Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2022

Tiểu không tự chủ ở người già

Tiểu không tự chủ là một trong những biểu hiện rối loạn tiểu tiện phổ biến ở người lớn tuổi. Tình trạng này không chỉ gây ra nhiều phiền toái trong sinh hoạt hàng ngày cho người bệnh mà còn có thể dẫn tới biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời

 

Tiểu không tự chủ ở người già là gì?

Tiểu không tự chủ ở người già, còn được gọi là tiểu không kiểm soát, là tình trạng rò rỉ nước tiểu ra ngoài. Sự rò rỉ này có thể từ vài giọt đến một lượng lớn nước tiểu tùy thuộc vào tình trạng bệnh của từng người. Điều này xảy ra khi cơ thể không điều khiển được hoạt động của đường tiết niệu, đặc biệt là bàng quang.

Tiểu không tự chủ là một dấu hiệu hay triệu chứng của rối loạn chức năng đường tiểu chứ không phải là một bệnh.

Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh

Thông thường, trong quá trình đi tiểu, các cơ trong bàng quang thắt chặt để dẫn nước tiểu vào niệu đạo hình ống. Đồng thời, các cơ xung quanh niệu đạo giãn ra giúp đưa nước tiểu ra ngoài cơ thể. Do đó, khi các cơ trong và xung quanh bàng quang không hoạt động như bình thường, nước tiểu có thể bị rò rỉ, dẫn đến tiểu không tự chủ.

Tình trạng tiểu không kiểm soát ở người già có thể do một số nguyên nhân dưới đây:

Sự lão hóa của cơ thể

Ở người lớn tuổi, dung tích bàng quang giảm, khả năng nhịn tiểu giảm, sự co thắt bàng quang không theo ý muốn (do sự hoạt động quá mức của cơ trơn bàng quang) xảy ra thường xuyên. Do đó, việc trì hoãn đi tiểu trở nên khó khăn hơn và có xu hướng tiểu không hết.

Rối loạn hoạt động cơ bức niệu

Rối loạn hoạt động cơ bức niệu là nguyên nhân thường gặp của tiểu tiện không tự chủ ở người già, đặc biệt là sự hoạt động quá mức của cơ bức niệu. Khi đó, cơ thể không thể điều khiển được sự co thắt bàng quang khiến nước tiểu thoát ra ngoài. Cơ bức niệu hoạt động quá mức có thể do sỏi hoặc khối u trong bàng quang.

Bên cạnh đó, cơ bức niệu kém hoạt động cũng gây tiểu tiện không tự chủ. Điều này có thể xảy ra do rối loạn thần kinh vận động vùng thấp của xương cùng khiến cơ bức niệu giảm hoạt động, tăng tần suất đi tiểu và giảm lượng nước tiểu mỗi lần.

Viêm nhiễm đường tiết niệu

Viêm đường tiết niệu là tình trạng vi khuẩn xâm nhập và khu trú lâu ngày dẫn đến nhiễm trùng ở bất cứ vị trí nào của hệ tiết niệu như thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Điều này gây kích thích, tăng co thắt bàng quang, tạo cảm giác buồn tiểu làm cho người bệnh tiểu không tự chủ.

Do thuốc

Một số thuốc cũng có thể gây tiểu tiện không tự chủ ở người cao tuổi như: nhóm thuốc lợi tiểu, thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần, thuốc giãn cơ, nhóm thuốc ức chế men chuyển (ACE) trong điều trị tim mạch và huyết áp, liều lượng lớn vitamin C…

Yếu tố tâm lý

Yếu tố tâm lý là một trong những nguyên nhân hay gặp của tiểu không tự chủ ở người già, đặc biệt là stress, trầm cảm hay rối loạn tâm thần. Nước tiểu có thể thoát ra ngay khi người bệnh bị stress. Hiện tượng này có thể chỉ xuất hiện trong ngày đi kèm với các nguyên nhân gây tiểu tiện không tự chủ khác.

