Trong cuộc sống, những người tâm bình khí hòa, tâm tính ổn định sẽ có thể không vì được mà hoan hỷ, không vì mất mà sầu bi, vô cớ bị nhục mạ mà không tức giận, gặp việc gấp việc nguy mà không sợ hãi. Cũng bởi vì có thể giữ được sự bình tâm tĩnh khí mà trí tuệ được sinh ra và việc đại sự được hoàn thành.
Xưa nay, bất kể trường phái chính đạo nào đều tôn sùng “bình tâm tĩnh khí”. Từ Phật gia, Nho gia, Đạo gia cho đến y học, võ thuật, trị quốc đều đề cao sự tĩnh lặng của nội tâm con người. Có thể thấy phẩm chất này có tầm quan trọng rất to lớn trong nhân sinh quan của người xưa.
Cảnh giới của “tĩnh” khiến người tu luyện đạt được thông tuệ, khiến người quân tử tu thân, khiến tướng lĩnh khắc địch chế thắng, khiến văn nhân có được linh cảm, khiến người bệnh tìm lại sức khỏe của chính mình… có thể nói là diệu dụng vô cùng.
Bình tâm tĩnh khí không chỉ là một loại tu dưỡng, mà là một loại trí tuệ, một loại sách lược. Đứng trước một việc, người có “tĩnh khí” gặp nguy mà không loạn, có thể hóa giải khó khăn. Người “loạn khí” thì việc dù tốt đẹp đến mấy cũng có thể làm hỏng.
Trong lịch sử có rất nhiều người nhờ tâm bình tĩnh mà làm thành được việc lớn. Các bậc thánh hiền xưa nay đều là những người đại khí, càng là gặp chuyện “kinh thiên động địa”, việc nguy cấp thì càng có thể “tĩnh tâm như nước”, bình tĩnh mà ứng phó mới giải quyết được việc.
Trong cuốn “Sử ký, Hạng Vũ bản kỷ” có ghi chép lại một câu chuyện xảy ra ở bên ngoài Hoàng thành như sau:
Thời Hạng Vũ và Lưu Bang tranh giành thiên hạ, chiến cuộc lan đến Hoàng thành. Hoàng thành vốn do thủ hạ của Lưu Bang là tướng Bành Việt canh giữ. Trải qua mấy ngày chiến đấu kịch liệt, thương vong rất lớn, Hạng Vũ phải chật vật lắm mới dẹp xong được bên ngoài Hoàng thành (Ngoại Hoàng).
Hạng Vũ vô cùng căm phẫn trăm dân nơi đây đã ra sức trợ giúp Bành Việt canh giữ thành. Vì vậy, Hạng Vũ liền hạ lệnh bắt giam tất cả nam giới trên 15 tuổi để chuẩn bị chôn sống. Dân chúng bên ngoài thành lập tức lâm vào cảnh sợ hãi tột cùng.
Con trai của huyện lệnh Ngoại Hoàng mới mười ba tuổi, đến nói với Hạng Vũ:
Bành Việt cưỡng ép, Ngoại Hoàng sợ nên phải hàng, chờ đợi đại vương. Nếu đại vương đến lại chôn sống họ, trăm họ còn lòng nào muốn theo đại vương nữa! Nếu làm thế thì từ đây về hướng đông còn hơn mười thành của đất Lương sẽ đều sợ hãi, không ai chịu đầu hàng đâu.
Hạng Vương cho là phải, bèn tha những người ở Ngoại Hoàng khỏi bị chôn sống. Thế rồi các thành từ đó sang phía đông cho đến Tuy Dương nghe vậy đều tranh nhau đầu hàng Hạng Vương.
Sở Bá Vương Hạng Vũ từng dẫn quân đại phá Tần, đánh đâu thắng đó, khiến quân chư hầu run sợ, tướng chư hầu vào bái kiến chỉ dám quỳ gối mà tới, không ai dám ngẩng mặt lên. Ấy thế mà một cậu bé 13 tuổi lại có thể bình tĩnh nói lý trước mặt ông.
Sự bình tĩnh và trí tuệ của cậu bé đã giúp người dân Hoàng thành và nhiều thành khác thoát được kiếp nạn to lớn. Từ câu chuyện lịch sử có thể thấy được rằng, trong cuộc sống, khi có sự việc dù lớn hay nhỏ, nguy cấp đến mức nào xảy ra thì điều trước tiên là cần phải giữ được tâm bình tĩnh, như vậy mới có thể sản sinh ra trí tuệ và tìm được cách xử lý đúng đắn và mong đạt được sự thành công.
Năm xưa Gia Cát Lượng viết thư dạy con trai rằng: “Người quân tử là lấy tĩnh lặng để tu thân, lấy cần kiệm để dưỡng đức, không đạm bạc thì chí không sáng, không tĩnh thì không thể nhìn xa được”. Con người thường vì những việc nhỏ nhặt trong cuộc sống mà làm vướng bận tâm can, thậm chí còn suy nghĩ không ngừng, bị cái tình và dục vọng kìm hãm, không thể dùng lý trí mà nắm giữ chính mình, không thể thấy rõ chân lý của sự vật. Chỉ khi bình tâm tĩnh khí, con người mới có thể làm chủ được bản thân mình, mới có thể chuyên chú mà suy nghĩ vấn đề, mới có thể có được trí tuệ để đối diện với mọi việc.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập/trithuc