Thứ Năm, 19 tháng 2, 2015

Năm Mùi nói chuyện Dê


http://baomai.blogspot.com/

THÂN THẾ VÀ THÂN THUỘC DƯƠNG TỘC
Năm 2015 là năm Ất Mùi tức là năm con dê.  Tên Hán- Việt của dê là Dương.  Tên  khoa học của dê là Capra hircus hay dài dòng hơn là Capra aegagrus hircus thuộc gia đình Bovidae như trâu bò. Dê là loài động vật có vú, có xương sống, có máu đỏ, sinh con.

image
Dê có vóc dáng của nai và chó.  Khác với chó, dê có sừng.  Sừng dê ngắn.  Sừng nai dài và có nhiều nhánh.  Dê đực và dê cái đều có râu và có móng đặc.  Dê có mặt giống thỏ.  Cả hai loại thú này đều ăn cỏ, lá cây, các loại lá có mùi nồng như lá bù xít  Ageratum conyzoides.  Nhiều nơi ở Việt Nam gọi bù xít là hoa cứt lợn.  Người Anh gọi là goat’s weed có lẽ vì dê thích ăn loại lá có mùi hôi nồng này.  Dê con ăn cả lá dứa, lá bã đậu và cây xương rồng.  Lá so đũa Sesbania grandiflora là thức ăn ưa thích nhất của dương tộc.  Dê đực già có râu và có sừng.  Thỏ chỉ có tai dài.  Dê và thỏ đều sợ ẩm.  Phân dê và phân thỏ đều cứng và không có công dụng lớn trong đời sống nông nghiệp ở Việt Nam. Ở Việt Nam chỉ có cộng đồng người Ấn hay người Chàm nuôi dê để ăn thịt và uống sữa mà thôi.

image
Dê được các dân tộc Á Châu và đông Địa Trung Hải thuần hóa cách đây 9,000 năm.  Ngày nay dê được nuôi khắp thế giới.  Dê có thể sống ở vùng khí hậu khô hạn, miền núi và miền khí hậu ôn đới, lạnh hay bán hàn đới như Alaska, tây bắc Canada và Hoa Kỳ. Có 600 giống dê khác nhau trên thế giới.

Ở Trung Đông và Hy Lạp có nhiều loại dê hoang.  Loại dê núi lông trắng, thẳng và dày ở Alaska, tây bắc Canada và tây bắc Hoa Kỳ là loại dê hoang.  Loài dê này có thể nhảy từ vách núi này sang vách núi kia một cách dễ dàng.  Điều này cho thấy chân của dương tộc rất khỏe nên có thể leo cây, leo núi và nhảy từ mõm đá này sang mõm đá khác dễ dàng.

image
Giống dê nhỏ nhất là dê lùn Pakistan cao lối 46 cm (1.5 feet) và cân nặng 09 ki-lô (20 pounds).  Trái lại dê Ibex Capra aegagrus sống hoang dã trong miền núi ở Trung Á, Nubia, Ai Cập, núi Alps, Tây Bá Lợi Á cao đến 1.07 m (3.45 feet) và cân nặng đến 135 ki-lô (300 pounds). 
Về màu sắc dê có lông màu đen, trắng, xám, đỏ và hung đỏ.  Dê đực và cái đều có râu.  Dê đực già có sừng cứng, dài và nhiều râu.  Loại dê Tahr trên dãy Hi Mã Lạp Sơn Hemitragus jemlahicus, dê núi Oreamnos americanus ở tây bắc Canada và Hoa Kỳ, dê Markhor Capri falconeri có lông dài và dày để chống lạnh. Dê từ 01 tuổi đến 1.5 tuổi rưỡi có thể bắt cặp. Dê mang thai trong 145- 150 ngày thì sinh con. Mỗi con dê cái sinh từ 02 đến 03 con.  Dê mới sinh có thể đứng dậy vài phút sau khi sinh.  Dê con lớn rất nhanh.  Sau khi sinh hai ngày dê con vừa bú sữa mẹ vừa tập ăn lá cây và tập leo, nhảy trên các mõm đá.  Dê mẹ sinh con sau 05 tháng thì có thể bắt cặp để có những lứa dê con khác.
Người ta nuôi dê Saanen, Toggenberg, Alpine để lấy sữa. Một con dê Saanen ở Thụy Sĩ có thể cho 900 lít sữa mỗi năm. Dê Nigeria cung cấp da.  Dê Angora cho lông trắng mịn rất đẹp dùng để dệt vải mohair nổi tiếng. Dê La Mancha  và dê Tây Ban Nha Capra pyrenaica (tiếng Tây Ban Nha: cabra montes) cho nhiều thịt, sữa, lông và da.

