Thứ Ba, 1 tháng 12, 2015

Tự Mình Thay Tã Cho Cha Mẹ hay "Tống Khứ" Cha Mẹ vào Viện Dưỡng Lão?


Lời tác già: Tuần qua vợ chồng tôi có đến một thành phố xa Tiểu Bang Oregon để tham dự một buổi huấn luyện về "nghệ thuật tiếp đãi khách" trong nhành thương mại. Có một gia đình người Việt chúng tôi có dịp quen biết trên hai mươi năm qua, cư ngự cách đó khoảng 30 phút lái xe, nên tôi lợi dụng giờ nghỉ trưa chạy đến thăm các vị. Gia đình này có ba người con, hai trai, một gái, tất cả đến Hoa Kỳ năm 1975 sau biến cố Quốc Hận 30-4. Những người bạn trẻ đã học hành thi cử thành công và có địa vị trong xã hội Hoa Kỳ. Ông Cụ đã qua đời cách đây vài năm ở tuổi chín mươi. Cụ Bà tuổi khoảng tám mươi lăm và mới năm bảy năm trước đây thôi, chúng tôi từng thưởng thức những bài Thơ chống cộng mà cụ sáng tác trong lúc nấu ăn cho chồng và con cháu… Vậy mà nay không còn nhớ gì cả, bởi không may vướng vào bệnh mất trí nhớ (alzheimer’s disease). Tôi đến thăm cả giờ nhưng Cụ không nhớ tôi là ai, dù người con trai cố hỏi nhiều lần. Mãi đến lúc tôi từ giả ra về thì Cụ mới gọi được tên tôi, nhưng chỉ một tiếng “… B….ình”. Lòng tôi thật là xúc động.

Xin mời quý độc giả theo dõi mẫu đối thoại ngắn giữa tôi và người con trai của Bà Cụ để biết tại sao niềm xúc động của tôi vẫn còn dâng trào, dù đã một tuần qua . (HQBinh)

***
Người con trai thay tã cho Mẹ:

- “Bác không còn nhớ gì cả, vậy ăn uống ra sao? Ai lo?” Tôi hỏi.

P. trả lời: “Như anh biết đó, nhà này có ba anh em, cô em gái út của em thì có chồng con, ở xa; vì hoàn cảnh nên cả năm mới về thăm Má em được một lần. Bây giờ chỉ còn em và ông anh cả. Em tình nguyện nghỉ việc để ở nhà chăm sóc Má em, hầu cho anh ấy an tâm đi làm việc mỗi ngày. Hằng ngày em phải lo việc nấu ăn cho Má và cho hai anh em ăn chung. Em phải luôn theo dõi lượng đường và áp xuất máu trong người của Má em. Em canh giờ cho Má uống thuốc, đút từng muỗng cháo cho Má. Má em không còn khả năng để tự ăn uống nên cho Má ăn xong, chờ khoảng nửa tiếng thì lại cho Má nằm nghỉ… Công việc như thế, lặp đi lặp lại mỗi ngày…”

Tôi hỏi tiếp: “Bác không còn khả năng đưa thức ăn vào miệng thì vấn để tiểu tiện ra sao?”

P. trả lời: “Má em phải luôn mang tã và em là người phải thay tã cho má em anh à…”

Nghe đến đó, lòng tôi thật xúc động và cảm thấy mắt mình bỗng cay cay. Lúc bấy giờ tôi hình dung cảnh một người con trai phải thay tã cho mẹ. Thật tội nghiệp, nhưng cũng không còn còn hình ảnh nào cảm động và đẹp đẽ cho bằng lòng hiếu thảo của một người con đối với mẹ mình.

“Tại sao các bạn không gửi Bác vào việc dưỡng lão để cho ý tá chuyên môn họ chăm sóc chu đáo hơn”. Tôi hỏi như để thăm dò.

