Thứ Ba, 31 tháng 1, 2017

Nên bảo vệ đặc thù văn hóa dân tộc

1- Ý Nghĩa Của Lạy
 
Theo ông Lạp Chúc Nguyên Huy, ý nghĩa của lạy như sau:
 
-Bốn lạy để cúng người quá cố như tổ tiên, thánh thần. Bốn lạy tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu, bốn phương (đông, tây, nam, bắc), tứ tượng (thái dương, thiếu dương, thái âm, thiếu âm).
 
-Lạy người sống chỉ lạy hai lạy như trong trường hợp cô dâu chú rễ lạy cha mẹ. 
-Phúng điếu, thăm viếng người chết ta chỉ lạy hai lạy vì người chết vẫn còn ở dương thế; nhưng sau khi chôn phải lạy bốn lạy vì người chết đã về âm cảnh. Hai lạy tượng trưng cho âm dương tức là sự sống.
 
-Khi đi lễ Phật ta lạy ba lạy tượng trưng cho Phật, Pháp, Tăng.
 
-Ngày xưa người ta lạy vua năm lạy. Năm lạy tượng trưng cho ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa và thổ);  vua tượng trưng cho Trung Cung là hành thổ màu vàng đứng ở giữa.
 
Chúng ta cũng cần duy trì cách "sá" nhau trong khi chào hỏi (có nhớ hồi con chúng ta còn nhỏ, lúc một, hai tuổi, ta hay dạy chúng "sá"). Đây cũng là đặc tính văn hóa trong cách chào hỏi của người Việt chúng ta.
 
2- Thiết lập bàn thờ Tổ Tiên 
 
 
Chúng ta là con dân nước Việt, có bổn phận phải thiết lập bàn thờ Tổ Tiên trong mỗi gia đình để duy trì truyền thống văn hóa Việt, dù ta theo tôn giáo nào cũng vậy; có như thế con cháu chúng ta mới có cơ hội học hỏi cách thiết lập bàn thờ tổ tiên, ý nghĩa của việc cúng tổ tiên. Đó là cách nhớ ơn tổ tiên, bày tỏ lòng thương và hiếu thảo đối với ông bà, cha mẹ.
 
 
Người ta quý trọng mình ở chỗ mình có duy trì được văn hóa đặc thù của mình.  
 
  (tài liệu do bạn Mậu Trền giới thiệu)