Thân thuộc gần của dê là trừu mang tên khoa học Ovis aries.  Về hình dáng và trọng lượng dê và trừu gần như nhau. Tuổi bắt cặp (1.5 tuổi) và thời gian mang thai của trừu và dê cũng ngang nhau: 145- 150 ngày.  Trừu có nhiều lông hơn dê.  Những loại dê vùng khí hậu ôn, hàn đới cũng có lông dày.  Lông dê thẳng; lông trừu dày và xoăn lại.  Đuôi dê và trừu đều ngắn.  Đuôi dê dỉnh lên; đuôi trừu cụp xuống. Dê năng động, leo trèo khi ăn lá cây trên cao. Trừu có vẻ chậm chạp và hiền hòa hơn. Tuy dê và trừu là thân thuộc rất gần, sự pha chủng giữa dê và trừu đến nay vẫn chưa được kiểm chứng rõ ràng ngoại trừ một trường hợp thành công khi chủng giống giữa một con dê đực và một con trừu cái.  Nhưng đây là một trường hợp thành công đơn lẻ.

image
Sơn dương (chamois) mang tên khoa học Rubicapra rubicapra là thân thuộc của dê ở miền núi.  Móng chân sơn dương rất đặc biệt nên khi phóng nhảy trên vách núi đá không bị trợt hay té ngã.  Sơn dương được tìm thấy nhiều trên bán đảo Balkans, dãy núi Caucasus, Altai, Alps.  Ở miền Nghệ An và Hà Tĩnh có một loại sơn dương được liệt vào loài sơn dương hiếm quí vì  ít thấy trên thế giới.

Linh dương (antelope) là thân thuộc xa của dê có vóc dáng to lớn, sừng dài và uốn khúc trong khuôn mặt dê, trừu và thân xác khá to của bò con.  Có những con linh dương Eland cân nặng đến 1,000 ki- lô!  Địa bàn sống của linh dương là các thảo dã Phi Châu.  Các loài linh dương thường thấy là linh dương KuduTragelaphus strepsiceros, linh dương Eland Taurotragus oryx rất nặng cân, linh dương Nilga Boselaphus tragocamelus, linh dương Duiker Sylvicapra grimmiaăn lá cây, trái cây, chuột, ếch, nhái và có thể nhịn khát trong một thời gian dài.  Khi trời mưa chúng không cần uống nước.  Linh dương Duiker cái to lớn và nặng cân hơn linh dương đực.  Linh dương Statunga Tragelaphus spekeithường được tìm thấy ở các đầm lầy.

image
Linh dương Eland

DƯƠNG TỘC TRONG XÃ HỘI LOÀI NGƯỜI
Loài người biết thuần hóa dương tộc từ 9,000 năm trước.  Dê trừu được nuôi thành đàn để lấy thịt, sữa, lông và da.  Trên thế giới hiện nay có gần 01 tỷ con dê và trên 01 tỷ con trừu.  Trung Hoa có 150 triệu con dê; Ấn Độ: 125 triệu con.  Á Châu là nơi có nhiều dê nhất thế giới với 512 triệu con; Phi Châu: 295 triệu; Úc Đại Lợi: 3.5 triệu; Âu Châu: 16 triệu và Mỹ Châu: 38 triệu.  Trung Hoa nuôi nhiều trừu nhất thế giới với 136 triệu con; Úc Đại Lợi: 80 triệu; Ấn Độ: 65 triệu; Iran: 53 triệu; Tân Tây Lan: 34 triệu; Anh: 33 triệu.
 
