Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2024

Làm gì để tương lai không bị bệnh đau khớp hành hạ?

Viêm khớp dạng thấp: Nguyên nhân, triệu chứng và các chẩn đoán phân biệt || Inflapain.vn


Theo các bác sĩ, đau khớp, cứng khớp và sưng tấy không phải lúc nào cũng là kết quả tất yếu của quá trình lão hóa. Dưới đây là những việc bạn có thể làm để giảm thiểu rủi ro của mình.
Có phải ai cũng bị viêm khớp khi già đi? 
Theo New York Times, các khớp bị đau, cứng hoặc sưng là những lời phàn nàn phổ biến ở người lớn tuổi và đối với nhiều người, chúng là dấu hiệu đầu tiên của chứng viêm khớp.

Trong một cuộc khảo sát gần đây với hơn 2.200 người trong độ tuổi từ 50 đến 80 ở Mỹ, 60% cho biết họ mắc một dạng viêm khớp nào đó. Và khoảng 3/4 coi đau khớp và viêm khớp là một phần bình thường của quá trình lão hóa.

Theo Tiến sĩ Kelli Dominick Allen, nhà sinh lý học thể dục tại Trường Y thuộc Đại học Bắc Carolina (Mỹ), thực tế viêm khớp không phải là điều không thể tránh khỏi khi chúng ta già đi.

"Đôi khi mọi người sẽ bắt đầu bị đau nhức ở các khớp và không làm gì cả vì họ nghĩ rằng mọi người đều bị viêm khớp khi già đi. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ về bệnh viêm khớp như một điều tất yếu mà chúng ta phải đối phó một cách thụ động", Tiến sĩ Allen nói. 

Viêm khớp là một thuật ngữ chung cho hơn 100 tình trạng viêm khớp, mỗi loại có thể phát sinh vì những lý do khác nhau. Tiến sĩ Allen cho biết nhiều nguyên nhân trong số đó ít liên quan đến tuổi tác.

Tiến sĩ Wayne McCormick, bác sĩ lão khoa tại Trường Y thuộc Đại học Washington, cho biết thêm, một dạng bệnh thoái hóa khớp, được gọi là viêm xương khớp, có nhiều khả năng xảy ra hơn khi một người già đi. Về cơ bản, điều này có nghĩa là các khớp bị mòn.

Theo Tiến sĩ Allen, bệnh này thường gặp nhất ở những người trên 50 tuổi, đặc biệt là phụ nữ.

Các nhà khoa học không biết chính xác lý do tại sao một số người dễ bị viêm khớp và đau theo tuổi tác hơn những người khác. Nhưng khoảng 12% trường hợp viêm xương khớp là kết quả của chấn thương khớp, chẳng hạn như rách sụn chêm hoặc dây chằng, từ khi họ còn trẻ.

Viêm khớp cũng phổ biến hơn ở những người có tiền sử gia đình mắc bệnh này hoặc những người mắc một số bệnh mãn tính như béo phì, bệnh tim hoặc tiểu đường.

Chúng ta có thể làm gì để hạn chế tình trạng viêm khớp khi già đi?

Đối với hầu hết mọi người, Tiến sĩ Allen cho biết, việc ngăn ngừa bệnh viêm khớp sau này nên bắt đầu từ nhiều năm trước khi nó trở thành mối lo ngại bằng cách thực hiện các bước để ngăn ngừa chấn thương khớp khi chơi thể thao hoặc tập thể dục và phục hồi đúng cách khi chúng xảy ra.

Theo ông, với những người không có nguy cơ mắc các chấn thương liên quan đến thể thao, việc duy trì hoạt động thể chất và duy trì cân nặng khỏe mạnh có thể giúp ngăn ngừa tình trạng hao mòn quá mức của khớp và giảm đau nếu viêm khớp xảy ra sau này.

