Nếu một lúc nào đó bạn cảm thấy đủ... rảnh, hãy soi thủ một chiếc lốp ô tô nào đó, và bạn sẽ tìm thấy có đến 3 đoạn mã được in trên đó.
Thực ra thì về cơ bản, chẳng mấy ai quan tâm đến dãy số đó làm gì. Lốp xe là để lắp vào xe, và lắp xong thì cứ thế mà lái đi thôi, miễn là không nổ xịt.
Đã in chữ lên lốp, có nghĩa những dòng chữ ấy phải có ý nghĩa gì đó.
Nhưng người ta đã in chữ lên lốp, có nghĩa những dòng chữ ấy phải có ý nghĩa gì đó. Và nếu đã muốn tìm hiểu thì thông tin mà chúng mang lại cũng hết sức thú vị đấy. Cùng lấy một vài ví dụ và phân tích dưới đây.
1. Thông tin về kích thước và chỉ số tải trọng, tốc độ tối đa của lốp xe
Thông tin cơ bản được in trên lốp xe.
Lấy ví dụ như hình ở trên, có dãy mã là P215/65R1598H.
- P: Chữ "P" đầu tiên mang ý nghĩa là chiếc lốp dành cho phương tiện nào - Tire Type. "P" ở đây là viết tắt của P - Metric, quy định loại lốp dành cho xe chuyên chở khách như ô tô, minivan, xe bán tải và các loại xe SUV. Ngoài ra bạn sẽ có thể gặp một số ký hiệu khác như "ST" (Special Trailer) - lốp dùng cho ô tô, thuyền, các loại xe moóc đa dụng hay "T" (Temporary Spare) - lốp dự phòng. Tuy nhiên, không phải lúc nào kí hiệu loại lốp cũng nằm ở đầu dãy, ví dụ như ký hiệu "LT" (Light truck). Nếu nó quy định loại lốp dùng cho các xe tải nhỏ như xe SUV, bán tải tải trọng 700kg - 1 tấn thì sẽ nằm ở đầu dãy mã nhưng nếu là ở cuối, chẳng hạn như trong 9.5-16.5 LT121/117R thì lại là lốp được thiết kế cho xe tải chuyên chở nặng.
- 215: Đó là Tire width (215) – chiều rộng được đo từ thành lốp bên này đến thành lốp bên kia, đơn vị mm.
- 65: Aspect ratio (65) là tỷ lệ giữa chiều cao của lốp (đo từ vành bánh xe đến mặt gai lốp) với chiều rộng của lốp như ở trên. Số 65 có nghĩa là chiều cao thành lốp bằng 65% chiều rộng lốp. Con số này càng thấp đồng nghĩa với việc thành lốp càng ngắn.
- R: Construction type (R) - ký hiệu cấu trúc bên trong của lốp. Chữ "R" là viết tắt của lốp radial, loại lốp phổ biến nhất. Ngoài ra, bạn có thể sẽ gặp các ký hiệu khác như "D" là loại bias ply hay "B" – lốp belted.
- 15: Wheel diameter (15) là đường kính mâm tính theo đơn vị inch (1 inch = 2.54 cm). Phổ biến của kích thước này luôn là những con số tròn từ 8 đến 28, được gọi là kích thước "inch rim", thường gặp ở lốp xe chở khách, bán tải tải trọng nhỏ, minivan và van.
- Nhưng bên cạnh đó, cũng có những con số lẻ như 14.5, 15.5, 16.5, 17.5 và 19.5 (ví dụ trong 33x12.5R16.5 118R). Kích thước này chỉ có ở lốp các loại xe moóc và bán tải tải trọng lớn.
- 98: Load index (98) – chỉ số tải trọng cho ta biết tải trọng tối đa mà lốp có thể chịu được khi đã được bơm đầy. Như chiếc lốp trên có nghĩa nó chịu được 750kg.