P. trả lời: “Có những gia đình vì hoàn cảnh phải gửi cha mẹ vào viện dưỡng lão, riêng em vì nghĩ mình còn có thể lo được cho Má, nên em tự lo. Vả lại, trong nursing home một cô ý tá chăm sóc cho cả chục người, không thể nào chu đáo bằng chính mình lo cho mẹ mình…”

P. đã nói với tôi những lời chân thành và cương quyết bằng tiếng Việt nhưng còn dính dấp đến “accent” giọng Mỹ: “Em và anh của em quyết lo cho má đến ngày má nhắm mắt…”

- “Tại sao hai bạn không sử dụng một khoảng lợi tức của mình để mướn người đến đây lo cho bác?”. Tôi cố hỏi thêm.

P. trả lời: “Thật sự thì chính phủ Mỹ cũng có trợ cấp cho em chút tiền trong công việc này, nhưng nó chưa bằng một phần tư tiền lương của em trước đây. Dù vậy, em không bận tâm về tiền, em chỉ muốn lo cho Má em mà thôi. Em và anh của em chưa có vợ con gì cả, nên chúng em cũng dễ quyết định…”

Tôi từ giả P. để trở lại công việc của mình trước khi về Oregon. P. tiễn tôi ra cửa, tôi bắt tay P. và nói rằng: “Bạn thật có phước vì còn mẹ. Bạn thật có phước vì có dịp săn sóc cho mẹ. Có nhiều người xem cha mẹ như cục nợ, nhưng cũng không ít người mong được săn sóc cho cha mẹ mà không được cơ hội hay không còn cơ hội… Anh Bình thành thật ca ngợi lòng hiếu thảo của hai bạn…”

Tôi lên xe nổ máy và lái ra xa lộ với cảm giác vui buồn lẫn lộn còn vương lại lòng mình. Cả tuần qua, đầu óc tôi luôn nghĩ tới hình ảnh một người con trai thay tã cho mẹ mình. Thật đẹp, thật đáng ca ngợi.

Tống khứ cha mẹ vào viện dưỡng lão:

Người Việt mình có một nhận xét về tình mẹ con mới nghe qua thật chua chát, nhưng hết sức chính xác cho nhiều trường hợp: “Một bà mẹ có thể nuôi mười đứa con, nhưng mười người con không nuôi nỗi một bà mẹ”. Lý do tại sao? Mẹ thương con vô bờ bến nhưng con thương mẹ thì có bến bờ. Bằng chứng người Việt mình thường nói: “Mẹ nuôi con như biển hồ lay láng, con nuôi mẹ tính tháng tính ngày.” Người ta thấy nhiều trường hợp bà mẹ có thể chết cho con mình được sống, nhưng con cái chỉ cần lo cho cha mẹ vài bữa cơm hay chăm sóc lúc đau yếu là đã vội kể công hay xem đó như thể là “cục nợ” tống khứ đi thì “coi không được” mà để lại cũng “không xong”.

Hồi còn ở bên quê nhà trước 30-4-75, dù đó là thời chiến tranh nhưng hình ảnh một gia đình đầm ấm, đoàn tụ rất nổi bật. Sinh hoạt của một gia đình vào buổi tối giống như cha ngồi đọc báo, mẹ thêu thùa, bà kể truyện cỗ tích, ông dạy cháu làm bài… không còn thấy sau ngày VC chiếm miền Nam hay sau khi ra hải ngoại. Thời đó, việc con cái đưa cha mẹ ra khỏi sinh hoạt gia đình là điều hiếm thấy. Xã hội Mỹ hay Tây phương, chuyện con cái đưa cha mẹ vào viện lão là chuyện bình thường, có thể hiểu hay thông cảm được. Dù vậy, người viết xin nêu ra vài hình ảnh để quý độc giả suy nghĩ giùm xem trường hợp nào nên giữ cha mẹ ở nhà hay đưa họ vào viện dưỡng lão? Trường hợp nào gọi là “tống” và hoàn cảnh nào gọi là “gửi” cha mẹ vào viện dưỡng lão?