Ví dụ, trong một đánh giá năm 2015 của 44 thử nghiệm lâm sàng, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người tham gia tập thể dục thường xuyên đã giảm đau đầu gối liên quan đến viêm xương khớp và cải thiện chức năng thể chất cũng như chất lượng cuộc sống.

Tiến sĩ McCormick nói: "Sẽ thực sự hữu ích nếu bạn có thể tập các bài tập có tác động thấp, chẳng hạn như đạp xe tại chỗ, khi đó đầu gối, hông và khớp của bạn không chịu quá nhiều tác động. Việc tăng cường các cơ như cơ tứ đầu và gân kheo giúp hỗ trợ các khớp".

Tiến sĩ McCormick cho biết, ngoài việc tập thể dục thường xuyên, nẹp hỗ trợ đầu gối hoặc mắt cá chân, thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen hoặc acetaminophen hoặc tiêm steroid vào khớp có vấn đề đều có thể giúp giảm đau khớp ở các mức độ khác nhau.

Dù vậy, không phải mọi lựa chọn đều phù hợp với tất cả mọi người, vì vậy điều quan trọng là phải khám phá và tìm ra những gì giúp bạn duy trì hoạt động.

Tương tự, các chất bổ sung chế độ ăn uống như glucosamine và chondroitin sulfate hoặc một số loại thảo dược có thể giúp giảm triệu chứng cho một số người. Nhưng không có nhiều bằng chứng khoa học ủng hộ việc sử dụng chúng.

"Đã có khá nhiều thử nghiệm lâm sàng, nhưng thực sự có nhiều bằng chứng khác nhau về tác dụng của chúng", Tiến sĩ Allen nói.

Trong khi đó, Tiến sĩ McCormick cho rằng, theo kinh nghiệm của ông, những chất bổ sung này thường không gây hại vì vậy chúng đáng để thử hoặc bạn có thể dừng lại nếu thấy chúng có vẻ không giúp ích gì.

Cuối cùng, bạn hãy duy trì một lối sống lành mạnh, năng động là cách tốt nhất để giảm nguy cơ phát triển bệnh viêm khớp sau này.

 

Làm sao để giảm đau nhức khi trời lạnh?

Mặc dù khó tránh khỏi các đợt bùng phát cơn đau khớp theo mùa hoặc liên quan đến thời tiết, tuy nhiên, có một số cách có thể làm hạn chế tình trạng đau nhức xương khớp mỗi khi thời tiết thay đổi, nhất là khi thời tiết chuyển lạnh.

Cụ thể:

Giữ ấm cơ thể và tay chân

Theo ThS.BSNT Nguyễn Thị Minh Ngọc, phần lớn nhiệt bị mất đi ở tứ chi, vì vậy điều quan trọng là phải quàng khăn, đội mũ, đi giày và đeo găng tay.

Duy trì thói quen tập thể dục

Mọi người có xu hướng di chuyển ít hơn vào mùa đông, nhưng duy trì hoạt động thể chất là điều quan trọng để kiểm soát tình trạng bùng phát đau nhức xương khớp.

Các bài tập rèn luyện sức mạnh và giãn cơ có thể giúp giảm đau và cứng khớp, cải thiện tầm vận động khớp, tăng chuyển hóa và mang lại năng lượng tích cực.

Bổ sung vitamin D

Mọi người có xu hướng bị thiếu vitamin D trong mùa đông. Mức vitamin D thấp có liên quan đến tình trạng nhạy cảm với cơn đau hơn.

- Sử dụng liệu pháp nhiệt

Chườm ấm, tắm vòi sen và tắm bồn có thể giúp thư giãn các cơ và có thể cải thiện khả năng chịu đau.

Bác sĩ khuyên, nếu đã áp dụng các biện pháp trên mà vẫn không hiệu quả, bạn nên đến gặp bác sĩ để có phương pháp kiểm soát các triệu chứng một cách an toàn.

Hà An - dantri