Thứ Ba, 20 tháng 9, 2022

Đi tìm hạnh phúc

Hạnh phúc, niềm vui là thứ mọi người đều muốn tìm thấy. Nhưng trước khi thấy nó, ai cũng phải đi tìm. Và hầu hết mọi người đều thấy chuyện đi tìm hạnh phúc là việc rất khó làm, nếu không muốn nói là khó nhất trần gian. Nếu nói rằng hạnh phúc là mục tiêu tối hậu cho cuộc sống thì cũng không phải là sai. Chẳng phải tất cả các câu chuyện cổ tích đều kết thúc bằng “They lived happily ever after.” (Họ sống hạnh phúc suốt đời) sao?Tại sao người ta không cảm thấy hạnh phúc trong cuộc sống và phải đi tìm nó? Thực ra, càng ngày càng có nhiều chứng cứ cho thấy chúng ta không phải và cũng không nên đi tìm hạnh phúc. Chúng ta có thể tạo ra hạnh phúc mà không cần phải có một người, một sự việc nào đó mang nó đến cho ta. Dĩ nhiên là nếu có ai đó bưng hạnh phúc trên một cái khay đến cho ta thì càng tốt. Nhưng thứ hạnh phúc có sẵn ấy rất mau phai tàn, và người kia chắc sau một thời gian bưng hạnh phúc đến cho bạn cũng sẽ thấy chán và muốn bưng nó đến cho người khác. Nhưng ý tưởng người khác đem đến hạnh phúc cho chúng ta cũng không phải là sai. Vì giao tiếp với người khác là một yếu tố thật cần thiết cho hạnh phúc. Cuộc sống hôm nay làm cho con người lơ là trong việc tạo mối quan hệ với người khác và giới hạn tiếp xúc với “người thật”. Họ hầu như sống trong thế giới ảo, nhất là giới trẻ. Hạnh phúc sẽ chắp cánh bay xa khi người ta tự cô lập trong thế giới ảo.

Đề tài “hạnh phúc” là một đề tài vô cùng hấp dẫn cho các nhà nghiên cứu ở các nước tiền tiến. Đã từ lâu, người ta biết rằng tiền bạc không mang đến hạnh phúc. Do đó, có khối người không hạnh phúc ở các nước giàu, dù họ nằm trên đống tiền. Và các nhà nghiên cứu càng làm việc nhiều để tìm ra cái công thức đem đến hạnh phúc. Trong những năm gần đây, có rất nhiều các kết quả được đưa ra để chứng minh cho 8 “sự thực” về hạnh phúc dưới đây:

1. Muốn hạnh phúc nên giới hạn giờ chơi facebook. Sự thực không thể chối cãi: Facebook có thể làm cho người ta ghiền. Càng chơi người ta càng tìm đủ cách để được nhiều “likes” và càng tốn nhiều thì giờ cho nó. Nhiều “likes” thì cũng có thể làm cho bạn được hạnh phúc trong vài khoảnh khắc, nhưng nó không kéo dài lâu mà tàn lụi nhanh chóng, cho đến khi bạn “post” một cái gì mới lên và nhận được thêm vài cái “likes”. Thành ra có nhiều likes không có nghĩa là bạn sẽ hạnh phúc. Viện đại học Michigan đã chứng minh điều này khi khảo sát 82 người lớn trong vòng 2 tuần lễ. Càng chơi facebook nhiều chừng nào thì những người này càng không cảm thấy hài lòng với cuộc sống của mình chừng ấy. Ngược lại, giao tiếp với người khác bằng điện thoại hay gặp nhau tận mặt sẽ giúp họ cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc hơn.

2. Muốn hạnh phúc, nên chú tâm vào con người chứ không phải vật chất. Một cuộc nghiên cứu ở xứ Thụy Điền cho thấy những danh từ chỉ con người, thí dụ như tên những người nổi tiếng, các thành viên của gia đình, hoặc những đại danh từ chỉ nhân vật như tôi, anh, chúng ta, họ... thường xuất hiện trên sách báo bên cạnh chữ “hạnh phúc”. Ngược lại, những bài viết có những chữ chỉ đồ vật như “iPhone”, “hàng triệu”, “Google”, hầu như không bao giờ có chứa chữ “hạnh phúc” cả. À, thì ra đây là công việc của các ông bà làm nghề nghiên cứu: đếm số chữ “hạnh phúc” trong các bài viết. Thì ít ra nó cũng đem đến cho chúng ta một chút khái niệm về hạnh phúc. Thực vậy, đồ vật có thể đem đến cho chúng ta ít phút giây vui thích ngắn ngủi nhưng chính tình người mới đem đến cái ấm áp cho con tim dài lâu.