Một số nguyên nhân khác

  • Rối loạn thần kinh thực vật: bệnh đa xơ cứng, Parkinson, u não hoặc chèn ép tủy sống… gây cản trở các tín hiệu thần kinh liên quan đến việc kiểm soát co thắt bàng quang dẫn đến tiểu không tự chủ.
  • Sau khi mãn kinh, cơ thể phụ nữ giảm sản xuất estrogen – hormone giúp giữ cho niêm mạc bàng quang và niệu đạo chắc khỏe. Sự suy giảm chất lượng của các mô này có thể làm tình trạng tiểu không kiểm soát trở nên trầm trọng hơn.
  • Đặc biệt ở nam giới lớn tuổi, tình trạng tiểu không tự chủ thường do sự phì đại của tuyến tiền liệt hay được gọi là tăng sản lành tính tuyến tiền liệt. Ngoài ra, tiểu không kiểm soát là một tác dụng phụ của các phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt.
  • Thuốc lợi tiểu, caffein hoặc rượu bia: các chất kích thích này có tác dụng phụ là khiến cơ thể tiết ra nhiều nước tiểu.
  • Ít hoạt động hoặc hạn chế đi lại do sức khỏe yếu, viêm khớp, bị liệt… cũng có thể gây ra tiểu không tự chủ ở người già.

Các dấu hiệu nhận biết tiểu không tự chủ ở người già

Tiểu không tự chủ có thể biểu hiện tiểu nhỏ giọt gần như liên tục hoặc tiểu ngắt quãng có hoặc không ý thức được việc cần phải đi tiểu. Một số bệnh nhân có tình trạng tiểu rất gấp (không thể nhịn được) mà không có hoặc rất ít dấu hiệu cảnh báo trước.

Sự tiểu không tự chủ có thể xảy ra hoặc nặng hơn khi thực hiện các động tác gắng sức làm tăng áp lực trong ổ bụng như ho, hắt hơi, rặn, cười, khiêng vật nặng…

Thông thường, tình trạng tiểu không tự chủ ở người già thường xuất hiện kèm theo một vài triệu chứng dưới đây:

  • Thường xuyên cảm thấy buồn tiểu khó kiềm chế.
  • Buồn tiểu không nhịn được nhưng khi đi tiểu lại tiểu rất ít (cảm giác đi tiểu không hết).
  • Nín được tiểu nhưng trong khoảng thời gian ngắn, mất kiểm soát ngay khi thay đổi tư thế.
  • Đi tiểu tần suất nhiều hơn so với bình thường.
  • Tiểu đêm: phải thức dậy giữa đêm để đi tiểu.
  • Thấy đau rát mỗi khi đi tiểu.
  • Rò rỉ nước tiểu trong khi ngủ.

Tiểu không tự chủ ở người già có nguy hiểm không?

Thông thường, tiểu không tự chủ chỉ làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh và gây nhiều khó khăn, mệt mỏi cho người chăm sóc. Tuy nhiên, nếu để tình trạng tiểu không tự chủ kéo dài có thể dẫn đến nhiều hệ lụy cả về tâm lý và thể chất cho người bệnh.

Tiểu không tự chủ khiến người bệnh có cảm giác tự ti, xấu hổ, ít chia sẻ vì sợ bị phát hiện. Điều này khiến họ rất ngại giao tiếp, cuộc sống ngày càng khép kín, thậm chí có thể dẫn đến trầm cảm. Bên cạnh đó, triệu chứng đi tiểu ban đêm khi tiểu không tự chủ ảnh hưởng xấu đến giấc ngủ của người bệnh. Đặc biệt người cao tuổi tỉnh dậy giữa đêm rất khó ngủ lại được khiến tinh thần và cả sức khỏe đều suy giảm.

Ở bệnh nhân nằm liệt giường, nước tiểu gây kích ứng, khiến da luôn ẩm ướt, kết hợp với áp lực vùng xương cùng cụt có thể dẫn đến hiện tượng phát ban, nhiễn trùng da và lở loét. Người cao tuổi với triệu chứng tiểu gấp phải chạy vội vào nhà vệ sinh làm tăng nguy cơ bị ngã và gãy xương.

