Thứ Tư, 15 tháng 5, 2024

Đi Tìm Phật Ở Đâu

 


Để mở đầu cho bài tâm tình hôm nay, người viết xin mời Bạn  đọc mẫu chuyện dưới đây:

Phật Ở Đâu

Thuở xưa, có anh chàng đọc kinh nghe nói về Phật, thích lắm, quyết định đi tìm gặp Ngài  cho bằng được. Anh chàng khăn gói quả mướp ra đi. Sau khi trải qua không biết cơ man nào là núi sông, thành phố, hầm hố gian nguy hiểm trở...

Chàng vẫn chưa gặp được Phật giống như hình dạng trong Kinh đã diễn tả.

"Thân Phật sắc vàng, cao một trượng sáu, đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, hào quang chói sáng. "

Một hôm tại một sườn non, chàng trai tình cờ gặp một cụ già râu tóc bạc phơ, cốt cách siêu phàm, mừng quá, chàng khẩn khoản:

 - Thưa cụ, cụ có biết Phật đang ngụ ở đâu không... Xin chỉ dùm cho con với.

Ông lão mỉm cười:

- Ồ! Chỗ nào mà không có Phật... Trên quãng đường vừa qua, chả lẽ con không gặp được Ngài ư?.

- Thưa cụ, trên đường đi con đã từng gặp vô số người, nhưng đều là hạng phàm phu tục tử cả. Con chưa từng thấy người nào có được vài tướng tốt như trong kinh đã mô tả về Phật cả.

Ông cụ cười ha hả:

- Cháu ngốc nghếch thật, cháu không biết rằng cái thân đầy đủ ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp đó người Ấn Độ đã đốt thành tro và chia nhau xây tháp thờ cúng cả rồi ư?

- Thưa, thế thì Phật chết rồi sao?

- Hiện giờ Đức Phật đang phân thân ở khắp mọi nơi. Ngài cũng mang thân tốt và xấu như chúng sinh vậy. Con có còn muốn gặp Ngài nữa không?

- Thưa, dù bất cứ với hình dáng nào, nếu đích thật là Ngài thì con vẫn vô cùng khát ngưỡng.

- Vậy thì, để ta mách nước cho con nhé... Con hãy quay về, trên đường về nếu con gặp người nào mang guốc trái ở chân phải, guốc phải ở chân trái thì người đó chính là một hóa thân của Phật. Hãy thừa sự và cúng dường vị Phật ấy như trong kinh đã dạy.

Chàng trai hối hả quay về. Suốt quãng đường dài, chàng không gặp Đức Phật nào mà hình dạng như cụ già diễn tả. Chán nản, chàng đi luôn về nhà. Trời đã khuya, bà mẹ còn chong đèn ngồi đợi con. Nghe tiếng gọi cửa bà mừng quá, quờ quạng tìm đôi guốc rồi chống gậy tất tả ra mở cửa.

Chàng trai thấy mẹ tiều tụy, nước mắt chảy dài trên đôi má nhăn nheo, mang lộn chiếc guốc chân trái qua chân phải, guốc phải sang chân trái. Chàng ôm chầm lấy mẹ nghẹn ngào: "Ôi Đức Phật yêu quí của con.”

( Nguồn: Posted 5th January 2011 by Tôn  Thất Khoa)

 

Qua câu chuyện kể trên, chúng ta thường đã, đang và sẽ đi tìm vị Phật ở xa xôi thật xa mà không biết rằng vị Phật đó lại ở gần ta, ngay trong ngôi nhà ta đang ở. 

Đó chính là Mẹ của ta, một bà mẹ tầm thường "mang lộn chiếc guốc trái qua chân phải, guốc phải sang chân trái." nhưng rất cao qúy vì Mẹ thương yêu con cái trong gia đình với tấm lòng bao la như trời biển , như Phật thương chúng sinh trên trần thế với lòng từ bi hỷ xả vô lượng vô biên của Ngài.

Bởi thế Mẹ thường được con cái kính yêu, tình thương yêu Mẹ  nhiều khi còn hơn tình thương yêu  dành cho Cha. Nhiều bài hát, văn thơ thi phú viết về Mẹ nhiều hơn văn chương thi phú viết về Cha

.

