Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2017

Thông minh nhân tạo là gì?



 Thông minh nhân tạo (artificial intelligence --AI), còn được dịch là “trí tuệ nhân tạo” là môt ngành trong khoa học máy tính.. Mục đích của ngành này là tạo ra những máy móc có khả năng thi hành những hoạt động mà bình thường cần có sự thông minh của con người. 

Nhưng sự thông minh của con người là gì? Làm sao so sánh máy với người?
Có nhiều khía cạnh của sự thông minh, như có người có trí nhớ tốt hay có người giỏi ngoại ngữ, nên không có một định nghĩa chính xác về sự thông minh của con người. Do đó cũng không có một định nghĩa rõ rệt thế nào là một máy thông minh.




Ông Alan Turing. (Hình: stutteringhelp.org)



Tiến triển của ngành AI
Vì sự định nghĩa không rõ ràng của AI nên cũng không có mốc định rõ rệt của AI. 

Tuy nhiên đa số các chuyên gia trong ngành đều cho rằng AI bắt đầu từ bài “Computing Machinery and Intelligence” của ông Alan Turing đăng trên tờ Mind, A Quarterly Review of Psychology and Philosophy, do Đại Học Oxford xuất bản vào năm 1950.
Ở ngay hàng đầu, dưới đề mục The Imitation Game (trò chơi bắt chước), ông Turing đưa ra câu hỏi: “Can machines think?” (Máy có thể nghĩ không?). Trong bài đó ông đưa ra một trắc nghiệm ông gọi là “the imitation game,” sau này người ta gọi là trắc nghiệm Turing (Turing test). 

Trắc nghiệm Turing
Thắc nghiệm Turing gồm một người gọi là người phán xét, người này đưa ra những câu hỏi qua một thiết bị cuối máy tính (computer terminal) cho hai đối tượng, một người và một máy tính. Nếu người phán xét thường không phân biệt được đối tượng nào là người và đối tượng nào là máy thì máy đạt tiêu chuẩn và có thể coi là máy có trình độ thông minh như người.

Ông Alan Turing là một thiên tài toán học người Anh. Nhiều người cho ông Turing là cha đẻ của máy tính. Trong Đệ Nhị Thế Chiến ông Turing đã sáng chế ra một máy tính dùng để phá vỡ mật mã của Đức Quốc Xã và giúp Đồng Minh thắng trận.
Rất tiếc là ông Turing là một người đồng tình luyến ái, và vào thập niên 1950 người ta không chấp nhận chuyện đó nên ông bị trù dập. Cuối cùng ông chịu không nổi và phải tự tử vào năm 1954. Cuộc đời ông Alan Turing được tiểu thuyết hóa và làm thành phim cũng có tên là “The Imitation Game.”

Năm 1956, ông John McCarthy, một nhà nghiên cứu ở Đại Học Stanford là người đầu tiên dùng chữ “artificial intelligence” trong một hội nghị ở Dartmouth College.

Năm 1965, ông Joseph Weizenbaum ở MIT chế tạo ELIZA có thể đối thoại với người bằng Anh Ngữ, tuy vẫn còn thô sơ.

Năm 1968, đạo diễn Stanley Kubrick cho ra đời cuốn phim nổi tiếng “2001: A Space Odyssey.” Trong đó phi thuyền được một máy tính tên HAL có trình độ thông minh như người điều khiển. Tuy đây chỉ là một phim khoa học giả tưởng nhưng cũng ảnh hưởng nhiều đến việc phát triển AI.

Năm 1997, máy tính Deep Blue của IBM đánh bại nhà vô địch cờ vua Gary Kasporov.

Năm 2011, hệ thống phần mềm AI tên là Watson cũng của IBM đánh bại một nhà cựu vô địch trong chương trình đố vui Jeopardy.

Năm 2016, hệ thống phần mềm AI của Google thắng nhà vô địch cờ vây người Nam Hàn (tiếng Mỹ là cờ GO). 

Những đặc tính của AI
Những hệ thống AI thường có một hay nhiều đặc tính như sau:
Có rất nhiều thông tin: Hệ thống AI nào cũng thu thập rất nhiều dữ liệu và những quy tắc đi đôi với các dữ liệu ấy.
Biết suy luận: Đây là bước căn bản để có thể có những quyết định.
Biết giải quyết vấn đề: Dùng những dữ liệu và sự suy luận để đi đến việc giải quyết vấn đề.
Biết học hỏi: Học để có hiểu biết và thêm kinh nghiệm. Dùng những học hỏi mới để có những kết quả ngày một tốt hơn. Đề mục này gọi là machine learning là một phần rất quan trọng trong AI. 

