Đột quỵ não là một tổn thương đến não, một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng và là nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật và tử vong. Cần dùng thuốc dự phòng đột quỵ ở bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao...
1. Các biện pháp điều trị đôt quỵ não
Đối với đột quỵ não có hai thể chính là chảy máu não (xuất huyết) và nhồi máu não (thiếu mau cục bộ)
Điều trị đặc hiệu cho mỗi thể khác nhau nhưng phác đồ điều trị tổng hợp chung cho cả hai thể của đột quỵ não là giống nhau:
Điều trị tổng hợp đột quỵ não
Nhằm duy trì chức năng sống, chống phù não cho bệnh nhân. Chiến thuật chống phù não tích cực bao gồm
- Kê đầu giường cao 25- 30 độ, hạn chế kích thích, hạn chế dịch truyền, tăng thông khí, phẫu thuật giảm ép, dẫn lưu và dùng thuốc...
- Duy trì đường máu hợp lý.
- Lưu thông đường thở cho bệnh nhân có rối loạn chức năng hô hấp, thiếu ôxy vùng tranh tối - tranh sáng càng rõ rệt. Cần cho thở oxy và làm thông thoáng đường thở, hút đờm dãi và chống nhiễm trùng phế quản ngay lập tức, triệt để.
- Tránh cho ăn đường miệng, nuôi dưỡng qua đường sonde dạ dày bằng các chất dinh dưỡng lỏng, giúp tăng cường chuyển hóa cơ thể, tránh viêm dạ dày, ruột.
- Phòng viêm phổi do trào ngược.
Điều trị đặc hiệu đột quỵ não chủ yếu cho thể đột quỵ thiếu máu não bằng các thuốc tiêu huyết khối và điều trị dự phòng tái phát bằng các thuốc chống kết tập tiểu cầu. Các tác nhân này làm giảm kết tập tiểu cầu, làm giảm sự lan rộng của huyết khối động mạch, tiêu biểu là aspirin. Đây là thuốc cơ bản để điều trị dự phòng và điều trị tắc mạch, nhưng có khả năng làm tăng nguy cơ chảy máu. Dùng thuốc chống đông làm giảm cục máu đông và dùng thuốc điều trị tiêu cục huyết khối. Tuy nhiên việc sử dụng các loại thuốc này đòi hỏi bệnh nhân đến viện sớm trước 3 – 4,5 giờ và tuân theo những chỉ định rất chặt chẽ, được thực hiện tại các cơ sở y tế chuyên sâu có phương tiện theo dõi các xét nghiệm tin cậy, phòng tai biến chảy máu ồ ạt.
Các thuốc bảo vệ tế bào thần kinh cũng được các nghiên cứu cho thấy có vài cơ chế cùng tồn tại song song, mục đích giúp đỡ chuyển hóa ở mô bị rối loạn và có nguy cơ bị rối loạn dẫn đến phá hủy tế bào thứ phát; dùng các thuốc tăng dinh dưỡng thần kinh...
Các kỹ thuật điều trị đột quỵ não - dự phòng đột quỵ não: Kỹ thuật tạo hình động mạch não qua da; giải phóng, làm tiêu cục tắc huyết khối gây tắc mạch; nong rộng lòng mạch ở các động mạch bị hẹp; điều trị các phình mạch, dị dạng động - tĩnh mạch bằng kỹ thuật gây tắc mạch hoặc nút mạch bằng coil kim loại; kỹ thuật khai thông động mạch; kỹ thuật lấy bỏ các cục máu tụ, giảm ép não bằng phẫu thuật; kỹ thuật điều trị các u mạch, dị dạng mạch bằng phẫu thuật định vị. Tuy nhiên các phương pháp này chỉ được thực hiện ở các bệnh viện có đầy đủ trang thiết bị hiện đại và đội ngũ các chuyên gia về thần kinh mạch máu có kinh nghiệm…
2- Các nhóm thuốc điều trị dự phòng đột quỵ
2.1 Nhóm thuốc làm tan các cục máu đông
Các cục máu đông (huyết khối) hình thành do quá trình tích tụ các mảng xơ vữa kết hợp với tiểu cầu lắng đọng gắn vào các sợi fibrin. Khi huyết khối di chuyển theo dòng chảy của máu trong các mạch máu và bị tắc nghẽn tại một điểm nào đó trong lòng mạch. Để làm tan cục máu đông, cần dùng thuốc kháng tiểu cầu và thuốc chống đông máu.
