Thứ Ba, 14 tháng 1, 2020

Năm Tý nói chuyện Chuột

BM
Chuột đứng đầu danh sách 12 con giáp. Đó không phải là chuyện ngẫu nhiên khi sinh vật vừa nhỏ bé lại vừa gớm ghiếc này lại “làm xếp” những con to xác như cọp và trâu, lại còn đứng trên cả mèo, kẻ thù không đội trời chung lúc nào cũng săn lùng… “bè lũ ăn hại”!

Cảnh “mèo rình chuột” hầu như diễn ra hàng ngày nhưng không hiểu sao người ta lại hay dùng thành ngữ “chuyện mèo chuột” để diễn tả một cuộc tình thơ mộng của đôi trai tài, gái sắc! Có ẩn ý gì chăng?

BM

Hình như trong lối nói đó có hàm ý mèo là “chàng” và chuột là “nàng”. Ngược lại, biết đâu đó, nàng chính là con mèo lanh lợi còn chuột lại là chàng vốn khù khờ nên bị… ăn thịt! Xem ra thì một bên tám lạng bên kia cũng vừa nửa cân, không biết “mèo nào cắn mủi nào”!  

Có điều chắc chắn là chuột sợ mèo. Nỗi kinh hoàng di truyền đó lâu nay vẫn ám ảnh chuột nên người đời tự nhiên thấy “thương hại” cho số phận hẩm hiu của loài chuột. Dân gian thường bênh vực kẻ yếu thế nên mới có câu chuyện đặt lời ca dao thóa mạ mèo để… binh chuột:

BM

Trong kho tàng nghệ thuật hội họa dân gian, chuột cũng hiện diện qua tranh Đông Hồ, mô tả một đám cưới toàn là chuột. Từ cô dâu, chú rể cho đến đoàn tùy tùng đều là chuột nhưng lại có thêm một chú mèo, “sát tinh của loài chuột”, hiện diện trong đám cưới. Thế cho nên, người ta mới hiểu một quy luật tất yếu của cuộc sống: mèo và chuột lúc nào cũng phải đi đôi với nhau như bóng với hình!  

BM

Họ hàng nhà chuột đông lắm. Nào là chuột nhắt, chuột chù, chuột cống, chuột đồng… đó là chưa kể đến… “chuột hai chân”! Giống chuột này tuy chỉ có hai chân nhưng lại “ăn tàn, phá hại”, “ăn không chừa một thứ gì”! Những “bẫy chuột”, “bả chuột”, “keo dính chuột”… hầu như không còn tác dụng, có lẽ phải nhờ đến luật pháp trừng trị mới may ra mới tận diệt được chúng.

BM

Các bà, các cô vốn sợ chuột nhưng các ông hình như rất “kết” món… thịt chuột đồng. Vùng đồng bằng sông Cửu Long và kể cả ở nước láng giềng Campuchia có món thịt chuột nướng lò. Những người “khoái” thì ca ngợi thịt chuột đồng “giàu chất dinh dưỡng”, tốt cho sức khỏe bởi chúng không ăn “cơm thừa canh cặn” mà chỉ ăn toàn lúa ngoài đồng!

BM

Ở Xứ Miệt Dưới Úc Châu lại có một giống chuột mà người Việt gọi là “chuột túi”. Phải nói là thiên nhiên ưu đãi kangaroo với một cái túi trước bụng để nuôi con còn chưa mở mắt. Cũng từ “cái nôi ấm áp” này, chú kangaroo thoải mái “bú tí” mẹ vào bất cứ lúc nào trong khi mẹ còn bận “nhảy” đi kiếm ăn bằng hai chân sau.

BM

Nếu ở Úc kangaroo được thiên nhiên ưu đãi thì ở Ấn Độ chuột cũng được người ta “chiếu cố tận tình”. Theo tạp chí National Geographic, ngôi đền của đạo Hindu có tên là Karni Mata ở Rajasthan còn được gọi là “Đền Chuột” (Rat Temple). Nơi đây có khoảng 25.000 con chuột sinh sống và được mọi người “tôn kính”. Đó là “thiên đường” của chuột. 

BM

“Dân số chuột” ở đền Karni Mata ngày càng phát triển mạnh. Chúng sinh sống một cách “tự nhiên như ở nhà” mà lại còn được… tôn kính vì thờ phượng chuột vốn là một trong những truyền thống của đạo Hindu từ thế kỷ thứ 15.

BM

Karni Mata  là tên của một vị nữ thần, bà ước muốn có một ngôi nhà cho loài chuột mà kiếp trước là “những người hành nghề kể chuyện” (storytellers). Vào năm 1900, một ngôi đền được xây dựng để vinh danh thần Karni Mata và… những con chuột.

