Thứ Tư, 2 tháng 3, 2022

Các triệu chứng của gout (thống phong)

 

Bệnh gout, ở Việt Nam có người đọc là gao, người thì gọi theo kiểu Tây là gút, có người dịch là thống phong. Phong là phong thấp tức là viêm khớp, thống là đau, tức là bệnh khớp làm đau kinh khủng.

 

           Người bị gout thường thấy sưng ngón chân cái lớn hoặc khớp gối. (Hình minh họa: Cnick/Pixabay)


Thực ra bệnh khớp nào cũng làm đau, nhưng một cơn gout cấp tính là một kinh nghiệm không thể nào quên, vì đúng là nó đau khủng khiếp, không đụng cũng đau, chỉ cần quần áo hay khăn trải giường đụng nhẹ vào cũng đau.

Trong bài này, ta sẽ dùng chữ gout vì khi đi bác sĩ ở bên Mỹ này, đó là chữ mà các bác sĩ và nhân viên y tế thường dùng nhất.

 

Gout là bệnh gây ra ở những người có mức của một chất gọi là urate (thường gọi là uric acid) cao kinh niên.

Một số trong những người có mức uric acid cao kinh niên sẽ bị gout. Ở những người này, chất urate sẽ đọng lại thành muối (tinh thể-crystals) trong khớp. Những hạt muối này được coi là những vật lạ nguy hiểm, do đó các tế bào quân lính bảo vệ cơ thể được gọi là bạch (huyết) cầu sẽ kéo đến để thanh toán các quân địch này. 


Và các chất tiết ra trong khi bạch cầu quân ta tấn công quân địch (các tinh thể urate) sẽ tạo thành phản ứng sưng, nóng, đỏ, đau tại chỗ, gọi là phản ứng viêm. Tại sao chỉ một số nhỏ trong số những người bị cao urate trong máu kinh niên bị gout vẫn là một câu hỏi chưa có câu trả lời.

Gout thường xảy ra ở đàn ông hơn (80%), và thường xảy ra hơn ở tuổi khoảng sau 40. Nếu xảy ra ở phụ nữ, nó thường xảy ra sau thời kỳ mãn kinh.

Các triệu chứng của gout có thể chia làm các nhóm: Gout cấp tính, gout mạn tính (kinh niên), và các biến chứng ở đường tiết niệu.

Gout cấp tính (acute gout)

Viêm khớp cấp tính thường là các triệu chứng đầu tiên ở người bị gout. Nó thường xảy ra đột ngột, thường chỉ ảnh hưởng một khớp, thường nhất là ở ngón chân cái lớn hoặc khớp gối. Triệu chứng trầm trọng nhất trong vòng vài tiếng đồng hồ sau khi cơn tấn công bắt đầu.

Sau cơn đầu tiên, bệnh nhân thường không có triệu chứng trong một thời gian. Cơn thứ nhì thường xảy ra trong vòng hai năm, rồi sau đó các cơn tiếp theo sẽ đến thường xuyên hơn. Lúc đầu, giữa các cơn, bệnh nhân có thể sẽ không có triệu chứng gì cả. Tuy nhiên, nếu không được điều trị thích hợp, thời gian giữa các cơn bộc phát sẽ ngày càng ngắn đi, và các cơn đau sẽ ngày càng trầm trọng và kéo dài hơn. Lâu ngày, các cơn viêm sẽ lan ra nhiều khớp cùng một lúc, có thể đi kèm với sốt. Tệ hơn nữa, các cơn đau có thể sẽ trở nên liên tục quanh năm.

Một số yếu tố có thể kích thích, tạo ra các cơn bộc phát cuả gout là bị chấn thương, mổ, nhịn đói, dùng rượu hoặc các chất có cồn (alcohol), ăn nhiều quá, dùng một số thuốc có ảnh hưởng đến mức urate trong máu.


Gout thường xảy ra ở đàn ông, hơn 80%, và thường ở tuổi khoảng sau 40. (Hình minh họa: health.clevelandclinic.org)


Gout mạn tính với các cục sạn dưới da (chronic tophaceous gout)

Xảy ra ở một số bệnh nhân bị gout lâu năm không được (hoặc không chịu) điều trị thích hợp. Các cục u do sạn urate đóng cục ở khớp, xương, hoặc sụn, được gọi là “tophus,” hoặc “tophi” (số nhiều-nhiều cục). Các cục này có thể chèn ép vào xương làm xương bị ăn mòn. Các cục xấu xí này thường gặp nhất ở các khớp ngón tay, thường không đau; tuy nhiên, đôi khi nó có thể bị viêm và đau y như cơn đau cuả khớp bị viêm cấp tính. Như đã nói, nó cũng có thể làm lở loét, nhiễm trùng. Đôi khi, nếu gần đường thần kinh, nó cũng có thể chèn ép vào thần kinh gây đau hay liệt.


