Thứ Ba, 22 tháng 3, 2022

Bí quyết ăn “8 nhiều- 4 ít”

Nhiều người có thói quen ăn uống không điều độ, dẫn đến việc mất cân bằng dinh dưỡng, từ đó gián tiếp "cắt ngắn" sức khỏe cũng như tuổi thọ của bản thân.

 


Ngoài khao khát trường thọ, mọi người cũng muốn khi về già có một cuộc sống chất lượng, một cơ thể khỏe mạnh. Tuy nhiên, sức khỏe và tuổi thọ của con người bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như điều trị y tế, di truyền, khí hậu, môi trường... Trong đó, yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến sức khỏe chính là thói quen ăn uống.

Vì vậy, hãy ghi nhớ quy tắc ăn “8 nhiều, 4 ít” dưới đây để luôn có sức khỏe dồi dào dù ở bất cứ độ tuổi nào.

Quy tắc ăn “8 nhiều”

1. Rau củ nhiều màu sắc

Có rất nhiều loại rau và đa số chúng đều rất giàu chất dinh dưỡng như vitamin, khoáng chất và chất xơ.

Chất xơ dồi dào trong rau có thể thúc đẩy nhu động ruột và ngăn ngừa táo bón; nó cũng có thể kiểm soát năng lượng và lượng đường trong máu sau ăn và ngăn ngừa các bệnh mãn tính khác nhau.

Chúng ta có thể ăn đa dạng các loại rau có màu sắc khác nhau để đem lại những lợi ích sức khỏe khác nhau cho cơ thể. Các loại rau có màu cam, vàng rất giàu vitamin C, carotene, là tiền chất của vitamin A có tác dụng bảo vệ và ngăn ngừa các bệnh về mắt.

Các loại rau củ màu xanh đậm có hàm lượng các loại vitamin và khoáng chất cực kỳ phong phú, chẳng hạn như beta-carotene, vitamin C, vitamin K, vitamin B11, v.v. Bên cạnh đó, hàm lượng khoáng chất trong các loại rau màu xanh đậm cũng rất dồi dào, ví dụ như: sắt, canxi, chất xơ.

Bí quyết ăn “4 ít - 8 nhiều” giúp vừa khoẻ người vừa ít bệnh tật: Ít người làm đủ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

2. Các loại đỗ, đậu

Các loại đỗ, đậu có thể cung cấp chất đạm thực vật và các axit béo không bão hòa, là thực phẩm lý tưởng để tăng cường sức khỏe. Đậu còn chứa nhiều loại vitamin, khoáng chất và một số hoạt chất có lợi cho cơ thể con người.

3. Trái cây

Giống như rau, trái cây chứa ít năng lượng nhưng lại cung cấp lượng lớn vitamin, khoáng chất và chất xơ mà cơ thể con người cần.

4. Ngũ cốc nguyên hạt

Ngũ cốc nguyên hạt là nguồn cung cấp carbohydrate (carb) chính cho cơ thể. Ngũ cốc nguyên hạt có thể cung cấp lượng vitamin B1 và ​​B2 và chất xơ cần thiết cho cơ thể.

Ngũ cốc nguyên hạt được cơ thể con người tiêu hóa và hấp thu chậm, do đó khiến cơ thể có cảm giác no lâu, tránh cảm giác nhanh đói và từ đó hạn chế lượng thức ăn nạp vào cơ thể.

Các nguồn carbs nguyên hạt khác có thể sử dụng là gạo lứt, lúa mạch đen, kiều mạch, lúa mì bulgur, hạt kê, yến mạch,...

Bí quyết ăn “4 ít - 8 nhiều” giúp vừa khoẻ người vừa ít bệnh tật: Ít người làm đủ - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

5. Thịt trắng, cá

Thịt nạc, cá, thịt gia cầm và trứng là những nguồn cung cấp protein chất lượng cao, và chúng ít chất béo, là loại thực phẩm giúp tăng cường sức khỏe.

Các loại cá đặc biệt là cá biển rất giàu DHA và EPA là các axit béo có lợi cho sức khỏe của con người và không làm tăng mỡ máu.

6. Sữa chua

Cung cấp cho cơ thể một lượng lớn các vi khuẩn có lợi giúp bảo vệ hệ tiêu hóa. Probiotics trong sữa chua rất tốt cho sức khỏe đường ruột, probiotic được chứng minh giúp giảm viêm nhiễm, rối loạn đường ruột.

Sử dụng sữa chua đặc biệt có chứa men vi sinh thường xuyên có thể tăng cường hệ thống miễn dịch của bạn và giảm khả năng mắc bệnh.

Bí quyết ăn “4 ít - 8 nhiều” giúp vừa khoẻ người vừa ít bệnh tật: Ít người làm đủ - Ảnh 3.

Ảnh minh họa.

7. Các loại hạt

Chất béo trong các loại hạt hầu hết là axit béo không bão hòa, là chất béo cần thiết cho cơ thể.

Các loại hạt cũng có thể bổ sung các loại vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể con người như vitamin E, vitamin B, kẽm, magie, canxi, v.v. Các loại dinh dưỡng từ hạt cũng có những ưu điểm riêng: hạt mè đen giàu sắt, hạt phỉ giàu mangan, hạt điều giàu selen… là những chất dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe con người.

8. Nước

Uống nước thường xuyên để cơ thể luôn đủ nước, giúp tiêu hóa thức ăn và hấp thụ chất dinh dưỡng tốt hơn.

Quy tắc ăn “4 ít”

1. Thực phẩm nhiều muối

Ăn quá nhiều muối là nguồn gốc không tốt cho sức khỏe có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận, cao huyết áp, tim mạch, đột quỵ.

Vì vậy, việc kiểm soát lượng muối ăn vào hàng ngày là vô cùng quan trọng, không nên vượt quá 5g muối/ngày. Ngoài ra, mọi người cũng nên hạn chế ăn thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối như thịt xông khói, xúc xích, cá muối...

Bí quyết ăn “4 ít - 8 nhiều” giúp vừa khoẻ người vừa ít bệnh tật: Ít người làm đủ - Ảnh 4.

Ảnh minh họa.

2. Thực phẩm giàu chất béo bão hòa và axit béo chuyển hóa

Mỡ động vật, các sản phẩm thịt chế biến từ nội tạng động vật, bơ và các thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa. Khi ăn mọi người cần tính toán liều lượng hợp lý để tránh gây ra các bệnh béo phì, mỡ máu, tim mạch.

3. Đồ chiên, rán

Các thực phẩm chiên, rán chứa nhiều dầu mỡ và các chất béo chuyển hóa, có hại cho sức khỏe. Việc ăn nhiều đồ chiên rán có thể dẫn đến tình trạng tăng cân, béo phì,...

4. Thực phẩm nhiều đường

Các thực phẩm chứa nhiều đường như nước ngọt, bánh ngọt, bánh quy, kẹo,... sẽ kích thích cơ thể tiết ra axit béo trong gan và sản sinh ra nhiều hormone insulin, làm tăng lượng mỡ trong cơ thể.

Việc duy trì chế độ ăn uống điều độ, thói quen sinh hoạt hợp lý, giữ tâm trạng vui vẻ ngày từ khi còn trẻ là tiền đề để cơ thể khỏe mạnh, sống thọ sống lâu khi về già

(theo soha)