Xưa có ông Thổ Công được tiếng là hay chữ không ai sánh được, có thể nói là “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”, người đời đều khen ngợi. Đặc biệt, ông nổi tiếng về tài chọn ngày lành tháng tốt mà hành sự được thuận buồm xuôi gió, khắp làng trên xóm dưới hễ có việc gì dù to, dù nhỏ đều đến cậy nhờ.
Lão Thổ Công sống đạm bạc bần hàn đến tận ngoại ngũ tuần mới cất được một ngôi nhà. Nhưng có điều lạ, ai nấy đều không hiểu vì sao ông đã cất được một căn nhà mới khang trang mà không dọn đến ở. Hỏi ra mới hay, là vì mãi ông vẫn chưa chọn được một ngày lành tháng tốt hoàn hảo nhất để làm lễ mừng tân gia. Bởi lẽ, nếu được năm tốt thì tháng lại không hay, hễ được tháng hay thì ngày lại xấu, hễ được ngày lành thì phải giờ phạm… Cứ thế ngày này qua ngày khác, thời gian đằng đẵng trôi đi cho đến khi ngôi nhà cũ đã mục nát. Ông bèn dọn đến náu thân dưới gốc một cây… chờ ngày hoàng đạo.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, tuổi tác cũng theo đó mà già nua. Lão Thổ Công tóc mỗi ngày thêm bạc, nhưng ông vẫn chưa gặp được một ngày ưng ý, cuối cùng ông nằm chết dưới gốc cây.
Người đời sau có câu ca rằng:
“Thổ công hay chữ lắm thay,
Chọn chẳng được ngày ra ở gốc cây”
Than ôi! Thói đời những kẻ cầu toàn rồi cuối cùng việc gì cũng xôi hỏng, bỏng không. Ai có biết, khi người ta đi tìm sự “hoàn hảo” thì chính kẻ đó đã là không hoàn hảo rồi. Lẽ ở đời nào đâu có việc gì là hoàn hảo vẹn cả trăm bề. Kẻ cầu toàn thì luôn nhìn thấy khiếm khuyết của sự việc, nhược điểm của người khác, khó lòng mà bao dung với người. Lại cũng quá nghiêm khắc với chính bản thân mình, vì muốn bản thân mình được hoàn hảo, đến khi không đạt được mục đích thì ra đi trong tâm ý nguội lạnh.
Bởi thế, ở đời “biết đủ thì cho là đủ, chờ đủ khi nào mới đủ”? Gặp sự việc gì cũng đừng quá truy cầu, tuỳ kỳ tự nhiên, vạn sự tuỳ duyên, học cách chấp nhận nhược điểm của người khác, bao dung với người cũng chính là bao dung với bản thân mình vậy.
Thái Bảo -dkn.tv 18/9/2018