Người Ấn Độ dùng thịt dê để nấu cà ri.  Người Trung Hoa cho rằng dương nhục bổ dương nên trân quí món dương nhục hầm thuốc Bắc.  Người Hy Lạp, Ý Đại Lợi, các dân tộc Trung Á, Phi Châu, Châu Mỹ La Tinh thích ăn thịt dê, huyết dê, gan dê và ngoại thận của dê.
Da dê dùng làm giày, bóp, túi xách.  Ngày xưa ở Âu Châu người ta dùng da dê làm bình chứa rượu nho.

image
Lông dê dùng để sản xuất vải Mohair
 
Sữa dê dùng để uống, làm yogurt, làm phô- mai (cheese).  Sữa dê bổ và dễ tiêu hóa hơn sữa bò.  Vùng Brie thuộc hạt Seine et Marne ở Pháp nổi tiếng về việc sản xuất phô- mai từ sữa bò và sữa dê. Phô- mai làm từ sữa dê gọi là chèvre(con dê).  Vùng Poitou và thung lũng sông Loire nổi tiếng về phô- mai sữa dê.  Truyền thống này có từ thế kỷ VIII khi đạo quân Hồi Giáo Moors đánh chiếm Tây Ban Nha và tiến về Tây Nam nước Pháp nên việc chăn nuôi dê phát triển với sự hiện diện của đạo quân Hồi này.  Người Ý gọi phô- mai sữa dê là caprino. 
Chân của loài dê rất mạnh nên người ta dùng xương dê kết hợp cùng xương cọp (hổ cốt), xương trăn, xương khỉ để nấu cao.

Người Ấn Độ, các dân tộc du mục ở Trung Á ăn nhiều thịt dê. Các nước Ả Rập theo đạo Hồi ở Trung Đông ăn nhiều thịt trừu hơn thịt dê.  Các món ăn thịt trừu được các dân tộc sống quanh biển Địa Trung Hải (người Hy Lạp, Ý, Pháp, Tây Ban Nha và các dân Ả Rập theo đạo Hồi) ưa thích.  Sữa trừu được dùng như sữa dê.  Nó dùng để uống, làm yogurt, làm phô- mai Roquefort ở Pháp, Manchego (Tây Ban Nha), Pecorino romano (Ý) v.v.  Úc Đại Lợi nuôi nhiều trừu để khai thác lông.  Trừu nuôi được 06 tuổi mới bắt đầu cắt lông dùng trong kỹ nghệ dệt len, sản xuất áo ấm.  Thịt trừu cũng được ưa thích tại đây.

Có lối 800 loại trừu khác nhau trên thế giới.  Các giống trừu nổi tiếng là trừu Merinos, Rambouillet, Lincoln, Leicester, Costwold, Romney, Suffolk, Hampshire.  Dê và trừu mang nhiều lợi ích kinh tế cho loài người.  Dê tương đối khỏe mạnh hơn trừu.  Về  lợi ích kinh tế trừu có vẻ quan trọng hơn dê vì cho nhiều thịt, sữa nhất là lông.  Vào thế kỷ XVII, XVIII Tây Ban Nha nổi tiếng với trừu Merinos.  Họ cấm xuất cảng loại trừu này.  Nhưng cũng vì chăn nuôi nhiều trừu mà nhiều đất đai của Tây Ban Nha trở nên cằn cỗi vì bị xâm thực.  Vào thế kỷ XIX trừu bị bịnh than (anthrax)  và chết rất nhiều ở Pháp và Âu Châu.  Nhà bác học Louis Pasteur nghiên cứu vi trùng bịnh than Baccilus anthracis và bào chế ra thuốc chích nhằm chận đứng chứng bịnh tệ hại này hầu cứu vãn ngành chăn nuôi trừu của Pháp.
Ở các xã hội du mục ở Trung Á, Trung Đông, Phi Châu, sự giàu có được đánh giá qua đàn dê, trừu hay bò.  Dê núi Ibex được người Ba Tư và Ai Cập sớm thuần hóa.  Trong các mộ cổ của vua chúa Ba Tư ngày xưa có tượng dê Ibex.  Hình ảnh dê cũng được tìm thấy trong mộ của vua Ai Cập Tutankhamun.