- Thuốc chống kết tập tiểu cầu (kháng tiểu cầu): Tiểu cầu là một tế bào có vai trò cầm máu tự nhiên tại vị trí tổn thương. Nhưng khi tổn thương tại vị trí mạch máu, tiểu cầu kết tập và tạo ra cục máu đông dẫn đến sự tắc nghẽn, tăng nguy cơ đột quỵ. Thuốc kháng tiểu cầu giúp ngăn sự tập hợp của các tiểu cầu, từ đó ngăn giai đoạn hình thành cục máu đông, phòng tránh nguy cơ đột quỵ. Thuốc kháng tiểu cầu được sử dụng phổ biến nhất là ASA (acetylsalicylic acid, aspirin). Các loại thuốc kháng tiểu cầu khác bao gồm clopidogrel, dipyridamole và ticlopidine.
Lưu ý: Việc dùng thuốc kháng tiểu cầu phải theo chỉ định của bác sĩ. Sau khi thăm khám bệnh kỹ, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp dựa vào tình trạng bệnh cụ thể của từng bệnh nhân. Một số bệnh nhân có thể không dùng được thuốc ASA nếu có nguy cơ cao bị chảy máu, dị ứng hoặc các tình trạng y tế khác.
- Thuốc chống đông máu: Là chất làm loãng máu và ngăn cản hình thành cục máu đông mới đồng thời giữ cho cục máu đông đã có không lớn hơn. Thuốc được bác sĩ kê đơn cho những trường hợp có tiền sử tai biến, ghép van tim nhân tạo hoặc bị rối loạn nhịp tim. Nhờ tác dụng ngăn cản hình thành cục máu đông, vì vậy thuốc chống đông máu sẽ giúp phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh lý do đông máu và thiếu máu cục bộ gây ra. Các thuốc trong nhóm này bao gồm heparin, enoxaparin, kháng vitamin K.
+ Heparin được chỉ định cho bệnh nhân có nhịp tim không đều (rung nhĩ) và cục máu đông có nguy cơ di chuyển từ tim đến não, phòng ngừa đột quỵ tái phát ở những người đã bị đột quỵ
+ Enoxaparin là hoạt chất tương tự heparin nhưng khối lượng phân tử thấp hơn. Thuốc giúp cải thiện những hạn chế về mặt dược động học, tác dụng không mong muốn khác của heparin. Enoxaparin cũng có thời gian duy trì nồng độ ổn định trong cơ thể dài hơn so với heparin.
+ Kháng vitamin K được dùng để ngăn chặn quá trình hình thành cục máu đông và giảm nguy cơ gây đột quỵ. Thuốc thuộc nhóm này có một số hoạt chất như warfarin, acenocoumarol… Trước khi sử dụng kháng vitamin K, người bệnh cần được xét nghiệm INR - một loại xét nghiệm liên quan đến thời gian đông máu. Khi dùng thuốc cũng cần theo dõi chỉ số này thường xuyên để bác sĩ có thể điều chỉnh liều thuốc ở mức an toàn. Ngoài ra, bệnh nhân cần được lưu ý về chế độ ăn phù hợp, vì lượng vitamin K có trong các thực phẩm hằng ngày sẽ có thể ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị.
Lưu ý: Nhìn chung, thuốc chống đông máu thường được kê cho bệnh nhân đã bị đột quỵ để giúp ngăn ngừa đột quỵ tái phát. Khi được bác sĩ kê đơn thuốc chống đông máu, bệnh nhân cần dùng thuốc theo hướng dẫn một cách cẩn thận, không tự ý tăng liều hoặc bỏ thuốc.
Một trong những tác dụng phụ của thuốc chống đông là gây chảy máu khó cầm, vì thế cố gắng tránh để bị thương. Khi cần làm một thủ thuật, tiểu phẫu nào đó (chẳng hạn như nhổ răng), cần thông báo cho bác sĩ biết về việc dùng thuốc chống đông máu.