Chủ Nhật ngày 12 Tháng 5 vừa qua, các con trong gia đình mừng Ngày Của Mẹ vui vẻ bao nhiêu thì các người con của Phật cũng rộn ràng mừng Lễ Phật Đản, ngày Đức Phật sinh ra đời bấy nhiêu.  Các chùa khắp nơi tưng bừng đón mừng Lễ Phật Đản rộn ràng hơn những  năm trước, nhất là ở thành phố San José, California. Các chùa tổ chức diễn hành xe hoa, tổ chức các buổi văn nghệ vui vẻ hân hoan mừng Lễ Phật Đản 2024.  Mời xem youtube dưới đây:

VIETV DIRECTV_CỘNG ĐỒNG PHÂT GIÁO VÙNG BẮC CALIFORNIA TỔ CHỨC ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN 2024_ PHẬT LỊCH 2568

 AVBN TV

                https://www.youtube.com/watch?v=AcYM4vnS9Wg

              https://www.pinterest.com/pin/801640802452721653/

 

Người viết xin tóm lược ý nghĩa của ngày Lễ Phật Đản được trích trong trang internet Wikipedia  để các bạn am tường rõ ràng hơn nhé.

“Phật Đản nghĩa là ngày sinh của đức Phật; hay là Vesak  là ngày kỷ niệm Phật  Cồ-đàm sinh ra tại vườn Lâm-tì-ni, năm 624 TCN, diễn ra vào ngày 15 tháng 4 âm lịch hàng năm.

Theo truyền thống Phật giáo Bắc tông và ảnh hưởng của Phật giáo Trung Hoa, ngày này chỉ là ngày kỷ niệm ngày sinh của đức Phật Thích Ca; tuy nhiên, theo Phật giáo Nam truyền và Phật giáo Tây Tạng thì ngày này là ngày Tam hiệp (kỷ niệm Phật đản, Phật thành đạo và Phật nhập Niết-bàn). Ngày Phật Đản hay là lễ Vesak, Tam Hiệp được kỷ niệm vào các ngày khác nhau, tùy theo quốc gia.

Một số quốc gia với đa số Phật tử chịu ảnh hưởng Bắc tông (như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam) thường tổ chức ngày lễ Phật đản vào ngày mồng 8 tháng 4 âm lịch. Các quốc gia theo Nam tông thường tổ chức vào ngày trăng tròn trong tháng 4 âm lịch hay là ngày trăng tròn trong tháng 5 dương lịch. Có những năm có 2 ngày trăng tròn trong tháng 5 dương lịch như năm 2007, có nơi tổ chức ngày Vesak vào ngày trăng tròn đầu tiên (ngày 1 tháng 5) trong khi tại nơi khác lại kỷ niệm vào ngày trăng tròn thứ 2 (ngày 31 tháng 5). Cách tính kỷ nguyên Phật lịch tại các quốc gia theo truyền thống Nam tông cũng khác nhau, nên năm Phật lịch có thể cách nhau một năm.

(Nguồn: trích trong Lễ Phật Đản – Wikipedia tiếng Việt

Vesak - Wikipedia, the free encyclopedia)

Năm 1997, UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc) chính thức liệt kê Lâm Tỳ Ni trở thành di sản văn hoá thế giới, tiếp tục khai quật, trùng tu và tôn tạo Lâm Tỳ Ni ngày một xinh xắn, tú lệ theo đúng như tên gọi ban đầu của khu thánh địa Phật giáo này.

(Nguồn: Phật Giáo Đại Chúng)

Năm 1999, Liên Hiệp Quốc công nhận ngày Khánh Đản của Đức Thế Tôn trở thành Ngày Lễ Phật Đản Vesak Liên Hiệp Quốc.

Trong ngày Phật Đản cũng thường có nghi thức Lễ Tắm Phật (Lễ Mộc Dục).

Xin mời quý bạn đọc tài liệu dưới đây được người viết sưu tầm trên internet, đem về đây chia sẻ với quý bạn, để chúng ta hiểu rõ thêm về ý nghĩa của Lễ Tắm Phật nhé.

Nhân Mùa Phật Ðản -Ý Nghĩa Lễ Tắm Phật

 


Nguồn gốc của Lễ Tắm Phật bắt nguồn từ sự tích đức Phật đản sinh. Tương truyền khi Phật giáng sinh, có chín vị rồng tới phun nước tắm rửa cho Ngài. Cùng với nước là hương hoa do các vị trời rơi xuống làm thanh tịnh thân Phật. Về sau Ấn Ðộ, các tự viện thường hay để tượng một vị Phật sơ sinh, mỗi ngày tín đồ có thể tới viếng chùa và lấy nước rưới lên mình Phật như là một hành động tẩy trừ sự ô nhiễm nơi thân Phật, cũng như thân mình. Về sau không rõ đích xác nguyên do gì truyền thống này lần lần cải biến. 