image
 
Trong ngôn ngữ Việt Nam chữ dê xồm  trở thành một hinh dung từ ám chỉ người đàn ông thích tán tĩnh người khác phái.  Cho đến bây giờ người viết cũng chưa hiểu  rõ ý nghĩa bóng gió của hai câu thơ sau đây:
 
                                                    Dê xồm ăn trái khổ qua,
Ăn nhằm đậu đũa chết cha dê xồm.
Đó là thức ăn ngon của dê?  Hay dê ăn các món đó thì ngã lăn ra chết?  Khổ qua và đậu đũa có hợp chất hóa học gì kỵ nhau?  Dê ăn  xương rồng có gai và nhựa vẫn không bị trúng độc.  Câu thứ hai nói về đậu đũa Vigna unguiculata? hay so đũa Sesbania grandiflora mà dê ưa thích?

- Trừu tổ cũng có nghĩa tương đương với dê xồm.
 
- Cà dái dê Solanum melongena là trái cà tím có hình giống ngoại thận của con dê đực.

- Treo đầu dê bán thịt chó là những cụm từ nói lên sự phỉnh gạt của người buôn bán bày hàng tốt nhưng bán hàng xấu.
- Dâm dương hoắc là một loại thảo mộc mang tên khoa học Epimedium grandiflorum được dùng làm thuốc kích dục dựa vào thói quen của loài dê  thường hay tìm dê cái giao tình sau khi ăn lá cây dâm dương hoắc.  Người Trung Hoa gọi là Yin yang huo (Âm Dương Hoắc) hay Tiên Linh Bì (Xian ling pi).  Chữ Dương trong Âm Dương Hoắc không liên hệ gì đến loài dê cả (Âm -; Dương +).  Chữ Âm (Yin) được âm trại thành Dâm.  Người Anh gọi dâm dương hoắc là horny goat weed (dương giác thảo).
- Dương giác (sừng dê), dương can (gan dê), dương huyết (huyết dê), dương nhu (sữa dê), dương nhục (thịt dê), dương thận (ngoại thận của dê đực) được xem như những bài thuốc bổ dương trong Đông Y.
 
- Cừu non là từ ngữ ám chỉ người ngây thơ, thiếu kinh nghiệm.  Chữ sheepngoài nghĩa là con trừu con có nghĩa là ngây thơ, nhút nhát.
 
Tương truyền rằng năm 1883, lúc vua Hiệp Hòa làm lễ đăng quang, nhà vua thấy một đàn dê đi qua cầu.  Vua cho đó là điềm bất lành vì dê là Dương.  Người Âu Châu kể cả Pháp được gọi là người Tây Dương.  Lúc bấy giờ người Pháp muốn thiết lập nền bảo hộ ở Bắc và Trung Kỳ.  Vua Hiệp Hòa muốn thương nghị với Pháp để loại bỏ ảnh hưởng của hai quan nhiếp chánh lộng quyền lúc bấy giờ là Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường.  Hiệp ước năm Quí Mùi 1883 (hòa ước Harmand) được ký kết công nhận sự bảo hộ của Pháp ở Trung- Bắc Kỳ.  Hiệp ước vừa ký xong vua Hiệp Hòa bị ép uống thuốc độc chết.  Quan phụ chánh Trần Tiễn Thành bị giết chết tại nhà vì không cùng đường lối cực đoan với hai quan phụ chánh Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường.