BM

Một đội ngũ nhân viên hơn 500 người có nhiệm vụ hàng ngày nuôi chuột bằng hạt ngũ cốc và sữa, đồng thời họ cũng có trách nhiệm làm vệ sinh trong đền. Ôi! Kiếp sau xin làm chuột ở Ấn Độ để được… “cơm bưng, nước rót”!

BM

Phương Tây cũng “khoái” chuột qua nhân vật của Walt Disney (1901-1966). Ông là “cha đẻ” của chuột Mickey nhí nhảnh, duyên dáng đã chiếm trọn cảm tình của mọi người. Đúng ra thì ngành công nghiệp giải trí của Disney chỉ khởi đầu vỏn vẹn có 2 con chuột và 2 con vịt. Ấy thế mà doanh thu hàng năm lên đến hơn 2,2 tỷ đô la!

BM

Mickey chính thức ra “chào đời” năm 1928 qua phim hoạt họa “Mickey Mouse”. Trước đó, nhiều người sợ chuột nhưng chuột Mickey đã chiếm được cảm tình, từ trẻ em cho đến người lớn đều ưa thích. Xét ra, cái công “vinh danh loài chuột” của Mickey là không nhỏ. Ngôi sao chuột Mickey cho đến ngày nay vẫn sáng chói trên Đại lộ Danh vọng Hollywood bên cạnh tên tuổi của những tài tử nổi tiếng khác.

BM

Nói đến Mickey ta phải nhắc đến cô bạn gái của chàng là Minnie. Nàng có một nhan sắc “chim sa, cá lặn” với cái nơ trên tóc và bộ váy màu đỏ điểm những chấm trắng. Nhìn cặp “nhân tình” quấn quýt bên nhau ai dám bảo là… đời chuột nhiều gian nan, khổ cực?

BM

Cuộc sống ngày càng văn minh, hiện đại và chuột cũng đi vào lịch sử của máy tính với “computer mouse”, tiếng Việt gọi là “con chuột máy tính”. Đây chính là “thiết bị ngoại vi” giúp người sử dụng có thể theo dõi sự di chuyển trên màn hình. Douglas Engelbart phát  minh ra nó năm 1963, ông gọi là “con chuột” chỉ vì cái đuôi có dây nối với máy vi tính giống như… con chuột. Ngày nay còn có “chuột không dây” nhưng vẫn bị gọi “chết tên” là… con chuột!

Để chấm dứt bài viết “Năm Tý nói chuyện Chuột” chúng tôi mời các bạn thưởng thức một bức tranh vui kể lại cái thời mới có máy vi tính. 

Chuyện kể cậu con trai gửi cho bố mẹ một cái máy vi tính, dặn rằng phải có “con chuột” mới sử dụng được. Khốn nỗi lại quên gửi “con chuột” đi kèm. Thế là ông bố tìm cách bẫy được một con chuột và bà mẹ điện thoại cho con: “Bố mày đã bắt được một con chuột rồi nhưng không biết dùng như thế nào?”

BM

Nhân dịp năm mới Canh Tý 2020, xin chúc mọi người và mọi nhà sung túc, đầy đủ tựa như… “chuột sa hũ nếp”!

BM

PS: Sau khi bài viết này được post lên, có một bạn đọc nhắc nhở “Sao không thấy nói về “Tom and Jerry”?

Quả thật người viết có quên chú mèo Tom và chú chuột Jerry trong một cuộc đối đầu mà phần thông minh của chuột Jerry vượt trôi hơn hẳn mèo Tom. Thường thì Tom hiếm khi bắt được Jerry vì dù “lớn xác” nhưng vẫn không thể sánh được với trí thông minh của chuột.

BM

Theo một thống kê trong 163 tập phim, Jerry đã giành chiến thắng 123 lần còn Tom giành chiến thắng chỉ có 10 lần. Có 32 lần cả hai bắt tay nhau để chiến đấu với nhân vật khác với 20 lần giành chiến thắng và 12 lần thất bại.

BM

Truyện dài Mèo-Chuột diễn ra từ những năm 1940 do William Hanna và Joseph Barbera sáng tác và hãng phim MGM sản xuất. Chú mèo Tom cùng chuột Jerry đã đoạt giải Oscar đến 7 lần cho thể loại “phim hoạt hình ngắn”. Đến năm 2000, tạp chí Time của Mỹ còn bầu chọn “Tom and Jerry” là một trong những show truyền hình “hay nhất mọi thời đại”. 

Nguyễn Ngọc Chính/baomai