Ở Trung Hoa, vào đời Ðường, đời Tống, tắm Phật là một pháp hội rất long trọng, mỗi năm được tổ chức một lần vào ngày Phật đản sinh. Nhất là ở Nhật Bản, vào khoảng năm 840, niên hiệu Thừa Hòa thứ bảy trở về sau, mỗi năm nhằm vào ngày tám tháng tư lễ tắm Phật được cử hành vô cùng trang nghiêm trong hoàng cung. Vì vậy, ở Trung Hoa, Nhật Bản, Ðại Hàn, Việt Nam, lễ Phật đản là một ngày vô cùng quan trọng được gọi là Phật Sinh Hội, Dục Phật Hội, Quán Phật Hội, đều là chỉ vào nghi thức tắm Phật cử hành trong ngày ấy. Lý do nghi thức tắm Phật được tín đồ Phật giáo tôn trọng và cung kính thực hành hàng năm vì nó là một phương pháp rất hay để người tu phản tỉnh.

Phương pháp tắm Phật thì rất giản dị: bạn lên trước tượng vị Phật sơ sinh đặt giữa một bồn nước, thông thường là nước pha trộn bởi các vị hương thơm như nước thơm chiên đàn hương bạch đàn hương, uất đàn hương, long não, xạ hương, tử chiên đàn, đinh hương, v.v... Bạn quỳ xuống đảnh lễ ba lạy để bày tỏ lòng thành kính và khiêm cung đối với vị Phật sơ sinh. Bạn cũng có thể cúng dường hương hoa, phẩm vật, để bày tỏ lòng kính mộ của mình. Xong bạn dùng một cái muỗng múc nước hương thơm, từ từ rưới lên thân mình Phật ba lần. Mỗi khi tắm Phật như vậy, bạn cần quán tưởng rằng thân Phật cũng ví như là thân tâm của mình vậy. Ba muỗng nước rưới lên thân Phật, sẽ gội rửa ba nghiệp ác do thân, miệng và ý của mình tạo ra. Nếu nước hương thơm là thứ dùng để tắm thân Phật, thì Phật pháp là thứ mà bạn phải dùng để tẩy rửa cấu bẩn của hành động, suy nghĩ và lời nói. Nhưng điều tuyệt diệu là vị Phật sơ sinh trước kia được tắm, vốn là một em bé thanh tịnh vô nhiễm; sau khi tắm xong, bụi trần gội sạch, em bé đó trở về lại với sự vô nhiễm thanh tịnh sẵn có. Cũng vậy, hành động, lời nói và suy nghĩ của kẻ phàm chúng ta trải qua bao kiếp, tích tập vô số thói hư tật xấu, tà kiến ác hạnh, ngu si chấp trước, khiến ta ở trong vòng mê mờ vẩn đục; song bản tánh xưa nay của chúng ta chưa hề bị ô nhiễm, hệt như vị Phật sơ sinh thanh tịnh vô cấu. Nếu dùng Phật Pháp như nước tẩy, tắm gội tam nghiệp, tức là nếu ta sửa đổi thói hư tật xấu, xả trừ chấp trước, minh tâm kiến tánh, thì ta sẽ khôi phục lại được thể tánh thanh tịnh sẵn có xưa nay.  Bởi vậy điều then chốt trong lễ tắm Phật là ta phải hết sức thành tâm, tụ thần chú ý, tâm niệm sáng suốt, thì nghi thức tắm Phật sẽ là một phương tiện xảo thù thắng để ta tiêu trừ nghiệp chướng chấp trước. Ðể giúp cho sự tập trung chuyên nhất của thân khẩu ý, đồng thời biến sự tắm Phật thành sự tẩy trừ nghiệp chướng, chư Tổ khi xưa đã khuyên dạy ta đọc câu chú sau đây: Án, đi sa đi sa, xăng che, sô pô hô. Với câu chú này, nếu ta thành tâm tụng niệm sẽ làm tâm ta không khởi vọng tưởng, dẹp trừ phiền não, và do đó tự nhiên an tịnh siêu nhiên.

Bồ Ðề Hải

( Nguồn: trích trong www.chuavanphat.org)

 

Chúc quý bạn có nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc, sống vui từng ngày trong hiện tại với duyên nghiệp của mình nhé.

 Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn-Sương Lam