Thứ Tư, 25 tháng 2, 2015

Cuộc chiến giành quyền lãnh đạo thế giới


 Hiện nay trên thế giới có hai cuộc chiến lớn đang diễn ra, đó là cuộc chiến chống khối Hồi Giáo quá khích đang gây bạo loạn khắp nơi trên thế giới, và cuộc chiến giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc về quyền lãnh đạo thế giới. Có thể nói cuộc chiến thứ nhất đã làm phát sinh ra cuộc chiến thứ hai: Hoa Kỳ muốn dùng cuộc chiến chống khủng bố để tiến tới làm bá chủ cả một vùng Trung Đông rộng lớn, nơi có nhiều tài nguyên về dầu hỏa, còn Nga và Trung Quốc chống lại tham vọng này. Để đối phó, Mỹ đưa ra kế hoạch xoay trục về Á Châu Thái Bình Dương để bao vây Trung Quốc và tạo ra lá bài Ukraina để cô lập Nga. Nhưng vấn đề không dễ dàng như thời kỳ sau khi chiến tranh lạnh vừa chấm dứt. 

 Ngày 29.1.2015, trong một cuộc phỏng vấn của tờ Interfax, ông Gorbachev, cựu chủ tịch của Liên Sô cũ, đã tuyên bố: "Nói trắng ra thì Mỹ đã sẵn sàng kéo chúng ta vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.” Ông cảnh cáo: "Cái gì sẽ xảy ra tiếp theo? Thật không may, tôi không thể nói chắc chắn rằng chiến tranh ‘lạnh’ sẽ không dẫn tới ‘nóng’".

 Chúng ta đang có hàng chục bài phân tích của các chuyên gia về biến cố này. Ông Paul Saunders, Giám đốc điều hành của tạp chí National Interests của Mỹ đã viết: “Kết luận rút ra từ các nghiên cứu là cả chính phủ Mỹ và Nga có vẻ đều tin rằng họ có những lựa chọn chính sách khả thi để không chỉ đương đầu với nước kia mà còn gây ra những tổn thất nghiêm trọng với phía đối thủ nếu cần.”
 Nếu không nắm vững chủ trương và kế hoạch hành động của mỗi bên, chúng ta khó hiểu được những gì đang xảy ra ở Trung Đông, ở Đông Âu cũng như ở Á Châu Thái Bình Dương hiện nay.

 CHỦ TRƯƠNG LÃNH ĐẠO THẾ GIỚI CỦA MỸ
 Ngày 20.3.2003, Tổng Thống George W. Bush đã ra lệnh tấn công Iraq không cần có sự cho phép của Hội Đồng Bảo An LHQ. Nga, Trung Quốc và nhiều quốc gia trên thế giới đã lên tiếng phản đối. Tổng thống Bush tuyên bố rằng nước Mỹ đang bị đe dọa và nước Mỹ phải hành động. Ông nói: “Chúng tôi không thể chờ đợi lâu hơn, và chúng tôi không cần sự chấp thuận của bất cứ ai…”
 Trong thông điệp liên bang đọc trước lưỡng viện Quốc Hội Mỹ ngày 31.1.2006, Tổng Thống Bush xác định:
 “Phương pháp duy nhất để bảo vệ nhân dân, bảo đảm hòa bình và lèo lái số phận của mình, đó là vai trò thủ lĩnh của chúng ta. Vì thế nước Mỹ sẽ tiếp tục lãnh đạo thế giới” và luôn “ở thế chủ động tấn công”.
 Tổng Thống Obama cũng có chủ trương tương tự như vậy. Lúc 9 giờ tối ngày 10.9.2014, từ Tòa Bạch Ốc, Tổng Thống Obama đã đọc một bài diễn văn nói về kế hoạch tiêu diệt nhóm ISIS, trong đó ông tái xác định vai trò lãnh đạo thế giới của Hoa Kỳ. Ông nói:
 “Ở bên ngoài, sự lãnh đạo của Mỹ là một hằng số bất biến trong một thế giới hay thay đổi (American leadership is the one constant in an uncertain world). Chính nước Mỹ có khả năng và ý chí để huy động cả thế giới chống lại khủng bố. Chính nước Mỹ tập hợp các nước lại để chống lại sự xâm lăng của Nga và hỗ trợ cho quyền định đoạt số phận của mình của người Ukraine.”

