Thứ Ba, 18 tháng 9, 2018

Các loại thuốc điều trị tăng huyết áp và tác dụng phụ cần biết



Tăng huyết áp – căn bệnh mạn tính là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của bệnh tim mạch, gây nên nhiều biến chứng cho cơ thể. Thuốc điều trị tăng huyết áp có thể làm giảm nguy cơ biến chứng tim mạch và đột quỵ tới 30%. Tuy nhiên, bên cạnh tác dụng điều hòa huyết áp, thuốc Tây y cũng gây ra cho người bệnh không ít tác dụng phụ đi kèm, đặc biệt là khi phải sử dụng liên tục dài ngày.

Hiện nay, có rất nhiều nhóm thuốc đang được sử dụng rộng rãi để điều trị bệnh tăng huyết áp với các cơ chế tác động khác nhau nhưng chúng đều chung một mục đích là hạ huyết áp. Cơ chế của các thuốc này có thể là thay đổi sức cản ngoại vi, thay đổi thể tích tống máu, cung lượng tim hoặc nhịp tim. Do vậy, các thuốc điều trị tăng huyết áp không chỉ làm thay đổi một số hoạt động chức năng của cơ thể mà còn ảnh hưởng đến hệ thần kinh, một số cơ quan nội tạng, đặc biệt là thận.

Nhóm thuốc lợi tiểu

Đây là nhóm thuốc thường xuyên được sử dụng để làm tăng sự đào thải muối và nước ở thận từ đó làm hạ huyết áp. Tác dụng phụ của thuốc lợi tiểu bao gồm:

  • Đi tiểu thường xuyên do thuốc lợi tiểu làm tăng sự đào thải muối và nước ở thận.
  • Một số thuốc lợi tiểu làm ảnh hưởng đến sự cân bằng nước trong cơ thể dẫn đến tình trạng giảm lượng kali trong máu. Các triệu chứng thường gặp bao gồm: yếu, mệt mỏi hoặc chuột rút ở chân, làm yếu các chi và ảnh hưởng đến khả năng vận động.
  • Hạ canxi, magie, kali máu do thay đổi nồng độ lipid máu gây hạ huyết áp tư thế đứng, một số nam giới có thể gặp vấn đề rối loạn cương dương hoặc liệt dương.
  • Nguy cơ bị bệnh gout tấn công gây đau chân đột ngột và dữ dội khi sử dụng thuốc lợi tiểu kéo dài. Tuy nhiên, vấn đề này hiếm khi xảy ra và bác sĩ sẽ giúp bạn kiểm soát.
  • Làm tăng lượng đường trong máu nếu bạn mắc bệnh tiểu đường, do đó không nên dùng nhóm thuốc này cho bệnh nhân tiểu đường.

(Ảnh: healthline.com)


Nhóm thuốc chẹn beta

Nhóm thuốc chẹn beta là nhóm thuốc tác động trực tiếp lên tim và mạch máu để kiểm soát huyết áp. Rủi ro và tác dụng phụ của thuốc này bao gồm:

  • Tay chân cảm thấy lạnh.
  • Trầm cảm, mệt mỏi.
  • Rối loạn giấc ngủ như khó ngủ.
  • Các triệu chứng của hen suyễn như ho, thở khò khè, đau, nặng ngực hoặc khó thở.
  • Thuốc gây co thắt mạch ngoại vi, làm chậm nhịp tim, làm nặng thêm tình trạng suy tim nên những bệnh nhân bị hen suyễn, nhịp tim chậm không được sử dụng nhóm thuốc này.
  • Tác động xấu lên bệnh nhân đang mang thai.
  • Có thể gây rối loạn cương dương ở nam giới.

