Thứ Ba, 3 tháng 9, 2019

Cách phòng và chữa chóng mặt

Tùy nguyên gây chóng mặt, có thể điều trị bằng thuốc tuần hoàn não, liệu pháp tâm lý hay châm cứu và xoa bóp bấm huyệt.
Chóng mặt không phải một bệnh mà là triệu chứng hoặc hội chứng của bệnh lý nào đó mà người bệnh mắc phải.
 Chóng mặt không phải một bệnh mà là triệu chứng hoặc hội chứng của bệnh lý nào đó mà người bệnh mắc phải. (Ảnh: Everyday Health).
Chóng mặt là biểu hiện phổ biến trong đời sống thường ngày, có thể xảy ra với mọi người, mọi lứa tuổi và mọi nơi. Người bệnh có cảm giác đồ vật xoay quanh mình, bản thân mình xoay quanh đồ vật hoặc cảm giác bị dịch chuyển trong không gian khi quay đầu.

Chóng mặt có nhiều nguyên nhân khác nhau, xuất phát từ hệ thần kinh, tai mũi họng, mắt, răng hàm mặt, cơ xương khớp, tim mạch... Ba nhóm nguyên nhân chính là chóng mặt do tiền đình, do căng thẳng tâm lý, do các bệnh nội khoa.(*)
Chóng mặt do tiền đình liên quan đến bệnh lý của cơ quan tiền đình ở tai trong, gây ra triệu chứng chóng mặt quay cuồng dữ dội, có thể kèm buồn nôn, ói, da tái xanh. 
Chóng mặt do căng thẳng tâm lý và các bệnh nội khoa thường thấy chao đảo, xây xẩm, choáng váng có thể kéo dài.
Dựa trên những nguyên nhân gây ra chóng mặt, các bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân nên điều trị bằng phương pháp nào.
Y học hiện đại thường dùng liệu pháp hóa dược như thuốc điều hòa tuần hoàn não, ức chế hệ tiền đình, an thần, chống nôn... phối hợp với bài tập tiền đình, liệu pháp tâm lý. Một số trường hợp phải phẫu thuật.
Với y học cổ truyền, nguyên nhân chóng mặt thường là do can hỏa vượng, đàm ẩm thủy thấp ứ đọng, khí huyết không lưu thông vùng đầu mặt, hoặc nuôi dưỡng não tủy kém... xuất phát từ tâm lý uất ức, giận dữ, ngoại cảm, nội thương, ẩm thực không điều độ. Do đó, điều trị chóng mặt thường dùng phối hợp các vị thuốc có tính thanh can - giáng hỏa, trừ đàm táo thấp, hoạt huyết khử ứ, thông kinh lạc, bổ khí huyết.
Phương pháp châm cứu và xoa bóp bấm huyệt giúp cải thiện chóng mặt với một số huyệt thường được thầy thuốc áp dụng như Nội quan, Phong trì, Hợp cốc, An Miên, Thái Khê, Thái Xung, Thính Cung... có tác dụng thúc đẩy lưu thông khí huyết, an thần.
Để phòng ngừa chóng mặt tái phát,  người bệnh cần có lối sống lành mạnh, sắp xếp công việc khoa học, tránh quá tải. Tập thể dục thường xuyên khoảng 20-30 phút mỗi ngày hoặc thử một số kỹ thuật như yoga, thở sâu, thiền định giúp giảm stress.
  • Không ăn nhiều thức ăn dầu mỡ, quá mặn hay quá ngọt.
  • Uống đủ nước, hạn chế đồ uống chứa cafeine như trà, cà phê. 
  • Ngủ đủ giấc, không thức khuya, không sử dụng các thiết bị điện tử trước khi đi ngủ.
Khi bị chóng mặt, người bệnh cần đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám toàn diện và tiến hành các xét nghiệm giúp chẩn đoán nguyên nhân chính xác để điều trị bệnh hiệu quả.
(theo khoahoc.tv) 

----------------------------------------------------------------------------------------------------
(*)Chóng mặt là tình trạng thường gặp và có nhiều nguyên nhân, vì vậy bạn không nên xem thường.

