Thứ Ba, 13 tháng 9, 2022

5 chỉ số quan trọng với tình trạng sức khỏe


Có 5 chỉ số giúp bạn có thể theo dõi tình trạng sức khoẻ của bản thân và nắm bắt nguy cơ mắc bệnh bao gồm chỉ số đo huyết áp, chỉ số đo lượng đường trong máu, chỉ số cholesterol, chỉ số khối cơ thể (BMI) và lượng calo

Vậy tại sao những con số này lại quan trọng với tình trạng sức khoẻ? Dưới đây là cách các chỉ số này tiết lộ tình trạng sức khỏe của bạn.

1. Chỉ số huyết áp

Huyết áp ổn định thường được đo dưới dạng huyết áp tâm thu / huyết áp tâm trương, với đơn vị đo là mmHg. Huyết áp ổn định thường nằm giữa mức 90/60 mmHg và 120/80 mmHg.

Huyết áp cao - đôi khi còn được gọi là tình trạng tăng huyết áp - hiếm khi có triệu chứng biểu hiện ra bên ngoài nên khiến người bệnh khó nhận biết. Huyết áp cao nếu không được điều trị kịp thời có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như đau tim và đột quỵ.

Để giảm thiểu nguy cơ bị huyết áp cao, các chuyên gia khuyến nghị mọi người nên xây dựng một lối sống lành mạnh. Cụ thể, theo Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS), mọi người nên giảm thiểu lượng muối nạp vào cơ thể. Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới, một người không nên nạp quá 5g muối/ngày. Ngoài ra, việc cắt giảm rượu bia, ngừng hút thuốc, tập thể dục thường xuyên và giảm cân cũng góp phần giữ cho huyết áp ổn định..

Blood Pressure UK (Tổ chức từ thiện ở Anh hoạt động để giúp ngăn ngừa tình trạng huyết áp cao và giảm tỷ lệ tàn tật, tử vong do bệnh tim mạch, đột quỵ và đau tim) chỉ ra rằng những người dưới 80 tuổi nên giữ mức huyết áp dưới mức 135/85 mmHg.

Mọi người có thể tự đo huyết áp tại nhà nhưng cần ghi nhớ một số lưu ý như sau. Để đo huyết áp chính xác, mọi người nên giữ cho tâm trạng thoải mái vì căng thẳng có thể khiến huyết áp tăng lên. Ngoài ra, trước khi đo huyết áp mọi người không nên sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá; không sử dụng trà hoặc cà phê; không ăn quá no trước khi đo,... để tránh làm sai lệch kết quả đo.

5 chỉ số vàng tiết lộ tình trạng sức khoẻ: Chỉ số càng cao, nguy cơ mắc bệnh càng tăng - Ảnh 1.

 Huyết áp cao nếu không được điều trị kịp thời có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như đau tim và đột quỵ.

2. Chỉ số đường huyết

Chỉ số đường huyết an toàn đối với người bình thường như sau: Tại thời điểm bất kỳ, chỉ số đường huyết nhỏ hơn 140 mg/dL (7,8 mmol/l); chỉ số đường huyết lúc đói nên nhỏ hơn 100 mg/dL (< 5,6 mmol/l); chỉ số đường huyết sau bữa ăn nên nhỏ hơn 140 mg/dl (7,8 mmol/l); Hemoglobin A1c (HbA1c - chỉ số giúp chẩn đoán tiểu đường) nhỏ hơn 42 mmol/mol (5,7%).

Đường huyết cao làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 và gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng đường huyết cao còn có thể gây ra những biến chứng như tổn thương thần kinh và tổn thương mắt.

Để khắc phục tình trạng tăng đường huyết, người mắc tiểu đường loại 2 có thể đến bệnh viện thăm khám và sử dụng insulin theo chỉ định của bác sĩ để điều trị giúp ổn định lượng đường trong máu hiệu quả.

Đối với những người không mắc bệnh tiểu đường, mọi người nên tập thể dục hàng ngày có thể giúp giảm lượng đường trong máu và phòng tránh các biến chứng khác. Hoạt động thể chất với cường độ nhẹ như đi bộ cũng góp phần giúp ổn định đường huyết. Tập thói quen uống nhiều nước và uống nước thường xuyên hơn cũng có thể giúp làm loãng một phần hàm lượng đường trong máu.

Ngoài ra, mọi người cũng cần hạn chế và kiểm soát lượng đường tiêu thụ hàng ngày. Tránh xa các loại thực phẩm tinh chế và thực phẩm chế biến sẵn vì các loại thực phẩm này thường chứa nhiều đường, có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe nếu ăn quá nhiều.

Khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng bao gồm khát nước quá mức, mệt mỏi, mờ mắt hoặc gia đình từng có người mắc bệnh tiểu đường, hãy đến ngay các bệnh viện hoặc cơ sở y tế uy tín để tiến hành làm xét nghiệm xem bản thân có mắc tiểu đường hay không.

Đặc biệt, mọi người không nên tự ý sử dụng bộ dụng cụ đo đường huyết tại nhà trừ khi đã được bác sĩ chẩn đoán mắc tiểu đường.

5 chỉ số vàng tiết lộ tình trạng sức khoẻ: Chỉ số càng cao, nguy cơ mắc bệnh càng tăng - Ảnh 2.

