1. Phì đại tuyến tiền liệt là bệnh gì?
Để hiểu được bệnh lý phì đại tuyến tiền liệt, cần hiểu về khái niệm tuyến tiền liệt hay tiền liệt tuyến. Theo đó, tiền liệt tuyến là một tuyến nhỏ, có cấu tạo dạng hạt đậu với kích thước khoảng 10-20 gr chỉ có ở nam giới, nằm sát dưới cơ bàng quang bao quanh lấy đoạn niệu đạo chỗ nối với cổ bàng quang.
Chức năng chính của tiền liệt tuyến là sản xuất ra chất dịch giúp cho quá trình sinh sản của nam giới, ngoài ra tiền liệt tuyến còn có tác dụng giữ độc tố, vi khuẩn, hóa chất không để đi vào đường tiết niệu.
Phì đại tuyến tiền liệt là bệnh lý chỉ sự gia tăng kích thước của tuyến tiền liệt ở độ tuổi trung niên và già, chèn ép vào niệu đạo và bàng quang gây ra rối loạn tiểu tiện như: tiểu khó, tiểu nhiều lần, tiểu gấp, tiểu ngập ngừng, tiểu không hết bãi và các biến chứng như nhiễm trùng tiết niệu, suy giảm chức năng thận,…
Phì đại tuyến tiền liệt thường bắt đầu xuất hiện ở độ tuổi 30. Tuy nhiên, các triệu chứng của bệnh lại xuất hiện sau sau độ tuổi 50. Đây là căn bệnh lành tính có thể chữa khỏi hoàn toàn không dẫn đến ung thư tiền liệt tuyến. Tuy nhiên, người bệnh cần chú ý ung thư tiền liệt tuyến có thể phát hiện đồng thời cùng với phì đại tiền liệt tuyến.
2. Triệu chứng của phì đại tuyến tiền liệt
Do phì đại tuyến tiền liệt chèn ép vào niệu đạo và ảnh hưởng đến khả năng chứa, đẩy nước tiểu ra ngoài của bàng quang nên triệu chứng của bệnh lý này bao gồm những dấu hiệu sau đây:
- Tiểu nhiều lần trong ngày nhất là về ban đêm, buồn đi tiểu đột ngột, không nhịn được tiểu quá vài phút.
- Tiểu khó, tiểu ngắt quãng, tia tiểu yếu, tiểu xong vẫn còn vải giọt nước tiểu rỉ ra làm ướt quần và dù tiểu xong người bệnh vẫn cảm thấy không thoải mái do vẫn còn cảm giác chưa tiểu được hết.
- Khoảng cách giữa 2 lần đi tiểu của người bệnh ngắn lại.
Các triệu chứng phì đại tuyển tiền liệt như trên sẽ xuất hiện từ từ tăng dần có thể không tỉ lệ thuận với kích thước khối u, một số trường hợp triệu chứng không rõ ràng nên khi có bất thường nào khi đi vệ sinh, cần đi thăm khám càng sớm càng tốt.
3. Nguyên nhân bệnh phì đại tuyến tiền liệt
Cho đến nay, nguyên nhân chính xác gây ra tình trạng phì đại tuyến tiền liệt vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cho rằng sự tăng quá mức hormone mà cơ thể tiết ra để kích thích tăng trưởng tế bào tuyến tiền liệt đã dẫn tới bệnh phì đại tuyến tiền liệt.
Ngoài ra, phì đại tuyến tiền liệt cũng liên quan đến yếu tố di truyền, nhất là khi bệnh xảy ra ở những nam giới dưới 60 tuổi. Các trường hợp bệnh nhân trẻ tuổi mắc bệnh thì tình trạng bệnh thường nghiêm trọng hơn, cần điều trị bằng phẫu thuật.
Một số nghiên cứu khá chỉ ra rằng do về già chức năng sinh dục yếu dần đi mất cân bằng hormone sinh dục: giảm testosterol và tăng estrogen gây phì đại tiền liệt tuyến.
4. Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh phì đại tuyến tiền liệt
Bệnh phì đại tuyến tiền liệt hay gặp ở những nam giới ở độ tuổi trung niên. Tuy nhiên, có những đối tượng dễ mắc bệnh này hơn những người khác.