1. Tăng thông khí phổi

Một nguyên nhân phổ biến gây chóng mặt là tăng thông khí tức là bệnh nhân có xu hướng thở nhanh và sâu hơn mức cần thiết. Những người bị tăng thông khí phổi thường thấy mất thăng bằng hoặc có cảm giác như sắp xỉu. Ở một số người, chóng mặt có thể ngày càng trầm trọng, không thể đoán trước và thường liên quan tới tư thế hoặc hoạt động cụ thể mà họ đang làm. Kèm theo chóng mặt, những người bị tăng thông khí cũng bị hồi hộp, đầy bụng và yếu.
Chóng mặt là hiện tượng phổ biến nhưng chúng ta thường không biết nguyên nhân.
Chóng mặt là hiện tượng phổ biến nhưng chúng ta thường không biết nguyên nhân.

2. Huyết áp thấp

Những người bị huyết áp thấp thường cảm thấy chóng mặt khi huyết áp giảm xuống dưới mức bình thường. Ngoài ra, họ cũng sẽ cảm thấy chóng mặt khi đứng lên đột ngột. Điều này xảy ra vì huyết áp giảm xuống khi bệnh nhân đứng lên. Nó được gọi là hạ huyết áp tư thế đứng và chóng mặt là triệu chứng phổ biến nhất của tình trạng này.

3. Thiếu máu trầm trọng

Những bệnh nhân bị thiếu máu nặng thường bị chóng mặt sau khi tập luyện hoặc gắng sức. Họ cũng có thể bị mất thăng bằng.

4. Bệnh tim

Bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim hoặc nhịp tim bất thường và bệnh tim nguyên phát thường cảm thấy đau đầu.
Những người bị rối loạn nhịp tim cũng thường bị chóng mặt.
Những người bị rối loạn nhịp tim cũng thường bị chóng mặt.

5. Thuốc kê đơn

Nhiều loại thuốc có thể gây mất thăng bằng nhưng mọi người thường không nhận thấy mối liên quan giữa việc dùng một loại thuốc mới hoặc dùng với liều cao hơn và hiện tượng chóng mặt.

6. Suy giáp

Suy giáp thường đi kèm chóng mặt và có thể tiến triển từ mất thăng bằng từng cơn nhẹ tới mất điều hòa cơ thể, khi đó bệnh nhân mất kiểm soát chuyển động cơ thể và có dáng đi bất thường.

7. Động kinh

Chóng mặt đi kèm với các triệu chứng máy cơ, hành vi kỳ cục, hành động vô thức và chứng quên ngược chiều có thể cũng là dấu hiệu của động kinh.
Nếu thường bị chóng mặt do tâm lý, đây có thể là biểu hiện của rối loạn tâm thần.
Nếu thường bị chóng mặt do tâm lý, đây có thể là biểu hiện của rối loạn tâm thần.

8. Bệnh Meniere

Chóng mặt xảy ra đồng thời với điếc có thể là dấu hiệu chỉ báo bệnh Meniere hoặc bệnh tiền đình.

9. Rối loạn tâm thần

Nếu một người thường xuyên cảm thấy chóng mặt và bị chóng mặt do tâm lý, đây có thể là biểu hiện của rối loạn tâm thần. Điều này chỉ được khẳng định sau khi bệnh nhân thực hiện những bài kiểm tra mô phỏng chóng mặt và có kết quả bình thường.

10. Hội chứng thiếu hụt đa giác quan

Bệnh nhân mắc bệnh này thường bị mất thăng bằng. Tình trạng này chủ yếu thấy ở người cao tuổi có những bệnh khác, khiến cho họ khó di chuyển nếu không được hỗ trợ. Suy giảm thị lực, điếc, phẫu thuật chỉnh hình gây đau và yếu cơ thường ảnh hưởng tới cảm giác của người già về không gian và chuyển động, ảnh hưởng tới sự tự tin khi đi bộ.