Thứ Tư, 20 tháng 4, 2022

Bệnh Parkinson

See the source image

 Bệnh Parkinson là một bệnh thoái hoá mạn tính tiến triển, thường thấy ở người cao tuổi. Bệnh thường khởi phát trung bình từ 58 đến 60 tuổi, xu hướng mắc bệnh tăng lên do tuổi thọ trung bình tăng.

1. Parkinson là bệnh gì?

Thực tế ngoài bệnh Parkinson còn nhiều bệnh nhân có biểu hiện giống bệnh Parkinson người ta gọi là hội chứng Parkinson. Hội chứng Parkinson thì có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như: Thoái hóa thần kinh, do nhiễm khuẩn (viêm não), do nhiễm độc (trong đó có một số thuốc an thần kinh…), do chấn thương, do tổn thương mạch máu não (đột quỵ, tiểu đường, vữa xơ mạch não, tăng huyết áp)...

Image result for bệnh parkinson

Ở giai đoạn đầu các triệu chứng của bệnh Parkinson hay gặp có thể là: Mệt mỏi, đau cơ, vụng về khi thực hiện các động tác đơn giản (đi tất, đi giầy, tra chìa khóa…), rối loạn chữ viết (chữ viết nhỏ dần), táo bón, trầm cảm, kéo lê một chân hoặc giảm hoạt động một tay khi vận động, bong vảy da ở mặt, đầu gối. Cũng có khi triệu chứng sớm là run khi nghỉ không liên tục, kín đáo.

2.Bệnh Parkinson chia làm mấy giai đoạn?

- Giai đoạn nhẹ: Run hoặc đơ cứng nhẹ, chỉ một bên cơ thể, nhưng có thể sinh hoạt và làm việc bình thường.

- Giai đoạn trung bình: Cử động chậm, run vừa, thường ở hai bên cơ thể, nhưng còn đáp ứng tốt với điều trị.

- Giai đoạn nặng: Cử động rất chậm dù được điều trị, tư thế bất thường, hoạt động sống hàng ngày khó khăn, xuất hiện tác dụng phụ do thuốc gây ra.

Thời gian tiến triển từ giai đoạn nhẹ đến nặng rất thay đổi theo từng bệnh nhân, không ai có thể biết chính xác là bao lâu, có bệnh nhân ổn định ở giai đoạn sớm, nhưng cũng có bệnh nhân chuyển sang giai đoạn nặng sau 5-7 năm. Tuy nhiên, thay đổi lối sống, tập luyện, uống thuốc, phẫu thuật có thể cải thiện đáng kể triệu chứng của bệnh.

3.Những biến chứng gì xảy ra với người mắc bệnh Parkinson?

Các biến chứng thường xảy ra ở những bệnh nhân Parkinson giai đoạn muộn, bao gồm:

-Té ngã: Rất thường gặp, gây chấn thương, gãy xương, đặc biệt gãy cổ xương đùi ở người lớn tuổi.

-Sa sút trí tuệ (suy giảm trí nhớ)

-Nhiễm trùng phổi, đường tiểu

-Sụt cân, suy kiệt

Ngoài ra còn xuất hiện các biến chứng do điều trị thuốc levodopa như dao động vận động, loạn động. Biến chứng này thường khó tránh vì hầu hết bệnh nhân đều cần điều trị levodopa trong một thời gian dài.


4.Điều trị bệnh Parkinson

Cho đến hiện nay, vẫn chưa có phương thức nào chữa lành bệnh Parkinson. Nhưng có vài loại thuốc có thể kiểm soát được triệu chứng và giúp cho người bệnh sống thoải mái hơn.

Phẫu thuật có thể chỉ định hiệu quả trong một số trường hợp điều trị bằng thuốc không còn tác dụng hoặc thuốc gây ra nhiều tác dụng phụ.

Dinh dưỡng được đưa ra như là phương pháp điều trị bệnh Parkinson, nhưng chưa được chứng minh rõ ràng. Tuy nhiên, điều quan trọng là có một chế độ ăn hợp lý để giữ sức khỏe tốt.

