Cuối đường.. muôn vạn nỗi buồn
Hôm qua đọc comment của chị bạn Mai Phạm :"Khi mình già, mọi thứ ở ngoài tầm tay: sức đã tận, lực đã cạn. Nên tui nghĩ được quên (Alzheimer) là món quà của thượng đế."Đọc xong, tui cũng có một chút hay (nhiều chút) chạnh lòng. Thật vậy, thời gian trôi nhanh quá, mới đó mà tóc xanh đã bạc, da dẻ xập xệ nhăn nheo, lưng còng gối mỏi.. Nhất là cái trí nhớ thì ôi thôi.. quên trước quên sau.Nói về quên thì mới đây thôi, một hôm nấu ăn ở cái bếp ngoài ga-ra, (Ai sống ở Mỹ đều biết, bên trái hoặc bên phải căn nhà đều có cái phòng khá lớn để xe. Phòng này liên kết trong nhà bằng một cánh cửa), bận tay một chút rồi quên luôn chuyện đang chiên miếng thịt. Khoảng 10 phút sau mới nhớ, lập tức chạy ra ngay. Vừa mở cái cửa từ bên hông là tái mặt phải đóng ngay lại. Ôi thôi! Lúc này khói đen ngập phòng, tối mù không còn nhìn thấy gì hết. Sợ khói bay vào nhà, nhưng rồi cũng phải liều mạng chạy ra lại, tắt cái bếp điện, vớ cái chảo vứt xuống đất, bấm nút mở cửa ga ra phía trước ... rồi tui bay ra trước nhà mà đứng, không kịp thay bộ đồ cho tươm tất.
Kể thì trình tự lâu lắc, chứ tất cả chưa tới 10 giây. Đứng trước nhà, mặt tui tái mét, tim đập thình thịch. Lý do phải đứng trước nhà là vì khói đen đang tuôn ra cuồn cuộn, không có mình đó, hàng xóm trông thấy không biết chuyện gì, lỡ tưởng cháy nhà, họ gọi xe cứu hỏa tới thì càng thêm rối. May là còn sáng sớm, nhà tui ở cuối đường, nên không có bao người thấy chuyện này. Phải mất hơn 15 phút, khói mới tan dần.
Bấy giờ tui mới vào ga ra, nhìn cái hậu trường sân khấu mà ngao ngán hết cỡ. Bốn bức tường và cả trần nhà giờ là một màu đen, hai cái bóng đèn dài giữa phòng cũng ám khói luôn, nên căn ga ra của tui vào ban ngày, cửa mở toang, đèn bật sáng, mà cứ như hầm mộ ở giữa lòng đất hay mỏ than, mỏ chì nào đó.. Làm sao bây giờ?. Nhất là khi lão gia nhà tui về.. thế nào cũng chì chiết .. càm ràm. Đời tui, ghét nhất là nghe ai càm ràm. Thật là nan giải.
Sau đó tui thử pha xà bông, lấy khăn lau các bức tường .. nhưng vô hiệu vì khói cộng với hơi dầu chúng bám chặc không buông. Càng lau càng nhếch nhác hơn. Dùng đủ cách: Nào dấm, nào xà bông, nào mấy bình tẩy rửa. Cả buổi sáng hì hục.. cuối cùng tui bỏ cuộc. Chấp nhận bó tay. Không thể phục hồi lại "hiện trường" cũ.
Chiều ông chồng đi làm về, tui dẫn ổng ra khoe thành tích, thú nhận tội lỗi và chờ đợi những lời đáng ghét, khó nghe.. một lần cho xong. Nhưng may quá, ổng chỉ ngao ngán lắc đầu. Té ra ổng đã biết trí óc tui có "vấn đề" lâu rồi mà không nói. Ổng đã đoán biết sẽ có một ngày..!
