Rất ít người dám đặt chân tới hòn đảo Gaiola, tọa lạc ở TP Naples – Ý vì tiểu sử rùng rợn mà nó để lại. Những người chủ sở hữu một căn biệt thự trên đảo từ đầu thế kỷ 19 đều chết vì những nguyên nhân kỳ lạ.
Đảo Gaiola (tiếng Ý là Isola della Gaiola) nằm ở TP Naples – Ý, thuộc vịnh Naples, trung tâm khu vực Gaiola Underwater Park với diện tích tổng thể khoảng 42 ha. Đảo bao gồm 2 hòn đảo nhỏ có phong cảnh tuyệt đẹp và thanh bình.
Nằm về phía Nam khu dân cư Posillipo và cách bờ biển chỉ 30 m, người ta có thể bơi ra hòn đảo mà không cần dùng đến tàu thuyền. Trên một hòn đảo nhỏ, có một căn biệt thự nằm đơn độc, trong khi đảo còn lại hoàn toàn vắng bóng người. Hai hòn đảo này được nối liền bởi một cây cầu ngắn khoảng vài mét. Cầu rất hẹp, trông xa như một mái vòm tự nhiên bắc qua hai hòn đảo.
Ban đầu, đảo Gaiola có tên gọi là Euplea, nơi đặt một ngôi đền nhỏ thờ nữ thần tình yêu và sắc đẹp Venus. Sau đó, nó được đặt tên theo các hang động nhỏ nằm rải rác trên bờ biển Posillipo và thông qua phương ngữ “Caviola”.
Một số di tích từ thời La Mã cũng hiện diện trên đảo Gaiola. Tuy nhiên, cụm di tích chính nằm bên dưới 2 hòn đảo nhỏ, chìm dưới làn nước và hiện là nơi cư trú của các loài sinh vật biển. Nhiều người tin rằng nhà thơ lớn của La Mã cổ đại Publius Vergilius Maro từng dạy học ở đây.
Vào đầu thế kỷ 19, một ẩn sĩ có biệt danh “The Wizard” (phù thủy) tới định cư trên đảo. Thời gian sau, một căn biệt thự mọc lên và chủ nhân của nó là Norman Douglas, tác giả cuốn sách Land of the Siren (Vùng đất của nàng tiên cá). Người dân địa phương tin rằng hòn đảo bị nguyền rủa vì những chủ nhân của căn biệt thự hầu hết đều chết sớm một cách kỳ lạ.
Nhiều chủ sở hữu hòn đảo thiệt mạng một cách kỳ lạ. Ảnh: Amusing Planet
Khoảng những năm 1920, một người Thụy Sĩ tên Hans Braun sở hữu căn biệt thự. Người này được tìm thấy bị giết hại dã man và bọc thi thể trong một tấm thảm. Một thời gian ngắn sau đó, vợ của ông Braun cũng bị chết đuối ngoài biển.
Nạn nhân tiếp theo là một người Đức tên Otto Grunback, qua đời vì chứng đau tim. Lời nguyền cũng ám vào ông trùm dược phẩm Maurice-Yves Sandoz, tự tử không rõ lý do tại một bệnh viện tâm thần ở Thụy Sĩ.
Dường như nỗi ám ảnh vẫn chưa đủ làm kinh sợ những người muốn dùng hòn đảo làm nơi nghỉ mát, ông trùm ngành công nghiệp thép của Đức, Baron Karl Paul Langheim vẫn mua hòn đảo và sau đó bị phá sản.
Người tiếp theo dính lời nguyền chết chóc là ông chủ hãng xe Fiat của Ý Gianni Agnelli, có người con trai duy nhất tự tử sau khi trở thành chủ đảo. Rồi đến người cháu trai của Agnelli là Umberto Agnelli – được chỉ định kế nghiệp hãng xe - cũng qua đời vì một căn bệnh ung thư hiếm gặp ở tuổi 33.
Người chủ sở hữu khác của hòn đảo, tỉ phú Paul Getty có phần ít bị ảnh hưởng bởi lời nguyền hơn khi cháu nội ông bị bắt cóc. Và đến người chủ cuối cùng của hòn đảo, Gianpasquale Grappone, bị bắt giam khi công ty bảo hiểm của ông làm ăn thất bại. Từ đó đến nay, căn biệt thự trở nên hoang phế và không có người nào dám vào ở.
Toàn cảnh hòn đảo nhìn từ trên cao. Ảnh: Amusing Planet