Chủ Nhật, 16 tháng 9, 2018

Công dụng chữa bệnh của quả hồng

Nhờ hàm lượng dinh dưỡng và chất chống oxy hóa cao, công dụng chữa bệnh của quả hồng từ xa xưa đã được Đông y khám phá và Y học hiện đại cũng có những nghiên cứu ghi nhận.
Cứ mỗi dịp rằm tháng 8, mâm cỗ Trung thu của người Việt ngoài bánh nướng, bánh dẻo không thể thiếu những quả hồng vàng, hồng đỏ bắt mắt. Đây là loại quả có nguồn gốc từ Hy Lạp, thường cho trái ngọt vào mùa thu.
Theo Tây y, quả hồng chứa 12-16% đường, chủ yếu là đường glucose và fructoze, lượng acid thấp 0,1%. Trong 100g thịt quả có chứa 0,16mg caroten, 16mg vitamin C, ngoài ra còn có vitamin PP, B1, B2 và các hợp chất hữu khác. Nó có thể ăn trực tiếp hoặc phơi khô, khi phơi chúng được phủ một lớp đường và lượng đường có thể tăng đến 60-62%.

Trong Bản thảo cương mục, Lý Thời Trân viết: “Hồng là thứ quả đi vào tỳ, phế, huyết. Nó có vị ngọt, chát, có tác dụng kiện Tỳ, sáp tràng, trị ho, cầm máu. Nhiều bộ phận khác của quả và cây đều có thể dùng làm thuốc”. Theo Đông y, quả hồng vị ngọt chát, tính bình, có tác dụng chữa tiêu chảy, trĩ, đái dầm, háo khát, ho có đờm và các chứng nôn mửa, lo nghĩ, phiền uất… 
Phấn ở quả hồng (Thị sương) có công hiệu thanh nhiệt, nhuận táo, tan đờm giam ho, là vị thuốc tốt dùng chữa viêm niêm mạc miệng lưỡi, viêm rát họng, ho do phế nhiệt. Núm cuống quả (Thị đế) có tác dụng giáng khí, trị nôn, ợ hơi. Thuốc Đông y có bài “Thị đế thang”, “Thị đế tán” nổi tiếng chữa nôn ợ, hơi thở nóng khá hiệu nghiệm. Dưới đây là một số công dụng của quả hồng giòn.
Công dụng của quả hồng
1. Tăng cường hệ miễn dịch
Quả hồng rất giàu vitamin C, sử dụng thường xuyên trong chế độ ăn uống có thể giúp tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể. Nó sẽ như một lá chắn chống lại các loại bệnh như cảm lạnh, cúm, viêm phổi và hen suyễn.

2. Chống ung thư
Trong quả hồng chứa rất nhiều vitamin A, acid betulinic và các chất chống oxy hóa. Chúng có tác dụng chống lại các gốc tự do – một tác nhân gây tổn thương tế bào và dẫn đến căn bệnh ung thư.
Ngoài ra, quả hồng giòn có chứa hàm lượng vitamin C cũng như các hợp chất phenolic như catechin và gallocatechins cao. Đây là những chất có thể hỗ trợ phòng ngừa các loại ung thư khác nhau.
3. Giúp hệ tiêu hóa
Thường xuyên sử dụng loại trái cây giàu chất xơ này có thể giúp giảm bớt các vấn đề liên quan đến hoạt động của đường ruột, giúp cho hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Chất Tannin trong quả hồng có thể hỗ trợ trị tiêu chảy rất tốt.