Các trường hợp bị tăng huyết áp; mới bị chấn thương sọ não; dễ bị ngã hoặc lạm dụng rượu thì không được kê đơn thuốc chống đông máu.
2.2 Nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp
Người bệnh tăng huyết áp nếu không được kiểm soát tốt sẽ có nguy cơ cao bị đột quỵ. Khi huyết áp tăng cao hơn 140/90 mmHg sẽ làm gia tăng áp lực đẩy máu lên thành động mạch, lâu ngày dẫn đến xơ vữa động mạch. Khi những mảng xơ vữa nứt ra sẽ tạo điều kiện để hình thành nên các huyết khối gây ách tắc lòng mạch. Đây là nguyên nhân chủ yếu gây nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy thận hoặc suy tim... Chính vì thế, người tăng huyết áp luôn phải dùng thuốc hạ huyết áp, luôn duy trì huyết áp ở mức ổn định an toàn để đề phòng nguy cơ đột quỵ.
Thuốc điều trị tăng huyết áp có thể dùng đơn lẻ một loại hoặc kết hợp nhiều loại để đem lại hiệu quả điều trị tối ưu.
Các thuốc điều trị tăng huyết áp thường được bác sĩ kê đơn bao gồm:
- Thuốc ức chế men chuyển (ACEi) hoặc ức chế thuốc angiotensin II (ARB): Là nhóm thuốc được kê đơn trong điều trị tăng huyết áp phổ biến nhất hiện nay. Nhóm thuốc này có thể ngăn ngừa hoặc làm chậm những biến chứng trên các mạch máu lớn nhỏ, từ đó giúp ổn định huyết áp và giảm nguy cơ đột quỵ.
Lưu ý: Người dùng nhóm thuốc ức chế men chuyển thường gặp những tác dụng phụ như ho khan, tiêu chảy, buồn nôn. Hãy liên hệ với bác sĩ để được hỗ trợ lựa chọn loại thuốc sử dụng phù hợp nhất.
- Thuốc chẹn kênh canxi: Hầu hết các cơn đột quỵ xuất hiện khi lưu lượng máu giảm do tắc nghẽn các động mạch lớn và nhỏ. Khi đó, các ion canxi tràn vào tế bào não và ảnh hưởng đến chức năng hoặc làm chết tế bào não. Thuốc chẹn kênh canxi vừa có hiệu quả điều trị bệnh tăng huyết áp vừa giúp dự phòng đột quỵ bằng cách ngăn chặn dòng ion canxi xâm nhập. Thuốc chẹn kênh canxi được chia thành 3 nhóm, bao gồm: Dihydropyridine (DHP), phenylalkylamine, benzothiazepine.
Trong đó, nhóm dihydropyridine thường được ưu tiên sử dụng trong điều trị tăng huyết áp hơn hai nhóm còn lại. Một số thuốc thuộc nhóm dihydropyridine quen thuộc là gặp là: Amlodipine, felodipine, isradipine, nicardipine, nifedipine, nimodipine.
Lưu ý: Người dùng thuốc chẹn kênh canxi có thể thường gặp các tác dụng không mong muốn như mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn do tác dụng gây giãn mạch nhanh của thuốc. Nếu gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào của thuốc cần thông báo ngay cho bác sĩ điều trị.
- Thuốc lợi tiểu: Là nhóm thuốc thường dùng trong điều trị tăng huyết áp và suy tim. Thuốc lợi tiểu có tác dụng hạ huyết áp nhờ khả năng tăng thải muối và nước ở thận, giúp cải thiện thể tích tuần hoàn.
Thuốc lợi tiểu có 3 nhóm chính:
+ Thuốc lợi tiểu nhóm thiazid: Là nhóm thuốc thường được các bác sĩ kê đơn trong điều trị tăng huyết áp do tác dụng thải natri vừa phải và kéo dài. Thuốc tuy ít gây hạ huyết áp quá mức, nhưng lại có thể gây hạ kali máu do tăng thải kali qua đường niệu.