0o0
.. Vài ngày trước nói chuyện với bà bạn tuổi trên 60, bà nói đang đi kiếm việc khác làm, vì hãng cũ họ dẹp tiệm do làm ăn thua lỗ. Tui hỏi: sao chị không nghĩ hưu luôn, 3 đứa con gái thành đạt hết rồi. Bà trả lời đơn giản: "Tại tui không muốn ngồi nhà". Nghe nói các con đều biểu bà nghỉ làm, relax, ăn hưu non. Nhưng chỉ có những người già với nhau mới hiểu, mới nhìn thấy cái trở ngại nó nằm ở đâu. Cha mẹ cả đời làm lụng, tới Mỹ ở tuổi "vào thu nửa đời" lương ba cọc, ba xu. Tần tảo, bản thân tiết kiệm tối đa, nuôi con ăn học. Khi các con thành đạt thì cha mẹ đã già và trắng tay không có tiền để dành cho riêng bản thân mình. Thử hỏi cái số tiền phụ cấp hưu non của một người lương thấp, thì được bao nhiêu? làm sao đủ chi phí?.
Khổ nỗi các con không hiểu. Từ nhỏ chứng kiến cách sống đạm bạc của cha mẹ, chúng cứ nghĩ cha mẹ mình thích sống đơn giản, nên không cần chi phí nhiều. Vì là sở thích, nên đó là chuyện bình thường, là chuyện hiển nhiên, do đó cũng quên đi chuyện chu cấp thêm. Phần Cha mẹ cũng tự trọng, tự ái, không mở miệng. Nên ngoài 60 vẫn cày cọc, bươn chải đi làm kiếm sống. Có ai mà không muốn tiêu xài, hưởng thụ, đi chơi cho biết đó biết đây? Tuổi trẻ không điều kiện, tuổi già không tiền, không sức khỏe. Cả đời làm lụng..
Cuối đời, nếu không có cái đầu thép, thì rất nhiều người sẽ làm bạn với những tiếng thở dài.. bất tận.
Cuối đời, nếu không có cái đầu thép, thì rất nhiều người sẽ làm bạn với những tiếng thở dài.. bất tận.
0o0
Tối qua, đã lên giường ngủ rồi mà bị đánh thức bởi chuông điện thoại. Thì ra là của người bạn từ Canada. Nói chuyện một hồi, bạn báo tin con Moka chết rồi. Cả nhà buồn lắm. "Tao nói chuyện với mày vì biết mày có nuôi chó nên mày hiểu, chứ người không nuôi, họ không hiểu cảm nhận của mình đâu. Con gái tao khóc sướt mướt, nghỉ làm 2 ngày".
Tội nhất là ông chồng, mấy năm nay bị bịnh Alzheimer, trí nhớ dần trắng xóa. Lái xe không nhớ đường về, và đậu xe đâu không biết, tìm không ra. Bây giờ chỉ ở nhà. Mỗi ngày bạn đi làm về đều nghe ổng nói: sao hôm nay bà không cho tui ăn gì hết?. bạn phải dẫn ổng lại cái chậu, chỉ ổng mấy cái đĩa, cái hộp ổng ăn rồi còn bỏ đó chưa rửa .. để ổng biết ổng ăn rồi mà quên.
Từ lúc con chó chết, tinh thần ổng thêm sa sút. Trước đây, có nó ổng còn việc để làm: như dẫn chó đi vệ sinh, cho nó ăn... ngồi đâu, nằm đâu cũng có nó bên cạnh. Nó cho ổng cảm giác ấm áp, đở cô đơn trong căn nhà vắng, khi vợ con đều đi làm, đi học hết. Nay mất nó rồi ổng thấy mình vô ích, cô độc. Đã buồn giờ càng buồn thêm..
Mình ở ngoài nhìn vào không thấy thương tâm nhiều, chỉ người trong cuộc mới hiểu. Nếu ngủ một đêm thức dậy, mình quên hết thì chắc là khỏe. Không nhớ, không biết, thì không buồn. Nhưng khổ nhất là giai đoạn phát giác mình bệnh. Ngồi đó nhìn thời gian dần trôi, nhìn trí nhớ dần sa sút. Sợ lắm một ngày không còn nhớ mặt mấy đứa cháu nội, ngoại...
Thế nhưng, chỉ là sớm muộn, rồi cũng đến một ngày tất cả chỉ còn là một màn sương, mênh mông, trắng xóa..
Quinhon11