Thứ Ba, 19 tháng 4, 2022

Thực phẩm: Sự khác nhau của từ GMO và Non-GMO


Ngày nay, ngoài từ Organic còn có một từ ngữ khác nữa mà thường được người ta chú ý đến mỗi khi họ cần mua thực phẩm, đó là từ GMO. Vậy GMO có nghĩa là gì và tại sao người ta lại phải quan tâm đến nó? 

Theo định nghĩa, GMO (Genetically Modified Organism) là bất kỳ sinh vật nào có vật chất di truyền bị thay đổi bằng cách sử dụng các kỹ thuật công nghệ chuyển gene. Kỹ thuật sửa đổi gene này tạo ra sự kết hợp của các gene thực vật, động vật, vi khuẩn và vi rút mà không thể xảy ra trong tự nhiên hoặc bằng các phương pháp lai giống truyền thống. Cho đến ngày hôm nay, các mặt hàng thuộc loại GMO đang có mặt trên thị trường gồm có:

- Squash (1995)

- Soy Bean (1995. Trên 90% soy tại US là GMO)

- Corn (1996. Phần lớn bắp trồng tại Mỹ là GMO)

- Cotton (1996. Chiếm trên 50% trên thế giới )

- Papaya (1997)

- Canola (1999)

- Alfalfa (2006)

- Sugar Beets (2006)

- Potato (2016)

- Pink Pineapple (2016)

- Golden Rice (2018)

- Eggplant

- Salmon

- Apple (2017  Arctic™varieties) 

- Tomato

- Banana 

Tại Mỹ, các sản phẩm GMO phải được kiểm tra nghiêm ngặt bởi Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) và Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) nhằm bảo đảm an toàn cho sức khỏe con người, thực vật và động vật. Các cơ quan này cũng giám sát tác động của GMO đối với môi trường. Chỉ khi nào sản phẩm GMO được phê duyệt bởi cả 3 cơ quan này thì nó mới được phép có mặt trên thị trường. Trung bình mỗi sản phẩm GMO được bán trên thị trường ngày nay đã phải trải qua khoảng 15 năm nghiên cứu và thí nghiệm. Không phải cuộc nghiên cứu nào cũng thành công. Có những sản phẩm đã bị loại bỏ vì đã không đạt được tiêu chuẩn như mong muốn.

Tại sao các khoa học gia lại cần nghiên cứu và cho ra đời các sản phẩm GMO? Vì họ muốn tạo ra các thực phẩm mà có thể mang lại những lợi ích như sau:

- Thức ăn bổ dưỡng hơn 

- Thức ăn ngon hơn 

- Thực vật chịu bệnh và chịu hạn, cần ít tài nguyên môi trường hơn (như nước và phân bón) Ít sử dụng thuốc trừ sâu.

- Tăng cung cấp thực phẩm với chi phí giảm và thời hạn sử dụng lâu hơn 

- Thực vật và động vật phát triển nhanh hơn

- Thực phẩm có nhiều đặc điểm mong muốn hơn, chẳng hạn như khoai tây ít tạo ra chất gây ung thư hơn khi được chiên 

- Thực phẩm làm thuốc có thể được sử dụng chế tạo vắc xin hoặc các loại thuốc khác.

Từ lúc các thực phẩm GMO được phép bán trên thị trường Mỹ cho đến nay, không có luật nào bắt buộc nhà sản xuất phải ghi lên nhãn hiệu cho biết đó là thực phẩm hoặc là sản phẩm GMO. 

Có những nhà sản xuất hay cho in chữ Non-GMO trên nhãn hiệu của sản phẩm của họ nhằm để dễ dàng bán được món hàng đó hơn, vì tâm lý của người dùng thường hay liên tưởng đến từ Organic mỗi khi họ thấy chữ Non-GMO (gười tiêu dùng đã bị lừa về từ ngữ). 

Thực phẩm GMO đã bắt đầu có mặt trên thị trường từ năm 1995, và vì không có luật bắt buộc kê khai loại thực phẩm nào đang được bán trên thị trường là loại GMO, nên người tiêu dùng đã rất có thể ăn qua các thực phẩm GMO nhiều lần mà hoàn toàn không biết. 

Nhưng từ đầu năm 2022 trở đi, luật pháp liên quan đến các sản phẩm GMO bắt buộc các nhà sản xuất phải ghi rõ trên nhãn mác cho biết rằng đó là sản phẩm GMO, hoặc nếu sản phẩm đó có chứa các thành phần GMO nào đó. Người dân sẽ được biết trước và rõ ràng loại thực phẩm mà họ muốn mua là GMO hay là Non-GMO.

Cũng như đối với các loại thực phẩm Organic (*) và Non-organic, có người ủng hộ thực phẩm GMO và có người không ủng hộ thực phẩm GMO.

 Nhưng trước khi các bạn đi đến kết luận là thực phẩm GMO là tốt hay là xấu thì các bạn nên tìm hiểu kỹ thêm GMO. Chứ đừng nên thích hay ghét theo quán tính là hễ có dính dáng đến khoa học là xấu, và cái gì thuận theo tự nhiên là tốt. Nếu như không nhờ vào khoa học thì con người khó mà có thể tồn tại và sinh sản được như thế này cho đến ngày hôm nay. 

Nha Le/quinhon11

----------------

* Thực phẩm hữu cơ (Organic) là gì?

Thuật ngữ “hữu cơ” dùng để chỉ quá trình sản xuất một số loại thực phẩm nhất định. Thực phẩm hữu cơ là khái niệm để chỉ các thực phẩm được nuôi hoặc trồng mà không sử dụng:

  • Hóa chất nhân tạo (thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, chất bảo quản…)
  • Hormone kích thích tăng trưởng
  • Kháng sinh hoặc sinh vật biến đổi gen

  See the source image