Nhóm thuốc ức chế men chuyển ACE

Các chất ức chế men chuyển ngăn chặn sự hình thành của một hormone làm thu hẹp mạch máu, vì vậy làm giãn mạch, hạ huyết áp. Thuốc ức chế ACE có tác dụng tốt trong việc kiểm soát huyết áp nhưng thường gây ra các tác dụng phụ sau:

  • Ho khan, ho dai dẳng. Tình trạng này sẽ chấm dứt hoặc thuyên giảm khi ngừng sử dụng thuốc hoặc giảm liều.
  • Nhức đầu, choáng váng, mệt mỏi.
  • Phát ban, gây mẫn cảm trên da.
  • Tổn thương thận, suy thận.
  • Mất vị giác. Thông thường, bạn sẽ không muốn ăn những loại thực phẩm mà trước đây vẫn thích dùng hoặc có cảm giác chán ăn, không muốn ăn gì nên thường sụt cân.
  • Thuốc rất độc hại cho sự phát triển của thai nhi.
  • Thuốc còn có thể gây phù mạch (ít gặp), hiện tượng này có thể ảnh hưởng đến bất kỳ cơ quan nào. Nhưng nếu xảy ra ở môi, lưỡi, đường thở thì có thể gây nguy hiểm tới tính mạng nên nếu nghi ngờ có phù mạch thì nên ngừng dùng thuốc và xin tư vấn của bác sĩ điều trị ngay.

(Ảnh: shutterstock.com)


Nhóm thuốc chẹn kênh calci

Các thuốc nhóm này giữ canxi không xâm nhập vào các tế bào cơ tim và mạch máu, vì vậy các mạch máu có thể giãn ra làm giảm huyết áp. Nguy cơ và tác dụng phụ của thuốc chẹn kênh calci bao gồm:

  • Đau đầu, chóng mặt.
  • Rối loạn nhịp tim, người bệnh luôn trong tình trạng hồi hộp, lo âu.
  • Phù mắt cá chân và bàn chân.
  • Táo bón.


Nhóm thuốc chẹn alpha

Thuốc chẹn alpha làm giảm các xung thần kinh đến mạch máu, cho phép máu lưu thông dễ dàng hơn. Nhóm thuốc này có thể gây ra tác dụng phụ sau:

  • Nhịp tim nhanh.
  • Chóng mặt, đầu óc quay cuồng, hoặc mệt mỏi khi đứng lên đột ngột hoặc khi thức dậy vào buổi sáng (do hạ huyết áp).
  •  

Nhóm thuốc chẹn alpha-beta

Bác sĩ thường tiêm thuốc chẹn alpha-beta vào tĩnh mạch để làm chậm nhịp tim. Thuốc chẹn alpha-beta sẽ làm hạ huyết áp khi bạn đứng lên đột ngột, dẫn đến chóng mặt, đầu óc quay cuồng.

Nhóm thuốc tác động lên hệ thần kinh trung ương

Thuốc có tác dụng kiểm soát các xung thần kinh, làm giãn mạch máu, hạ huyết áp. Tuy nhiên, chúng có nguy cơ hạ huyết áp nhiều hơn khi bạn đi bộ hoặc đứng. Bạn sẽ mệt mỏi hơn và ngất nếu huyết áp giảm nhiều. Các tác dụng phụ khác bao gồm:

  • Sốt, chóng mặt, váng đầu.
  • Luôn cảm thấy buồn ngủ.
  • Thiếu máu.
  • Khô miệng.
  • Có thể gây rối loạn cương dương ở nam giới.

(Ảnh: phanopharmacy.com)

Thuốc giãn mạch

Thuốc giãn mạch giúp giãn các cơ của thành mạch, giãn mạch máu và cho phép máu lưu thông tốt hơn làm hạ huyết áp. Thuốc này có thể gây:

  • Đau đầu, đau ngực, sung huyết mũi.
  • Tim đập không đều hoặc rất nhanh (đánh trống ngực), hồi hộp, đỏ bừng mặt.
  • Đau và nhức khớp.
  • Giữ nước, sưng quanh mắt
  • Tóc mọc quá nhanh
  •  

Như vậy, điểm qua một số nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp phổ biến thì nhóm nào cũng có tác dụng phụ, không thể nói là nhóm nào có tác dụng phụ nhiều hay ít. Điều này khiến cho việc điều trị tăng huyết áp là vô cùng quan trọng và cũng gặp không ít khó khăn. Do đó, muốn sử dụng thuốc một cách an toàn và hiệu quả trong bệnh tăng huyết áp thì người bệnh cần đi khám để được bác sĩ điều trị kê đơn, hướng dẫn sử dụng thuốc và nên định kỳ khám bệnh để bác sĩ có thể điều chỉnh thuốc kịp thời.

BS. Thu Trang-dkn.tv 19/9/218