Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2022

Bệnh tiểu đường: xét nghiệm A1C



 Xét nghiệm A1c là xét nghiệm quan trọng trong việc chẩn đoán và theo dõi bệnh tiểu đường. Vấn đề đang được nhiều bệnh nhân quan tâm là có nên thực hiện xét nghiệm A1c tại nhà hay không? Dưới đây sẽ là một số thông tin và lời khuyên hữu ích.

1. Bệnh tiểu đường có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như thế nào?

Bệnh tiểu đường nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như sau:

    Biến chứng cấp tính

+ Nhiễm toan ceton: Đây là một trong những biến chứng nghiêm trọng của bệnh nhân tiểu đường xảy ra khi cơ thể sản sinh quá nhiều axit trong máu. Nếu không được điều trị sớm, người bệnh sẽ gặp nguy hiểm đến tính mạng.

+ Tăng áp lực thẩm thấu: Những trường hợp bệnh nhân đường huyết quá cao sẽ có thể dẫn đến hôn mê và nếu không được cấp cứu ngay lập tức, bệnh nhân rất dễ tử vong.

+ Hạ đường huyết: Nếu đường huyết của bệnh nhân bị hạ quá mức, có thể do người bệnh sử dụng thuốc hạ đường huyết quá liều, sử dụng rượu bia hoặc do kiêng ăn quá mức, tập những bài tập cường độ cao. Trường hợp này cũng rất nghiêm trọng. Ngay khi bệnh nhân có biểu hiện đói, mệt mỏi, vã mồ hôi bủn rủn chân tay, đánh trống ngực,… cần đưa người bệnh đi cấp cứu kịp thời để tránh nguy hiểm đến tính mạng.

 


     Biến chứng mạn tính

Ngoài những biến chứng cấp tính, bệnh nhân mắc tiểu đường còn phải đối mặt với nhiều biến chứng mạn tính như sau:

+ Biến chứng tim mạch: Bệnh nhân mắc tiểu đường dễ gặp phải tình trạng cao huyết áp, xơ cứng động mạch, tai biến mạch máu não,…

+ Biến chứng thận: Khi bạn mắc bệnh tiểu đường, những mạch máu nhỏ ở thận cũng rất dễ bị tổn thương và hoạt động không hiệu quả như ở người khỏe mạnh. Do đó, người bệnh dễ gặp phải một số biến chứng ở thận.

+ Biến chứng thần kinh: Chẳng hạn như tổn thương dây thần kinh là biến chứng thường gặp và có thể xảy ra khá sớm ở những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường. Người bệnh có thể gặp phải một số biểu hiện như tê bì, mất cảm giác, teo cơ, thậm chí là nguy cơ nhiễm trùng và buộc phải cắt bỏ một phần của chi,… Một số trường hợp còn có thể bị tổn thương dây thần kinh sọ dẫn đến tình trạng sụp mí, lác trong hoặc gây liệt mặt,…

+ Biến chứng về thị giác: Mức glucose máu cao và huyết áp tăng cao sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về võng mạc, gây suy giảm thị lực và còn có thể dẫn đến mù lòa. Vì thế, người mắc bệnh tiểu đường nên thăm khám mắt thường xuyên.

 + Nguy cơ nhiễm trùng: Lượng đường trong máu tăng cao không những tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển mà còn khiến cho hệ miễn dịch của cơ thể bị suy yếu dẫn đến tăng nguy cơ nhiễm trùng, viêm nhiễm kéo dài và rất khó khăn khi điều trị.

+ Biến chứng với phụ nữ mang thai: Phụ nữ mang thai mắc bệnh tiểu đường có thể gặp phải một số biến chứng như xảy ra các tai biến sản khoa cho cả mẹ bầu và thai nhi, trẻ có nguy cơ bị tiểu đường trong tương lai,…

2. Bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường cần lưu ý những gì?

Bệnh tiểu đường là một bệnh lý mạn tính, người bệnh phải chung sống với căn bệnh này suốt đời. Tuy nhiên, bạn không nên quá lo lắng vì căn bệnh này có thể được kiểm soát tốt nếu bạn thực hiện theo đúng chỉ định của bác sĩ và có một lối sống khoa học. Người bệnh cần lưu ý những điều sau:

Kiểm soát bệnh bằng cách ăn uống lành mạnh

 

 Nên áp dụng một chế độ ăn lành mạnh và thường xuyên tập luyện để kiểm soát tốt lượng đường trong máu, đồng thời tăng sức đề kháng cho cơ thể.

- Cần thăm khám sức khỏe định kỳ để theo dõi tình trạng bệnh và kịp thời điều chỉnh nếu gặp vấn đề bất thường.

- Người bệnh cần tuân thủ theo ý kiến của bác sĩ, không lạm dụng thuốc, không tự ý dừng thuốc, không uống thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ để tránh dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe.

3. Có thể xét nghiệm A1C tại nhà để chẩn đoán và theo dõi bệnh tiểu đường hay không?

Xét nghiệm A1c áp dụng để đo mức đường huyết trung bình của bạn. Dựa vào kết quả này, các bác sĩ sẽ xác định nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, chẩn đoán phân loại bệnh tiểu đường loại 1 hay loại 2, theo dõi tình trạng của bệnh nhân trong quá trình điều trị bệnh. 

Xét nghiệm A1c, có thể được thực hiện bằng cách lấy mẫu tĩnh mạch hoặc dùng mũi nhọn nhỏ chọc lấy máu đầu ngón tay. Đối với những trường hợp lấy mẫu máu xét nghiệm bằng đường tĩnh mạch, kết quả sẽ được đưa đến phòng thí nghiệm để phân tích. Nếu thực hiện lấy mẫu máu đầu ngón tay, có thể phân tích kết quả ngay tại phòng khám của bác sĩ và kết quả sẽ có trong ngày.

Hiện nay, một số bệnh nhân có thể thực hiện xét nghiệm A1c tại nhà bằng cách sử dụng các thiết bị xét nghiệm tiểu đường. Những thiết bị này thường có sai số thấp tuy nhiên trên thực tế, bệnh nhân vẫn không thể có được kết quả xét nghiệm chính xác vì nhiều lý do như xét nghiệm sai thời điểm, thực hiện sai thao tác lấy máu, bảo quản que thử không đúng cách,…

(theo Medlatec)