 Như vậy cả Tổng Thống Bush lẫn Tổng Thống Obama đều chủ trương nước Mỹ phải lãnh đạo thế giới. Nhưng mọi chuyện không dễ dàng như vậy, vì ngày nay các thế lực về chính trị, quân sự cũng như kinh tế trên thế giới đã thay đổi.

 CHIẾN LƯỢC, CHIẾN THUẬT CỦA MỸ
 Ngày 17.8.2006, Tổng Thống Bush tuyên bố rằng “Một Trung Đông Mới” (New Middle East) sẽ xuất hiện trong đó nền dân chủ sẽ chứng tỏ là một sức mạnh không thể kháng cự lại, sẽ lan rộng và diệt trừ khủng bố và chế độ chuyên chế” (would spread and eradicate terrorism and despotism).
 Đó là chiến lược về Trung Đông của Hoa Kỳ. Bản đồ “Một Trung Đông Mới” do báo New York Times công bố ngày 28.9.2013 cho thấy Trung Đông Mới bao gồm 22 nước Hồi Giáo của thế giới A-rập, thêm Thổ Nhĩ Kỳ, Do Thái, Pakistan và Afghanistan. Trong 22 nước này, có 5 nước sẽ bị chia thành 14 nước. Với kế hoạch này, Tổng Thống Bush chỉ mới thực hiện phần đầu, Tổng Thống Obama là người nối tiếp.
 Chúng tôi đã nói về kế hoạch này nhiều lần: Trước hết là thanh toán các lãnh tụ Hồi Giáo có tham vọng hình thành một khối Hồi Giáo lớn mạnh, sau đó làm cho khối Hồi Giáo bể thành nhiều mãnh. Mỹ sẽ đi bước đầu, sau đó để cho các giáo phái và các sắc tộc Hồi Giáo tự thanh toán nhau.
 Kế hoạch đã được khởi đầu bằng cuộc “Cách Mạng Hoa Lài” lật đổ Thổng Thống Zine el-Abidine Ben Ali của Tunisia, Tổng Thống Hosni Mubarak của Ai-cập, Tổng Thống Muammar Gaddafi của Libya, nhưng khi đến Syria thì gặp bế tắc, vì Nga và Trung Quốc cho rằng họ đã bị lừa nên đã chặn lại.
 Nghị quyết 1973 ngày 17.3.2011 của Hội Đồng Bảo An LHQ chỉ cho phép cấm vận và thành lập vùng cấm bay đối với Lybia “để bảo vệ người dân”, nhưng Mỹ và các nước NATO đã dùng nghị quyết đó để lật đổ và giết Tổng Thống Gaddafi. Do đó khi Hoa Kỳ đề nghị HĐBA cho xử dụng các biện pháp trừng phạt Syria, Nga và Trung Quốc đã phủ quyết đến ba lần. Nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao Mỹ không thương lượng với Nga và Trung Quốc để hình thành một kế hoạch chống khủng bố có hiệu quả hơn? Câu trả lời không có gì khó khăn: Vì Mỹ không muốn Nga và Trung Quốc đòi phân chia quyền lợi ở Trung Đông khi kế hoạch chống khủng bố thành công. Để đối phó với Trung Quốc và Nga, TỗngThống Obama đã đưa ra các kế hoạch bảo vệ vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ.

 Với Trung Quốc, trong một bài diễn văn đọc trước Quốc Hội Úc ngày 17.11.2011, Tổng Thống Obama tuyên bố Mỹ sẽ xoay trục từ Trung Đông về Á Châu Thái Bình Dương (để bao vây Trung Quốc cả về kinh tế, chính trị lẫn quân sự). Ông nói: “Không có gì nghi ngờ: tại Á Châu Thái Bình Dương trong thế kỷ thứ 21, Hoa Kỳ toàn tâm toàn lực nhập cuộc.” Tuy tuyên bố như vậy, nhưng cho đến nay Hoa Kỳ vẫn chưa có biện pháp cụ thể nào để khống chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.

