Trong một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Cancer Cell số tháng 2 vừa rồi, một nhóm các nhà khoa học đến từ Cold Spring Harbor Laboratory, một phòng thí nghiệm tư nhân của Hoa Kỳ đã lần đầu tiên tìm ra một cơ chế sinh học đằng sau tình trạng căng thẳng, thứ có thể khiến tế bào ung thư di căn nhanh gấp 4 lần và biến tính mô phổi trong một động thái “chuẩn bị cho ung thư khởi phát”
Nghiên cứu được thực hiện trên chuột, trong đó, họ đã sử dụng những con chuột được biến đổi gen nhằm phát triển một dạng ung thư vú tự nhiên. Sau đó, những con chuột này được tiêm một lượng tế bào ung thư sang phổi để mô tả quá trình di căn phổi của bệnh.Cuối cùng, các nhà khoa học sử dụng mô hình giống như của nhà bác học Selye để đưa một số chuột vào trạng thái căng thẳng.
Những con chuột sẽ bị véo đuôi, cứ 5 phút một lần; bị thả vào bể nước, ép chúng bơi liên tục; bị nhốt vào hộp hẹp, để không thể ngọ nguậy; bị bắt phải nghe tiếng ồn liên tục; bị bỏ đói qua đêm; không cho uống nước; bị nhỏ nước vào chuồng khiến cho ổ của chúng ẩm ướt; bị nghiêng lồng trên mặt phẳng 30 độ để luôn phải chạy lên chỗ ở; bị chiếu sáng liên tục để không thể ngủ được…
Kết quả cho thấy trong cùng một khoảng thời gian theo dõi, những con chuột bị căng thẳng có bệnh tiến triển nhanh gấp 2-3 lần. Kích thước khối u vú của chúng tăng gấp đôi so với những con chuột thuộc nhóm đối chứng không bị căng thẳng. Trong khi đó, tốc độ di căn phổi còn tăng gấp bốn lần.
Để tìm hiểu tại sao hiệu ứng này lại xảy ra, các nhà khoa học đã nhìn vào xét nghiệm máu của những con chuột bị căng thẳng. Họ thấy sự gia tăng của một loại hormone tên là glucocorticoids.
Glucocorticoids từ lâu đã được biết đến là một hormone căng thẳng, bởi nó được tuyến thượng thận tiết ra mỗi khi chúng ta bị căng thẳng. Khi glucocorticoids xuất hiện nhiều trong máu, nó tác động lên một loại bạch cầu gọi là bạch cầu trung tính, khiến các tế bào này tự trục xuất DNA ra ngoài.
Các sợi DNA của hàng trăm bạch cầu trung tính sau đó móc ngoặc vào với nhau, tạo thành một mạng lưới gọi là Bẫy bạch cầu trung tính ngoại bào (Neutrophil extracellular traps-NET). Trong điều kiện bình thường, những chiếc lưới này giăng ra có công dụng bắt những sinh vật ngoại lai trôi nổi trong máu và nội tạng của cơ thể, chẳng hạn như vi khuẩn và virus, để những tế bào bạch cầu khác sau đó tiếp cận và tiêu diệt chúng.
Vì vậy, NET vốn là một cơ chế miễn dịch có ích cho cơ thể, cho đến khi, nó được kích hoạt bởi glucocorticoids từ cơn căng thẳng và trở thành một thứ gì đó quái đản: Một cái lưới bắt các tế bào ung thư trôi nổi trong máu, rồi chính cái lưới đó trở thành một giá thể cho tế bào ung thư đọng lại và phát triển thành khối u.
Giống như một cái lưới đánh cá đặt không đúng chỗ bị tảo và rêu bám vào, NET cũng đang tạo ra một ngôi nhà lý tưởng cho tế bào ung thư di căn phát triển.
Bằng chứng không thể chối cãi về cơ chế gây ung thư từ NET. Khi các nhà khoa học thực hiện 3 thử nghiệm để loại bỏ NET bằng 3 cách khác nhau: Lần một, sử dụng kháng thể để giết chết toàn bộ bạch cầu trung tính. Lần hai phá hủy NET bằng một loại thuốc và lần ba, biến đổi gen những con chuột để chúng không đáp ứng với hormone căng thẳng glucocorticoid để tạo ra NET nữa.
Trong cả ba thí nghiệm mới, những con chuột dù thiếu NET dù bị đặt vào trạng thái căng thẳng triền miên nhưng bệnh ung thư của chúng không còn di căn nữa.
“Dữ liệu của chúng tôi khẳng định glucocorticoids được cơ thể giải phóng khi gặp căng thẳng mạn tính gây ra sự hình thành NET và thiết lập một môi trường vi mô thúc đẩy ung thư di căn“, các nhà khoa học viết.
Mọi chuyện thậm chí còn chưa dừng lại ở đó. Sự hình thành của NET trong mô phổi không chỉ đóng vai trò chất dẫn cho ung thư di căn, nó cũng đóng vai trò như một yếu tố tiền ung thư. “Nó gần như đang chuẩn bị cho mô của bạn sẵn sàng bị ung thư”, các nhà khoa học cho biết.
Trước đây, các hormone căng thẳng cũng từng mang tiếng xấu khi sự xuất hiện của chúng là một chỉ dấu cho hiện tượng kháng hóa trị ở bệnh nhân ung thư. Một số hormone như norepinephrine có thể làm tăng khả năng ung thư di căn khi chúng kích thích sự hình thành mạch máu ở khối u.
“Chính bởi vậy, giảm căng thẳng nên là một phần của phác đồ điều trị ung thư và cũng nên là một phần trong chiến lược phòng ngừa ung thư“, các nhà khoa học cho biết.
Thanh Long / Shoha