Các phương pháp điều trị hỗ trợ như vật lý trị liệu, phục hồi chức năng: chức năng nói, nuốt… là rất hữu ích tùy từng giai đoạn của bệnh.

5.Bệnh Parkinson ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh như thế nào?

Bệnh Parkinson là bệnh mạn tính, tiến triển và không chữa khỏi nên khiến người mắc hay có cảm giác lo lắng, buồn, sợ, bi quan. Tuy nhiên, cần nhớ rằng:

- Không ai có thể biết bệnh của mình tiến triển như thế nào cả, nhưng thường là tiến triển chậm, nhiều người trải qua nhiều năm chỉ với triệu chứng rất nhẹ như run ở 1 tay.

- Nhiều người bệnh Parkinson có thể tiếp tục làm công việc hiện tại nhiều năm. Khi bệnh tiến triển nặng hơn, người bệnh cần thay đổi công việc và được giúp đỡ để học cách thích nghi.

- Điều quan trọng là người bệnh nên chủ động trong việc chăm sóc sức khỏe của mình, và nên học mọi thứ về bệnh của mình.

- Người bệnh nên liên lạc và tham gia vào các hội nhóm bệnh nhân bị bệnh này để trao đổi kinh nghiệm.

Hãy sống chung với bệnh Parkinson

Ở giai đoạn sớm, bệnh thường không ảnh hưởng đến cuộc sống, nhưng khi bệnh nặng dần theo thời gian, cuộc sống của người bệnh sẽ bị ảnh hưởng. Việc điều trị là rất hữu ích để giúp duy trì cuộc sống độc lập của người bệnh. Các phương pháp điều trị như đã trình bày ở trên là rất quan trọng và cần sự giúp đỡ của bác sĩ chuyên khoa. Ngoài ra, điều trị tại nhà rất quan trọng, bao gồm: Lựa chọn nơi ngủ nghỉ, sắp xếp đồ dung cá nhân cho phù hợp, dễ sử dụng. Ăn uống lành mạnh, tập thể dục.

Dinh dưỡng cho bệnh nhân Parkinson

Một chế độ ăn đủ dinh dưỡng, sinh tố khoáng chất là hợp lý cho mọi người chứ không riêng gì bệnh nhân Parkinson. Chế độ ăn cân bằng bao gồm: trái cây, rau quả, ngũ cốc, đậu, cá, gia cầm, thịt nạc và các thức ăn hàng ngày ít mỡ.

Giai đoạn sớm của bệnh, nên uống thuốc lúc no để giảm tác dụng phụ như buồn nôn, nôn. Khi bệnh tiến triển, uống thuốc ít nhất 1 giờ trước ăn hoặc 2 giờ sau ăn có thể giúp thuốc tác dụng tốt hơn.

Đạm trong thức ăn có thể ngăn cản sự hấp thu levodopa, làm ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc điều trị Parkinson. Do đó, nên chia bữa ăn đạm thành nhiều lần, hoặc ăn vào ban đêm để cơ thể không bị thiếu đạm.


Bệnh Parkinson cũng như thuốc điều trị thường dễ gây bón. Do đó, người bệnh cần uống nhiều nước, ăn nhiều thức ăn có chất xơ như rau, quả, củ.

Trà, café và coca có thể làm run thêm, do đó bệnh nhân Parkinson thể run không nên uống những thứ này.

Chế độ tập luyện cho bệnh nhân Parkinson

Tập thể dục và vật lý trị liệu trong bệnh Parkinson rất quan trọng, người bệnh mỗi cần tập mỗi ngày 30 phút: đi bộ, bơi lội…Giúp cải thiện sức cơ, phối hợp động tác, cải thiện tư thế, dáng đi, duy trì và tăng tính dẻo dai, tốt cho tim mạch, giảm táo bón

theo suckhoedoisong