái mít cũng như các bộ phận khác của cây mít .


1. Điều chỉnh lượng cholesterol

Các nghiên cứu trên động vật chỉ ra rằng hạt mít giúp giảm mức cholesterol 'xấu' (LDL) và tăng mức cholesterol 'tốt' (HDL).

Cholesterol LDL là một dạng chất lắng không tốt cho sức khỏe, có thể bám dính vào thành mạch máu. Khi lượng chất lắng tăng cao, nó có thể ngăn cản tuần hoàn máu, dẫn đến huyết áp cao và tăng nguy cơ bị đau tim hoặc đột quỵ.

Ngược lại, Cholesterol HDL là loại cholesterol tốt cho sức khỏe, giúp đẩy cholesterol LDL ra khỏi mạch máu và đưa về gan.

Một nghiên cứu thực hiện năm 2015 đã tìm hiểu tác động của một số chế độ ăn có hạt mít lên mức cholesterol ở chuột. Những con chuột ăn nhiều hạt mít hơn thì có mức cholesterol HDL cao hơn và mức cholesterol LDL thấp hơn so với những con chuột ăn ít hơn.

2. Có thể giúp giảm huyết áp

Mít là nguồn cung cấp kali dồi dào. Theo Hiệp hội Tim Hoa Kỳ (AHA), những thực phẩm giàu kali có thể giúp giảm huyết áp.

Kali giúp giảm huyết áp bằng cách xử lý các tác động của sodium hay natri và giảm căng thẳng trên thành mạch máu.

AHA khuyến nghị một người trưởng thành khỏe mạnh nên hấp thu 4.700 miligam (mg) kali mỗi ngày. Một cốc mít tươi có thể chứa tới 739 mg kali.

Tuy nhiên, một chế độ ăn quá nhiều kali có thể gây hại với những người mắc bệnh về thận hay bất kỳ loại bệnh nào có thể thay đổi cách cơ thể điều tiết kali.

3. Có thể giảm nguy cơ ung thư

Mít có thành phần gồm các hóa chất thực vật như flavonoid, saponin và tannin. Theo Viện Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ, rất nhiều hóa chất thực vật có thành phần chống oxy hóa, nghĩa là chúng có thể giúp chống lại tác động của các gốc tự do.

Các gốc tự do là các nguyên tử/phân tử không ổn định có thể gây hại cho tế bào. Những tổn hại này có thể góp phần gây các bệnh mãn tính như ung thư.

Các hóa chất thực vật có thể ngăn mạch máu mới phát triển xung quanh các tế bào ung thư. Thiếu mạch máu có thể gây giảm nguồn cung máu cho tế bào ung thư.

4. Giúp điều tiết lượng đường trong máu

    Những công dụng ít ai biết của quả mít - Ảnh 1.

    Các nghiên cứu về công dụng của mít vẫn đang được tiến hành. Ảnh: Pinterest

Chỉ số đường huyết (GI) giúp đánh giá mức độ ảnh hưởng của một số thực phẩm lên lượng glucose trong máu.

Thực phẩm có chỉ số GI cao thường dễ gây tăng đột biến lượng đường trong máu hơn. Hệ thống GI có thể giúp người mắc bệnh tiểu đường lên chế độ ăn hợp lý.

Một nghiên cứu năm 2011 đã đánh giá hiệu quả của chiết xuất lá mít lên những con chuột bị tiểu đường. Cuối cuộc nghiên cứu, những con chuột đã hấp thụ chiết xuất lá mít có lượng insulin cao hơn và lượng glucose trong máu thấp hơn. Các nhà khoa học xác định rằng chiết xuất lá mít chứa flavonoid có thể giúp ngăn ngừa việc tế bào chết ở trong tuyến tụy - cơ quan sản sinh ra insulin.

Một thí nghiệm trong ống nghiệm năm 2016 phát hiện rằng chiết xuất vỏ cây mít có chứa các hóa chất có thể ngăn chặn sự chuyển hóa chất béo và carbohydrate phức tạp thành đường. Các nhà khoa học của nghiên cứu cho hay những hóa chất này có thể hữu ích trong việc điều trị bệnh tiểu đường.

Tuy nhiên cần có thêm nhiều nghiên cứu ở người để có thể xác nhận những hiệu quả trên.

5. Chữa lành vết thương

Mít rất giàu vitamin C - một chất chống oxy hóa thiết yếu cho hệ miễn dịch. Ngoài ra, cơ thể cần vitamin C để tạo ra một loại protein là collagen - protein thiết yếu trong chăm sóc da, xương và các mô liên kết như mạch máu và sụn. Collagen cũng rất quan trọng trong việc chữa lành vết thương.

Theo một đánh giá tổng quan năm 2014, mít có những thành phần chống viêm, chống vi khuẩn và chống nấm có thể giúp vết thương lành lại nhanh chóng.

Một nghiên cứu năm 2013 cũng thử nghiệm hiệu quả của chiết xuất lá mít lên da lợn. Kết quả là chiết xuất lá mít cũng giúp vết thương lành lại nhanh hơn.

6. Hỗ trợ hệ tiêu hóa

Mít, đặc biệt là hạt mít, là nguồn cung chất xơ hòa tan và không hòa tan dồi dào. Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), chất xơ hòa tan có thể làm giảm lượng cholesterol LDL và làm chậm quá trình hấp thụ carbohydrate trong máu, từ đó giúp ngăn chặn lượng đường glucose tăng đột biến trong máu sau khi ăn.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng chất xơ có thể giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim, tiểu đường và ung thư trực tràng.

Viện Dinh dưỡng và Chế độ ăn (Mỹ) khuyến nghị phụ nữ nên ăn 25g chất xơ và nam giới nên ăn 38g chất xơ mỗi ngày.

Hạt mít còn chứa prebiotics, giúp hỗ trợ tăng cường lợi khuẩn trong dạ dày.

Lưu ý khi ăn mít

Theo một báo cáo năm 2015, một phụ nữ có tiền sử dị ứng latex đã bị sốc phản vệ sau khi ăn mít. Tác giả báo cáo cho rằng phản ứng này có thể là do các protein giống latex trong mít gây ra.

Các báo cáo về những trường hợp khác chỉ ra những người có tiền sử dị ứng phấn hoa bạch dương cũng có thể bị dị ứng khi ăn mít.

Tuy nhiên, các trường hợp bị dị ứng với mít vẫn là cực kỳ hiếm gặp.

Kết

Mít là loại hoa quả giàu vitamin C, kali, chất xơ cùng các loại vitamin và khoáng chất khác.

Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng các chiết xuất từ múi mít, hạt mít và các bộ phận khác của cây mít có tiềm năng điều trị hoặc ngăn chặn một số loại bệnh.

Để làm phong phú bữa ăn cũng như thay đổi cách ăn mít thông thường, chúng ta có thể chế biến mít như một nguyên liệu thay thế trong các món chay.

(Nguồn: Medical News Today/soha