Theo thống kê, cứ 5 giây lại có 1 người mắc mới, 10 giây lại có một người tử vong do căn bệnh tiểu đường. Ở mắt, bệnh này có thể gây mù loà nếu không phát hiện và điều trị sớm
Tiểu đường là bệnh rối loạn chuyển hóa gluxit mạn tính có đặc điểm là đường máu tăng cao. Theo ước tính của Liên đoàn Tiểu đường Quốc tế, trong năm 2021, toàn thế giới có khoảng 547 triệu người trưởng thành mắc bệnh tiểu đường và ước tính cứ 5 giây lại có 1 người mắc căn bệnh này, 10 giây lại có một người tử vong do bệnh.
Ở những người được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường, tuyến tụy của họ không sản xuất hoặc sản xuất không đủ insulin.
Insulin là một loại hormone có tác dụng giúp các tế bào cơ thể hấp thu đường trong máu và chuyển hóa thành năng lượng cho các hoạt động hàng ngày. Khi tuyến tụy không sản xuất đủ insulin hoặc các tế bào trong cơ thể không sử dụng được insulin để hấp thu đường sẽ khiến lượng đường trong máu tăng dần và gây tăng đường máu. Tăng đường máu mạn tính sẽ phá hủy các cơ quan khác trong cơ thể, từ đó gây ra các biến chứng trên các cơ quan này.
Tiểu đường có diễn tiến tiềm tàng qua nhiều năm. Ở những giai đoạn đầu, các triệu chứng thường không rõ rệt. Ở giai đoạn muộn hơn, khi đường máu tăng cao, bệnh nhân có thể có các triệu chứng của tăng đường máu, ví dụ như mệt mỏi nhiều, sụt cân, khát nước, đi tiểu nhiều và có thể có các triệu chứng của những biến chứng.
1. Nhìn mờ
Khi lượng đường trong máu tăng lên khiến thủy tinh thể của mắt sưng lên và làm bạn nhìn bị mờ đi.
Nếu điều chỉnh lượng đường về mức độ cho phép, triệu chứng này có thể thuyên giảm. Nhưng phải mất 3 tháng, bệnh nhân mới có thể phục hồi hoàn toàn.
2. Đục thủy tinh thể
Những người mắc bệnh tiểu đường dễ bị đục thủy tinh thể sớm hơn và nhanh hơn.
Vì vậy, nếu bạn đột nhiên nhận thấy có vấn đề với thị lực của mình như nhìn mờ, cảm giác có màn sương trước mắt, nhạy cảm với ánh sáng, hay bị chói mắt..., hãy đến ngay các cơ sở y tế để được khám xét kịp thời.
3. Tăng nhãn áp
Tăng nhãn áp là sự tích tụ các chất lỏng bên trong mắt do dịch trong mắt không thể thoát ra đúng cách. Căn bệnh này có thể làm hỏng các dây thần kinh và mạch máu, gây ra thay đổi thị lực hoặc mất thị lực nghiêm trọng.
Những người bị bệnh tiểu đường có nhiều khả năng bị tăng nhãn áp. Nếu bạn gặp các triệu chứng như đau đầu, nhức mỏi mắt, mờ mắt hoặc chảy nước mắt, bạn có thể bị bệnh tăng nhãn áp và có thể liên quan tới bệnh tiểu đường. Do đó, bạn nên đến gặp bác sĩ để được kiểm tra.
Nếu bạn đã bị tiểu đường, bạn cũng có thể có nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp tân mạch - một tình trạng hiếm gặp khi các mạch máu mới phát triển trên mống mắt và chặn dòng chảy của chất lỏng trong mắt.
4. Võng mạc tiểu đường
Võng mạc là bộ phận của mắt có chức năng gửi tín hiệu dọc theo thần kinh thị giác đến não bộ giúp chúng ta có thể nhìn thấy hình ảnh.
Tiểu đường có thể gây tổn thương võng mạc, nếu không điều trị sớm có thể gây mù loà.
Các dấu hiệu của võng mạc tiểu đường là giảm thị lực, khuyết tầm nhìn, thấy hình tối bất thường trước mắt hoặc mất thị lực.
(Nguồn: Tổng hợp/soha