Ngày càng nhiều chuyên gia Mỹ ủng hộ việc chuyển từ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 bằng cách chọt mũi sang miệng hoặc mẫu nước bọt. Điều này không phải vì tiện hơn mà vì nó có thể giúp phát hiện biến thể Omicron nhanh hơn so với cách đang phổ biến.

Theo báo New York Times đăng ngày 15/1, một số nghiên cứu cho thấy việc thu thập mẫu nước bọt hoặc ngoáy miệng có thể giúp xác định những người bị nhiễm virus sớm hơn so với ngoáy mũi.

Ông Donald Milton, một chuyên gia về virus đường hô hấp tại Đại học Maryland (Mỹ), nêu vấn đề: “Virus xuất hiện đầu tiên trong miệng và cổ họng của bạn. Điều đó có nghĩa là phương pháp mà chúng ta đang làm để lấy mẫu xét nghiệm có vấn đề”.

Một số nghiên cứu cho thấy virus có xu hướng xuất hiện trong nước bọt trước khi tích tụ trong mũi. Nói cách khác, mẫu nước bọt có thể là cách tốt nhất để phát hiện sớm ca bệnh.

Tiến sĩ Milton và các đồng nghiệp của ông gần đây đã phát hiện ra rằng trong 3 ngày trước khi các triệu chứng xuất hiện và 2 ngày sau đó, các mẫu nước bọt chứa lượng virus nhiều gấp 3 lần mẫu lấy bằng cách chọt mũi.

Độ nhạy của mẫu nước bọt khi xét nghiệm bằng phương pháp PCR cao gấp 12 lần mẫu lấy bằng cách mà nhiều nước đang làm. Hiện nghiên cứu vẫn đang trong giai đoạn chờ bình duyệt và chưa công bố trên tạp chí khoa học.

Một số chuyên gia cũng đã đưa ra giả thuyết rằng Omicron có thể nhân bản tốt hơn trong các tế bào của miệng và cổ họng so với các biến thể khác.

Nghiên cứu ở Nam Phi, nơi đầu tiên báo cáo biến thể Omicron, cho thấy tăm bông ngoáy mũi có thể phát hiện được biến thể Delta tốt hơn mẫu nước bọt. Tuy nhiên mẫu nước bọt lại giúp phát hiện sớm ca mắc Omicron hơn mẫu lấy bằng tăm bông.