+ Thuốc lợi tiểu giữ kali: Là nhóm thuốc lợi tiểu có tác dụng làm giảm bài kali. Thuốc thường được kê dùng phối hợp với các loại thuốc lợi tiểu khác như nhóm thiazid hoặc lợi tiểu quai nhằm giữ lượng kali cần thiết trong cơ thể. Thuốc nhóm này chống chỉ định cho trường hợp có tiền sử tăng kali huyết.
+ Thuốc lợi tiểu quai: Là thuốc có tác dụng ức chế quá trình tái hấp thu ở nhánh lên của quai Henle ống thận.
Lưu ý: Đối với nhóm thuốc lợi tiểu, tùy từng trường hợp mà bác sĩ có thể chỉ định uống thuốc đơn độc hoặc phối hợp với các thuốc trị huyết áp khác để tăng hiệu quả điều trị và giảm tác dụng phụ do thuốc gây ra.
2.3 Thuốc giảm cholesterol máu
Chỉ số cholesterol trong máu cao cũng là yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim hoặc đột quỵ. Vì thế, dùng thuốc để duy trì mức cholesterol ở ngưỡng an toàn sẽ giúp hạn chế hình thành các mảng xơ vữa lòng mạch và ngăn ngừa đột quỵ. Đặc biệt là bệnh nhân bị tăng cholesterol (mỡ máu cao) sau khi trải qua đợt đột quỵ cần được chỉ định sử dụng thuốc hạ cholesterol nhằm hạn chế nguy cơ tái phát tai biến.
Thuốc được chia thành 3 loại chính là resins, fibrates và statins. Trong đó nhóm điều trị hiệu quả nhất nên thường được chỉ định nhiều nhất là statins. Các statin được dùng phổ biến nhất hiện nay như: Rosuvastatin, atorvastatin, lovastatin, pravastatin, simvastatin.
Lưu ý: Mặc dù được chỉ định phổ biến, nhưng các thuốc statin gây ra một số tác dụng phụ thường gặp như: Buồn nôn, đau cơ hoặc những dấu hiệu nghi ngờ của tăng men gan.
Khi gặp phải bất kỳ dấu hiệu khó chịu nào sau uống thuốc cần thông báo cho bác sĩ điều trị biết ngay để được tư vấn xử trí phù hợp.
3. Những lưu ý chung khi dùng thuốc dự phòng đột quỵ
Người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ về việc dùng đúng loại thuốc, đúng liều lượng và đúng thời điểm đối với các thuốc chống đột quỵ. Tạo thói quen dùng thuốc đúng giờ, nên đặt thông báo trên điện thoại.
Tuyệt đối không được thay đổi thuốc, tăng/giảm liều lượng hoặc ngừng dùng thuốc mà chưa có ý kiến của bác sĩ điều trị
Tái khám và làm đầy đủ các xét nghiệm theo đúng lịch để được điều chỉnh thuốc hợp lý.
Theo dõi những triệu chứng bất thường khi sử dụng thuốc. Nếu gặp phải các tác dụng phụ có xuất huyết, chảy máu khó cầm khi dùng các thuốc chống đông máu cần thông báo cho bác sĩ ngay để được hỗ trợ kịp thời.
Đọc kỹ và ghi nhớ tên thuốc, liều lượng của các loại thuốc đang dùng. Trước khi phải dùng thêm một loại thuốc nào khác hoặc phải phẫu thuật, kể cả tiểu phẫu cũng cần cho bác sĩ biết những loại thuốc chống đột quỵ đang dùng.
Nếu quên uống một liều và nhớ ra trong ngày thì uống ngay liều thuốc đã quên. Nếu để đến sang ngày hôm sau thì chỉ uống thuốc như bình thường, không được tăng liều thuốc để bù vào liều hôm trước bị quên.
Thay đổi lối sống: Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh ít muối và chất béo, đặc biệt là chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, không hút thuốc, hạn chế sử dụng rượu, hoạt động thể chất và giảm căng thẳng cũng rất quan trọng để giảm nguy Thuốc dự phòng đột quỵ.
TS.BS.Lê Hồng Quân/soha