Dưới đây là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh phì đại tuyến tiền liệt:
- Nam giới có độ tuổi trên 50.
- Những người có người thân mắc phì đại tiền liệt tuyến.
- Mắc chứng béo phì, ít tập luyện thể thao.
- Lạm dụng các chất kích thích, rượu bia, thuốc lá, uống ít nước, ăn nhiều chất béo.
- Rối loạn chức năng cương dương.
- Mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim, sử dụng thuốc chẹn beta.
- Môi trường làm việc ô nhiễm, hay stress, từng mắc bệnh về đường tiết niệu...
5. Các biện pháp chẩn đoán bệnh phì đại tuyến tiền liệt.
Để chẩn đoán bệnh lý phì đại tuyến tiền liệt, các bác sĩ sẽ dựa vào các kỹ thuật sau:
- Siêu âm để đánh giá về kích thước, khối lượng tuyến tiền liệt.
- Thăm dò trực tràng: Áp dụng khi tuyến tiền liệt to đáng kể, ước lượng kích thước tương đối của khối u
- Xét nghiệm PSA để chẩn đoán người bệnh có ung thư hay không, theo đó bình thường PSA nhỏ hơn 4ng/ml. Nếu PSA trên 10ng/ml thì khả năng bị ung thư hơn là u xơ tiền liệt tuyến.
- Các xét nghiệm khác: Nếu nghi ngờ ung thư, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh làm công thức máu, xét nghiệm nước tiểu.
t
Thăm dò tực tràng chẩn đoán phì đai tuyến tiền liệt
6. Phì đại tuyến tiền liệt: Khi nào cần gặp bác sĩ?
Phì đại tuyến tiền liệt nếu được phát hiện và điều trị sớm có thể giúp hạn chế xuất hiện các biến chứng nguy hiểm. Chính vì vậy, các đối tượng là nam giới có các triệu chứng sau đây nên đi khám càng sớm càng tốt:
- Hoàn toàn không thể đi tiểu.
- Cảm giác đau đớn khi đi tiểu.
- Đi tiểu thường xuyên, kèm theo dấu hiệu sốt ớn lạnh, khó chịu hoặc đau ở bụng dưới.
- Có máu trong nước tiểu.
Khi người bệnh có những dấu hiệu này cần tới các cơ sở y tế để được thăm khám ngay lập tức vì nếu để lâu dài, rất có thể người bệnh phải đối mặt với những biến chứng nguy hiểm như nhiễm khuẩn đường tiết niệu, tổn thương thận, tổn thương bàng quang...
7. Các biện pháp điều trị bệnh phì đại tuyến tiền liệt
Để điều trị bệnh lý phì đại tuyến tiền liệt, có thể điều trị nội khoa và điều trị ngoại khoa.
Điều trị nội khoa: Điều trị phì đại tuyến tiền liệt bằng các thuốc. Cụ thể:
- Các thuốc nội tiết: đối kháng GnRH, kháng thụ thể Androgen, ức chế 5 alpha-reductase, các thuốc từ Progesteron, thuốc kháng a-adrenergic.
- Các thuốc chiết xuất từ cây cỏ: một số được chiết xuất từ rễ, lá, hạt, một số được kết hợp bởi hai hoặc nhiều cây khác nhau như cỏ lùn châu Mỹ, cỏ sao Nam Phi, mận châu Phi...
- Các thuốc khác không phải chiết xuất từ cây cỏ: Chất Mepatricin là một chất polyene bán tổng hợp được phân lập từ chủng Streptomyces.
Điều trị ngoại khoa
Phương pháp điều trị ngoại khoa được áp dụng khi điều trị nội khoa thất bại hoặc bệnh đã gây ra biến chứng. Theo đó, điều trị ngoại khoa bệnh lý phì đại tuyến tiền liệt gồm phẫu thuật mổ bóc u phì đại tiền liệt tuyến, cắt đốt nội soi qua niệu đạo. Ngoài ra, người bệnh còn có thể được điều trị bằng các phương pháp như: làm bốc hơi nước, mổ bằng laser, liệu pháp nhiệt vi sóng, tiêm ethanol.