Áp dụng của AI
Hệ chuyên gia (expert system): Trong nhiều lãnh vực đã có những phần mềm chứa đựng những hiểu biết của ngành đó và những thuật toán để có thể rút ra những điều cần thiết cho người dùng. Thí dụ có rất nhiều trang mạng dựa vào AI và chuyên về y khoa đã giúp các bác sĩ chẩn bệnh và cho thuốc trong nhiều trường hợp. Khả năng của AI có thể xử lý một số dữ liệu khổng lồ và tìm những mô hình khó thấy.
Dịch ngoại ngữ: Google Translate là phần mềm thông dịch ngoại ngữ của công ty Google. Hồi xưa không được tốt, nhưng sau khi áp dụng AI thì Google Translate bây giờ khá hơn rất nhiều.
Người máy (robot): Từ xưa người ta đã tạo nên nhiều người máy. Nhưng những người máy này thường chỉ làm những động tác cố định và đã được lập trình trước. Kỹ thuật AI đã giúp xây dựng người máy tối tân hơn nhiều. Thí dụ như Kismet, một người máy của Artificial Intelligence Lab tại đại học MIT.   
                                        https://www.youtube.com/watch?v=8KRZX5KL4fA                                                                      https://www.youtube.com/watch?v=0XmUaHf-11A
  

Nhận dạng tiếng nói (speech recognition): Chưa được tốt, chưa nhận được tiếng Anh giọng Việt Nam của tôi.
Nhận dạng hình ảnh (image recognition): Cũng chưa được tốt, trên Facebook hình của tôi có khi bị nhận thành người khác.
Trò chơi: AI có nhiều áp dụng vào các trò chơi và cũng có nhiều thử thách. Sau nhiều năm nghiên cứu AI đã thắng người trong cuộc cờ vua cũng như cờ vây. 

Tương lai của ngành AI
Vì ngành AI vẫn còn được coi là đang phát triển, chưa ổn định. Nên đã và đang có rất nhiều bàn luận về tương lai và vai trò của AI trong xã hội con người. Nhiều người lo sợ là máy tính sẽ trở thành quá thông minh và sẽ qua mặt con người như trong phim khoa học giả tưởng “2001: A Space Odyssey.” Một lo sợ nữa là AI làm việc quá tốt và sẻ thay thế người và gây ra nạn thất nghiệp trầm trọng. 

Xe hơi tự điều khiển


Thông minh nhân tạo là gì? 
 Xe tự điều khiển của Google. (Hình: spectrum.ieee.org)


Đã có nhiều công ty, như Google hay Toyota đang thử nghiệm xe hơi tự điều khiển. Từ năm 2009, Google đã có xe tự điều khiển chạy trên đường ở California. Nhưng vẫn còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết trước khi có thể bán xe tự điều khiển cho công chúng. Thí dụ như khi xe tự điều khiển gây ra tai nạn thì ai chịu trách nhiệm? Chủ nhân chiếc xe, hay công ty phần mềm, hay công ty sản xuất xe? 

Thông dịch
Hiện tại Google Translate đã có kết quả tốt. Nếu phần mềm nhận dạng tiếng nói cũng tốt thì kết hợp cả hai sẽ giúp mọi người khi đi qua xứ khác. Thí dụ như bạn qua xứ Ba Tây, bạn nói một câu hỏi đường bằng tiếng Việt vào máy và máy sẽ thông dịch câu đó ra tiếng Bồ Đào Nha cho người nghe. Người ấy trả lời bằng tiếng của họ, máy lại thông dịch ra tiếng Việt cho bạn hiểu. Phần mềm này đã có rồi nhưng còn rất nhiều lỗi. 

Hiện thực ảo (virtual reality)
Tháng Tư, 2016, ông Mark Zuckerberg trong một bài thuyết trình đã nói tới việc dùng AI để tạo nên một hệ thống tốt hơn cho mọi người về sự nhận thức. Thí dụ như chia sẻ video 360 độ với những người thân. Ông ta cũng cho rằng kỹ thuật hiện thực ảo có tiềm năng là một nền tảng tốt nhất cho các mạng xã hội vì bạn sẽ cảm thấy là bạn ở ngay cạnh người thân của mình qua hiện thực ảo.


Nếu bạn thấy thích AI và muốn học hỏi thêm thì có thể ghi tên học trực tuyến và miễn phí một lớp về AI dạy bởi giáo sư Patrick Winston của MIT tại đây: https://ocw.mit.edu/courses/electrical-engineering-and-computer-science/6-034-artificial-intelligence-fall-2010/

Hà Dương Cự/Người Việt