image
Từ khi đề 40 con được phổ biến sâu rộng ở Nam Bộ, dương tộc mang số 35.  Từ đó số 35 tượng trưng cho người có nhiều dương tính thích ve vãn phụ nữ.
Trong truyện Tàu có Tô Vũ (Su Wu), sứ giả nhà Hán, bị Hung Nô đày lên Bắc Hải chăn dê.
Trong khoa phong thủy (geomancy) Trung Hoa có thế đất Hổ trục quần dương(cọp đuổi đàn dê) được xem là thế đất tốt mang lại lợi lộc và quyền hành.
Văn sĩ Alphonse Daudet của Pháp có viết về dê trong Le Chèvre de Monsieur Seguin.  Văn sĩ Rabelais đề cập đến Dê trong Garguantua et Pantagruel. 
La Fontaine có bài ngụ ngôn Le Loup et l’Agneau (Chó Sói và Cừu Non) mở đầu bằng câu La raison du plus fort est toujours la meilleure (Lý kẻ mạnh bao giờ cũng thắng) như một chân lý cay đắng phũ phàng bất di dịch với không gian và thời gian.
Capra là tiếng La Tinh chỉ con Dê.  Những chữ capri, capric, caprice, capricious(hay thay đổi), Capricorn đều có liên hệ đến dương tộc. 
Ở Ý có đảo Capri rộng 14 km2.  Vào thập niên 1950, 1960 ở Âu Châu có một loại xe gắn máy hiệu Capri.
Namibia (Phi Châu) có dải Caprivi Strip dài 450 km và rộng từ 30- 105 km.
Capri fig hay goat fig là một loại trái sung mang tên khoa học Ficus carica sylvestris.
Capric acid hay Decanoic acid C10 H20 O2 là ác xít tìm thấy nhiều trong sữa dê.  Ác xít capric có mùi khó ngửi.  Nó được dùng trong ngành sản xuất nước hoa, đồ plastic, cao su, kỹ nghệ dược phẩm, mỡ dầu cho máy xe.
Goat weed là cây bù xít có mùi rất nồng.  Nông dân thường chặt cây bù xít đặt dưới các mô khoai lang để khoai có nhiều củ.
Tiếng Pháp chèvre là con dê. Chèvrefeuille là kim ngân hoa Lonicera japonica.
Trong thực vật học có gia đình dương diệp Caprifoliaceae.
Trong thiên văn học có sao Capricorn tức Dương Tinh.  Chòm sao Capricornnằm giữa chòm sao Sagittarius và Aquarius. 
Trong la bàn tử vi Tây Phương sao Capricorn nằm trên cung thứ 10.  Người sinh trong khoảng thời gian từ ngày 22 tháng 12 đến 19 tháng giêng dương lịch chịu ảnh hưởng của sao Capricorn.  Người Anh cũng dùng chữ Goat (Dê) để ám chỉ người dâm loạn. 
Trong 40 số đề Dê chiếm số 35 sau con Nai (số 34) và trước con Chồn (số 36).
 
Dê là một trong 12 con giáp được biết dưới tên Mùi hay Vị.  Năm Mùi theo sau năm Ngọ và đứng trước năm Thân.  Năm Mùi là năm Âm (-).  Ta có:
-   Ất Mùi (1895, 1955, 2015, 2075)- Hành Kim
-   Đinh Mùi (1907, 1967, 2027, 2087)- Hành Thủy
-   Kỷ Mùi (1919, 1979, 2039, 2099)- Hành Hỏa
-   Tân Mùi (1871, 1931, 1991, 2051, 2111)- Hành Thổ
-   Quí Mùi (1883, 1943, 2003, 2063)- Hành Mộc
Giờ Mùi kéo dài từ 01 giờ trưa đến 03 giờ trưa
Tháng Mùi là tháng 06 Âm Lịch.
 
Năm Mùi ứng vào sao Thiên di (thường hay di chuyển, sống xa sinh quán, làm công việc có tính cách lưu động v.v.).  Người có mắt dê (goat’s eyes) thì cô đơn, ương ngạnh và sớm mồ côi.
Tuổi                    Hợp                              Không Hợp
Mùi                Mão, Hợi, Ngọ           Thìn, Tuất, Sửu, Tí (Chuột)
 
(theo BaoMai)