8. Chế độ dinh dưỡng dành cho người bệnh phì đại tuyến tiền liệt
8.1. Phì đại tuyến tiền liệt nên ăn gì?
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nam giới bị phì đại tuyến tiền liệt nên dùng một số thực phẩm có thể giúp cải thiện triệu chứng bệnh, nâng cao sức khỏe của bộ phận này. Cụ thể, người bị bệnh phì đại tuyển tiền liệt nên bổ sung những thực phẩm sau đây:
- Trái bơ: Bơ là loại quả chứa nhiều beta-sitosterol. Đây là một loại sterol thực vật có tác dụng giúp làm giảm số lần đi tiểu, cải thiện tình trạng tiểu khó, bí tiểu ở bệnh nhân bị phì đại tuyến tiền liệt.
Ngoài trái bơ, một số thực phẩm khác cũng rất giàu beta-sitosterol như hạt đậu nành, hạt bí ngô hay mầm lúa mì…
- Cá hồi: Cá hồi là thực phẩm chứa nhiều axit béo omega-3. Chất này có khả năng làm giảm các chứng viêm trong cơ thể, vì thế tốt cho những người bị phì đại tuyến tiền liệt. Ngoài ra, người bệnh có thể ăn cá mòi, cá thu, cá trích…
- Các loại rau xanh: Các nghiên cứu chỉ ra rằng ăn nhiều rau xanh có thể giảm nguy cơ mắc bệnh phì đại tuyến tiền liệt, bảo vệ cơ quan này trước tác hại của các gốc tự do. Đặc biệt là rau có lá màu xanh đậm như rau bina, cải bắp, cải xanh, cải xoăn...rất tốt cho người bệnh vì chúng rất giàu chất chống oxy hóa và nhiều khoáng tố quan trọng cho sức khỏe.
- Các loại quả mọng: Các loại quả mọng như dâu tây, việt quất, nho, hay quả mâm xôi cũng rất tốt cho người bị phì đại tuyền tiền liệt vì chúng là nguồn chất chống oxy hóa tuyệt vời giúp ức chế sự phát triển của các gốc tự do gây bệnh.
- Cà chua: Cà chua là thực phẩm có chứa thành phần chính là lycopenen – một chất chống oxy hóa mạnh có khả năng bảo vệ tế bào tuyến tiền liệt. Hoạt chất này sẽ được giải phóng khi cà chua được chế biến chín. Vì vậy, những người bị bệnh nên ăn canh cà chua, sốt hay súp cà chua để cơ thể được bổ sung nhiều lycopenen và chuyển hóa chất này một cách dễ dàng hơn.
- Trà xanh: Nước uống từ trà xanh tốt cho bệnh nhân phì đại tuyến tiền liệt vì hoạt chất EGCG trong trà xanh có thể giúp ức chế sự hình thành của các gốc tự do ở tuyến tiền liệt, ngăn ngừa ung thư.
- Bông cải xanh: Ngoài omega – 3, bông cải xanh là thực phẩm còn đặc biệt giàu folate và sulforaphane. Những chất này có trong bông cải xanh có tác dụng giúp tuyến tiền liệt khỏe hơn và ngăn ngừa sự phát triển của các tế bào ung thư.
- Hạt bí đỏ: Dầu hạt bí đỏ chứa delta 7 – phytosterol có tác dụng ức chế enzym 5α-reductase, làm nhỏ và ngăn chặn kích thước tuyến tiền liệt tăng lên. Ngoài ra, dầu hạt bí đỏ còn có tác dụng làm giãn cơ trơn thành mạch tuyến tiền liệt và cổ bàng quang, do đó làm giảm tắc nghẽn niệu đạo, giúp cải thiện nhanh các triệu chứng rối loạn tiểu tiện do phì đại tiền liệt tuyến gây ra. Vì thế, hạt bí đỏ được y học dùng trong việc điều trị bệnh phì đại tuyến tiền liệt.
Trên đây là tống hợp những thông tin về bệnh lý phì đại tuyến tiền liệt. Bên cạnh việc thăm khám, chẩn đoán và điều trị sớm, người bệnh cần xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, giúp cải thiện tình trạng bệnh. Ngoài ra, bệnh nhân mắc phì đại tuyến tiền liệt cần có chế độ sinh hoạt và luyện tập thể thao hợp lý để điều trị bệnh hiệu quả, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
(theo suckhoehangngay)