Thứ Hai, 14 tháng 12, 2015

Những kỳ quan cổ đại ít người biết

image
Hang động Ellora ở Maharashtra, Ấn Độ
Bên cạnh những di tích lịch sử thu hút hàng triệu lượt du khách tới thăm mỗi năm lại có những địa điểm tuyệt vời, có từ thời cổ đại nhưng lại không được mấy người biết đến.
Khi nói về các kỳ quan của thế giới cổ đại, chúng ta còn nhiều thứ để biết ngoài Petra, Angkor Wat và Colloseum. Do đó để khám phá một số kỳ quan ít được du khách biết đến, chúng tôi đã tìm đến trang mạng hỏi đáp Quora để đặt câu hỏi đâu là những kỳ quan cổ đại ấn tượng nhất trên thế giới.

Bạn có biết những địa danh nào được nhắc tới nhiều nhất?

Trong số này có đảo nổi cổ Micronesian, thành phố cổ của Thổ Nhĩ Kỳ đào vào núi đá được hình thành từ núi lửa, và một địa điểm Phoenicia có từ thời tiền sử, nơi gồm những khối đá sừng sững khổng lồ, mà việc nó được hình thành, di chuyển ra sao đến nay vẫn là điều bí hiểm đối với chúng ta.


Derinkuyu, Thổ Nhĩ Kỳ

image
Thành phố ngầm Derinkuyu có thể chứa cùng lúc 20 ngàn người
 
Trong lòng đất dưới thị trấn nhỏ Derinkuyu nằm cách Istanbul 750 km về phía đông nam, thuộc tỉnh Nevsehir là một hệ thống lớn nhất các hang động từng được con người tạo dựng.

Derinkuyu là thành phố ngầm dưới lòng đất của Thổ Nhĩ Kỳ có cùng tên với thành phố phía trên nó.

Kỳ quan cổ đại ở vùng Tiểu Á này có đủ tất cả công trình cần thiết của một trung tâm đô thị phát triển: trường học và nhà thờ. Tuy nhiên, thay vì mọc lên trên mặt đất, những nơi sinh hoạt cộng đồng của Derinkuyu được đục đẽo vào đá núi lửa mềm nằm dưới mặt đất từ 60 đến 85 mét.

Được xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ 7 và 8 trước Công nguyên, thành phố dưới lòng đất này nhằm phòng vệ trước các cuộc tấn công cướp bóc từ bên ngoài.

Tuy được xây chỉ nhằm làm nơi trú ẩn tạm thời, những tiện nghi của nó thật sự ấn tượng: có khoảng 600 cánh cửa trên mặt đất dẫn xuống thành phố ngầm, 15.000 ống thông gió để cung cấp không khí trong lành cùng nhiều xưởng sản xuất rượu, hầm chứa rượu và một mạng lưới chằng chịt các lối đi, đường hầm và hành lang.

“Thành phố lớn đến nỗi đủ sức chứa đến 20.000 người cùng gia súc và lương thực tích trữ,” Trishla Prasad viết trên trang Quora.

Mặc dù có niên đại cổ xưa, thành phố dưới lòng đất này vẫn còn trong tình trạng rất tốt và ngày nay du khách có thể tới thăm bằng nhiều tour khác nhau. Tuy nhiên, nên lưu ý rằng tham quan nơi này, bạn sẽ phải lên xuống leo trèo rất nhiều bậc thang.

Nan Madol, Micronesia

image
 
Thành phố Nam Madol của Micronesia nằm chơi vơi giữa Thái Bình Dương, cách quốc gia gần nhất hàng ngàn km
 
Được xây dựng vào khoảng năm 1200, thành phố nổi bí ẩn Nan Madol thuộc Micronesia được tạo nên từ một loạt các hòn đảo nhân tạo nhỏ được ngăn cách nhau bằng hệ thống các kênh đào. Nằm ở Pohnpei, cách Philippines hơn 3.600 km về phía đông và chơi vơi giữa Thái Bình Dương, không phải là điều đáng ngạc nhiên cho lắm khi nơi này được ít người biết đến.

“Nan Madol rõ là nơi cư trú cho tầng lớp tinh hoa trên đảo, mỗi đảo nhỏ phục vụ một mục đích riêng biệt, chẳng hạn như đóng ca nô, nấu nướng, chăm sóc người bệnh và nhiều khả năng trên đảo có những ngôi nhà bằng gỗ lợp lá cọ,” Terry Newman, người đã đến đây hai lần, cho biết. “Nó là một dạng Angkor Wat sơ khai bị bao phủ trong rừng rậm, nhưng gây ấn tượng vô cùng mạnh mẽ bởi nó tồn tại ở một nơi vốn không tồn tại công trình nào bền vững.”

Baalbek, Lebanon

image
 
Đền thờ thần Bacchus là một trong những kiến trúc to lớn trong khối quần thể Baalbek của Lebanon
 
Nằm ở Thung lũng Beqaa thuộc miền đông Lebanon, di tích cổ đại Baalbek, vốn được bảo tồn rất tốt, là nơi con người đã tới sinh sống vào khoảng 9.000 năm trước đây. Nơi này từng thu hút nhiều nhóm người cổ đại như người Phoenicia, người Hy Lạp và người La Mã. Nó được dùng trước hết như một địa điểm tôn giáo với những đền đài to lớn thờ những vị thần như thần rượu nho Bacchus, thần vệ nữ Venus và thần Jupiter.

