Đã bao giờ bạn thức dậy vào nửa đêm và thấy mồ hôi nhễ nhại như thể bạn vừa chạy marathon? Nếu không phải do phòng của bạn quá nóng thì nguyên nhân gây ra hiện tượng này thường là do sự biến động nội tiết tố trong cơ thể hoặc là tác dụng phụ của thuốc.
Đổ mồ hôi trộm sẽ làm bạn thao thức, ngủ không ngon, gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và sức khỏe của bạn sau này.
Dưới đây là những điều bạn cần biết về hiện tượng đổ mồ hôi trộm khi ngủ:
Nguyên nhân
1. Rối loạn nội tiết tố
Rối loạn nội tiết tố khiến cơ thể bạn khó điều chỉnh nhiệt độ nên có thể gây ra hiện tượng đổ mồ hôi ban đêm. Nhiệt độ cơ thể được điều chỉnh bởi vùng dưới đồi (một khu vực sản xuất hormone trong não). Khi nội tiết tố của bạn mất cân bằng thì vùng dưới đồi cũng không thể điều chỉnh nhiệt độ một cách chính xác.
Các loại rối loạn nội tiết tố có thể ảnh hưởng đến nhiệt độ cơ thể và gây đổ mồ hôi ban đêm gồm:
Cường giáp: Đây là hiện tượng hormone tuyến giáp được sản xuất quá mức gây tăng tiết mồ hôi.
U tủy thượng thận: Tuyến thượng thận sẽ sản xuất nhiều hormone hơn khi bị mọc khối u. Bạn sẽ thấy đổ mồ hôi ban đêm và nhịp tim tăng cao.
Hội chứng carcinoid: Đây là một căn bệnh hiếm có liên quan đến các khối u trong hệ thống nội tiết. Trong một số trường hợp, nó có thể dẫn đến hiện tượng sản xuất dư thừa chất dẫn truyền thần kinh serotonin. Một trong những triệu chứng của tình trạng này là đổ nhiều mồ hôi.
Nếu bạn gặp các triệu chứng khác của sự mất cân bằng nội tiết tố như thay đổi cân nặng hoặc đau đầu, hãy đến gặp bác sĩ.
2. Nhiễm trùng
Khi bị bệnh do nhiễm vi rút hoặc vi khuẩn, cơ thể sẽ tự tăng nhiệt độ bên trong để chống lại nhiễm trùng, đây là nguyên nhân khiến bạn bị sốt. Sự gia tăng nhiệt độ cơ thể có thể dẫn đến hiện tượng đổ mồ hôi, đặc biệt là vào ban đêm khi bạn bị sốt.
“Các bệnh nhiễm trùng như HIV, bệnh lao và bệnh bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng có thể gây đổ mồ hôi ban đêm. Những tình trạng này tạo ra các hóa chất cytokine chống lại sự nhiễm trùng. Cytokine sẽ gây sốt và đổ mồ hôi vào ban đêm” – Soma Mandal, MD, bác sĩ nội trú được hội đồng quản trị chứng nhận tại Summit Medical Group, ở Berkeley Heights, New Jersey cho biết.
3. Thuốc
Một số loại thuốc có thể gây đổ mồ hôi ban đêm như thuốc chống trầm cảm cho chứng trầm cảm hoặc lo lắng. Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy 14% số người sử dụng thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) – dạng thuốc chống trầm cảm phổ biến nhất – bị đổ mồ hôi nhiều và đổ mồ hôi ban đêm. Các tác giả nghiên cứu kết luận rằng những loại thuốc này có ảnh hưởng đến các khu vực não sản xuất hormone giúp kiểm soát nhiệt độ và đổ mồ hôi.
Các loại thuốc dưới đây cũng có thể gây đổ mồ hôi ban đêm:
Thuốc trị đau nửa đầu Triptan, như Relpax hoặc Frova.
Thuốc ngăn chặn hormone, như Arimidex hoặc Femara.
Thuốc trị tiểu đường, như Metformin hoặc Insulin (nếu đang dùng những loại thuốc này, bạn nên kiểm tra lượng đường trong máu để đảm bảo rằng nó không quá thấp, sẽ gây đổ mồ hôi ban đêm).
Nếu bạn bị đổ mồ hôi do thuốc thì hãy mặc quần áo mỏng hoặc hạ nhiệt độ phòng khi đi ngủ. Nếu hiện tượng này khiến bạn mất ngủ thường xuyên thì hãy đến gặp bác sĩ.
4. Thời kỳ mãn kinh
Đổ mồ hôi ban đêm thường liên quan đến sự dao động nội tiết tố trong thời kỳ mãn kinh và tiền mãn kinh. Hơn 80% phụ nữ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh sẽ cảm thấy nóng đột ngột trong người. Nếu cơn nóng đến vào ban đêm, chúng sẽ khiến bạn bị đổ mồ hôi.
Phụ nữ thường bắt đầu giai đoạn mãn kinh khi bước vào độ tuổi từ 45 đến 55. Tiền mãn kinh sẽ diễn ra trong 7 đến 14 năm trước khi bạn hoàn toàn mãn kinh. Cụ thể, sự sụt giảm hormone estrogen trong thời kỳ tiền mãn kinh có ảnh hưởng đến sự điều hòa nhiệt độ của cơ thể nên sẽ làm bạn bị đổ mồ hôi vào ban đêm. Nếu đây là nguyên nhân khiến bạn bị đổ mồ hôi thì không có gì đáng ngại. Lời khuyên cho bạn là hãy nói chuyện với bác sĩ để dùng các loại thuốc thay thế estrogen.
Khi nào thì bạn cần quan tâm đến hiện tượng đổ mồ hôi vào ban đêm?
Theo bác sĩ Mandal, hiện tượng này không phải lúc nào cũng đáng lo ngại. Bạn không cần phải lo lắng nếu đang trải qua thời kỳ mãn kinh hoặc đang dùng thuốc SSRI. Tuy nhiên, nếu bạn gặp thêm nhiều các triệu chứng khác (như sốt, giảm cân, khó chịu trong người, thèm ăn) thì nên đến gặp bác sĩ.
Minh Minh (Theo Insider)/trithuc
.