4. Tăng cường sức khỏe thị giác
Muốn có một đôi mắt sáng, bạn hãy bổ sung quả hồng vào thực đơn mỗi ngày. Nguồn vitamin A dồi dào trong nó sẽ giúp cải thiện thị lực, tăng cường tầm nhìn cho đôi mắt. Ngoài ra, lượng sắt trong quả còn giúp hỗ trợ sản xuất hồng cầu trong máu.
5. Hạ huyết áp
Kali là một khoáng chất được tìm thấy có một lượng đáng kể trong quả hồng giòn. Chất này có thể hoạt động như một loại thuốc giãn mạch, hỗ trợ làm hạ huyết áp và tăng cường lưu lượng máu đi khắp cơ thể, từ đó ngăn ngừa các loại bệnh tim mạch.
6. Tốt cho bệnh nhân tiểu đường
Những người bị bệnh tiểu đường dễ bị cảm giác thèm ăn và đói, có thể coi đây là một loại thực phẩm bổ sung vào bất cứ lúc nào. Với hàm lượng chất xơ phong phú, trái cây này có thể giúp bệnh nhân tiểu đường kiềm chế cơn đói. Đây cũng là trái cây có thể hỗ trợ điều chỉnh lượng đường trong máu hiệu quả.

Các bài thuốc dân gian chữa bệnh với quả hồng
  • Chữa kiết lỵ: Quả hồng khô 50g; Lá mơ lông 30g; Rau diếp cá 30g; Rau mã đề 30g; Kim ngân hoa 30g. Các vị thuốc cho vào nồi, thêm 600ml nước đun nhỏ lửa. Khi còn 300ml nước thuốc chắt lấy nước, bỏ bã. Người bệnh chia 3 lần uống hết trong ngày, trước khi ăn. Cần uống liền 9 ngày.
  • Chữa đái dầm: Tai quả hồng khô 20g, Phá cố chỉ 5g. Hai vị thuốc cho vào nồi, thêm 400ml nước đun nhỏ lửa để chiết xuất thuốc, khi còn 150ml nước thuốc chắt lấy nước, bỏ bã. Người bệnh chia 3 lần uống hết trong ngày, trước khi ăn. Cần uống liền 5 ngày.
  • Cao huyết áp: Lá hồng 10 gam, sắc uống thay nước trà, có tác dụng hạ huyết áp, phòng ngừa xơ cứng động mạch.
  • Điều trị trĩ nội, đại tiện xuất huyết: Lấy quả hồng khô 12g, sắc uống hoặc nấu cháo ăn ngày 2 lần.
  • Chữa nấc: Tai quả hồng 8g; Đinh hương 6g; Gừng tươi 4g. Các vị thuốc rửa sạch, cho vào nồi cùng 450ml nước đun sôi kỹ, chắt lấy 180ml nước đặc. Người bệnh chia 3 lần uống hết trong ngày, trước bữa ăn. Cần uống liền 3 ngày.
Tai quả hồng tác dụng giáng nghịch hạ phong (Ảnh: youtube.com)

  • Chữa nôn, ợ hơi: Tai quả hồng 7 cái, tiêu sọ 7 hạt, hoắc hương 4g, sa nhân 4g, gừng tươi 7 lát, hành 2 củ, tỏi 3 nhánh. Tất cả băm nhỏ, tiêu sọ nghiền nát, sắc uống trong ngày (nước sắc này còn dùng chữa ho, khó thở). Nếu không có tai hồng, có thể thay bằng cuống và quả.
  • Chữa táo bón: Quả hồng chín 2 quả; Mộc nhĩ đen 10g; Kim ngân hoa 20g. Các vị thuốc cho vào nồi, thêm 600ml nước đun nhỏ lửa cho thuốc nhừ. Khi còn 300ml nước thuốc, cho dầm nát quả hồng, chắt lấy nước, bỏ bã. Người bệnh chia 3 lần uống hết trong ngày, trước khi ăn. Cần uống liền 5 ngày.

Lưu ý:
  • Không ăn quả hồng chín, hồng ngâm khi bụng đói, vì axít trong quả hồng sẽ gây cảm giác cồn cào, khó chịu vùng bụng
  • Không được ăn quả hồng chín, hồng ngâm sau khi đã ăn cua vì có thể có phản ứng dị ứng, gây nôn
  • Không được ăn quả hồng chín khi vừa ăn các loại khoai vì axít trong quả hồng kết hợp với axít trong khoai có thể gây đầy hơi, chướng bụng

Kiên Định- dkn.tv 15/9/2018