 Với Nga, ông Obama chơi trò “xúi con nít ăn cứt gà”. Ông cho Phụ Tá Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ là Victoria Nuland và Thượng Nghị Sĩ John McCain đến thủ đô Ukraina kích động các cuộc nổi dậy đòi lật đổ Tổng Thống thân Nga Viktor Yanukovych và đòi gia nhập NATO và Liên Hiệp Âu Châu (EU). Yanukovych đã bị truất phế ngày 22.2.2014 và bỏ chạy. Nhưng Nga đã chuẩn bị trước kế hoạch để đối phó. Ngày 17.3.2014, Quốc hội vùng bán đảo Criméa ở phía nam tuyên bố Criméa độc lập và đề nghị được sáp nhập vào Liên bang Nga. Sau đó hai tỉnh phía đông là Donetsk và Luhank cũng tuyên bố tự trị. Kinh tế Ukraina bị suy sụp. Một cuộc nội chiến đã xảy ra và một vùng biên giới dài 409 km sát Liên Bang Nga không còn kiểm soát được. Viện lý do Nga xâm chiếm Ukraina, đầu tháng
 4/2014 Hoa Kỳ và các nước Liên Âu bắt đầu áp dụng các biện pháp chế tài để cô lập Nga.

 PHẢN ỨNG CỦA NGA VÀ TRUNG QUỐC
 1.- Nga chống “thế giới đơn cực”
 Sau khi Tổng Thống Bush tuyên bố “nước Mỹ sẽ tiếp tục lãnh đạo thế giới”, trong diễn văn tại Hội nghị An ninh Munich năm 2007, ông Vladimir Putin lên tiếng đả phá điều ông xem là "thế giới đơn cực" - một thế giới mà Hoa Kỳ là ông chủ duy nhất.
 Hôm 7.5.2012, khi nhậm chức Tổng thống, ông Putin tuy6n bố: “Hôm nay, chúng ta bước vào một giai đoạn phát triển mới của đất nước... Những năm tới sẽ mang tính quyết định với số phận của nước Nga trong nhiều thập kỷ tới.”
 Ngáy 2.7.2014 Tổng thống Putin phê phán Mỹ "đe dọa để trục lợi" và cho rằng "thời kỳ thế giới đơn cực đã chấm dứt". Ông nhấn mạnh: "Đe dọa để trục lợi" là "không chấp nhận được trên trường quốc tế". Ông nói:
 “Tôi hi vọng chủ nghĩa thực dụng sẽ chiến thắng, phải gạt bỏ tham vọng, từ bỏ nỗ lực thiết lập “trại lính thế giới”, từ bỏ ý định sắp xếp mọi người theo kiểu xếp hàng cao thấp, áp dụng quy tắc ứng xử đồng nhất và quy tắc sống đồng nhất cho xã hội, rốt cuộc, bắt đầu xây dựng quan hệ trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, cùng tính đến lợi ích của các bên”.
 Ông cảnh báo rằng Washington đang cố gắng "làm lại toàn bộ thế giới" dựa trên lợi ích riêng của nước Mỹ.