3. Muốn hạnh phúc nên ra ngoài trời nhiều. Một cuộc nghiên cứu ở nước Ả Rập Emirates cho thấy có sự liên hệ giữa cảm giác vui sướng với chuyện ra ngoài trời, có thể là do tác dụng của việc ánh sáng mặt trời làm tăng sự sản xuất vitamin D trong cơ thể. Đúng vậy, ở trong nhà nhiều sẽ càng cảm thấy bị cô lập và thiếu vitamin D. Không thể nào cảm thấy hạnh phúc được.

4. Muốn hạnh phúc nên có những ý nghĩ vui tươi. Chúng ta cần tự bảo mình chỉ nghĩ đến những chuyện lạc quan, vui tươi thay vì những ý nghĩ ảm đạm về một tương lai đen tối, cho dù ngay lúc ấy chúng ta “chưa” thấy vui. Một cuộc nghiên cứu cho hai nhóm người tương đương cùng nghe những bản nhạc vui tươi. Những người cố gắng vui cười trong lúc nghe thì sau đó cảm thấy vui lên hơn. Do đó, cố gắng lạc quan, nhìn khía cạnh tốt của sự việc sẽ đem đến cho chúng ta niềm vui. Chữ “cố gắng” rất quan trọng. Nó cho thấy chính chúng ta chủ động sự vui buồn của mình, thay vì là tùy thuộc vào hoàn cảnh chung quanh.

5. Muốn hạnh phúc thì thử làm mai xem sao. Nghĩ xem hai người nào trong số bạn của mình có vẻ xứng đôi nhất. Tìm cách kết hợp họ để họ có được niềm vui mà bạn cũng vậy. Một nghiên cứu cho thấy làm mai, nghĩ về chuyện hai người có thể kết hợp tốt đẹp sẽ đem đến cho bạn hạnh phúc và niềm vui hơn là ngồi nghĩ đến chuyện hai người này sẽ không hợp tính nhau. Thành công trong việc kết hợp hai người có tính chất khác hẳn nhau càng làm bạn vui nhiều hơn nữa. Nhưng coi chừng, người Việt mình có câu: “Trên đời có 4 cái ngu. Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu.” Vậy thì bạn nên sẵn sàng để nghe mắng khi cuộc kết hợp bất thành.

6. Muốn hạnh phúc thì phải ngủ cho đủ. Một nghiên cứu đăng trên một tờ tạp chí về Tâm Lý Học ở Mỹ cho biết có rất nhiều người thiếu “nợ ngủ” sau thời gian dài ngủ không đủ. Và việc ngủ không đủ thường nối kết với những vấn đề trong cảm xúc và các mối liên hệ. Người thiếu ngủ thường bẳn gắt, không cảm thấy vui hay hạnh phúc, và do đó, ảnh hưởng đến những người có liên hệ tới họ. Muốn tình trạng này tốt hơn, họ nên trả “nợ ngủ” này bằng cách ngủ thêm 60 tới 90 phút mỗi ngày ngoài số giờ ngủ thường lệ. Và vui vẻ, hạnh phúc, sau đó quay lại giúp chúng ta dễ ngủ hơn.

7. Muốn hạnh phúc nên trả “nợ xã hội”. Cho đi thường khiến cho chúng ta cảm thấy vui và hạnh phúc. Nếu cho đi mang thêm tính cách “xã hội” thì niềm vui càng nhân lên gấp bội. Một nghiên cứu cho thấy khi chúng ta tặng hiến thiện nguyện một cách trực tiếp cho người mà ta biết hoặc để làm cho mối liên hệ xã hội tốt đẹp hơn thì ta sẽ vui hơn là khi chỉ tặng ẩn danh cho một hội thiện nguyện nào đó mà ta đã chọn. Ngoài ra, những người thường làm việc thiện nguyện ít bị trầm cảm và thường cảm thấy thỏa mãn trong đời sống hơn.

8. Muốn hạnh phúc nên tránh ăn “fast food”. Một nghiên cứu khác cho thấy sự liên hệ giữa việc ăn nhiều fast food với việc kém khả năng cảm thấy hạnh phúc. Nhà nghiên cứu nói, “Chúng ta thường nghĩ rằng ăn fast food sẽ làm ta đỡ phí thời giờ và dùng thời giờ tiết kiệm được đó làm những chuyện ta thích. Nhưng chuyện ăn fast food quá thường sẽ gây ra cảm giác “thiếu kiên nhẫn” làm cho ta khó cảm thấy hạnh phúc trong rất nhiều những hoạt động.”


  Nguồn: VienDongDaily