“Chỉ riêng đền Bacchus đã lớn hơn Điện Parthenon ở Hy Lạp,” Ella Ryan viết trên Quora. “Đền Jupiter gần đó chỉ còn sót lại năm trong số 54 cây cột nhưng với chiều cao 22 mét và chu vi hai mét mỗi cột, sự to lớn của chúng khiến chúng ta phải há hốc mồm kinh ngạc và đây được cho là những cây cột lớn nhất trên thế giới.”

Ở dưới đế của đền Jupiter là ba phiến đá lớn, thuộc loại những khối đá xây dựng đơn lẻ lớn nhất trên thế giới. Việc mỗi phiến đá này được cắt và vận chuyển vào vị trí ra sao đến nay vẫn còn là điều bí ẩn. Một số người cho rằng chúng được vận chuyển nhờ vào các cần cẩu của thời La Mã.

Newgrange, Hạt Meath, Ireland

image
 
Nằm tại Ireland, khối kiến trúc mái vòm khổng lồ này đã được xây dựng từ hơn 5 ngàn năm trước
 
Mái vòm to lớn của Newgrange nhô lên trên vùng đất bằng phẳng thuộc Hạt Meath của Ireland trông giống như vật thể bay không xác định UFO nằm trên bãi cỏ. Được xây dựng cách nay hơn 5.000 năm trong thời kỳ đồ đá mới (vào khoảng 3.200 năm trước Công nguyên), công trình cổ đại này được kể trong các chuyện cổ dân gian của Ireland và được xem là một trong những công trình quan trọng nhất thời kỳ đồ đá ở châu Âu.

Bản thân công trình trông như một ụ khổng lồ được tạo nên từ các lớp đất và đá lần lượt chồng xếp lên nhau. Với đường kính 76 mét, cao 12 mét và nằm trên một diện tích 4.500 mét vuông, Di sản Thế giới Unesco này có bề mặt làm bằng đá thạch anh trắng được bổ sung trong quá trình trùng tu thời thập niên 1970. Bên trong là một lối đi trải dài 19 mét kết thúc với ba căn phòng nhỏ được cho là các địa điểm chôn cất thời cổ xưa.

Bí ẩn của công trình cổ đại này là nó cho biết thời gian hết sức chính xác, Elle Land viết. 

Công trình nằm thẳng về phía Mặt Trời mọc và những căn phòng của nó tràn ngập ánh sáng vào ngày đông chí ở bắc bán cầu. “Khi Mặt Trời lên cao... cả căn phòng được chiếu sáng một cách kỳ diệu,” Land nói. “Rõ ràng là những người xây nó muốn nhằm đánh dấu lúc bắt đầu Năm Mới.”

Hang động Ajanta và Ellora, bang Maharashtra, Ấn Độ

image
 
Ngôi đền cổ được tìm thấy tại khu hang động Ellora ở Ấn Độ là một tác phẩm được tạc vào một khối đá đơn lẻ
 
Nằm cách thành phố Aurangabad khoảng 30km về phía tây bắc, Hang Ellora được xem là đỉnh cao của kiến trúc khắc đá của Ấn Độ. Chuỗi 34 hang của nơi này được tạo tác từ bề mặt đá của những ngọn đồi Charanandri trong khoảng thời gian từ thế kỷ 6 đến thế kỷ 9.

Điểm giá trị nhất ở những hang đá này là những bức tranh và tác phẩm điêu khắc cổ vốn được xem là kiệt tác của nghệ thuật Phật giáo và cũng được xem là thời kỳ đầu của nghệ thuật Ấn Độ kinh điển. Ellora còn là nơi có Đền Kailasa gây ấn tượng mạnh mẽ bởi nó được tạc ra từ chỉ một khối đá. “Chỉ riêng kích thước và sự tinh tế về kiến trúc của nó có thể làm sửng sốt bất cứ ai,” Hamid Shah cho biết.

image
 
Nhà sử học người Anh William Dalrymple gọi khu Hang Ajanta là “một trong những kỳ quan vĩ đại nhất của thế giới cổ đại"
Nằm khoảng 100km về phía đông bắc là Hang Ajanta, một cảnh tượng được nhà sử học người Anh William Dalrymple gọi là ‘một trong những kỳ quan vĩ đại của thế giới cổ đại’. 

Những hang động hoành tráng này được đẽo tạc vào những vách đá trong thời gian khoảng từ thế kỷ thứ 2 đến thế kỷ thứ 7 để làm nơi xây dựng các đền chùa, thánh tích và phòng cầu nguyện Phật giáo.

“Qua năm tháng, do tác động của thời gian và thiếu sự chăm sóc, phần lớn những bức tranh tường đã bong tróc nhưng chúng ta có thể thấy được nét đẹp của chúng từ những bức còn sót lại và được bảo tồn,” Shah viết. “Nó vẫn là một công trình tuyệt đẹp sau 1.500 năm.”

image
Một phần bên trong Hang Ajanta, thuộc tỉnh Maharashtra của Ấn Độ