Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2017

Ngâm chân giúp dưỡng sinh, phòng bách bệnh




Từ vùng đầu gối trở xuống lòng bàn chân có rất nhiều huyệt đạo trọng yếu, vậy nên thường xuyên dùng nước ấm để ngâm chân sẽ đem lại lợi ích sức khỏe lớn. Ngâm chân được xếp vào “thủy liệu pháp”, thông qua sức cản, nhiệt độ và xoa bóp sẽ có kích thích trao đổi chất, cải thiện tuần hoàn nên đạt được khả năng dưỡng sinh, phòng bệnh.

Các thầy thuốc Đông y rất coi trọng bàn chân, ví đó như “trái tim thứ hai” của cơ thể. Lục phủ ngũ tạng của cơ thể người có những vùng tương ứng ở đôi chân, nên khi ngâm chân kết hợp với xoa bóp ngón chân, lòng bàn chân có thể giúp tăng cường sức khỏe và phòng ngừa được nhiều bệnh.



Đôi chân được ví như trái tim thứ 2 của cơ thể (Hình: Internet)              
Đôi chân được ví như trái tim thứ 2 của cơ thể (Hình: Internet)

Ví dụ như:
Ngón chân cái có kinh can – tỳ đi ngang qua nên giúp sơ can kiện tỳ, tăng cường thèm ăn.
Ngón chân thứ tư thuộc kinh đởm, giúp phòng trị táo bón.
Ngón chân út thuộc kinh bàng quang, dùng để điều trị chứng đái dầm ở trẻ em.
Huyệt dũng tuyền thuộc kinh thận, có tác dụng điều trị thận hư, suy nhược cơ thể.

Theo Tây y, đôi chân con người có vô số những dây thần kinh liên quan mật thiết với hệ thần kinh trung ương, đồng thời cũng có liên hệ với từng cơ quan, bộ phận trong cơ thể. Khi ngâm nước nóng, xoa bóp chân sẽ tạo những kích thích tốt, giúp tăng cường trí nhớ, cải thiện sức khỏe và đem lại cảm giác thoải mái.

Khi ngâm chân cần chú ý những gì?

1. Thời gian ngâm chân
Thời điểm ngâm chân tốt nhất là sau khi ăn tối 1-2 tiếng, trước khi đi ngủ. Thời gian ngâm chân là khoảng 20 phút, nếu ngâm quá lâu sẽ khiến ra mồ hôi, tim đập nhanh.
2. Mực nước ngâm


ngam chan2
Có thể ngâm chân từ đầu gối trở xuống (Ảnh: Internet)

Đông y cho rằng mực nước ngâm chân nên là ở mức trên mắt cá chân khoảng 15cm, không cần ngâm đến bắp chân. Cũng có thể sử dụng thùng nước để ngâm từ đầu gối trở xuống, nếu muốn tăng cường tuần hoàn máu, tránh giãn tĩnh mạch, thì có thể ngâm đến bắp chân.
3. Ngâm chân với thảo dược 
Để hiệu quả hơn nữa, bạn có thể bổ sung vào nước ngâm chút muối, vài lát gừng. Gừng là vị thuốc mang tính ấm, có tác dụng trừ hàn, giải cảm và rất hiếm tác dụng phụ. Nước muối ấm kết hợp với gừng có tác dụng làm dịu cơn đau, phòng bệnh đau khớp cổ chân và chống hôi chân. Ngâm chân bằng nước ấm hằng ngày vào buổi tối không chỉ thụ ích cho chân mà còn có nhiều lợi ích khác như làm dịu cơn cao huyết áp, tạo kích thích lành tính, làm hưng phấn các rễ thần kinh, giúp tăng cường trí nhớ, đem lại cảm giác thoải mái, nhẹ nhàng cho não.
Ngoài ra còn có các bài thuốc ngâm chân với hồng hoa, ngải cứu, vỏ quế và hoa tiêu… tuy đơn giản nhưng mỗi thứ đều mang lại vô vàn lợi ích riêng biệt.
4. Nhiệt độ
Nước ấm 40 độ C là thích hợp nhất, trong quá trình ngâm có thể chuẩn bị sẵn nước nóng để bổ sung nhằm duy trì nhiệt độ của nước ngâm chân.
5. Hoàn cảnh


ngam chan3

Có thể ngâm chân tại nơi thông thoáng như tại phòng khách, vừa đọc sách, xem tivi vừa ngâm chân, hoặc cũng có thể ngâm chân ở phòng tắm. Nhưng cần chú ý không ngâm ở nơi gió lùa để tránh bị cảm.

