Nếu một người luôn không vui, thì xét đến cuối cùng, đó là vì không đủ nhận thức để phát hiện căn nguyên sự việc.
1. Thiếu nhận thức
Trong cuốn sách nổi tiếng “21 bài học cho thế kỷ 21” của Yuval Noah Harari có câu:
“Nguồn gốc sâu xa nhất của tất cả đau đớn nằm trong chính tâm trí của mỗi người.”
Khi tác giả ở độ tuổi 20, ông đã gặp rất nhiều trắc trở, cảm thấy cả thế giới như bị trùm lên một bức màn khó nhìn thấu và không thể hiểu tại sao nỗi đau luôn tràn ngập cuộc đời ông.
Ông cũng từng than vãn rồi cố gắng sử dụng nhiều công cụ học thuật khác nhau để khám phá và giải đáp, nhưng cuối cùng vẫn không thể lí giải được.
Cho đến khi lần đầu tiên tham gia thực hành thiền định, ông mới chợt nhận ra bao nhiêu năm qua, mình đã tức giận cả chục nghìn lần, nhưng lại chưa bao giờ nghĩ đến việc quan sát cảm giác của mình khi tức giận.
Mỗi lần không vui, thứ ta tập trung vào luôn là đối tượng của cơn giận dữ, mà chưa bao giờ nghiêm túc suy nghĩ về lý do tại sao mình tức giận, và cũng không bao giờ quan sát cảm giác của mình trong lúc tức giận.
Vì vậy, ông bắt đầu quan sát nội tâm mình và thay đổi cái nhìn của mình về thế giới.
Ông thử biến những điều bất hạnh trong quá khứ thành động lực để theo đuổi, liên tiếp viết ra các cuốn sách được mệnh danh là kho báu thời đại: “Lược sử loài người”, “Lược sử tương lai” và “21 bài học cho thế kỷ 21”.
Harari nói rằng ông đã tìm thấy điều huyền bí của thế giới khi thiền định để bắt đầu lại cuộc hành trình tìm kiếm bản thân mình.
Trùng hợp thay, phương pháp của ông lại giống hệt với liệu pháp tình cảm lý tính trong tâm lý học.
Phương pháp điều trị cảm xúc này được gọi là lý thuyết ABC về cảm xúc.
A là viết tắt của activation events, dùng để chỉ những gì một người gặp phải;
B là viết tắt của believes, dùng để chỉ quan niệm, nhận thức và niềm tin của một người;
C là viết tắt của consequences, dùng để chỉ kết quả và cảm xúc nảy sinh từ các sự việc gặp phải.
Khi kết quả C khiến chúng ta không vui, họ thường cho rằng lý do đến từ việc A quá khó khăn.
Nhưng sau khi nghiên cứu, nhà tâm lý học Ellis nhận thấy rằng, thực ra B đóng một vai trò lớn hơn.
Nói cách khác, không phải bản thân sự vật quyết định cảm xúc mà là do nhận thức của con người chúng ta đối với sự vật.
Nếu một người luôn không vui, thì xét đến cuối cùng, đó là vì không đủ nhận thức để phát hiện căn nguyên sự việc.
Để duy trì được niềm vui, có lẽ thứ chúng ta cần nhất là nâng cấp tư duy.
2. Duy trì niềm vui là năng lực, cũng là tu dưỡng.
Bạn đã bao giờ tự hỏi, người như thế nào sẽ không bao giờ thấy muộn phiền?
Đó là triệu phú bạc tỷ, hay hoàng tử, công chúa chăng?
Tôi nghĩ có lẽ không có thế giới nào là cực lạc, và cũng không có niềm vui nào là trọn vẹn đúng với lý thuyết.
Bởi bất kể bạn là ai, bạn đang ở đâu, đều sẽ gặp phải các loại thử thách và những vấn đề nan giải.
Cuộc sống không dễ dàng với bất kỳ ai.
Khi bạn không thành công, bạn sẽ đau khổ vì những khó khăn gặp phải trên đường đời.
Khi bạn làm chính mình, lại bởi vì không còn gì để làm mà cảm thấy buồn chán.
Theo lời của Schopenhauer:
“Cuộc sống là một khối lượng lớn ham muốn, nếu không thỏa mãn ham muốn, sẽ đau khổ; nếu được thỏa mãn, sẽ nhàm chán. Cuộc sống luôn dao động giữa đau khổ và buồn chán.”
Nhưng, nếu bạn luôn khóc lóc vì bõ lỡ ánh mặt trời, cuối cùng bạn sẽ mất đi đôi mắt để phát hiện những vì sao;
Nếu bạn luôn cảm thấy thất vọng với những thành quả và mất mát nhất thời, thì bạn khó có thể cảm nhận được sức hấp dẫn của việc chờ đợi.