Những vị cao niên còn minh mẫn, tuy già yếu nhưng không mang những chứng bệnh nan y hay cần người chăm sóc thường trực, có thể lo cho mình về vấn đề vệ sinh cá nhân… mà phải vào ở trong viện dưỡng lão thay vì được ở chung với con, hủ hỉ với cháu thì nếu không bị “tống khứ” ra khỏi nhà thì là gì?

Một người mất trí nhớ, hoặc bị bại liệt, không thể tự lo về vấn đề vệ sinh cá nhân, cần sự chăm sóc hay lo lắng thuốc men từ người tỉnh táo khỏe mạnh hay nhân viên y tế… trong khi các con cháu vì hoàn cảnh phải đi làm việc mỗi ngày… thì việc gửi các vị vào viện dưỡng lão hay “nursing home” là hợp lý, đáng khích lệ, bởi khi vào những nơi đó, các vị ấy sẽ được chăm sóc chu đáo hơn.

Có lần tôi vào thăm một người bạn đang ở trong “Nursing home” tại miền Nam California. Nhìn Cụ Bà Việt Nam tuổi mới ngoài bảy mươi, đang ngồi trên xe lăn, nên tôi đến gần chào hỏi. Sau đây là mẫu đối thoại giữa tôi và cụ:

- “Cụ ở trong này được bao lâu rồi?” Tôi hỏi.

- “Tôi ở đây khoảng ba bốn năm rồi”. Cụ trả lời.

- “Trông cụ còn minh mẫn quá mà tại sao phải vào đây? Chắc là cụ không có con cháu ở gần phải không?” Tôi dồn dập hỏi thêm.

- “Các gia đình con cháu tôi ở trong thành phố này. Gần lắm, chỉ cần năm mười phút lái xe thôi. Tôi bị tai biến, nên không còn khả năng tự leo từ xe lăn qua bồn cầu (toilet) để lo vấn đề vệ sinh cá nhân nên các con tôi phải đưa tôi vào đây”.

Vì thấy cụ thân thiện, cởi mở, nên tôi nói tiếp những lời khích lệ: “Cụ còn có phước hơn nhiều người lắm, bởi các con của cụ ở gần, các anh chị ấy vào thăm viếng cụ dễ dàng hơn.”

Nói xong câu nói đó tôi mới thấy mình bị “hố”, bởi tôi đã vô tình gây xúc động cho vị cao niên này. Bằng gương mặt buồn thảm và nước mắt lưng tròng, cụ đã nói với tôi trong nghẹn ngào: “Vâng, tôi biết mình có phước hơn những người không có con cái ở gần. Dù sao thì các con tôi mỗi năm chúng nó cũng vào thăm tôi vào những ngày lễ lớn…”. Trường hợp này nếu không nói là bị “tống khứ” vào đó thì là gì?

Một ông cụ đã ngoài chín mươi, là thính giả của chương trình hội luận và giảng luận trên radio do tôi điều hợp. Cụ cũng là người từng theo dõi và cầu nguyện cho các mục vụ của tôi. Năm 2009, tôi đến viện dưỡng lão tại Tiểu Bang Oklahoma để thăm cụ. Tuy tuổi thật cao nhưng cụ còn minh mẫn và ngăn nắp, sạch sẻ lạ thường. Khi tôi đến thăm, cụ chống gậy đưa tôi đi giới thiệu với những nhân viên trong viện và mời tôi xuống câu lạc bộ để ăn trưa, trò truyện với tôi hằng giờ. Cụ kể tôi nghe về tội ác VC vào Thập Niên 50 ở ngoài Bắc. Cụ cũng chia sẻ với tôi kỷ niệm thời cụ làm việc trong chính quyền Đệ Nhất Việt nam Cộng Hòa với những đức tính tốt của Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm mà cụ có dịp kề cận… Khi trở lại phòng, cụ lấy cái va-li cũ kỷ mở cho tôi xem. Trong đó có hình của cụ bà đã qua đời hơn mười năm trước đó, hình sinh hoạt của các con, cháu, chắt… của cụ trong ngày lễ mừng Chúa Giáng Sinh. Cụ nói với tôi rằng: “Khi tôi tắt thở, ở đây sẽ báo cho các con tôi biết để chúng đến lấy vài vật kỷ niệm là xong. Ngày nào ông gọi thăm tôi mà không thấy tôi trả lời thì ông hiểu rằng tôi đã về với Chúa…
Một ông cụ còn minh mẫn, sạch sẻ, ngăn nắp như đã nêu trên, mà không được sống gần cháu con, quả là một sự bất hạnh. Ai cũng biết niềm vui của các cao niên là được sống gần hay sống chung với các con cháu. Tôi không tin là có vị cao niên nào lại chọn lựa sống thui thủi trong viện dưỡng lão nhiều năm khi mà các vị ấy cũng có nhiều con cháu ở gần. Trường hợp này nếu không nói là bị “tống khứ” vào đó thì là gì?

