Elon Musk sắp tạo ra một cuộc cách mạng mới: Đang xây ‘Walmart’ trên vũ trụ, tương lai bá chủ ngành công nghiệp 1 nghìn tỷ USD vượt xa thành công của Tesla
DỰ ÁN STARSHIP CỦA ELON MUSK ĐANG ĐEM LẠI CUỘC CÁCH MẠNG TOÀN NGÀNH VŨ TRỤ CHẲNG KHÁC GÌ TESLA TRONG MẢNG XE ĐIỆN.
“Tôi khá tự tin về việc đưa con tàu ra ngoài không gian trong năm nay”, tỷ phú Elon Musk tự hào tuyên bố về mẫu tàu Starship mới, được cho là sẽ đem lại cuộc cách mạng toàn ngành vũ trụ.
Con tàu Starship của Elon Musk hiện đang nằm tại bãi phóng thử nghiệm của SpaceX thuộc bang Texas-Mỹ với chiều cao 120m. Đây là con tàu dài hơn cả tên lửa Saturn V của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), dùng để phóng tàu Apollo lên mặt trăng trong thập niên 1960-1970 và vốn được mệnh danh là tên lửa phóng tàu dài nhất thế giới.
Theo Elon Musk, Starship có thể tái sử dụng khi quay trở về được trái đất chứ không bị bỏ phí như những tên lửa phóng tàu trước đó. Tuyệt vời hơn, con tàu này có thể mang theo hơn 100 tấn hàng lên mặt trăng hoặc sao hoả.
Kích thước của Starship so với những tàu vũ trụ khác
“Ưu điểm tái sử dụng được cùng khả năng vận tải cao của Starship cho phép thực hiện những dự án vũ trụ vốn không khả thi trước đây”, SpaceX tuyên bố.
Starship là dự án chủ chốt của SpaceX sau khi NASA ký hợp đồng 2,5 tỷ USD nhằm đưa người lên mặt trăng. Mặc dù SpaceX đã trở thành hãng tư nhân đầu tiên đưa người vào vũ trụ năm 2020 nhờ tàu Falcon 9 nhưng chừng đó là chưa đủ với Elon Musk.
1 nghìn tỷ USD
Theo tờ Politico, tỷ phú Elon Musk nổi tiếng là doanh nhân đi tiên phong trong khai thác thị trường vũ trụ và việc dự án Starship sẽ làm thay đổi toàn ngành là điều dễ hiểu.
“Một chiếc tàu Starship với đầy đủ chức năng phóng lên vũ trụ sẽ khiến hệ thống dùng tên lửa đi kèm hiện nay trở nên lỗi thời. Đồng thời dự án này sẽ cải thiện năng lực hậu cần tới tầng quỹ đạo thấp của trái đất, qua đó khiến thị trường khai thác vũ trụ trở nên thịnh vượng cũng như đẩy hàng loạt công nghệ không gian khác vào dĩ vãng”, chuyên gia vật lý Casey Handmer cho biết.
Trong khi đó, hãng Morgan Stanley ước tính ngành công nghiệp vũ trụ có thể đem về doanh thu hơn 1 nghìn tỷ USD vào năm 2040, cao hơn rất nhiều so với chỉ 350 tỷ USD hiện nay. Morgan nhận định trong tương lai gần, phần lớn lợi nhuận từ thị trường vũ trụ sẽ đến từ việc kinh doanh hệ thống vệ tinh Internet mà SpaceX đang xây dựng.
Đồng quan điểm, hãng McKinsey cho biết ngày càng nhiều startup hay nhà đầu tư đổ tiền vào thị trường vũ trụ. Báo cáo tháng 1/2022 cho thấy có đến 10-15% số dự án đầu tư mới liên quan đến vũ trụ, tương đương tổng giá trị 1 tỷ USD, cao hơn rất nhiều so với chưa đến 5% cách đây 10 năm. Nếu Starship phóng thành công thì con số này thậm chí sẽ có bước tăng vọt hơn nữa.
