Thành ngữ Trung Hoa có câu “giàu sang ba nơi không đến, nghèo khó hai người chẳng gần” là có ý gì? Lời răn dạy của cổ nhân ắt có ẩn ý sâu xa.
Trước hết, chúng ta thấy câu thành ngữ này đúc kết lại hai trạng thái khác nhau của cuộc sống: giàu và nghèo. Một đời người dẫu ở giai tầng nào, địa vị xã hội nào, cũng đều có những điều cấm kỵ nên tuân theo. Nếu không sẽ rất dễ gặp phiền phức, có khi còn biến thành tai ương.
Vậy “giàu sang ba nơi không đến” là những nơi nào?
Sòng bạc
Có rất nhiều chuyện dẫn tới cảnh tán gia bại sản, nhưng đánh bạc được người xưa xếp hàng thứ nhất. Tự cổ chí kim những người giàu có đắm mình trong sòng bạc nhiều không kể xiết. Đánh bạc có thể gây nghiện, hơn nữa trăm điều hại mà không có lấy một điều lợi. Hễ bước chân vào sòng bạc, muốn rút chân ra cũng khó! Cả người giàu nghèo gì cũng thế.
Bởi lẽ một chút tham dục đã nuôi dưỡng thành thói quen “ngồi mát ăn bát vàng”. Họ thường cảm thấy chỉ một chút đầu tư là sẽ có thể kiếm được bộn tiền, thắng ham ăn, thua ham gỡ. Cuối cùng xảy chân, hủy hoại cả bản thân và gia đình.
Một người dẫu tiền nhiều như nước, cũng có thể tay trắng chỉ trong một đêm. Từ xưa tới nay, vì đánh bạc mà vợ con ly tán nhiều vô số.
Cho nên, lời khuyên đầu tiên cho những người giàu có là chớ bước vào sòng bạc (kể cả ‘online’ hoặc ‘offline’), như vậy những đồng tiền bản thân vất vả bôn ba có được, mới không rơi vào cảnh “không cánh mà bay”.
Kỹ viện
Chốn phong hoa tuyết nguyệt thường là nơi khiến con người dễ dàng đánh mất lý trí của mình nhất. Con người nhọc công gây dựng chí khí, ngược xuôi bôn ba suốt nửa đời người, cuối cùng mới có được một chút tích cóp, có thể giúp bản thân và gia đình có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Nhưng hễ sa chân vào chốn này, bước vào thì dễ, bước ra mới khó. Từ đó họ chỉ mải mê hưởng lạc, chẳng thể rút chân ra, cuối cùng tán gia bại sản, vợ con ly tán. Tự cổ chí kim chuyện này cũng không hiếm gặp.
Ngày nay, đàn ông có thể không cần đến những nơi tập trung như kỹ viện ngày xưa, mà những quan hệ ‘ngoài luồng’ chốn công sở, hay những mỹ nữ tự động tiếp cận đến tận nơi đã khiến người ta xem ‘kiều nữ – đại gia’ là chuyện đương nhiên. Ảnh hưởng của việc này cũng không thua kém kỹ viện ngày xưa, có khi tác dụng tàn phá gia môn của nó còn to lớn hơn vì người ta sẽ khó vạch ra được ranh giới điểm dừng.
Cố hương
Về điểm này, có lẽ rất nhiều người không thể lý giải, vì sao sang giàu lại không nên về lại cố hương? Kỳ thực, ý của cổ nhân không phải nói rằng không được trở lại quê nhà, mà là răn dạy người đời khi trở về quê cũ cần lặng lẽ, không nên khoa trương. Khi một người làm ăn xa xứ, huênh hoang trở về quê cũ, khoe mẽ tiền của khắp nơi, họ sẽ phải đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng. Đó là việc “mượn tiền”!
Lúc này, họ hàng ba bề bốn bên sẽ lũ lượt tới tìm bạn mượn tiền. Đây quả là một sự lựa chọn khó khăn. Nếu cho mượn, có thể sẽ nuôi dưỡng thói quen xấu không làm mà hưởng của người khác, điều này chẳng khác chi làm hại họ. Nếu không cho mượn, bạn lại trở thành kẻ tiểu nhân bạc tình, bạc nghĩa, do vậy mà đắc tội với người khác!
Cho nên, vì tránh phiền hà cho bản thân, chúng ta vẫn nên nghe lời khuyên của cổ nhân, âm thầm lặng lẽ vẫn hơn. Con người khi nghèo khó thường gặp cảnh sa cơ lỡ vận. Nhưng thân có thể nghèo, chí lại chẳng thể nghèo.
Khi “nghèo khó hai người chẳng gần” là chỉ những ai?
Có câu rằng: “tuế hàn tri Tùng Bách, hoạn nạn kiến chân tình” (trời giá lạnh mới biết Tùng Bách vẫn xanh, khi hoạn nạn mới thấy chân tình). Khi một người lâm vào cảnh hoạn nạn, sẽ rất dễ hiểu được những người quanh mình.
Khi khốn cùng không nên gần gũi với hai kiểu người sau:
Người “dậu đổ bìm leo”
Những người này không hiếm gặp trong cuộc sống. Họ vui mừng khi nghe thấy người khác gặp tai ương, coi đó như chuyện đùa.
Khi bạn giàu có họ sẽ vây quanh bạn, tôn sùng bạn. Khi bạn sa cơ lỡ vận, họ không những không giúp đỡ bạn, mà xa lánh, khinh thường, thậm chí vu oan giáng họa cho bạn.
Cho nên, khi nghèo khó đã nhìn rõ bộ mặt của hạng tiểu nhân này, thì lúc gặp thời gặp thế, dẫu họ muốn tiếp cận, cũng nên xa lánh. Bởi lẽ bản thân những người này đã là một tai họa!
Người giả thân với bạn
Khi bạn nghèo khó, những người bình thường gần gũi bạn sẽ tự động xa lánh bạn như thể một thứ bệnh dịch. Họ đối đãi với bạn như thể bạn là kẻ khiến họ “ôm rơm rặm bụng.”
Khi khốn cùng, con người ắt sẽ chạy vạy khắp nơi mượn tiền mong cầu có cơ hội đổi đời. Vậy nên, họ vì không muốn ra tay trợ giúp bạn, sẽ tự động rời xa bạn. Kiểu người này chỉ có thể cùng hưởng phúc, chẳng thể chung hoạn nạn. Cho nên, trong cuộc sống tốt nhất là người giàu nghèo gì cũng nên tránh xa họ, người nghèo đừng tìm đến họ để bị họ xem thường, mà mất đi tôn nghiêm của bản thân!
“Giàu sang ba nơi không đến, nghèo khó hai người chẳng gần” những lời dạy của cổ nhân đều là kết tinh được kiểm nghiệm trong thực tế, giúp con người dẫu trong hoàn cảnh nào cũng có thể sống bình an, hạnh phúc.
Lê Minh biên tập (Theo Aboluowang)/anle20