Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2022

Các dấu hiệu đường huyết mất kiểm soát

Bệnh tiểu đường là bệnh rối loạn chuyển hóa mạn tính với biểu hiện tăng lượng đường trong máu. Bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm ở tim và mạch máu, thận, mắt, thần kinh... 

Image result for bệh tiểu đường

Các triệu chứng điển hình của bệnh là ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều và giảm cân nhiều.

Nếu lượng đường trong máu không được kiểm soát tốt, người bệnh còn có thể gặp nhiều vấn đề. Dưới đây là 9 dấu hiệu cảnh báo đường huyết bất ổn.

Đói hơn bình thường nhưng giảm cân

Nhiều người có lượng đường trong máu cao không kiểm soát thường thấy đói hơn bình thường. Mặc dù bạn ăn nhiều hơn nhưng lại có thể giảm cân nếu lượng đường trong máu quá cao.

Vì cơ thể bạn không nhận được năng lượng để hoạt động nên huy động năng lượng bằng cách phá vỡ protein cơ và cấu trúc chất béo. Do đó, người bệnh tiểu đường sẽ bị sụt cân không chủ ý và không lành mạnh. Ngoài những thay đổi về cân nặng và cảm giác thèm ăn, người bệnh tiểu đường có thể nhận thấy cơ bắp yếu đi và thường xuyên bị ngã hơn.

Mệt mỏi thường xuyên

Theo Hiệp hội Tiểu đường Mỹ (ADA), cơ thể rất mệt mỏi và mệt mỏi thường xuyên là các triệu chứng của lượng đường trong máu không được kiểm soát. Khi cơ thể không xử lý insulin đúng cách hoặc không có đủ lượng insulin, đường sẽ ở trong máu thay vì đi vào tế bào để sử dụng làm năng lượng. Ngoài ra, đi tiểu thường xuyên có thể dẫn đến mất nước là yếu tố góp phần gây ra mệt mỏi.

Người bệnh tiểu đường cảm thấy mệt mỏi nhiều hơn khi đường huyết mất kiểm soát. Ảnh: Freepik

Người bệnh tiểu đường cảm thấy mệt mỏi nhiều hơn khi đường huyết mất kiểm soát. Ảnh: Freepik

Mắt mờ và thường xuyên đau đầu

Bạn có thể nhận thấy rằng tầm nhìn không còn rõ ràng như trước đây. Theo Trung tâm Tiểu đường Joslin ở Boston (Mỹ), lượng đường trong máu cao có thể dẫn đến các thấu kính trong mắt bị sưng do chất lỏng rò rỉ vào trong. Điều này làm thay đổi hình dạng của thấu kính, khiến nó không thể lấy nét chính xác, gây ra hiện tượng mờ mắt. Người bệnh có thể gặp khó khăn trong công việc, khi lái xe do mắt mờ và thường xuyên bị đau đầu.

Các vết loét có xu hướng lành chậm hơn bình thường

Theo Viện Quốc gia về Bệnh Tiểu đường, Bệnh Tiêu hóa và Bệnh Thận (NIDDK) của Mỹ, vết cắt, vết xước, vết bầm tím và các vết thương khác sẽ chậm lành hơn khi lượng đường trong máu không được kiểm soát. Bệnh tiểu đường gây tổn thương dây thần kinh và ảnh hưởng đến tuần hoàn, đặc biệt là ở cẳng chân và bàn chân, có thể làm chậm quá trình chữa bệnh do không có đủ lưu lượng máu đến khu vực này.

Ngay cả những vết thương nhỏ cũng dễ bị nhiễm trùng hơn, có thể trở nên nghiêm trọng. Hiệp hội Y tế Nhi khoa Mỹ lưu ý, người bệnh tiểu đường có thể nhận thấy nước chảy ra trên tất hoặc có mùi khó chịu nếu bị loét chân.

Ngứa ran và tê ở tay hoặc chân

Lượng đường trong máu không được kiểm soát có thể gây tổn thương dây thần kinh, còn được gọi là bệnh thần kinh do tiểu đường. Bạn nhận thấy cảm giác ngứa ran hoặc tê ở bàn tay và bàn chân. Một số người có thể bị đau ở bàn tay và bàn chân. Mặc dù bệnh thần kinh phổ biến nhất ở những người đã mắc bệnh tiểu đường trong một thời gian dài nhưng nó có thể xảy ra nếu bệnh tiểu đường không được kiểm soát tốt.

Phát triển mụn nước, khô da hoặc các thay đổi khác trên da

Hiệp hội Tiểu đường Mỹ lưu ý, các mảnh da thừa nhỏ có thể hình thành các nếp nhăn trên da, đặc biệt nếu bạn bị tiểu đường và đang cố gắng tìm cách kiểm soát cân nặng. Các vùng da dày, sẫm màu có thể hình thành ở sau cổ hoặc bàn tay, nách, mặt hoặc các vùng khác. Đây có thể là dấu hiệu của tình trạng kháng insulin.

Mụn nước, nhiễm trùng, khô, ngứa, đổi màu và các bất thường trên da đều có thể là những dấu hiệu cảnh báo lượng đường trong máu cao. Người bệnh tiểu đường nên thăm khám bác sĩ nếu nhận thấy những thay đổi trên da.

Nhiễm trùng nấm men thường xuyên

Tăng đường huyết có thể khiến bạn bị nhiễm trùng nấm men sinh dục thường xuyên hơn. "Thủ phạm" thường là loại nấm men Candida albicans theo Hiệp hội Tiều đường Mỹ.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC Mỹ), ở phụ nữ, các triệu chứng có thể bao gồm ngứa, đỏ hoặc đau âm đạo; đau khi quan hệ tình dục; đau hoặc khó chịu khi đi tiểu; tiết dịch âm đạo dày, bất thường. Mặc dù nhiễm trùng nấm men phổ biến ở những người không mắc bệnh tiểu đường nhưng có nhiều glucose hơn trong máu khiến bạn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Nấm men ăn hết glucose và nếu lượng đường trong máu của bạn cao, sẽ có nhiều glucose hơn trong đường tiết niệu. Những người đàn ông không cắt bao quy đầu bị tăng đường huyết cũng có nguy cơ mắc bệnh.

Nướu sưng hoặc chảy máu, tăng nguy cơ nhiễm trùng

Theo NIDDK, bệnh nướu răng là một biến chứng của bệnh tiểu đường. Nó cũng có thể khiến bệnh tiểu đường khó kiểm soát hơn vì phản ứng của cơ thể đối với nhiễm trùng là giải phóng nhiều glucose hơn vào máu .

Nước bọt của bạn có chứa glucose và càng nhiều glucose thì càng có nhiều vi khuẩn kết hợp với thức ăn trong miệng để tạo thành mảng bám và gây ra các bệnh về nướu. Lúc đầu, các triệu chứng có thể bao gồm nướu bị viêm hoặc đỏ.


Nếu không giải quyết kịp thời thì có thể tiến triển thành viêm nha chu, khiến nướu bị tụt ra khỏi răng, xuất hiện mủ hoặc loét, thậm chí là mất răng. Người bệnh tiểu đường nên kiểm soát lượng đường trong máu và đến gặp bác sĩ nha khoa để ngăn ngừa tổn thương nướu, răng.

Kim Uyên/Vn Express
(Theo Everydayhealth