Những bước tiến của SpaceX cũng thúc đẩy sự cạnh tranh từ Châu Âu khi tập đoàn Ariane Group xây dựng dự án phóng tàu lên sao hỏa vào năm 2026 với chức năng tái sử dụng tương tự Starship. Bộ trưởng tài chính Pháp Bruno Le Maire đã gọi dự án này là “con tàu Falcon 9 của chúng tôi” khi so sánh với SpaceX.
“Không cẩn thận thì SpaceX sẽ trở thành người chơi độc quyền mất”, nhà sáng lập Fatih Ozmen của hãng hàng không vũ trụ Mỹ Sierra Nevada Corp nhận định.
“Nếu đúng như những gì Elon Musk nói rằng họ có thể tái chế một cách nhanh chóng các tàu vũ trụ thì đây sẽ trở thành cuộc cách mạng toàn ngành. SpaceX sẽ trở thành một ‘Walmart’ (chuỗi bán lẻ lớn nhất Mỹ) của thị trường vũ trụ”, kỹ sư vũ trụ Rand Simberg nhận định.
Đứng trước những lời ca ngợi, Elon Musk khẳng định tàu Starship “sẽ hoạt động, dù chúng còn một số thứ cần hoàn thiện nhưng chắc chắn sẽ hoạt động”.
Điều đáng ngạc nhiên hơn là dù NASA ký hợp đồng để phát triển công nghệ đưa người lên vũ trụ cùng SpaceX nhưng chính bản thân họ cũng cảm thấy dè chừng. Nguyên nhân chính là các đối tác giúp phóng tàu của NASA hiện nay đều phát triển những hệ thống tốn kém hàng tỷ USD, vượt ngân sách và trễ tiến độ rất nhiều so với SpaceX.
Hãy xem xét 3 dự án đưa người lên mặt trăng trong 3 năm tới của NASA, vốn sử dụng hệ thống tên lửa SLS và tàu Orion được xây dựng bởi Boeing, Lokheed Martin, Northrop Grumman, Aerojet Rocketdyne cùng nhiều đối tác khác nữa. Thế nhưng hệ thống tên lửa phóng SLS đã bị chậm tiến độ nhiều tháng và người ta phải tốn đến 2 tỷ USD cho mỗi lần phóng.
Xin được nhắc là hệ thống phóng tên lửa chở tàu vũ trụ trên lưng là không thể tái chế như Starship và điều này là quá tốn kém với ngân sách của NASA.
Theo kỹ sư Simberg, nếu Starship thành công thì hàng loạt các công ty sẽ mất dự án của NASA, kéo theo đó là thất nghiệp, phá sản hay buộc phải cải tổ để theo kịp cuộc chơi. Cố vấn vũ trụ và cựu Chủ tịch hội đồng khoa học nghị viện Mỹ, ông Robert Walker nhận định các hệ thống tên lửa và tàu vũ trụ của NASA hiện nay đều được thiết kế với mức giá đắt đỏ cũng như không thể liên tục phóng lên không gian. Đây là một bất lợi cực lớn so với Starship.
“Nếu dự án đưa tàu lên mặt trăng có thành công thì NASA cũng sẽ mất 2 năm nữa để có thể phóng tiếp với hệ thống tên lửa như hiện nay. Trong khi đó, Elon Musk nếu thành công có thể phóng liên tiếp dễ dàng với chi phí thấp hơn nhiều, chưa kể họ còn có thể tái chế và chở được nhiều hơn”, ông Walker nói.
Hiện chưa rõ NASA sẽ ký hợp đồng với Starship như thế nào trong tương lai nếu dự án thành công, tuy nhiên Bộ quốc phòng Mỹ thì đang chú ý cực kỳ chặt chẽ đến dự án này bởi chúng có thể vận chuyển những vệ tinh do thám lên bất kỳ nơi nào quanh trái đất.
“Có rất nhiều công dụng cho chúng nếu dự án thành công…Trên thực tế mọi người cứ nghi ngờ Elon Musk nhưng các dự án của ông lại vẫn thành công. Tôi nghĩ nhiều người bắt đầu lo sợ khi ông ấy thực hiện được những thứ mà chưa ai từng nghĩ sẽ thành công”, chuyên gia Walker cho biết.
*Nguồn: Politico, DW / Huyền trang / Doanh nghiệp &/anle20