Với các thuốc làm giảm acid uric trong máu, các cục sạn này ít xảy ra hơn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các cục sạn này dễ được thành lập hơn. Ví dụ như ở những người bị gout mà dùng thuốc lợi tiểu (thường dùng trị cao huyết áp), những người uống rượu, những người bị ghép các cơ quan (organ transplantation) cần dùng thuốc cyclosporine, hoặc những người không thể dùng được các thuốc làm giảm urate.

Các biến chứng ở hệ tiết niệu

Các sạn urate cũng có thể đóng trong hệ tiết niệu gây sạn. Đó có thể là sạn thận, sạn niệu quản (là ống nối giữa thận và bàng quang, bọng đái)…

 

Sạn ở có thể làm tắc nghẽn gây ứ nước trong thận, dần dần gây suy thận. Nếu sạn nhỏ đóng trong thận, trong một số ít trường hợp, nó có thể gây viêm, xơ và (sau đó là) suy thận.

Do đó, trị gout, không chỉ là trị những cơn đau (là xong, như rất nhiều người vẫn nghĩ, nhất là những người chỉ mới bị một vài cơn đau đầu tiên), mà còn phải làm sao để giảm thiểu các cơn tái phát và các biến chứng của nó.

Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng/hoa xuongrong

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Đọc thêm

        1-Phòng ngừa bệnh Gout (gút)

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của bệnh gout:

  • Nghe theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc bỏ thuốc được kê toa.

  • Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến bệnh cũng như tình trạng sức khỏe.

  • Điều trị tốt các bệnh lý gây bệnh gout thứ phát như suy thận, các bệnh lý chuyển hóa, ...

  • Tập thể dục hằng ngày

  • Duy trì cân nặng hợp lý

Đặc biệt cần duy trì chế độ ăn uống hợp lý:

  • Tránh ăn nội tạng, nhất là gan, cá mòi

  • Tránh ăn hải sản và thịt đỏ

  • Ăn ít chất béo bão hòa và các sản phẩm chứa ít chất béo

  • Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như dưa leo, củ sắn, cà chua, …

  • Thay thế dùng đường tinh luyện bằng đường tự nhiên trong rau củ và ngũ cốc

  • Uống nhiều nước: uống từ 2,5–3 lít nước mỗi ngày

  • Giảm sử dụng các thức uống có cồn, đặc biệt là bia rượu

  • Không uống cà phê, trà, nước uống có ga

     

    2- Các biện pháp điều trị bệnh Gout (gút)

    Nguyên tắc điều trị gout

    • Điều trị viêm khớp trong cơn gout cấp.

    • Dự phòng tái phát cơn gout, dự phòng lắng đọng urat trong các mô và dự phòng biến chứng thông qua điều trị hội chứng tăng acid uric máu với mục tiêu kiểm soát acid uric máu dưới 360 mmol/l (60 mg/l) với gout chưa có nốt tophi và dưới 320 mmol/l (50 mg/l) với gout có nốt tophi.

    Điều trị cụ thể

    Chế độ ăn uống - sinh hoạt cho người bị gout:

    • Tránh các chất có nhiều purin như tạng động vật, thịt, cá, tôm, cua, … Có thể ăn trứng, hoa quả. Ăn thịt không quá 150 gram mỗi ngày.

    • Không uống rượu, cần giảm cân, tập luyện thể dục thường xuyên.

    • Uống nhiều nước, khoảng 2-4 lít nước mỗi ngày

    • Tránh các thuốc làm tăng acid uric máu, tránh các yếu tố làm khởi phát cơn gout cấp như căng thẳng, chấn thương, …

    Điều trị nội khoa

    • Thuốc kháng viêm: dùng trong giai đoạn cơn gout cấp để giảm viêm

    • Thuốc giảm acid uric máu: dùng trong giai đoạn mãn tính để tránh tái phát cơn gout cấp

    Điều trị ngoại khoa:

    Phẫu thuật cắt bỏ nốt tophi được chỉ định trong trường hợp:

    • Gout kèm biến chứng loét

    • Bội nhiễm nốt tophi

    • Nốt tophi kích thước lớn, ảnh hưởng đến vận động hoặc vì lý do thẩm mỹ

    Khi phẫu thuật cần dùng colchicin nhằm tránh khởi phát cơn gout cấp và kết hợp thuốc hạ acid uric máu.

    (theo vinmec)