 2.- Trung Quốc công bố “Các Quan hệ Quyền Lực Lớn
 Sau khi rút khỏi Lybia khi Mỹ bắt đầu cuộc chiến, Trung Quốc chủ trương chiếm Biển Đông và biến vùng này thành “ao nhà” của Trung Quốc.
 Tại Hội nghị Công tác Đối ngoại Trung ương Trung Quốc được tổ chức ở Bắc Kinh trong hai ngày 28 và 29/11/2014, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định rằng Trung Quốc «cần có nền ngoại giao nước lớn mang đặc sắc» của mình. Ông nói rằng đã đến giai đoạn Trung Quốc phải thực hiện “Loại Mới về Các Quan Hệ Quyền Lực Lớn” (New Type of Major Power Relations) mang tính đặc thù của Trung Quốc, có nghĩa là từ nay Trung Quốc không còn tùy thuộc vào đường lối của Mỹ nữa. Ông nhấn mạnh: “Chính người Á châu phải lo việc của  Á châu…. Và duy trì an ninh cho Á châu.”.
 Ông Tập Cẩm Bình hy vọng sẽ để lại di sản rằng ông là người đặt vị thế của Trung Quốc ngang bằng với Hoa Kỳ cũng như mang lại một hình ảnh Trung Quốc hùng cường và có trách nhiệm trên trường quốc tế.
 Nói tóm lại, cả Nga lẫn Trung Quốc đều không chấp nhận một thế giới đơn cực (unipolar world) trong đó Hoa Kỳ giành toàn quyền quyết định vận mạng của thế giới.

 CHIẾN THUẬT BẺ ĐŨA TỪNG CHIẾC
 Muốn giàng quyền lãnh đạo thế giới, Hoa Kỳ phải khống chế cả Nga lẫn Trung Quốc, nhưng trong hiện tại Hoa Kỳ không đủ khả năng để làm như vậy. Ngoài ra, Hoa Kỳ còn phải đối phó với nhóm Hồi Giáo quá khích và nhiều biến cố khác. Do đó, Tổng Thống Obama đã áp dụng chiến thuật hòa hoãn với Trung Quốc và tấn công Nga trước vì Nga nguy hiểm hơn. Đó là chiến thuật bẻ đũa từng chiếc.
 Trong cuộc phỏng vấn của tạp chí Economist ngày 2.8.2014, Tổng Thống Obama đã hạ thấp Nga xuống. Ông nói: "Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là Nga đã chẳng làm bất cứ điều gì. Những người di dân không vội đến Moscow để tìm cơ hội. Tuổi thọ của đàn ông Nga bình quân chỉ đạt 60. Dân số Nga đang thu hẹp lại.” Về những thách thức của Nga, ông nhấn mạnh: "Chúng ta phải đảm bảo rằng họ không leo thang vũ khí hạt nhân bất ngờ trở lại trong cuộc thảo luận về chính sách đối ngoại. Và bao lâu chúng ta làm như vậy, khi đó lịch sử đứng về phía chúng ta.”

 Với Trung Quốc, ông cho rằng Trung Quốc “có thể quản lý được” (manageable). Ông nói rằng Trung Quốc đang dính líu vào các tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng trên Biển Đông giàu dầu mỏ và thường xuyên đụng độ với phương Tây về các vấn đề sở hữu trí tuệ. Ông cho rằng những căng thẳng về thương mại với Trung Quốc sẽ giảm bớt khi Bắc Kinh thay đổi “từ chỗ chỉ chú trọng đơn giản đến sản xuất giá hàng rẽ của thế giới” đến việc các công ty của họ khởi sự nâng cao giá trị của các sản phẩm đòi hỏi sự bảo vệ sản phẩm trí tuệ.
 Trước đó, trong cuộc gặp gỡ Chủ Tịch Tập Cẩm Bình ngày 8.6.2013, Tổng Thống Obama nói: “Mỹ hoan nghênh sự vươn lên của Trung Quốc. Trên thực tế, sự phát triển của Trung Quốc cũng là lợi ích của Mỹ. Mỹ tin tưởng rằng một Trung Quốc hòa bình, thịnh vượng và ổn định không chỉ tốt cho Trung Quốc mà còn cho cả Mỹ và cộng đồng quốc tế.”
 Theo Tổng thống Obama, cần phải có cơ chế với cả hai nước Nga và Trung Quốc khi thấy họ đang vi phạm các chuẩn mực quốc tế. Không những vậy, cũng cần phải cho họ thấy những lợi ích tiềm năng dài hạn. Nhưng hiện nay Trung Quốc đang lợi dụng thời cơ để củng cố vị thế của họ ở Biển Đông và các nước Đông Nam Á và Hoa Kỳ đã phản ứng rất yếu ớt.