Vậy làm cách nào để vượt qua nỗi đau và luôn được hạnh phúc?
Tuổi tác càng lớn, bạn càng nhận ra rằng, để duy trì cuộc sống luôn vui vẻ vừa là năng lực vừa là một sự tu dưỡng.
Năng lực ở đây chính là cách suy nghĩ của một người.
Bạn thấy đấy, thất bại của cá nhân, ở một góc độ khác, lại là thành công của tập thể;
Sự khó chịu nhất thời, về lâu dài, có thể chỉ là một thử thách từ ông trời.
Sự tu dưỡng được đề cập ở đây là học cách cùng tồn tại với đau khổ.
Hãy coi những khó khăn trong cuộc sống như những nốt dạo của cuộc đời; coi những bước lùi trong cuộc sống như những nét chấm phá trong bức tranh thủy mặc.
Sau đó, học cách chung sống hòa bình với sự bất công và bất mãn.
Trên thực tế, dù cuộc sống có khó khăn đến đâu, chỉ cần bạn không than vãn vì chúng, thì bạn đã là một người nghệ sĩ.
3. Cách tu dưỡng tốt nhất là sống trọn vẹn trong từng khoảnh khắc.
Khi bạn nhận ra rằng duy trì một cuộc sống luôn vui vẻ vừa là năng lực vừa là một sự tu dưỡng, thì đó đã là bước đầu tiên để hướng tới hạnh phúc.
Tại thời điểm này, bạn có nghĩ rằng, làm thế nào mình mới có thể cải thiện khả năng duy trì hạnh phúc của mình? Làm thế nào mới có thể tu dưỡng tốt hơn?
Kỳ thực, tu dưỡng không yêu cầu bạn phải quy ẩn núi rừng, cũng không cần bạn phải ăn chay đạm bạc, mà là học cách sống không gò bó.
Nhiều người sống cả đời mà không nhận ra rằng nơi tu dưỡng thực sự của cuộc đời chính là thế tục nhân gian.
Trong Đạo giáo của Trung Quốc có một câu nói: “Việc nhỏ thì ẩn nơi hoang dã, việc lớn thì ẩn nơi thành thị.”
Có nghĩa là, nếu một người lòng bình yên, dù ở giữa hư không, thì lòng vẫn như ngàn hoa đua nở.
Cách tu dưỡng tốt nhất trong cuộc đời chúng ta là có thể duy trì sự bình yên trong lòng, và tận hưởng giây phút mà mình đang có, không sợ hãi tương lai, không hoài niệm quá khứ, không hỗn mang trong lòng, không mắc kẹt trong tình ái.
Tận hưởng giây phút mà mình đang có là học cách đối mặt trực tiếp với vấn đề.
Phản ứng đầu tiên đối với thách thức không phải là phàn nàn hay rút lui, mà là biết khó vẫn không lùi bước, tìm mọi giải pháp để khắc phục.
Ví dụ, nếu bạn cảm thấy lo lắng về thân hình của mình, bạn nên phân tích lý do khiến bạn tăng cân, sau đó lập kế hoạch dài hạn để từ từ đạt được mục tiêu của mình.
Hay ví dụ, nếu gặp khó khăn trong giao tiếp, bạn nên suy nghĩ về vấn đề giao tiếp mà mình đang gặp phải, đó là giọng điệu, thái độ hay nội dung giao tiếp rồi giải quyết từng chút một.
Điều này cũng gắn bó mật thiết với quan điểm rất quan trọng trong tu dưỡng, “Định hướng bên trong và tu dưỡng bên ngoài”.
Cái gọi là tu dưỡng, là tìm ra những gì bạn thực sự muốn.
Nếu không, bạn có cầu xin cả đời, tưởng niệm cả đời, đau khổ cả đời, đến cuối cùng lại phát hiện rằng tất cả đều là vô nghĩa.
Định hướng bên trong là việc có thể hiểu được trái tim mình thực sự muốn gì, là mong muốn có một cuộc sống bình yên, hay bạn mong muốn có một sự nghiệp đầy sóng gió?
Cái gọi là tu dưỡng bên ngoài chính là hoạch định đường đời của chính mình, làm sao để từng bước hiện thực hóa mục tiêu, lý tưởng của mình trong hành trình tranh đấu với thiên hạ?
Làm rõ được mục tiêu của mình trong cuộc sống, và sau đó đối mặt với chúng một cách bình tĩnh, tự tin và kiên định, đây cách tu dưỡng tốt nhất cho tất cả chúng ta.
Đinh Trọng / Doanh nghiệp & Tiếp thị/anle20