Tôi từng đọc một bài báo nói về một phụ nữ khoảng 65 tuổi, bị tai biến mạch máu não nên không còn đi đứng và nói năng gì cả. Được biết cách đây 26 năm, hai vợ chồng bà cùng sáu đứa con di cư sang Mỹ. Cũng giống như mọi người, họ bắt đầu lại từ đầu, làm đủ thứ nghề để mong sao con cái được ăn học nên người. Thời gian qua mau, các con của họ đã thành đạt, có nhà cao cửa rộng. Thời điểm đó, chồng bà phát hiện bị ung thư gan, nên quyết định về hưu sớm, bán hết nhà cửa, xe cộ, gom hết tiền bạc dọn về ở gần với sáu đứa con, tiền bạc chia cho các con giữ hết. Chồng đã qua đời vì bệnh ung thư ở thời kỳ cuối. Bà cũng bị tai biến mạch máu não và được đưa vào nhà dưỡng lão từ đó tới bây giờ. Sau đó vài tháng, bà bị nhà dưỡng lão từ chối không nhận bà nữa nên đề nghị các con bà đem bà về nhà chăm sóc. Các con bà đều từ chối với lý do bận đi làm, không có thời gian chăm sóc mẹ. Điều “thê thảm” nhất khi bà bị Medical từ chối bởi cơ quan chính phủ có bằng chứng là bà từng có tài sản do chồng bà để lại dưới tên của bà ấy, nhưng thực chất thì tài sản đó đang nằm trong tay các con của bà. Đây là câu chuyện thật trớ trêu. Một người làm việc vất vả cả đời, nuôi đàn con khôn lớn nên người, mong về già để được thảnh thơi; vậy mà giờ đây, nhà của các con cháu không về ở được, mang tiếng có tiền mà không xài được, uất ức trong lòng nói cũng không xong.

Lời kết:  
 
Theo thiển ý của người viết. Bất cứ ai có cha mẹ ở cùng nhà, có dịp săn sóc cha mẹ, dù là cha mẹ chồng hay cha mẹ vợ… Dù các cụ có “ỉa dãi” ra đó và các con cháu phải dọn dẹp những thứ bẩn thỉu ấy đi nữa… Thì đó là đại phước cho những người đó, chứ không phải là cục nợ mà họ phải gánh. Sự hiếu kính cha mẹ, biết quý trọng công ơn cha mẹ là điều bắt buộc phải có, chứ không chỉ là nghĩa cử cao đẹp của người nầy đối với người kia. 
 
 Thánh Kinh có chép lời phán của Thiên Chúa về điều nầy : “Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, hầu cho ngươi được sống lâu trên đất mà Giê-hô-va Ðức Chúa Trời ngươi ban cho. (Xuất Ê-díp-tô Ký 20: 12).

Huỳnh Quốc Bình
P.O. Box 20361, Salem, OR 97307. USA