 Không nên tự ý sử dụng bộ dụng cụ đo đường huyết tại nhà trừ khi đã được bác sĩ chẩn đoán mắc tiểu đường.

3. Hàm lượng cholesterol

Cholesterol là một chất béo giống sáp có trong thực phẩm hoặc do gan tự tạo ra. Xét nghiệm cholesterol trong máu sẽ đưa ra các chỉ số của cholesterol toàn phần, cholesterol ‘tốt’ HDL, triglyceride và cholesterol ‘xấu’ LDL. Các trường hợp có lượng cholesterol ‘xấu’ LDL cao và lượng cholesterol ‘tốt’ HDL thấp thường có nguy cơ cao mắc các vấn đề sức khỏe. Lượng cholesterol cao có liên quan chặt chẽ tới bệnh tim mạch, làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ.

5 chỉ số vàng tiết lộ tình trạng sức khoẻ: Chỉ số càng cao, nguy cơ mắc bệnh càng tăng - Ảnh 3.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng cholesterol tăng cao là do thói quen ăn uống không lành mạnh, ăn nhiều các thực phẩm chiên rán nhiều dầu mỡ, thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều chất béo bão hòa. Ngoài ra, cholesterol cao cũng có thể là do lối sống không lành mạnh như lười vận động, không tập thể dục, hút thuốc, uống rượu. Tình trạng tăng cholesterol cũng có thể di truyền do đột biến gen thụ thể cholesterol LDL, có liên quan đến việc chuyển hóa và đào thải cholesterol LDL ra khỏi cơ thể.

Để hạn chế tình trạng tăng cholesterol máu, theo NHS, mọi người nên xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh, đa dạng và đủ chất dinh dưỡng. Mọi người có thể tham khảo chế độ ăn Địa Trung Hải - chế độ ăn nhiều rau và thịt nạc; kèm theo đó là tăng cường tập thể dục và hạn chế uống rượu, bia giúp cải thiện cholesterol trong máu.


Để kiểm tra hàm lượng cholesterol trong máu, mọi người cần đến bệnh viện để bác sĩ tiến hành làm xét nghiệm máu. Nếu kết quả cho thấy mức cholesterol của bạn tăng cao, bác sĩ sẽ tư vấn và đưa ra các phương pháp điều trị kịp thời để ngăn ngừa các biến chứng của bệnh.

4. Chỉ số khối cơ thể (BMI)

Chỉ số khối cơ thể (BMI) là sử dụng chiều cao, cân nặng, giới tính để đo lượng mỡ trong cơ thể nhằm đánh giá tình trạng sức khỏe và các nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn của một người.

5 chỉ số vàng tiết lộ tình trạng sức khoẻ: Chỉ số càng cao, nguy cơ mắc bệnh càng tăng - Ảnh 5. : Chỉ số BMI có thể tiết lộ xem bạn có đang ở trong tình trạng thiếu cân, thừa cân hay thậm chí béo phì hay không.

Chỉ số BMI có thể tiết lộ xem bạn có đang ở trong tình trạng thiếu cân, thừa cân hay thậm chí béo phì hay không. Nhiều chuyên gia y tế chỉ ra rằng chỉ số BMI quá cao hoặc quá thấp có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe, bao gồm bệnh tim mạch, đột quỵ và tiểu đường loại 2.


Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới ước tính có thể ngăn ngừa khoảng 25.000 trường hợp ung thư ở Anh mỗi năm nếu tất cả mọi người đều duy trì cân nặng trong mức khỏe mạnh (chỉ số BMI trong mức từ 18,5 đến 24,9).

Để duy trì chỉ số BMI trong mức khỏe mạnh, đầu tiên mọi người cần xây dựng một chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng, đa dạng thực phẩm. Điều này giúp kiểm soát lượng calo nạp vào cơ thể và bổ sung những dưỡng chất cần thiết cho sức khỏe, hạn chế tình trạng thừa cân, béo phì và giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.

NHS cho biết việc thêm các loại thực phẩm lành mạnh hơn vào chế độ ăn, giảm khẩu phần và cắt giảm các loại đồ ăn thức uống có hàm lượng calo cao sẽ giúp bạn đạt được chỉ số BMI khỏe mạnh.

5. Lượng calo

Lượng calo khuyến nghị nạp vào cơ thể hàng ngày là 2.000 calo/ngày đối với nữ giới và 2.500/ngày đối với nam giới. Tuy nhiên, lượng calo cần tiêu thụ hàng ngày cũng sẽ thay đổi tùy thuộc vào độ tuổi, khả năng trao đổi chất và mức độ hoạt động thể chất của từng cá nhân.

Calo giúp đo mức năng lượng của các loại đồ ăn thức uống mà bạn nạp vào cơ thể. Nếu bạn tiêu thụ quá nhiều calo so với nhu cầu năng lượng của cơ thể, cơ thể sẽ chuyển năng lượng dư thừa đó thành chất béo và tích trữ. Điều này có thể làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì.


Để tránh tình trạng nạp quá nhiều calo vào cơ thể, bạn nên tình calo của các loại thực phẩm mà bạn tiêu thụ trong ngày. Hãy cố gắng duy trì lượng calo khuyến nghị hàng ngày để hạn chế tình trạng thừa cân, béo phì.

Nguồn The Sun/soha