- H: Speed rating (H) - tốc độ tối đa mà xe có thể đạt được khi chiếc lốp đó đã được lắp đặt vào phương tiện, được ký hiệu dưới dạng một chữ cái. Cũng như chỉ số tải trọng, mỗi mức tốc độ sẽ tương ứng với một chữ cái từ A – Z theo độ lớn tăng dần (bảng dưới). Và lưu ý, tốc độ trên chỉ được áp dụng khi lốp hoàn toàn không bị hỏng, non hơi hay xe đang phải vận chuyển quá nặng.
2. Mã DOT
Dòng mã thứ hai trên lốp cũng mang những thông tin cực kỳ quan trọng được bắt đầu bằng "DOT" và số hiệu lốp - TIN (Tire Identification Number). Ví dụ: DOT 4B08 4DHR 2910.
DOT là viết tắt của Bộ Giao thông vận tải, xác nhận lốp đã qua sự kiểm duyệt của Bộ theo các tiêu chuẩn an toàn cho xe có động cơ. Sau DOT là số hiệu lốp với các nhóm mã.
Nhóm mã đầu tiên (4B) với từ hai đến ba ký tự có thể là số hoặc chữ, là mã của nhà máy sản xuất lốp. Nhóm mã thứ hai (08) với không quá hai ký tự, quy định kích thước lốp. Nhóm mã thứ ba (4DHR) không quá bốn ký tự là mã tùy chọn do nhà sản xuất đặt theo kích thước hay đặc tính của lốp. Với người tiêu dùng, ba nhóm mã này không hữu dụng như nhóm cuối cùng.
Nhóm mã cuối cùng (2910) cho ta biết thời gian sản xuất của lốp. Kiểu viết bốn số này được dùng cho lốp sản xuất từ sau năm 2000, hai số đầu tiên chỉ tuần, hai số còn lại chỉ năm.
Như trong ví dụ là tuần thứ 29 của năm 2010.
3. Mã UTQG - chỉ chất lượng lốp
UTQG (The Uniform Tire Quality Grading) là Hệ thống phân hạng chất lượng lốp đồng nhất được thành lập bởi Cơ quan An toàn giao thông quốc gia Hoa Kỳ NHTSA, dựa trên 3 tiêu chuẩn:
- Treadwear (Treadwear 240) - độ kháng mòn, là chỉ số so sánh viết dưới dạng ba số, dùng để dự đoán tuổi thọ của lốp. Vật thể được so sánh là một loại lốp chuẩn được kiểm duyệt, với độ kháng mòn là 100. Con số 240 có nghĩa chiếc lốp trên có độ kháng mòn bằng 240% so với lốp đối chứng.
Tuy nhiên, cần làm rõ rằng mỗi hãng sẽ có một tiêu chuẩn riêng, nên Treadwear sẽ chỉ được dùng để so sánh lốp trong cùng một hãng mà thôi.
- Traction (Traction A): độ bám đất của lốp, bao gồm 4 mức độ AA, A, B và C (AA là mức cao nhất). Một chiếc lốp nếu bị đánh giá ở mức dưới C tức là chưa đủ tiêu chuẩn để được đưa vào sử dụng cho các phương tiện giao thông.
- Temperature (Temperature A) - mức chịu nhiệt của lốp, là khả năng lốp có thể chịu lượng nhiệt sản sinh ở tốc độ cao cũng như khả năng tỏa nhiệt hiệu quả. Mức chịu nhiệt được xếp theo thang từ A đến C, trực tiếp ảnh hưởng đến khả năng lốp có thể chạy được ở tốc độ cao như thế nào.
Ở Mỹ, bất kỳ chiếc lốp nào được bán ra đều phải có mức chịu nhiệt được đánh giá từ mức C trở lên, tức là ít nhất phải chịu được tối đa 85mph.
Bạn thấy đấy, riêng lốp xe thôi cũng có rất nhiều thông tin thú vị mà ta chưa biết. Vậy mới nói kiến thức là vô biên, và chỉ có tìm tòi trau dồi chúng ta mới có thể làm mới được bản thân thôi.