 THẾ GIỚI ĐƠN CỰC ĐÃ CHẤM DỨT?
 Cuộc chiến giữa Nga và Mỹ hiện nay được ví như một ván bài xì phé mà hai bên đều đã biết rất rõ con tẩy của nhau, nên chuyện thắng thua không phải là chuyện dễ dàng.
 Ông Putin cho rằng vụ Ukraina chỉ là cái cớ Hoa Kỳ tạo ra để không chế Nga, không có biến cố này Hoa Kỳ sẽ tạo ra biến cố khác để đạt mục tiêu của họ. Chúng ta thấy Ukraina là chiến trường do Mỹ chọn, nhưng lại là địa lợi của Nga nên Nga bám chặt khiến Mỹ và Liên Âu điên đầu. Tờ Le Figaro của Pháp viết: “Merkel và Hollande làm nhiệm vụ thương thuyết... Barack Obama và chính phủ của ông lo việc gây áp lực tối đa, bằng cách ngày càng làm lớn chuyện khả năng giao vũ khí cho Ukraina.” Thật ra, các cường quốc Liên Âu không muốn theo kế này của Mỹ vì nó gây thiệt hại quá nhiều cho họ, nhưng họ khó làm khác điều Mỹ muốn được.

 Trong một cuộc phỏng vấn của tờ Politika ngày 17.10.2014, Tổng Thống Putin tuyên bố: “Nếu mục đích chính của những biện pháp trừng phạt là để cô lập Nga, đây thực sự là một hành động ngớ ngẩn và vô ích. Nó không thể hiệu nghiệm, nhất là khi thể chất của nền kinh tế Châu Âu và thế giới đang dần bị xói mòn.”

 Phát biểu tại diễn đàn của Mặt trận Nhân dân toàn Nga ở Moscow hôm 19.11.14, ông Putin nhấn mạnh rằng lịch sử không dễ thay đổi và sẽ không ai có thể chinh phục được nước Nga. Ông nói: "Trong suốt lịch sử, chưa ai có thể làm được điều đó đối với nước Nga và sẽ mãi mãi như thế.” Ông nói thêm: "Họ (Mỹ) không chỉ muốn làm bẽ mặt mà còn muốn chinh phục chúng ta, dùng chúng ta để giải quyết các vấn đề của họ.”

 Cuối tháng 1 vừa qua, ông Obama đã đến thăm Ấn Độ trong ba ngày để lôi kéo Ấn Độ đứng về phía Mỹ. Kết quả được mô tả là rất tốt đẹp, hai bên đã “đồng ý hợp tác sâu rộng hơn” về an ninh và quốc phòng. Nhưng sau đó bình luận gia Francesco Brunello Zanitti đã viết một bài dưới dầu đề “Russia, China, India – The New Multi-polar Order” (Nga, Trung Quốc, Ấn Độ - Một Trật Tự Đa Cực Mới) nói rằng sau sự sụp đổ của cộng sản trong thập niên 1990, Hoa Kỳ đã nổi lên như một “siêu quyền lực” (super power) của thế giới, nhưng nay Nga và Trung Quốc đã phục hồi lại vị thế của họ. Trong tháng 12/2014, Mạc Tư Khoa, Bắc Kinh và Tân Đề Li đã ký kết một loạt những hiệp ước song phương quan trọng và bước một bước lớn làm thay đổi toàn cầu, từ một trật tự thế giới đơn cực (uni-polar world order) đang do Hoa Kỳ lãnh đạo, tới một trật tự thế giới đa cực (multi-polar world order).

 Cuộc chiến giàng quyền lãnh đạo thế giới giữa ba cường quốc còn kéo dài và rất gay cấn. Ít ai tin rằng Hoa Kỳ còn có thể bẻ gãy Nga hay Trung Quốc.
 Ngày 12.2.2015
 Lữ Giang (bài do bạn MậuTrần giới thiệu)