Trong kiếp nạn, người lương thiện sẽ luôn được Thần bảo hộ. Dù trời có sập xuống, người lương thiện vẫn sẽ có được an bài tốt nhất.

Mặt đất nứt vỡ, ai có thể thoát khỏi đại nạn?

Trung Hoa Dân Quốc năm thứ 3 (1914), một trận động đất lớn xảy ra ở 4 quận của tỉnh Đại Lý. Trong số đó, trận động đất ở thành phố Đại Lý là thảm khốc nhất. Các ngôi nhà và tường thành đều sụp đổ. Mặt đất rung chuyển tạo thành những hố lớn sâu hoắm, lửa từ đó phun trào và bốc cháy dữ dội. Người dân hoảng sợ, dẫm đạp lên nhau mà chạy trốn.
Có người bị rơi xuống khe đất nứt, bị nuốt chửng như rơi vào miệng một con quái vật. Rất nhiều người không kịp chạy thoát, có người bị mất nửa eo, có người chỉ còn thấy đầu trồi lên mặt đất. Khắp nơi giống như địa ngục lửa, thương vong vô số. Hàng nghìn người dân trong thành phố chết thảm. 
Vào thời điểm đó, có hai cửa hàng bán lá vàng, một là Vạn Xương của gia đình họ Triệu và một là Trạm Nhiên của gia đình họ Dương. Khi động đất xảy ra, lửa bùng cháy đến trước cửa hai nhà họ rồi đột nhiên tự tắt ngúm. Hai nhà tổng cộng có mười người, tất cả đều bình yên vô sự. Trong vùng, hai nhà Triệu, Dương đều nổi tiếng là ăn ở đức độ, hành thiện tích đức, tin tưởng Phật Pháp, không ngừng tu tâm dưỡng tính, lại chẳng bao giờ làm hại người khác. Câu chuyện tưởng kỳ lạ kia hoá ra lại không hề vô lý. Tai nạn, thiên tai sẽ không tìm đến cửa của nhà dưỡng đức, dưỡng phúc.  

Bé trai kêu khóc nhất định không chịu lên thuyền vì đã nhìn thấy điềm báo

Trung Hoa Dân Quốc năm thứ 12 (1923), Trần Tiểu Phủ dẫn theo 13 người thân thích chuẩn bị đến chùa Quan Âm Sơn ở Côn Minh bái Phật. Khi mọi người đến bến Đại Quan Lâu để đi thuyền, cháu trai 6 tuổi của Trần Tiểu Phủ đột nhiên khóc lớn, nhất định không chịu lên thuyền. Bộ dạng của cậu bé chẳng khác nào vừa mới gặp phải một chuyện kinh hoàng. 
Vợ Trần Tiểu Phủ ôm lấy cháu trai định mang lên thuyền nhưng thằng bé sống chết chống cự, khóc đến long trời lở đất. Trần Tiểu Phủ nhìn thấy con trai khóc lóc mà đau lòng. Cả nhà đành phải ở lại trên bờ. Chẳng ngờ chiếc thuyền kia mới xuất bến đi chưa được nửa dặm thì bất ngờ bị lật úp. Từ xa nhìn thấy người trên thuyền bị chìm hết xuống nước, đáy thuyền úp hẳn lên, không một ai thoát nạn.
Cả nhà Trần Tiểu Phủ vô cùng kinh hãi sau khi chứng kiến chuyện ấy. Khi về đến nhà Trần Tiểu Phủ đã hỏi cháu trai: “Tại sao cháu không chịu lên thuyền?”. Cậu bé trả lời: “Cháu nhìn thấy trước thuyền có một người khổng lồ, mặt xanh nanh vàng, trong tay cầm một cái nĩa thép, tướng mạo nhìn rất hung ác, vì thế sợ hãi không dám lên thuyền”. Cũng nhờ thế mà cả nhà họ Trần đã thoát khỏi thảm họa. Trước nay, họ Trần đều hết lòng tin vào Phật Pháp, hàng ngày đều làm theo lời Phật dạy, giữ gìn đạo hạnh, nhờ vậy mới có thể thoát khỏi đại nạn. 

Nhật quân ném bom, người bạn đã qua đời hiện về báo tin kiếp nạn 

Vào mùa hè năm thứ 27 của Trung Hoa Dân Quốc (1938), một ngày nọ, hàng chục máy bay Nhật Bản bất ngờ xâm phạm vùng trời Quảng Châu và bắn phá, dội bom dữ dội. Các tòa nhà trong thành phố gần như bị phá hủy thành đống đổ nát, vô số người bị thương.
Sau khi cuộc oanh tạc kết thúc, có một câu chuyện kỳ lạ được kể lại. Có hai người tên là A Lý và A Hứa, vốn là đồng nghiệp của nhau. Sau khi A Lý qua đời, A Hứa đứng ra làm tang lễ, đồng thời chu cấp, chăm sóc vợ góa con thơ của bạn giống như chăm sóc cho chính gia đình mình. Cứ nhứ thế, suốt 10 năm trôi qua, A Hứa chưa từng quên chăm nom cho gia đình người bạn. 
Một ngày nọ, khi A Hứa đang đi trên đường thì bất ngờ gặp A Lý. Anh giật mình kinh hãi, dụi mắt mấy lần, trong bụng thầm nghĩ: “Không thể nào! Bạn mình đã qua đời từ lâu, sao hôm nay lại xuất hiện ở đây”. A Lý mỉm cười và mời A Hứa đi uống rượu. A Hứa nửa tin nửa ngờ đi theo. A Lý dường như nhận ra được sự lo lắng của bạn mình liền nói: “Đừng sợ, nhờ có ân đức của bạn mà vợ con tôi mới có thể sống đến ngày hôm nay. Cảm tạ ân đức của bạn, hôm nay tôi đến báo cho bạn một tin. Không lâu nữa sẽ xuất hiện một đại họa lớn, nơi bạn ở cũng sẽ phải chịu thảm cảnh. Tôi đang phụng mệnh Diêm Vương làm bản danh sách những người thiệt mạng, may mắn là cả bạn và gia đình bạn đều không có tên trong đó. Vì thế tôi đến đây nói với bạn rằng hãy mau chóng rời khỏi nơi đó để bảo tồn được bình an”. Nói xong, A Lý còn tặng bạn mình một khoản tiền, coi như thay cho lời cảm ơn.
A Lý dặn dò hết lần này đến lần khác rồi mới quay người rời đi, tốc độ nhanh như một cơn gió, chớp mắt đã biến mất. A Hứa dù nửa tin nửa ngờ nhưng vẫn về nhà thu xếp công việc, gói ghém hành lý, dẫn theo gia đình rời đi nơi khác. Quả nhiên không lâu sau, quân Nhật tiến hành không kích, ném bom rất ác liệt thành phố Quảng Châu. Căn nhà cũ của A Hứa bị phá huỷ chỉ còn đống gạch vụn.
dkn.tv