Hơn nữa, tiểu tiện không tự chủ ở người già nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Bởi khi đó, nước tiểu bị ứ đọng trong bàng quang tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh phát triển. Bắt đầu từ viêm bàng quang rồi đi lên thận dẫn đến viêm đài bể thận, hình thành mủ. Thậm chí, ở người già chức năng thận đã bị suy yếu, rất dễ bị suy thận mạn tính nếu không được phát hiện và điều trị sớm.


Điều trị tiểu không tự chủ ở người già

Tiểu không tự chủ ở người già có thể được kiểm soát thông qua nhiều cách khác nhau. Việc lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào các triệu chứng, mức độ nghiêm trọng, nguyên nhân và sự phù hợp với lối sống sinh hoạt của người bệnh.

Vật lý trị liệu

Các bài tập cơ vùng chậu (còn được gọi là bài tập Kegel) tăng cường các cơ hỗ trợ bàng quang, giúp giữ nước tiểu trong bàng quang và tránh rò rỉ. Thực hiện các bài tập này thường xuyên rất hiệu quả trong kiểm soát việc đi tiểu.

Để thực hiện các bài tập cơ sàn chậu, người bệnh hãy tưởng tượng mình đang cố gắng ngăn dòng nước tiểu tràn ra ngoài. Sau đó:

  • Siết (co) các cơ sẽ sử dụng để ngừng đi tiểu và giữ trong 5 giây, sau đó thả lỏng trong 5 giây. Nếu điều này quá khó, hãy bắt đầu bằng cách giữ hai giây và thư giãn trong ba giây.
  • Cố gắng giữ các cơn co thắt trong 10 giây mỗi lần.
  • Đặt mục tiêu thực hiện ít nhất 10 lần lặp lại mỗi ngày.

Người bệnh nên tìm một nhà vật lý trị liệu vùng sàn chậu để xác định chính xác, hướng dẫn cơ co phù hợp giúp đạt hiệu quả điều trị cao nhất.

Thuốc

Các loại thuốc thường được sử dụng để điều trị chứng tiểu không tự chủ ở người già bao gồm:

  • Thuốc kháng cholinergic: Những loại thuốc này có thể làm giảm sự hoạt động quá mức của cơ bàng quang: oxybutynin (Ditropan XL), tolterodine (Detrol), darifenacin (Enablex), fesoterodine (Toviaz), solifenacin (Vesicare) và trospium chloride.
  • Mirabegron (Myrbetriq): Thuốc có tác dụng làm giãn cơ bàng quang và làm tăng lượng nước tiểu mà bàng quang có thể giữ được. Nó cũng có thể làm tăng lượng nước tiểu thải ra, giúp làm rỗng bàng quang hơn.
  • Thuốc chẹn alpha: Ở những người đàn ông bị tiểu không kiểm soát, những loại thuốc này làm giãn cơ cổ bàng quang và các sợi cơ trong tuyến tiền liệt và giúp rỗng bàng quang dễ dàng hơn: tamsulosin (Flomax), alfuzosin (Uroxatral), silodosin (Rapaflo) và doxazosin (Cardura).
  • Estrogen tại chỗ: Liều thấp dưới dạng kem bôi âm đạo, vòng hoặc miếng dán có thể giúp làm săn chắc và trẻ hóa các mô ở niệu đạo và vùng âm đạo.

Lưu ý: Các thuốc trên cần có sự kê đơn của bác sĩ trước khi sử dụng, người bệnh không được tự ý sử dụng thuốc tại nhà.

Điều trị nội khoa

  • Vật liệu bơm Bulking: thành phần có thể là vật liệu collagen, zirconi, hạt carbon hoặc coapxite. Bác sĩ sẽ tiêm vật liệu này vào các mô quanh niệu đạo. Nó sẽ phồng ra giúp giữ cho niệu đạo đóng lại và giảm rò rỉ nước tiểu. Thực hiện dễ dàng nhưng cần lặp lại nhiều lần.
  • Kích thích dây thần kinh điện: Các điện cực được đưa tạm thời vào trực tràng hoặc âm đạo để kích thích và tăng cường cơ sàn chậu. Kích thích điện nhẹ nhàng có thể có hiệu quả đối với tình trạng tiểu không tự chủ dưới áp lực, nhưng có thể cần điều trị nhiều lần trong vài tháng.
  • Dụng cụ chèn niệu đạo: một dụng cụ nhỏ, giống như băng vệ sinh dùng một lần được đưa vào niệu đạo trước một hoạt động gắng sức nào đó, chẳng hạn như chơi thể thao… có thể gây ra chứng tiểu không kiểm soát. Miếng đệm này hoạt động như một nút để ngăn rò rỉ và được tháo ra trước khi đi tiểu.