6. Giữ ấm sau khi ngâm chân
Sau khi ngâm chân toàn bộ lỗ chân lông bàn chân đều mở, do đó sau khi ngâm chân tốt nhất nên lau khô chân, đi tất để giữ ấm.


Kiêng kỵ khi ngâm chân


ngam chan4
Ngâm chân có một vài điều cần lưu ý (hình ảnh internet)

1.Ăn quá no hay quá đói cũng không thích hợp ngâm chân
Ngâm chân sẽ làm tăng nhanh tuần hoàn máu toàn thân. Vì vậy nên khi ăn quá no, quá đói hay trong lúc ăn cơm hoặc sau khi ăn cơm trong vòng nửa tiếng không thích hợp ngâm chân, do ảnh hưởng đến lượng máu cung cấp cho dạ dày
2.Người bệnh tiểu đường cần lưu ý nhiệt độ khi ngâm chân
Người bệnh tiểu đường hoặc người bệnh mạch máu ngoại biên và người già thường không thể cảm giác nhiệt độ như người bình thường được, nên dễ bị bỏng. Do đó những người này cần đặc biệt lưu ý nhiệt độ nước và thời gian ngâm chân.
3.Một số người nên ngâm thời gian ngắn hơn
Người bị bệnh tim, huyết áp thấp, người hay choáng váng đầu không nên ngâm nước quá nóng hoặc ngâm thời gian lâu. Nếu không sẽ gây giãn mạch ngoại biên, máu ở các cơ quan nội tạng chạy ra phía bên ngoài, nên các cơ quan trọng yếu của cơ thể sẽ không được nuôi dưỡng đầy đủ mà sinh bệnh.
4.Trẻ em cũng không nên dùng nước quá nóng, hoặc ngâm chân thời gian dài
Vòm của lòng bàn chân được hình thành từ khi còn nhỏ, nếu như thường xuyên dùng nước nóng rửa chân cho trẻ thì dây chằng của bàn chân có thể trở nên lỏng lẻo, bất lợi cho sự hình thành và duy trì vòm lòng bàn chân, lâu dài gây bệnh chân bẹt (gan bàn chân phẳng).
Bên cạnh đó, người có da vùng chân bị nhiễm trùng, vết thương vùng chân, hoặc người bị bỏng ở chân, bị trật khớp ở chân cũng không nên ngâm nước nóng.

Theo secretchina- Đại Hải (daikynguyen 1/20/2017)

----------------------------------------------------------------------------------
Ghi chú

Khi ngâm chân đồng thời ngâm tay hiệu quả còn tốt hơn
Chuyên gia cho rằng ngoại trừ ngâm chân thì còn có thể ngâm tay, phối hợp cả hai hiệu quả sẽ càng tốt. Đặc biệt là tại mùa đông lạnh giá, đối với phụ nữ dương khí hư, sợ lạnh, người già tay chân dễ lạnh mà nói, tác dụng bảo vệ tăng cường sức khỏe càng thêm rõ rệt.

ngam tay
Ngâm tay phát huy tác dụng trừ hàn đặc biệt, gia tăng tuần hoàn máu của những mạch máu ngoại vi. So với ngâm chân thì ngâm tay thực hiện lại càng dễ dàng hơn: lấy một bồn nước nóng, nhiệt độ chừng 40 độ C, lượng nước sao cho ngâm được cả hai tay là thích hợp, hai bàn tay xòe ra, ngâm trong nước ấm chừng 5-10 phút, nếu như trong quá trình ngâm nhiệt độ giảm thì có thể thêm nước nóng hoặc đun để duy trì nhiệt độ.