Trong kiếp nhân sinh, có được một người tri kỷ là diễm phúc khó gì sánh được. Khi còn áo mũ xênh xang, nhà cao cửa rộng, dễ ai đo được lòng người. Chỉ có lúc sa cơ lỡ vận, hoạn nạn gian truân, mới biết ai thực là tri kỷ của ta.
Liêm Pha là một danh tướng thời Chiến Quốc, lập nhiều chiến công, dũng khí nổi danh các nước chư hầu. Năm 263 TCN, nước Tần mang đại quân đánh Triệu, vua Triệu sai Liêm Pha cầm quân đánh Tần.
Liêm Pha biết thế quân Triệu yếu hơn nên cố thủ giữ thành không đánh. Mắc kế phản gián của Tần Chiêu Tương vương nên Triệu Hiếu Thành vương cho rằng Liêm Pha nhút nhát, bèn cho Triệu Quát ra thay ông.
Liêm Pha bị Triệu Quát thay thế, ở Trường Bình về, trong lúc thất thế, gia khách bỏ đi hết. Đến khi Liêm Pha được phục chức, bọn này lại kéo về. Liêm Pha nói: “Xin mời các ông đi cho!”
Bọn này nói: “Chao ôi, sao mà Ngài thấy muộn quá vậy! Giao tình buổi bây giờ đều theo cái lối bán buôn nơi chợ búa thấy lợi thì bu vào. Ngài có quyền thế, thì chúng tôi theo Ngài, Ngài không còn quyền thế thì chúng tôi bỏ, lẽ vốn như vậy, có gì mà phàn nàn!” [1]
Đau xót thay! Cái tình bằng hữu nó bạc bẽo đến thế ư? Chẳng thế mà cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm từng phải thốt lên rằng:
“Được thì thân thích đem chân đến,
Thất thế hương lư ngoảnh mặt đi.
Thớt có tanh tao ruồi đỗ đến,
Gang không mật mỡ kiến bò chi!” [2]
Khi còn áo mũ xênh xang, nhà cao cửa rộng, thì anh em bạn bè nhiều vô kể, nhưng “Dò sông dò biển dễ dò/ Nào ai lấy thước mà đo lòng người”. Chỉ có lúc sa cơ lỡ vận, hoạn nạn gian truân, ta mới biết ai thực là tri kỷ của ta.
Những năm Gia Tĩnh triều Minh, Dương Kế Thịnh là bậc trung thần, thấy Nghiêm Tung chuyên quyền làm bậy, ông bèn dâng sớ hạch tội, bị Nghiêm Tung bắt bỏ ngục. Các quan đều sợ hãi, không ai dám vào thăm. Chỉ có Từ Tử Dữ ngày ngày đem cho cơm rượu.
Dương Kế Thịnh bảo Từ Tử Dữ rằng: “Anh chớ hay lại thăm tôi, e rồi lại liên lụy”. Từ Tử Dữ nói rằng:
“Bạn hữu với nhau, chỉ quý về lúc này mà thôi. Đạo luân lý của ta cốt trọng về lòng trung nghĩa, mà bây giờ anh bị kẻ gian thần ức hiếp, lẽ nào tôi lại bỏ anh hay sao? Anh cứ để tôi đi lại thăm anh, dẫu có làm sao nữa, thì tôi cũng chẳng thiết gì quan chức đâu, xin anh đừng ngại!” [3]
Trong kiếp nhân sinh, có được một người tri kỷ là diễm phúc khó gì sánh được. Nên mới có câu: “Kết bạn khắp thiên hạ, tri kỷ hỏi mấy người?”. Trong biển đời cuồn cuộn tối tăm, người tri kỷ như ngọn đèn sáng trong đêm chiếu rọi lòng ta. Lặn lội đi tìm ngọn đèn ấy, chi bằng ta hãy tự làm một ngọn đèn như vậy, hết lòng vì bạn, quên mình vì nghĩa, làm một bậc quân tử không thẹn với Trời. Dương Kế Thịnh sở dĩ có Từ Tử Dữ chăm lo trong hoạn nạn, là bởi vì chính ông là người trung nghĩa, không màng cái chết can vua, vì lo nghĩ cho xã tắc và muôn dân. Một người trung nghĩa như vậy, xứng đáng có được người tri kỷ.
Thanh Ngọc dkn.tv 9/9/2018