Phẫu thuật

Nếu các phương pháp điều trị khác không hiệu quả, một số thủ tục phẫu thuật có thể được thực hiện để điều trị các vấn đề gây ra chứng tiểu không kiểm soát:

  • Thủ thuật địu: Vật liệu tổng hợp (lưới) hoặc dải mô của cơ thể được sử dụng để tạo ra một vòng đệm khung chậu bên dưới niệu đạo và vùng cơ dày nơi bàng quang nối với niệu đạo (cổ bàng quang). Việc địu giúp giữ niệu đạo đóng lại, đặc biệt là khi ho hoặc hắt hơi, thường được sử dụng để điều trị chứng tiểu mất kiểm soát do áp lực.
  • Treo cổ bàng quang: Thủ thuật này được thiết kế để hỗ trợ niệu đạo và cổ bàng quang.
  • Phẫu thuật sa: Ở những phụ nữ bị sa cơ quan vùng chậu, phẫu thuật có thể bao gồm sự kết hợp của thủ thuật địu và phẫu thuật sa giúp đưa cơ quan về vị trí cũ.
  • Cơ thắt tiết niệu nhân tạo: Một vòng nhỏ chứa đầy chất lỏng được cấy quanh cổ bàng quang để giữ cho cơ vòng tiểu tiện đóng lại cho đến khi có nhu cầu đi tiểu. Để đi tiểu, người bệnh cần ấn một van được cấy dưới da làm cho vòng này xẹp xuống và cho phép nước tiểu từ bàng quang chảy ra.

Thay đổi lối sống

Bên cạnh các biện pháp điều trị trực tiếp các triệu chứng tiểu không tự chủ, người bệnh nên thực hiện một số thói quen để kiểm soát tốt tình trạng bệnh dưới đây:

  • Tạo thói quen đi tiểu đúng giờ: Hãy sắp xếp thời gian để đi tiểu. Ví dụ: bạn có thể lập kế hoạch đi tiểu theo giờ. Tăng dần khoảng cách các lần theo thời gian. Đồng thời, để trì hoãn việc đi tiểu khi có nhu cầu đi tiểu liên tục, bạn có thể bắt đầu bằng cách cố nhịn trong 10 phút mỗi khi cảm thấy muốn đi tiểu. Mục đích là kéo dài thời gian giữa các lần đi vệ sinh cho đến khi bạn chỉ đi tiểu 2,5 đến 3,5 giờ một lần.
  • Làm rỗng bàng quang: Để bàng quang được rỗng hoàn toàn hơn giúp tránh tình trạng tiểu không kiểm soát tràn ra ngoài, bạn nên đi tiểu 2 lần, nghĩa là khi đi tiểu xong, hãy đợi một vài phút và tiểu tiện lại.
  • Chế độ ăn uống: Nên cắt giảm hoặc tránh uống rượu, caffein hoặc thực phẩm có tính acid.
  • Tăng cường luyện tập: Hoạt động thể chất phù hợp giúp nâng cao sức khỏe, giảm cân và góp phần kiểm soát tiểu không tự chủ. Với người lớn tuổi nên thực hiện các hoạt động nhẹ nhàng như: đi bộ, vận động nhẹ chân tay… để tránh ảnh hưởng xấu đến xương cốt.  
  • ------------------------------------------
  •  
  • Đọc thêm trị tiểu không tự chủ theo Đông Y
  •  https://soha.vn/cac-phuong-phap-tri-tieu-khong-tu-chu-20220429090048765.ht