Hai tuần sau khi mắc COVID-19, bác sĩ Xand van Tulleken tưởng rằng mình đã khỏi bệnh hoàn toàn. Thế nhưng không ngờ, tình trạng sức khoẻ của vị bác sĩ nổi tiếng người Anh đột ngột trở nên tồi tệ hơn.
“Tôi thức giấc vào lúc 3h sáng vì cảm thấy nhịp tim của mình quá nhanh, lên tới 170 nhịp/phút và nhịp tim không đều. Ngay sau đó tôi thấy mọi thứ tồi tệ hơn. Tôi đổ nhiều mồ hôi, khó thở, hồi hộp và cực kỳ mệt mỏi”, bác sĩ Xand van Tulleken kể lại trải nghiệm của mình.
Đó là tháng 3/2020, thời điểm COVID-19 vừa bùng phát và mọi người còn biết chưa nhiều về đại dịch này. Là một bác sĩ, Xand nghĩ rằng các triệu chứng đó là của bệnh rung nhĩ, một chứng rối loạn nhịp tim nguy hiểm. Rung nhĩ có thể dẫn suy tim, thậm chí là đột quỵ.
“Tôi tin chắc vấn đề rối loạn nhịp tim của tôi là do virus SARS-CoV-2”, Xand nói. Nhận thức được mức độ nghiêm trọng của tình hình, Xand đã ngay lập tức đến Bệnh viện Đại học College London. Các bác sĩ cấp cứu đã làm các can thiệp, tuy nhiên các phương pháp đều không có hiệu quả như mong muốn. Xand nói: “Nhịp tim của tôi vẫn chưa ổn định sau đó và các bác sĩ đã phải làm các biện pháp để giảm nhịp tim rất nhiều lần”.
Một năm sau đó, Xand vẫn tiếp tục phải làm một số thủ thuật để điều trị tình trạng này và theo lời kể của Xand, “cảm giác phải trải qua tất cả mọi thứ đó thật tồi tệ”.
Mối liên hệ giữa COVID-19 và bệnh tim mạch
Cho tới nay, có khoảng 23 triệu ca nhiễm COVID-19 đã được ghi nhận tại Vương Quốc Anh. Các chuyên gia y tế cho rằng con số có vẻ nhiều hơn thế vì nhiều người nhiễm bệnh nhưng không xét nghiệm hoặc không báo cáo với chính quyền.
Theo dữ liệu từ Văn phòng Thống kê Quốc gia Vương Quốc Anh (ONS) vào tháng 6/2022, có khoảng 2 triệu người Anh đang phải sống với các triệu chứng COVID-19 kéo dài. Các triệu chứng COVID-19 kéo dài thường gặp là mệt mỏi, khó thở, mất khứu giác, khó tập trung, nhưng đáng lo ngại hơn cả là các triệu chứng về bệnh tim.
Một nghiên cứu được công bố vào tháng 3/2022 trên Tạp chí Y khoa Anh quốc đã cảnh báo nguy cơ tiềm ẩn các bệnh tim ở những bệnh nhân mắc COVID kéo dài. Nghiên cứu này được quan sát trên 47.000 người đã nhập viện vì COVID-19. Các nhà khoa học nhận thấy nguy cơ mắc các vấn đề tim mạch ở nhóm người này trong vòng 8 tháng sau khi nhập viện cao hơn khoảng 3 lần so với những người không bị nhiễm COVID-19.
Không chỉ những người nhập viện, một nghiên cứu vào tháng 3/2022 trên 150.000 người Mỹ, cho thấy các biến chứng tim mạch nghiêm trọng có thể xảy ra ở cả những người đã hồi phục sau khi nhiễm COVID-19 thể nhẹ. Nghiên cứu này được thực hiện bởi các nhà khoa học của Đại học Washington. Kết luận của nghiên cứu chỉ ra rằng những người đã từng mắc COVID-19 có nguy cơ đối mặt với 20 bệnh trong đó có đau tim, đột quỵ trong 12 tháng sau khi khỏi bệnh.
Ở những bệnh nhân COVID-19 được chăm sóc đặc biệt (nằm phòng ICU), nguy cơ mắc các bệnh như viêm cơ tim, cục máu đông trong phổi cao hơn ít nhất 20 lần so với những người không bị nhiễm bệnh. Những người không phải nhập viện khi mắc COVID-19, nguy cơ bị đau tim tăng 8%, viêm cơ tim tăng 247%.
Nhiễm trùng đường hô hấp, ví dụ như cúm, từ lâu đã được cho là có thể gây ra các bệnh về tim. Tuy nhiên, đối với virus SARS-CoV-2 gây ra COVID-19, tỷ lệ bị bệnh tim sẽ cao hơn nhiều với các triệu chứng ban đầu nhẹ hơn. Các nhà nghiên cứu của Đại học Washington cảnh báo đây là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
COVID-19 gây bệnh tim như thế nào?
Theo các nhà khoa học, trong quá trình xâm nhập vào tế bào của cơ thể, các protein gai của virus SARS-CoV-2 có thể đã gây ra tình trạng viêm và làm tổn thương cơ tim. Theo một nghiên cứu khác được đăng tải trên Tạp chí Đại học Tim mạch Hoa kỳ cho thấy những bệnh nhân có các triệu chứng về tim kéo dài sau khi mắc COVID-19 có thể bị tổn thương tế bào nội mô trong tim và mạch máu.
Các tế bào nội mô đóng một vai trò quan trọng trong việc làm giãn nở các động mạch và giúp đưa máu đến tim khi cơ thể vận động thể chất. Những bệnh nhân có tế bào nội mô bị tổn thương có nguy cơ suy tim và tử vong cao hơn.
Tiến sĩ Mouaz Al-Mallah, tác giả của nghiên cứu, cho biết: “Khi một bệnh nhân tập thể dục, họ cần nhiều máu tới tim hơn. Nhưng ở một số bệnh nhân bị COVID-19, lượng máu tới tim của họ có thể không đủ để cung cấp cho toàn bộ cơ thể… Điều này có thể giải thích tại sao một số bệnh nhân bị đau ngực và khó thở khi hoạt động thể chất”.
Một nghiên cứu của GS tim mạch Colin Berry, Đại học Glasgow (Vương Quốc Anh), trên 1.306 bệnh nhân đã từng mắc COVID-19, cho thấy cứ 8 người nhiễm bệnh trong khoảng từ tháng 5/2020 đến tháng 3/2021 thì có 1 người phải nhập viện điều trị và sau đó họ được chẩn đoán mắc viêm cơ tim.
Từ đó, các nhà khoa học khuyến cáo những bệnh nhân đã từng mắc COVID-19 nên có lối sống khoa học hơn, đặc biệt thường xuyên có các hoạt động thể chất nhẹ nhàng, ví dụ như đi bộ hoặc đi bộ nhanh. Đồng thời, mọi người nên sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý để hồi phục sức khỏe nhanh hơn.
Nguồn: Daily Mail/Lam Chi/soha