Thứ Hai, 21 tháng 3, 2022

Lời khuyên quý báu của Hải Thượng Lãn Ông

Image result for hải thương lão ông-le huu trac

Hải Thượng Lãn Ông là biệt hiệu của danh y Lê Hữu Trác. Trong “Tập vệ sinh yếu quyết” của Ông có hướng dẫn về cách sống, sinh hoạt cũng như thái độ tinh thần sao cho có lợi nhất cho sức khỏe con người.

Lê Hữu Trác đưa ra 3 điều răn thiết yếu trong phép dưỡng sinh cần phải biết để tránh: giận dữ, dục vọng lớn và say ɾượᴜ nhiều. Nếu mắc phải một trong ba điều này, thì ắt thương tổn ít nhiều đến sức khỏe (chân, nguyên khí).

– Muốn sống lâu thì phải kiềm chế cơn giận dữ: hỏa không bốc (không nóng nảy) thì tinh thần tự nhiên ổn định, người tự kiềm chế được tính mình thì có thể sống lâu.

– Người đời muốn hiểu phép dưỡng sinh: khi vui mừng phải điều độ và nên bớt tức giận. Ý thành thực, lòng ngay thẳng thì khỏi phải lo âu; thuận lẽ phải, sửa thân mình thì tránh được phiền não.

– Tóc phải chải luôn, khí nên luyện; răng phải gõ luôn vào nhau, và nước miếng cần nên nuốt.

– Muốn sống lâu, cần tu luyện bộ não, và 2 tay thường xoa xát vào mặt.

– Mùa xuân ít ăn chua và nên ăn ngọt, mùa đông nên ăn đắng không nên ăn mặn, mùa hè cần thêm cay, đừng dùng mặn và đắng, mùa thu bớt dùng cay và thêm chua, tháng cuối mỗi quý có thể ăn mặn, ít ăn ngọt. Như thế thì giữ 5 tạng được an toàn.

– Cả giận rất hại khí, nghĩ nhiều rất tổn thương tinh thần. Tinh thần mỏi mệt, tâm dễ bị suy yếu. Khí yếu là nguyên nhân sinh ra bệnh. Chớ để sự thương xót và vui mừng đến cực độ.

             Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720-1791). Nguồn ảnh: baonghean

– Việc ăn uống phải điều hòa, nhất thiết không say ɾượᴜ về ban đêm, nhất là phải răn mình không giận dỗi vào buổi sáng.

– Tinh thần thì vui vẻ, giữ tinh khí được thì ôn hòa. Thọ hay yểu đừng đổ cho “số mệnh”, tu dưỡng được vốn do ở mình.

– Bỏ giận để nuôi dưỡng tính, ít lo nghĩ để nuôi dưỡng thần, bớt nói năng để nuôi dưỡng khí, chậm ham muốn để nuôi dưỡng tâm. Nhìn lâu hại mắt tổn huyết, ngồi lâu thì tỳ tổn hại, đứng lâu thì hại thận tổn xương, nằm lâu thì hại phế tổn khí.

Lòng yêu thương gì cũng đừng nên quá yêu, lòng có ghét bỏ thì cũng đừng nên quá ghét. Mùa xuân hạ, nên dậy sớm, mùa thu đông nên ngủ sớm. Ngủ muộn đừng quá giờ tý, dậy sớm đừng trước khi gà gáy.

Muốn nuôi dưỡng thân thể thì nên nuôi dưỡng tỳ vị trước. Muốn nuôi dưỡng tỳ vị thì phải nuôi dưỡng tâm trước. Muốn nuôi dưỡng tâm thì phải nuôi dưỡng thần trước. Muốn nuôi dưỡng thần thì phải nuôi dưỡng khí trước. Muốn nuôi dưỡng khí trước thì phải nuôi dưỡng tinh trước. Muốn nuôi dưỡng tinh thì phải nuôi dưỡng trí trước. Muốn nuôi dưỡng trí trước thì phải biết quý thân mình.

– Tinh, khí, thần là ba của quý ở trong; tai, mắt, miệng là ba của quý ở ngoài. Làm thế nào cho ba của quý ở trong thường không đuổi theo vật chất ở ngoài mà trôi mất, và ba của quý ở ngoài thường không dụ dỗ cái ở trong mà quấy nhiễu. Đêm ngủ không trùm đầu thì việc hít thở đều, chân khí được nối tiếp nhau mà thần tự nhiên được yên ổn. Bữa cơm chiều bớt ăn đi vài miếng thì cốc khí dễ tiêu, tỳ vị được khoan khoái, khí tự nhiên được điều hòa.

Ít tình dục, thận thủy dồi dào, tinh tự nhiên được ngưng tụ. Thần yên ổn, khí điều hòa, tinh ngưng tụ, 3 của quý trong thân mình đều đầy đủ, thế là giữ trọn đạo dưỡng sinh.

– Cổ ngữ có câu: cái kiêng trong một ngày là không ăn no bữa tối, cái kiêng trong một tháng là không say quá buổi tối, cái kiêng trong một năm là không đi đâu xa vào buổi chiều, cái nên trong một đời là buổi chiều phải dưỡng khí.

– Không tắm gội trong luồng gió, rất cần kiêng phong tà. Ăn no chớ gội đầu, sợ sinh chứng phong, mồ hôi đương ra nhiều thì chớ vội cởi áo; đương say ɾượᴜ, đừng bảo quạt. Chớ nhìn mãi vào ánh mặt trời, tối đi ngủ cần rửa chân, đêm ngủ không nên để đèn sáng. Đã sáng ngày thì không nên ngủ.

– Nước bọt không nên nhổ đi (vì nước miếng dư dật là lễ tuyền, tụ lại là hoa trì tan ra là tân dịch, đi xuống là cam lộ (sương giọt) tưới các tạng nhuần thân thể, khai thông các mạch máu, biến hóa nuôi dưỡng thần sắc làm cho thân thể tay chân, lông tóc bóng mượt vững chắc).

– Sáng sớm dùng nước ấm rửa mặt, lấy muối trắng xát răng sẽ không bị bệnh đau răng.

Những lời khuyên này đã có từ lâu, nhưng đến tận bây giờ vẫn giữ được những giá trị.

Nguồn: thoidihoc.net-Đăng Dũng biên tập/vandieuhay